23/05/2020
1162
Đức Cha Phêrô suy niệm CN Chúa Thăng Thiên: CÁI NÔI LOAN BÁO TIN MỪNG


 














 

CÁI NÔI LOAN BÁO TIN MỪNG

Lễ Thăng Thiên – Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20  


 

1. Trong bốn tác giả Sách Tin Mừng, thánh Luca là người quan tâm đặc biệt đến sự kiện Chúa Giêsu lên trời. Ngài kể lại sự kiện này hai lần, một lần trong phần kết thúc Sách Tin Mừng (Lc 24,50-51), một lần trong phần mở đầu Sách Tông Đồ Công Vụ (1,6-11). Ngài cũng là người duy nhất ghi lại chi tiết này : “Đang lúc các môn đệ còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1,11). Như thế, thánh Luca không chỉ kể lại sự kiện Chúa Giêsu lên trời nhưng còn nhắc nhở các tín hữu phải sống niềm tin vào Chúa Giêsu lên trời như thế nào. Tin vào Chúa Giêsu thăng thiên không có nghĩa là đứng đó đăm đăm nhìn trời, nhưng là quay về trần thế này và thi hành lệnh truyền của Thầy : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Cụm từ “hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” khiến chúng ta lập tức nghĩ đến bước chân của các vị thừa sai, đi khắp năm châu bốn bể, loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu. Đúng như thế nhưng xin đừng quên rằng những bước chân thừa sai đó đã được hình thành và uốn nắn từ trong mái ấm gia đình. Gia đình chính là cái nôi của công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân, và Lời Chúa hôm nay nhắc nhở các gia đình Công giáo về sứ mệnh quan trọng này.

 

2. Ngày 18/5/2020 vừa qua là ngày kỷ niệm 100 năm sinh nhật Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng được các tín hữu Công giáo yêu mến và cả thế giới kính phục. Ngày lễ an táng ngài, người ta ví quảng trường Thánh Phêrô là thế giới thu nhỏ vì hầu như tất cả các nguyên thủ quốc gia đều có mặt ở đó. Ngày ngài qua đời, người ta nghe vang lên ở quảng trường thánh Phêrô nhiều tiếng hô “santo subito” (phong thánh ngay). Nhiều người còn đề nghị gọi ngài là Gioan Phaolô Cả, nghĩa là “vĩ đại”, vì ảnh hưởng quá lớn của ngài trên thế giới.

Nếu đặt câu hỏi vị Giáo hoàng thánh thiện và vĩ đại đó xuất thân từ đâu, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết gia cảnh của ngài. Karol Woyjtyla sinh ra trong một gia đình phải đối diện với nhiều thử thách và mất mát : mẹ qua đời khi Karol mới lên 9 tuổi; hai năm sau, người anh duy nhất của Karol cũng qua đời, chỉ còn hai cha con; khi Karol đến tuổi thanh niên thì cha cũng qua đời! Trong hoàn cảnh đó, người cha là tấm gương tuyệt vời cho Karol về đức tin, tình yêu thương, sự kiên nhẫn. Mất vợ, mất con sớm như thế, chắc chắn là nỗi đau rất lớn với người chồng người cha trong gia đình, nhưng ông không chán nản và buông xuôi, trái lại ông giữ vững niềm tin vào Chúa và hết lòng dạy dỗ đứa con còn lại nên người. Sau này, khi làm Giáo hoàng, chính Thánh Gioan Phaolô II kể lại : có những đêm, tôi chợt thức giấc, thấy cha tôi quỳ gối bên giường cầu nguyện. Và khi ngài viết thông điệp về Chúa Thánh Thần, ngài nói một trong những lý do thúc đẩy là vì ngài nhớ lại lời kinh cha ngài dạy từ khi còn nhỏ để cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Người cha của Thánh Gioan Phaolô II là minh họa cụ thể và tuyệt vời cho việc thi hành lệnh truyền loan báo Tin Mừng ngay trong gia đình, và qua người con sau này làm Giáo hoàng, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được loan báo khắp nơi trên thế giới.

 

3. Vì thế hôm nay khi mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, hãy nhớ lại lệnh truyền của Chúa : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Hãy thực thi lệnh truyền đó trước hết trong gia đình của anh chị em : (1) làm cho con cái của mình thành môn đệ đích thực của Chúa, (2) làm Phép Rửa cho con cái, chăm sóc đời sống bí tích của con cái; (3) dạy bảo con cái tuân giữ những điều Chúa dạy, quan tâm đến việc học Giáo lý của con cái.

Cách thế thực hiện lệnh truyền tốt nhất là làm chứng. Chúa Kitô Phục sinh nói với các Tông đồ : “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Cũng thế, các bậc cha mẹ Công giáo được kêu gọi làm chứng cho Chúa bằng gương sáng đời sống của mình. Người cha của thánh Gioan Phaolô II đã dạy con bằng chính chứng tá đời sống đạo đức của ông. Thánh Gioan Phaolô II giữ mãi ấn tượng về người cha quỳ cầu nguyện giữa đêm, và hình ảnh đó tác động mạnh mẽ lên đời sống của ngài. Với chúng ta thì sao? Mai sau con cái chúng ta giữ lại ấn tượng gì về chúng ta : người cha vui tươi và nhân hậu hay người cha rượu chè và đánh đập vợ con; người mẹ dịu dàng và gần gũi con cái hay người mẹ ham mê cờ bạc và ngồi lê đôi mách?

Ước mong mỗi gia đình Công giáo hãy trở thành cái nôi loan báo Tin Mừng, để từ những gia đình đó sẽ xuất hiện những Kitô hữu trưởng thành và sứ giả Tin Mừng, nhờ đó Tin Mừng Chúa Giêsu được loan báo đến tận cùng bờ cõi trái đất (x. Cv 1,8).
 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm