07/01/2022
13497
Đức Cha Phêrô suy niệm: Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C 2022


 














 


 

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14; 3,4-7; Lc 3,15-16.21-22
 

MẦU NHIỆM LIÊN ĐỚI CỨU ĐỘ

 

 

1. “Khi ấy dân đang trông đợi Đấng Mêsia” (Lc 3,15) và theo tiên tri Isaia mô tả thì Đấng Mêsia là “Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên” (bài đọc 1); còn thánh Gioan Tẩy giả loan báo: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16).

Thế nhưng thực tế thì sao? Đấng Mêsia cũng xếp hàng chung với mọi người đến xin Gioan làm phép Rửa: “Khi toàn dân chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu cũng chịu Phép Rửa”. Phép Rửa của Gioan là “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3), nay Đấng Mêsia cũng đến xin chịu Phép Rửa, vậy Ngài cũng có tội như mọi người sao? Đã vậy, Ngài có thể cứu ai? Tại sao Chúa Giêsu lại muốn chịu Phép Rửa?

2. Khi trình bày về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa của Gioan, Đức Bênêđictô XVI nhắc đến hình ảnh tiên tri Giôna. Chúa sai Giôna đi Ninivê nhưng ông lại trốn sang Tarsi, thế rồi trên chuyến tầu đi Tarsi, sóng to gió lớn nổi lên đe dọa mọi người. Người ta bắt thăm xem ai là người đã làm cho thần linh giận dữ như thế, và trúng ngay Giôna. Ông kể lại đầu đuôi sự tình và nói với mọi người trên tầu: “Hãy ném tôi xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe dọa các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này” (1,12). Người ta ném Giôna xuống biển, biển dừng cơn giận dữ, một con cá lớn nuốt Giôna vào bụng… rồi cuối cùng “mửa ông ra trên đất liền” (2,11).

Tiên tri Giôna “bị ném xuống biển” để làm dịu cơn bão và mọi người trên tầu thoát chết, đó là hình ảnh Chúa Giêsu tự nguyện hòa mình vào dòng người tội lỗi, “dìm mình trong dòng nước” để khi trỗi dậy từ dòng nước, Ngài nâng cả nhân loại lên. Sự khác biệt căn bản ở đây là Giôna đề nghị ném ông xuống biển vì ông nhận ra tội của mình, còn Chúa Giêsu tự nguyện “dìm mình xuống dòng nước” vì tình yêu nhân thế: Đấng vô tội gánh lấy tội lỗi muôn dân. Ý nghĩa này thể hiện rõ nét khi Chúa Giêsu nói: “Thầy còn một Phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50). Phép Rửa ở đây là cái chết Chúa Giêsu phải chịu, và như thế, Phép Rửa ở sông Giođan là hình ảnh báo trước cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa: “Phép Rửa là sự chấp nhận cái chết vì tội lỗi của nhân loại, và tiếng nói “Đây là Con yêu dấu của Ta” trên dòng nước rửa tội là lời báo trước sự Phục sinh. Điều này giải thích tại sao Chúa Giêsu dùng từ “Phép Rửa” để nói về sự chết của Ngài” (Jesus of Nazareth, tome 1, 18).

Mầu nhiệm liên đới cứu độ là ở đó và là định hướng xuyên suốt sứ vụ công khai của Chúa từ khi chịu Phép Rửa đến khi chết trên thập giá: liên đới với nhân loại tội lỗi để cứu độ họ, hòa giải họ với Thiên Chúa và mang sự sống mới đến cho họ.

3. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được đưa vào quỹ đạo của mầu nhiệm liên đới cứu độ: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” Để rồi, “cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Nếu đã được đưa vào quỹ đạo của mầu nhiệm liên đới cứu độ thì các Kitô hữu cũng phải sống tinh thần liên đới cứu độ ấy. Tinh thần ấy khước từ lối sống cá nhân chủ nghĩa và cổ võ lối sống đồng cảm và đồng hành như Hiến chế mục vụ khẳng định rõ ràng: “Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người, nhất là của người nghèo và bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS, 1).

Đồng thời, cụm từ “liên đới cứu độ” cũng xác định rõ mục đích của liên đới là gì.  Từ solidarity được giới Công giáo dịch là ‘liên đới’ nhưng ngoài đời dịch là ‘đoàn kết’. Đoàn kết là một từ trung tính, nên vấn đề là đoàn kết để làm gì, nhắm mục đích gì? Các băng đảng cũng phải đoàn kết với nhau mới có thể thực hiện trót lọt các phi vụ làm ăn chứ! Thành thử ra có cả sự đoàn kết để làm điều ác, và biết đâu lại có cả thứ ‘đoàn kết’ để loại trừ Đấng Cứu độ! Cụm từ “liên đới cứu độ” xác định rõ ràng mục đích của liên đới là cứu độ, chữa lành, phục vụ sự sống. Vì thế Hiến chế mục vụ sau khi khẳng định tình liên đới, đã trình bày tầm nhìn Kitô giáo về con người, và từ tầm nhìn ấy, khai triển suy nghĩ về những vấn đề lớn của nhân loại như gia đình, xã hội, kinh tế, hòa bình thế giới. Hướng đi ấy cũng phải là hướng đi của mỗi người trong Hội Thánh để thực sự là người sống trong quỹ đạo của mầu nhiệm liên đới cứu độ.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm