02/05/2020
1315
Đức Cha Phêrô suy niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh
















 

ƠN THIÊN TRIỆU

Chúa Nhật IV Phục Sinh - Cv 2,24a.36-41; 1Pr 2,20-35; Ga 10,1-10  



 

Chúa nhật IV Phục sinh được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành và bài Tin Mừng trong Thánh Lễ luôn được trích ra từ Tin Mừng Gioan chương 10 về Mục tử nhân lành. Từ năm 1963, dưới thời Đức Phaolô VI, Chúa nhật IV Phục sinh cũng được chọn là Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu, mời gọi toàn thể Hội Thánh ý thức về sự cao quý của ơn thiên triệu và cầu nguyện cho có nhiều người trẻ quảng đại và can đảm đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, nhất là trong hoàn cảnh thế giới ngày nay.

1. Trong mùa dịch bệnh Covid-19, có một linh mục Việt Nam ở Hoa Kỳ được nhiều người biết tới vì linh mục này cũng là một bác sĩ, và khi thống đốc bang New York lên tiếng kêu gọi các bác sĩ khắp nơi đến giúp đỡ, linh mục này đã đáp ứng lời kêu gọi, tạm rời nhiệm sở để đến làm việc tại một bệnh viện của New York.

Cũng từ câu chuyện này, tôi có cuộc trò chuyện với một bạn trẻ:

- Thưa cha, vậy là ông cha này có hai nghề: bác sĩ và linh mục?

- Không, ông ấy chỉ có nghề bác sĩ thôi, còn linh mục không phải là một nghề.

- Tại sao?

- Giả như con quyết định kết hôn, con có nghĩ rằng làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ sau này là một nghề không?” Không!

- Người ta làm nghề 8 tiếng/ngày, rồi về với đời sống riêng của mình; con có nghĩ rằng khi kết hôn, con cũng làm chồng hay vợ, làm cha làm mẹ 8 tiếng/ngày không, hay là suốt ngày và suốt đời?”

- Người ta làm nghề để lĩnh lương cuối tháng lo cho bản thân và gia đình, còn con làm chồng hay vợ, làm cha làm mẹ có được lĩnh lương không, hay ngược lại, đem lương về để lo cho gia đình?”

Như thế, đời sống hôn nhân đâu phải là một nghề nhưng là một ơn gọi, và ngay cả những người không có tôn giáo cũng nói đến “thiên chức làm mẹ”, hết sức cao quý. Chính Đức Phanxicô đã nói với các người trẻ như thế: “Người trẻ cảm thấy tiếng gọi của tình yêu rất mãnh liệt; họ ước mơ gặp đúng người để xây dựng một gia đình và sống chung với nhau. Rõ ràng đây là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa kêu mời qua những tình cảm, những khát vọng và ước mơ của người trẻ” (Christus vivit, 259). Ngài còn nói thêm: “Cha thích nghĩ rằng hai người Kitô hữu kết hôn với nhau nhận ra nơi chuyện tình của mình lời mời gọi của Chúa, đó là ơn gọi kết hợp hai người, một nam một nữ, thành một thân xác, một cuộc sống duy nhất” (260).

2. Tương tự như thế và rõ nét hơn thế, làm linh mục tu sĩ không phải là một nghề nhưng là một ơn gọi, ơn thiên triệu. Gọi là ơn thiên triệu vì tiếng gọi đó đến từ Thiên Chúa. Ngày xưa Chúa Giêsu đã lên tiếng kêu gọi những người trẻ có tên là Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi một số người trẻ vào đời sống linh mục, tu sĩ như thế. Tiếng gọi có thể đến bằng nhiều cách: những thúc giục nội tâm, một trang Sách Thánh, chứng tá đời sống của một linh mục, sự quý trọng những việc thánh mà linh mục cử hành, niềm khao khát đi tìm lý tưởng đời sống… Và ở đây có trách nhiệm của mọi Kitô hữu, nhất là các linh mục tu sĩ, và những bậc cha mẹ trong các gia đình Công giáo, trách nhiệm làm vang lên tiếng gọi của Chúa: “Nếu chúng ta xác tín rằng Chúa Thánh Thần vẫn khơi dậy những ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta có thể một lần nữa nhân danh Chúa mà hoàn toàn tin tưởng thả lưới. Chúng ta có thể dám và phải làm điều này: nói với mỗi người trẻ hãy tự hỏi xem mình có thể đi theo con đường đó không” (Ibid., 274).

Trong thực tế, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến người trẻ không nghe được tiếng gọi của Chúa như Đức Phanxicô nhận xét: “Ngày nay, mối lo âu và nhiều quyến rũ dồn dập tấn công chúng ta khiến không còn chỗ cho sự thinh lặng nội tâm để có thể nhận ra ánh mắt của Chúa đang nhìn và nghe được tiếng gọi của Người” (277). Theo đó, nguyên nhân khách quan là những lo âu và quyến rũ dồn dập bên ngoài, và nguyên nhân chủ quan là thiếu sự thinh lặng trong tâm hồn. Vì thế để có thể nghe được tiếng Chúa gọi, người trẻ phải “tìm nơi yên tĩnh và thinh lặng để suy tư, cầu nguyện, nhìn kỹ thế giới quanh con, và rồi cùng với Chúa Giêsu, con sẽ nhận ra ơn gọi của mình trong thế giới này” (277).

3. Đáp lại tiếng gọi của Chúa để lãnh nhận và tiếp nối sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17). Vì là tiếp nối sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu nên các linh mục phải thi hành sứ vụ mục tử với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu.

Phải thi hành sứ vụ mục tử với Chúa Giêsu vì Chúa đã phán: “Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,7). Chỉ có Chúa mới là Mục Tử và nguồn ơn cứu độ, còn linh mục là người được vinh hạnh chia sẻ chức năng mục tử của Chúa Giêsu, để chuyển thông ân sủng của Chúa đến cho đoàn chiên, vì thế linh mục phải không ngừng gắn bó với Chúa.

Phải thi hành sứ vụ mục tử như Chúa Giêsu nghĩa là linh mục phải chăm sóc đoàn chiên theo mô hình Mục Tử Giêsu, Đấng “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10): không chiếm hữu nhưng là cho đi, không thống trị nhưng là phục vụ, không phá hủy nhưng xây dựng.

Như thế, cầu nguyện cho ơn thiên triệu là cầu nguyện cho có nhiều người trẻ đáp lại tiếng Chúa gọi, đồng thời cầu nguyện cho những người đã đáp lại tiếng gọi, sẽ có can đảm để sống ơn gọi linh mục tu sĩ cách trọn vẹn theo gương của Mục Tử Giêsu.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm