22/12/2016
1679
Trường Khuyết Tật Nhân Ái tham dự Lễ hội Giáng sinh 2016 –“Đến để yêu thương”, 17.12.2016

 









































 

         Đề tài yêu thương rất quen thuộc, nhưng lại luôn mới mẻ đối với ai ước ao một cuộc sống đúng nghĩa. Nhu cầu yêu và được yêu thương luôn rực cháy trong con tim mỗi người. Có lẽ vì lý do này mà Caritas Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn lễ hội Giáng Sinh 2016 mang tên: “Đến để yêu thương 2016, dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt, đó là những em khuyết tật, mồ côi… những người được gọi là người nghèo”. Lễ hội diễn ra hàng năm, dư âm của lễ hội ảnh hưởng và tác động đến cuộc sống của các em. Đến với lễ hội “trẻ vui và hạnh phúc được đáp ứng các nhu cầu, được hưởng các quyền của trẻ em. Có thể nói, động lực Yêu Thương đã thu hút gần 4000 các em khuyết tật, mồ côi… và trên 1700 tình nguyện viên tham gia Lễ Hội Giáng Sinh năm nay. Đến để yêu thương: yêu thương là phục vụ, chăm sóc; là cảm thông, chia sẻ; là tôn trọng và làm cho đối tượng vui, hạnh phúc.

         Những hình ảnh đẹp của Ban Tổ Chức, những tình nguyện viên, các cô chú tại các gian hàng ẩm thực, trò chơi, của quý Cha, Quý Soeurs, quý thầy cô, các bạn ở những đơn vị khác… đã kết thành món quà quý giá để các em tiếp thêm sức, ý chí để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

1.Yêu thương là phục vụ -chăm sóc

         Sự tiếp đón ân cần, thân thiện của ban tổ chức và các tình nguyện viên luôn thu hút các em đến lễ hội Giáng Sinh. Có em chia sẻ “Chưa bao giờ trong đời được vui như ngày hôm nay,” cách phục vụ của Ban Tổ Chức và mọi người rất tận tình, chu đáo. Tình yêu thương phục vụ không giới hạn hay phân biệt. Một ý kiến khác: “Qua lễ hội này cho em thấy những tấm lòng quảng đại, hy sinh, phục vụ luôn quan tâm đến những người kém may mắn, không có sự phân biệt tôn giáo”. Đối với người phụ trách đơn vị tham gia lễ hội chia sẻ: “Điều sâu sắc nhất mà tôi nhận được trong lễ Hội Giáng Sinh là cách phục vụ của quý vị: nghiêm túc, chu đáo và  thân tình.

2.Yêu thương là cảm thông – chia sẻ

         Là những người khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính, mồ côi… các em không chỉ khiếm khuyết về thể lý mà còn khiếm khuyết về tinh thần. Tuy nhiên, thái độ ân cần, vui vẻ, những nụ cười thân thiện của ban tổ chức, các tình nguyện viên đã xóa tan đi những tâm trạng mặc cảm, tự ti, sợ sệt… của các em. Để trên môi của mỗi em luôn nở nụ cười rạng rỡ, tươi vui. Chị Hoa trong ban trật tự -giáo xứ Thuận Phát chia sẻ: “Tham gia lễ hội, gặp các em khuyết tật mà thấy mình hạnh phúc. Thấy các em không thể nói, nghe, đi lại được… mà các em vui. Vậy từ nay, trong cuộc sống, mình chẳng có gì để mà than khổ nữa”. Như em Trần Văn Bàng bị khiếm thị, thuộc mái ấm Thiên Ân nói: “Em rất vui, đến đây em cảm nhận được bầu khí giống như một gia đình”. Chính bản thân các em cảm thấy vui vì có nhiều bạn cùng “cảnh ngộ”. Các em vui, hạnh phúc vì nhận được sự quan tâm, thông cảm của nhiều người.

3. Yêu thương là làm cho người khác vui

         Nhắc đến lễ hội ai cũng náo nức, vì trong thành phần tham gia ai cũng muốn làm gì để mang lại niềm vui cho các em. Một người phụ trách chia sẻ: “Tinh thần phục vụ của ban tổ chức và cộng tác viên, làm cho người phụ trách cảm nhận, họ muốn làm điều gì tốt nhất để lễ hội Giáng Sinh đem lại niềm vui lớn nhất cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Để đạt được điều đó, họ không quản ngại hy sinh.” Nhìn những ánh mắt rạng rỡ, tiếng cười giòn tan của các em mới biết các em tuy không nghe, không nói, không nhìn thấy… nhưng trong các em vẫn có những cảm xúc yêu đời, yêu cuộc sống và quý mến những ai đến với các em bằng tình yêu thương sâu lắng. Đó cũng là điều nâng đỡ những người phụ trách trong công tác nuôi dạy-giáo dục các em. Như lời của Soeur Maria Oanh, trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật Thị Nghè: “Các em tham dự lễ hội về cảm thấy rất vui và nói rằng: Người ta lo cho mình, cho mình những món ăn mình thích.” Soeur còn nói tiếp: “Các em rất nghiêm chỉnh, biết điều không được làm thì không làm, các em trưởng thành hơn và kỷ luật khi tham gia lễ hội Giáng Sinh.” Đúng vậy, đến với lễ hội các em học hỏi được nhiều điều, bài học quý giá nhất đó là bài học yêu thương. Sống biết quan tâm đến người khác và làm cho họ vui, hạnh phúc.

4. Yêu thương là trở nên giống người yêu

         Quả thật, đến lễ hội Giáng Sinh các em được hòa mình trong bầu khí yêu thương, đồng cảm và sẻ chia của mọi người. Niềm vui như òa vỡ qua những tiếng cười, tiếng vỗ tay rộn rã hòa theo điệu nhạc với chú Minh Quân. Cảm nhận được yêu thương, được chăm sóc, được tôn trọng… thật hạnh phúc biết bao.

         Hôm nay, thật là ngày đáng ghi nhớ hơn thế nữa. Ngày mà chính Thiên Chúa xuống thế làm Người như chúng ta, không chỉ là người mà là người nghèo. Chúa đã trở nên nghèo vì yêu thương chúng ta. Yêu thương là trở nên giống người yêu. Bởi vậy, niềm vui lễ hội Giáng Sinh không chỉ dừng lại trên những cảm xúc tức thời, mau quên. Nhưng được ghi dấu nơi con tim mỗi người, đặc biệt các em khuyết tật, mồ côi… cảm giác về sự gần gũi, ấm áp và về lòng từ ái của Thiên Chúa. Chúa sinh ra nơi nghèo hèn, sống thân phận người nghèo. Điều đó nâng đỡ cho chúng ta và cách riêng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt hôm nay. Chúng ta cảm nhận rằng mình không cô độc, rằng cuộc sống của chúng ta có một ý nghĩa, rằng có ai đó đang săn sóc và hướng dẫn đường lối cho chúng ta.

         Lễ hội Giáng Sinh đã khép lại nhưng trong tim mỗi em khuyết tật, mồ côi… đang rộn lên những ca khúc yêu thương, những ánh mắt trìu mến đầy cảm thông của ban tổ chức, của các tình nguyện viên và mọi người tham gia lễ hội. Các em trở về mái ấm của mình mà lòng vẫn ước mong hẹn gặp lại nhé…! Ước mong rằng, không chỉ Caritas Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Mình mà chính chúng ta hãy hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô “đừng quên kho tàng quý giá của Giáo Hội là những người nghèo. Đó là những em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật, mồ côi… hãy giữ gìn, yêu thương và săn sóc như chúng ta cư xử với người thân yêu trong gia đình.

Sr. Mary

Gp. Mỹ Tho