26/12/2019
477
Suy niệm Lễ Thánh Gia Thất - năm A_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thánh Gia Thất năm A

Lời Chúa: Lc 2,41-52

 

Chúa Giêsu đến trong trần gian, Ngài đến hoàn toàn như một con người. Ngài đến nhờ một người mẹ và một người cha như mọi người. Ngài được sinh ra trong một gia đình, có cha, có mẹ, nhưng một điều khác biệt là Giuse chỉ là cha nuôi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Mẹ Maria cưu mang Ngài do ơn Chúa Thánh Thần như lời thiên thần truyền tin. Trong suốt thời gian rao giảng, Ngài ít khi nói đến gia đình, và có lúc Ngài lại tuyên bố: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa là cha, là mẹ, là anh chị em của Ta”. Ngài chú ý đến một gia đình lớn hơn, là gia đình của những người con Thiên Chúa.

Tuy nhiên, đối với Ngài, gia đình trần thế cũng là nguồn gốc của mọi sự. Các thánh sử viết về thời thơ ấu của Chúa, chỉ viết ngắn gọn thôi. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về gia đình của Chúa, về những biến cố thời thơ ấu của Chúa qua lời tường thuật của thánh Matthêu.

Chúa Giêsu sinh ra được một thời gian ngắn thì các đạo sĩ Đông phương đến tìm Ngài để thờ lạy, nhưng đó lại là một tai họa cho Ngài.

Các đạo sĩ, theo sự hướng dẫn của một ngôi sao lạ, đến Giêrusalem, ngôi sao bỗng biến mất. Các ông phải tìm hỏi, lại gặp ngay vua Hêrôde. Vua nhờ các kinh sư chỉ cho biết, theo Kinh Thánh, thì Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Vua chỉ cho họ đi Belem và căn dặn: “Hãy trở về cho trẫm hay để trẫm cũng đến triều bái vua mới sinh đó”. Nhưng vua Hêrôđê định chuyện khác. Và sau đó truyền lệnh giết tất cả các trẻ em trong thành Bêlem từ một tuổi  trở xuống. Nhưng con người tính không bằng Chúa tính. Đang đêm, thiên thần báo mộng cho Giuse mang Chúa Hài Nhi trốn sang Ai Cập, thoát khỏi bàn tay của vua độc ác đó.

Câu chuyện của gia đình Đức Mẹ sang Ai Cập mang nhiều ý nghĩa thần học, nhưng ở đây, chúng ta chỉ suy nghĩ đến gia đình của Đức Mẹ thôi.

Mẹ Maria phải mang con đi lánh nạn sang Ai Cập cho thấy, Mẹ Maria phải gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống không dễ dàng êm đẹp mãi được. Từ Bêlem sang Ai Cập, con đường dài hơn năm chục cây số. Sống nơi xa lạ, thánh Giuse phải cực khổ nhiều để nuôi sống gia đình. Sau đó, đến khi Hêrôđê băng hà mới trở về. Nhưng trở về Bêlem thì không yên tâm, Giuse phải đưa Mẹ Maria và Chúa Hài nhi về Nadaret, lại phải đi một con đường dài hơn một trăm năm chục cây số, đường đèo núi hiểm trở. Chúng ta thấy rằng cuộc sống của thánh gia không dễ dàng. Nhưng chúng ta chắc chắn rằng, gia đình đó lại là một gia đình hạnh phúc. Nghèo nhưng hạnh phúc.

Tại sao chúng ta có thể nghĩ như thế? Hạnh phúc gia đình không phải là do tiền bạc hay nhà cao cửa rộng, mà do sự thánh thiện. Những con người thánh thiện mới hạnh phúc. Chúng ta có thể khẳng định như thế. Đa số người đời chỉ nghĩ rằng cần phải nhiều tiền, đầy đủ tiện nghi, muốn gì được nấy mới hạnh phúc. Nhưng ngược lại, những người giàu có thì có thể sung sướng phần xác, nhưng chưa chắc đã hạnh phúc. Và hơn nữa, tiền bạc nhiều càng khốn khổ vì con người có tiền thường tìm cách hưởng thụ, xem gia đình như một nơi dừng chân mà thôi. Sự giàu sang phải đi đôi với lòng đạo đức mới có thể đạt đến hạnh phúc.

Hơn nữa, ai cũng biết rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc, nhưng là tình yêu. Gia đình Nadaret, tuy nghèo nhưng ai trong gia đình cũng thánh thiện, ai cũng hết tình yêu thương nhau. Hai yếu tố căn bản của hạnh phúc gia đình. Hơn nữa gia đình Nadaret lại có một kho tàng quí giá nhất đó là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xem chung quanh ta, có mấy gia đình tìm được hai yếu tố căn bản đó? Chỉ những gia đình có Chúa ở giữa mới trông cậy hạnh phúc. Gia đình chúng ta có những yếu tố đó không?

Trong thế giới hôm nay, gia đình đang bị đe dọa và dễ bị tan rã. Nạn phá thai tàn lan, ly dị, ăn chơi trác táng, đồng phái tính, khai thác phụ nữ như món hàng, đời sống tự do phóng túng… đang tàn phá các gia đình. Satan tìm hết mọi cách để tàn phá gia đình nó biết gia đình là nền tảng của xã hội và của Giáo Hội.

Giáo Hội luôn quan tâm đến gia đình. Các Đức giáo hoàng luôn kêu gọi bảo vệ những giá trị của hôn nhân, của gia đình, giáo dục giới trẻ và trẻ em trong con đường đạo đức.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho gia đình mình trước tiên và cho các gia đình. Cầu xin cho nền văn mình sự sống được lan truyền sâu rộng hơn. Thánh gia thất vẫn là gương mẫu sống động cho chúng ta. Qua bao nhiêu thử thách, khốn khó, tình yêu gia đình vẫn trọn vẹn. Điều quan trọng hơn cả trong gia đình công giáo là hãy đặt Chúa làm trung tâm của mọi sự. Hãy làm mọi cách để Chúa ngự trị trong gia đình chúng ta. Lúc đó, chúng ta sẽ không sợ sệt gì cả, chúng ta có thể can đảm lướt qua mọi khó khăn, dù tai nạn hay bệnh tật, tình yêu vẫn nguyên vẹn.

Chúa Giêsu xưa đã sống trong gia đình Nadaret của Ngài, hôm nay Ngài cũng không chê gia đình chúng ta, không chê con người nhỏ hèn của chúng ta. Ngài đến sống với chúng ta trong hiện tại, cùng đồng hành với chúng ta hướng về tương lai, khi Ngài trở nên tấm bánh thánh, một của ăn, để sống với chúng ta trong những ngày đầy cơ cực nầy. Hãy ăn lấy Ngài. Phúc cho gia đình nào đều mang Chúa vào trong gia đình của mình, vì chỉ có Ngài mới là niềm hạnh phúc thật và là hạnh phúc bền vững sâu xa nhất mà thôi.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho