02/04/2020
698
Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá - năm A_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật Lễ Lá :

Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa

Lời Chúa: Mt 26,14-27,66

  
 

    Ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đọc hoặc đã đọc cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Và mỗi năm vào Tuần Thánh, Giáo Hội lại nhắc lại cuộc thương khó Chúa. Những lời Kinh Thánh nầy đã tác động trên chúng ta như thế nào?

     Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là bằng chứng của tình yêu  Thiên Chúa đối với chúng ta. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Người Con Một cho thế gian”. Thánh Phaolo lại thêm: “Đến chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người Con Một đó, lẽ nào Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? “Thánh Gioan cũng nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

     Chúa Giêsu đến trong trần gian, mang lấy xác phàm là để nói lên cho chúng ta biết, tình yêu của Chúa như thế nào. Thánh Phaolô, khi nghĩ đến tình yêu của Chúa đã thốt lên: “Ngài đã yêu tôi và đã chết cho tôi!” Ai trong chúng ta đã cảm nghiệm như thánh nhân?

    Chúng ta ai cũng biết, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã đau đớn như thế nào, nhưng gần như chúng ta chỉ biết sơ qua thôi, không mấy người đã ngồi lại để suy nghĩ, để cảm thông. Tuần thánh là dịp tốt để chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn, để biết rõ hơn tình yêu của Chúa đối với chúng ta.

    Trong cuộc khổ nạn, chúng quanh |Chúa có cả một nhóm người đông đảo. Trước hết là các môn đệ, cô Maria, người đã xức dầu trên đầu Chúa, các thượng tế và Thượng Hội Đồng Do thái, nhất là Cai-pha và Anna, Quan tổng trấn Philatô, mấy đầy tớ gái trong dinh quan, toán lính đi bắt Chúa, toán lính hành hạ tra tấn Chúa và dóng đinh Ngài, ông Simôn  kyrênê, những người phụ nữ theo Chúa, Mẹ Maria, ông Giôxép thành Arimathe. Nhưng giữa đám đông đó, mấy người đã tỏ lòng yêu mến Chúa? Chỉ vài người. Đám đông đó cỏ thể là tượng trưng cho cả thế giới. Đúng thế, cả thế giới tụ họp để chứng kiến nỗi đau kinh hoàng của Thiên Chúa Tình Yêu, trong đó có chúng ta. Vậy chúng ta là ai trong nhóm đó? Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cách chúng ta đối xử với Chúa. Đứng trước tình yêu Chúa, dửng dưng là đắc tội. Chúng ta không thể là đám đông đến để hò reo đòi đóng đinh Chúa, chúng ta cũng không thể là những ông kinh sư và Thượng Tế đầy hận thù quyết tâm tiêu diệt Chúa. Nhưng chúng ta có thể là Phêrô chối Chúa và cũng có thể là Giudà, mê tiền bạc hơn Chúa.

    Tường thuật của thánh Matthêu không chỉ nhắm kể lại những đau khổ của Chúa mà thôi, ý hướng của thánh sử sâu xa hơn: thánh sử muốn cho thấy Chúa Giêsu là Con thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, là Đấng Mêsia.

    Trước tòa án Caipha, ông nầy tìm cách để có thể kết án Chúa. Nhiều người tố cáo Chúa Giêsu, nhưng Ngài vẫn làm thinh không trả lời. Sau cùng, ông phải dùng đến danh Chúa để buộc Chúa trả lời: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: “Chính Ngài vừa nói, hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Một lời nói đầy uy nghi và long trọng. Ngài nói rõ: Ngài là Thiên Chúa.

    Trước tòa án Philatô, ông hỏi Chúa theo lời tố cáo của các thương tế: “Ông là vua dân Do thái?” Đức Giêsu trả lời: “Chính Ngà nói đó”. Và bản án ghi trên thập giá cũng ghi rõ: “GIÊSU NADARET, VUA DO THÁI”. Đây là cách ngạo mạng của Philatô, nhưng trên một bình diện khác, đây chính là lời tuyên xưng danh tính thực sự của Chúa.

    Chúng ta không thể hiểu nổi những đau đớn của Chúa từ khi bị đánh đòn cho đến lúc tắt thở trên thập giá. Đây chính là cái chết của Con Thiên Chúa chứ không là cái chết của một người tầm thường vì đất run, đá vỡ. Mồ mã bật tung… Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông nầy là Con Thiên Chúa”.

    Thiên Chúa đã nói lên tình yêu của ngài qua Người Con Một. Chúng ta đã thấy những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Chúng ta cứ dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra hay sao? Xin Chúa ban cho chúng ta một quả tim mới như Chúa đã nói qua tiên tri Êdêkien, để chúng ta không còn dửng dưng, nhưng chúng ta cùng sống cùng chết với Đấng đã yêu thương chúng ta và đã chết cho chúng ta. Chúa chết vì chúng ta đã chết. Chúa chỉ muốn chúng ta hạnh phúc với Ngài thôi, chúng ta có thấy điều đó không? Ngài không từ chối một điều gì. Ngài đã cho đi tất cả đến nỗi không còn gì để cho. Chúng ta hãy noi gương Ngài, dám cho đi, cho đi mãi mãi những gì Chúa đã ban cho chúng ta.

    Hằng ngày Chúa vẫn còn chịu chết cho chúng ta. Hằng ngày chúng ta vẫn tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trên bàn thờ, chúng ta có cảm thấy yêu mến Ngài hơn không? Chúng ta còn được hồng ân tuyệt vời là ăn lấy Ngài, để sống yêu thương như Ngài. Hãy cho đi như Ngài đã cho đi. Đó là con đường hạnh phúc Chúa dành cho chúng ta.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho