27/05/2016
1090
Tuần 9 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

Mc 12,1-12

DỤ NGÔN NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN

 

Đây là một dụ ngôn:

Ông chủ vườn nho ám chỉ Thiên Chúa.

Vườn nho đó là những gì thuộc Israel được giao phó cho họ.

Các tá điền làm vườn nho sát nhân là các thượng tế, các kinh sư và các kỳ mục nói trong Mc 11,27. Những người này có trách nhiệm về dân Israel, nhưng đã không biết làm cho vườn nho sinh hoa lợi. Họ đã ngược đãi các đầy tớ của ông chủ vườn nho là các ngôn sứ: đánh đập, hạ nhục rồi đuổi đi, giết chết… Nhân vật cuối cùng được cử đến là chính Đức Giêsu, người con yêu dấu của ông chủ (c.6. x.Mc 1,11; 9,7). Họ muốn chiếm đoạt tài sản, nên đã bắt Người, giết chết ở ngoài Giêrusalem (c.8: bên ngoài vườn nho).

Vì thế vườn nho sẽ được giao cho người khác (c.9) là các tín hữu gốc dân ngoại, không phải gốc Do Thái.

Phần Chúa Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo hội (Ngài là đá tảng góc tường).

Tin Mừng hôm nay nói về vườn nho của Chúa được giao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới.

Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do Thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu, và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Đấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng, và đòi hỏi sự cộng tác của con người.

Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại.

Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại.

Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.

Chúa Giêsu phục sinh sau biến cố Vượt qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo hội. Giáo hội và mỗi thành phần Giáo hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.

Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước trách nhiệm làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa trong đời sống chúng ta và trong Giáo hội. Chúa Giêsu là đá tảng góc tường là nền tảng và sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

Mc 12,13-17

NỘP THUẾ CHO XÊDA

 

1. Cuộc chất vấn về vấn đề nộp thuế này không nhằm mục đích tìm hiểu mà chỉ nhằm gài bẫy hại Chúa Giêsu.

2. Chúa Giêsu trả lời vừa khéo vừa rõ: “Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Nghĩa là mỗi người hãy chu toàn bổn phận đối với những người cầm quyền và đối với Thiên Chúa.

3. Đặc biệt, Chúa Giêsu còn nhắc những đối thủ của Ngài: do ý đồ gài bẫy hại Ngài, họ chỉ quan tâm đến những ý đồ chính trị. Họ hãy nhớ còn những bổn phận khác quan trọng hơn mà họ phải chu toàn, đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do Thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu  khi Ngài rao giảng ở Caphanaum(3,6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma. Còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.

Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố làm sao cho kẻ khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Đó là đường lối của con người nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.

Thật thế sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: “có được phép nộp thuế cho Cesarê không”. Vấn đề đặt ra xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy. Theo họ Chúa Giêsu thuộc dòng tộc Đavít, chắc hẳn Ngài không chấp nhận quyền bính ngoại xâm, và như vậy Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho Cesarê và thế là sa bẫy họ. Lúc đó họ có lý do để bắt bớ giải nộp và giết Ngài, nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặt dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật, Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học, Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu hiệu trên đồng tiền là của Cesarê. Ngài nói tiếp “của Cesarê, trả về Cesarê, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.

Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Cesarê, thì có bổn phận đền đáp cho Cesarê. Nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ân huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài.

Chúa nhắc nhở: quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa nữa, vì con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc Cesarê, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

Mc 12,18-27

KẺ CHẾT SỐNG LẠI

 

Những người thuộc nhóm Sađốc hợp thành một phe mang tính chính trị hơn là tôn giáo. Phần đông các thành viên thuộc giới tư tế.

Hôm nay, Chúa Giêsu gặp một đối thủ là những người Sađốc. Họ không tin có sự sống lại, nên họ đặt ra một câu chuyện: một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ thế huynh, để cho thấy sống lại là một sự lố bịch.

Trả lời họ, Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào?

- Không giống cuộc sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nòi giống và vì thế không cần có vợ có chồng.

- Cuộc sống ấy “Giống như các thiên Thần”: nghĩa là không quan tâm đến gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phụng Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo ngoại bang, về mặt Tôn giáo họ rất bảo thủ. Đối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong 5 cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí Giả giảng dạy, chẳng hạn về việc kẻ chết sống lại: do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.

Thật thế, dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó, khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa có con thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nói dõi tông đường.

Họ đặt ra trường hợp một người đàn bà có 7 đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong 7 anh em người đã lấy bà làm vợ? – Những người Sađốc hỏi như thế không phải thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để đùa giỡn với sự thật mà thôi.

Chúa Giêsu biết rõ họ ngoan cố và có ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ:

- Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh thánh và quyền năng của Thiên Chúa.

- Hoàn cảnh con người sau khi sống lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này.

Chúa Giêsu nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán: “Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob”, Ngài không là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Sự sống và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa.

Lại nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô phục sinh, nên không còn phải chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.

Từ khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã sống trọn vẹn niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Đó là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ qua các dân tộc.

Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta hiểu biết và mộ mến lời Chúa dạy trong Kinh thánh, để chúng ta an tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trao dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để được sống đời đời với Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN THỨ IX THƯỜNG NIÊN

Mc 12,28b-34

ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU

 

Hôm nay, đến lượt các luật sĩ tấn công Chúa Giêsu: “Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đối với họ, đây là một câu hỏi hóc búa, vì ngoại trừ lề luật trong sách Thánh, các Thầy Rapbi còn thêm 248 điều răn, và 365 điều cấm. Người ta phân biệt khoản lớn với khoản nhỏ, điều nặng với điều nhẹ. Nguyên việc thuộc hết các giới luật đã là một chuyện rất khó, huống chi đánh giá và so sánh các điều luật đó.

Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu rất gọn gàng và rõ ràng: “Điều răn đứng đầu là … ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”; và điều răn thứ hai là: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách mới mẻ vì Ngài liên kết chặt chẽ lòng yêu mến Thiên Chúa (x. Dnl 6,5) và tình thương đối với tha nhân (x. Lc 19,18).

- Thành ngữ: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực liên quan đến lòng yêu mến Thiên Chúa chỉ cường độ và tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến đó.

- Tình thương đối với tha nhân phải đạt tới độ cao nhất, bằng tình thương đối với bản thân, vì theo chiều hướng tự nhiên ai nấy đều quí trọng yêu mến bản thân hơn tha nhân: thương người như thể thương thân.

Hai đều đó phải liên kết chặt chẽ với nhau trong cuộc sống cụ thể: bởi vì “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,13b).

Đối với lời Chúa hôm nay, chúng ta tự hỏi: “Đâu là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống của một người Kitô hữu?” và nếu chúng ta thành thật với lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe và danh vọng, kể cả việc chúng ta biểu lộ niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ. Nhưng những cách thức này chỉ mới như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc sống đạo nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân. Vậy, mối quan tâm hàng đầu của người Kitô hữu là: yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Điển hình như Thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857), khi sinh thời là một giáo dân đạo đức, có lòng bác ái, kính sợ Thiên Chúa và là một vị quan thanh liêm chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm trông coi mọi việc trong đền vua.

Trong Triều, những vị quan bị Ngài ngăn cản làm điều bất chính, đã tố cáo Ngài với Vua Tự Đức về tội theo đạo Giatô. Vì thế, Ngài đã bị đày ải, đòn vọt đớn đau vì Đức tin.

Có những vị quan quí mến đức độ của Ngài, khuyên Ngài giả vờ chối đạo rồi tiếp tục sống đạo: nhưng Hồ Đình Hy cương quyết từ chối. Ngài đã đổ máu đào chết vì Chúa tại An Hoà, Huế.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và làm chứng cho Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của con.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

Mc 12,35-37

ĐẤNG KITÔ LÀ CHÚA

 

- Bây giờ đến lượt Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ

- Họ nói Đấng Messia là Con Vua Đavít. Thế tại sao Đavít lại gọi Đấng Messia bằng Chúa (Tv 110)

- Như thế chứng tỏ rằng Đấng Messia chỉ là con của Vua Đavít về phần xác. Còn về phần thiêng liêng thì Ngài là Con Thiên Chúa và là Chúa của Đavít.

Cuộc đối đầu trực diện giữa Chúa Giêsu với các đối thủ qua đi với việc họ không còn chất vấn Ngài nữa. Bây giờ đến lượt Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ: “sao kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavit? – thế tại sao vua Đavit lại gọi Ngài là Chúa thượng?” (Tv 110,1). Trong lần chất vấn này, Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: “Con vua Đavit”.

Một truyền thống Do Thái xa xưa vẫn cho rằng: Đấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Đavit (2V 7,14-17) người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là “con vua Đavit”. Ngài không từ chối tước hiệu này, vì Ngài xuất thân từ hoàng tộc vua Đavit. Tuy nhiên Ngài không tự xưng mình bằng danh hiệu này, vì nó quá hàm hồ. Ngài muốn tránh xa quan niệm về Đấng Kitô theo kiểu chính trị. Ngài trưng dẫn thánh vịnh 110, theo đó Đấng Kitô vừa là con vua Đavit, vừa được Đavit gọi Ngài bằng “Chúa thượng”. Chính Kinh thánh đã gán cho Đấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Đavit và gọi bằng tước hiệu “Chúa”.

Sau biến cố phục sinh, các Kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu: họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm “Chúa”, Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).

Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là niềm tin kiên vững của Kitô giáo. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời Thánh Gioan: “Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa”.

Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo Thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận ra Ngài là Chúa của con. Con đã nghe biết nhiều về Ngài xin cho con đừng dừng lại ở những giáo thuyết, nhưng mỗi ngày biết khám phá ra khuôn mặt Đức Kitô luôn sống động, mới lạ qua lời Ngài trong cuộc sống.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

Mc 12,38-44

COI CHỪNG NHỮNG ÔNG KINH SƯ (cc.38-40)

ĐỒNG XU CỦA BÀ GÓA NGHÈO (cc.41-44)

 

Có hai hình ảnh xem ra rất đối chọi nhau trong đoạn Tin Mừng này:

- Hình ảnh của các luật sĩ: rất cao sang, vinh dự với áo thung, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi chỗ nhất; thế nhưng đó chỉ là cái vỏ che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ cô đơn yếu thế.

- Hình ảnh một bà góa: Nghèo tiền nghèo của chứ không nghèo tấm lòng. Chúa Giêsu coi đây là một hình ảnh đẹp nên gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy và bảo cho họ noi gương. Và điều Chúa muốn nói với các môn đệ ở đây: là giá trị của việc dâng cúng không tuỳ thuộc số lượng của cải dâng cúng, nhưng tuỳ thuộc tấm lòng thành.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta một điều rất hay và cũng rất lạ: có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra; có khi ít mà là nhiều, như ¼ xu của bà góa nghèo. Nghèo không phải ở của bỏ ra mà ở tấm lòng và sự hy sinh.

Chúa Giêsu đến để mặc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội; Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.

Khi tỏ cho chúng ta biết một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đứng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi đứng trước tội lỗi của chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.

Phần chúng ta đã hưởng nhờ của Giáo hội bao nhiêu thứ, thế nhưng tôi có ý thức góp một phần nào về tinh thần hoặc vật chất cho Giáo hội như bà góa trong Phúc Âm hôm nay không?.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con bằng một tình yêu không thể đo lường tính toán. Xin cho chúng con biết nhìn nhận phẩm giá của những người chung quanh chúng con. Nhờ đó chúng con biết chia sẻ tình yêu thương cho họ nhiều hơn.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho