21/05/2016
1085
Tuần 8 Thường Niên-Sống Lời Chúa hằng ngày

THỨ HAI TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,17-27

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

 

      Nhân vật của câu chuyện này đã gây ra hai tình cảm đối với anh, biểu lộ qua hai ánh mắt Ngài nhìn.

      Một là khi biết anh đã giữ trọn các điều răn “Ngài chăm chú nhìn anh và đem lòng thương mến” Ngài còn mời gọi anh tiến cao thêm một bước nữa là đem hết tài sản bố thí cho người nghèo rồi đi theo làm môn đệ Ngài.

      Hai là khi anh nuối tiếc của bỏ đi, Ngài cũng tiếc anh. Ngài rảo mắt nhìn chung quanh, một cái nhìn tiếc rẻ và thốt lên một chân lý: “những kẻ cậy dựa vào của cải thật khó vào nước Thiên Chúa biết bao”.

      Trong truyền thống kinh Thánh, vua Salomon vẫn được coi như mẫu người biết sống khôn ngoan bởi vì nhà vua hiểu rằng: Ai có được khôn ngoan là chiếm hữu được bí mật, là chiếm hữu được ý nghĩa của cuộc sống, và đó là kho tàng quí báu nhất.

      Người khôn ngoan là người biết đặt vấn đề về ý nghĩa của cuộc đời mình.

{C}-       Tôi từ đâu sinh ra?

{C}-       Sống ở trên đời với mục đích gì?

{C}-       Chết rồi đi đâu?

      (Nhân sinh hà tại, tại thế hà như, hậu thế như hà) Bởi vì, có nhiều tiền bạc, danh vọng, quyền bính để làm gì, nếu sống mà không có lý tưởng và mục đích để đeo đuổi, và bởi vì chỉ có cái đức mới theo con người sau cái chết, và thực sự mới đem lợi ích cho phần rỗi cho con người.

      Đây cũng là ý nghĩa của trình thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

      Trong truyền thống Do Thái: Của cải giàu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa .

      Còn nghèo khổ là dấu chỉ sự vắng bóng của Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ.

      Chúa Giêsu sửa sai quan niệm duy vật đó của người Do Thái bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị của tâm thức trần gian.

      Qua cuộc đối thoại với người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu cho thấy việc tuân giữ các lề luật đã là điều tốt lành, nhưng muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp, còn phải chia sẻ của cải cho người nghèo khó để được kho tàng trên trời và bước theo Chúa Giêsu, sống tin yêu phó thác vào Thiên Chúa.

      Chúa Giêsu không bảo chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo rằng: của cải trần gian, có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó không được dùng để phục vụ tha nhân, thăng tiến phẩm giá con người, thì tiền của có thể trở thành dụng cụ của ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt, tiền của còn có thể khiến chúng ta khép kín con tim và tâm trí, ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại.

Đi theo Chúa Giêsu là lời mời gọi từ bỏ tất cả, từ bỏ tội lỗi, từ bỏ kiểu cách sống trái với Tin Mừng yêu thương, từ bỏ tâm thức hẹp hòi ích kỷ và từ bỏ chính bản thân mình để được kho báu trên trời. Đó chính là sự chọn lựa khôn ngoan đích thực của người tín hữu Chúa Kitô.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,28-31

PHẦN THƯỞNG GẤP TRĂM

 

      Sau khi Chúa Giêsu dạy phải từ bỏ mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài, Ngài cho biết phần thưởng của sự từ bỏ là:

{C}-       Được lại gấp trăm ở đời này.

{C}-       Cùng với sự bắt bớ, nghĩa là được chia sẻ số phận của Chúa Giêsu.

{C}-       Và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

      Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”. Đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói ngoa ngũ, một kiểu nói khuếch đại như người phương đông thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình băng qua sa mạc cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

      Trước sự sửng sốt của các môn đệ: “thế thì ai có thể được cứu?” Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt qua những khả năng của loài người, đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn, bằng chứng là phản ứng của Phêrô, nhân danh nhóm 12 ông thắc mắc sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không?. Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao, nếu có những người giàu có, mặc dù nhiều tiền lắm của vì sống ích kỷ, không thể vào nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?

      Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Tuy nhiên, ngoài những điều nhận được bây giờ, người môn đệ còn chia sẻ sự bách hại và sự ngược đãi cùng với Chúa Giêsu trên con đường sống niềm tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.

Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN THỨ VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,32-45

LOAN BÁO CUỘC TỬ NẠN

 

Hai cảnh tưởng đối nghịch

{C}-       Một đàng Chúa Giêsu loan báo (đây là lần thứ ba) rằng Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại.

{C}-       Đàng khác hai môn đệ Giacôbê - Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong “Nước” mà họ nghĩ Chúa Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức vì nghĩ họ muốn chơi trội hơn mình trong cuộc chạy đua tranh giành địa vị.

{C}-       Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy về nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó. Trong nước trần gian kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình; trong nước Thiên Chúa làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.

      Dù không ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam, dẫn đầu các môn đệ, tiến về Giêrusalem, nơi Người sẽ chịu chết. Sự việc này diễn tả thái độ quả cảm, cương quyết của Ngài, còn các môn đệ lại thấy sợ hãi kinh hoàng.

      Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Giêrusalem này qua 3 lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.

      Thật vậy trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài, như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “con người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.

      Khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, giết chết Ngài vì đời sống lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người.

      Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy, là chứng nhân của Đấng đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, từng giây từng phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô, có chết như thế họ mới biết rằng mình đang đi con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn tới sự sống đích thực.

Lạy Chúa, chúng con sợ hãi trước cảnh cơ cực khổ đau, nhưng xin Chúa nâng đỡ chúng con để chúng con kiên trì theo chân Chúa cho đến cùng, đến cõi phúc trường sinh như Chúa hứa ban cho môn đệ của Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN THỨ VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,46-52

NGƯỜI MÙ Ở GIÊRIKHÔ ĐẾN VỚI CHÚA

 

      Liền sau chuyện Giacôbê và Gioan xin địa vị ưu tiên trong nước Chúa Giêsu sắp thành lập, Mc viết tiếp chuyện anh mù Bartimê như để sửa lưng các môn đệ.

      Bartimê là tấm gương cho tất cả những ai muốn thấy Chúa Giêsu  thực sự là ai và thực lòng muốn đi theo Ngài.

      Mặc dù mù, nhưng anh tha thiết “xin cho tôi được thấy” và cuối cùng anh đã thấy. Khi thấy rồi anh còn “đi theo” Chúa Giêsu lên Giêrusalem.

      Trước đó khi được Chúa Giêsu gọi, anh đã từ bỏ (liệng áo choàng) thay đổi nếp sống (từ ngồi ở vệ đường đến đứng dậy) qui hướng về Chúa Giêsu (nhảy đến với Chúa Giêsu).

      Trước cửa Thiêng Đàng, một Tu Sĩ gõ cửa và cầu khẩn: “Lạy Chúa, xin cho con được vào” cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng có tiếng hỏi “con có mang theo điều gì không” vị tu sĩ đáp “con mang theo một bị chứa đầy những nhân đức của con”. Có tiếng vọng lại: “điều ấy tốt nhưng ta không thể mở cửa cho con vào được”.

      Vị tu sĩ ra đi, nhưng buổi chiều ông lại đến gõ cửa để xin được vào. Lần này, khi được hỏi có đem theo điều gì không? ông cho biết có mang theo công nghiệp của việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Tuy nhiên ông vẫn chỉ nhận được lời này: “thật là tốt, nhưng ta vẫn không mở cửa cho con vào”.

      Vị tu sĩ ra đi, đến tối ông trở lại. Lần này ông chỉ đến với con người  của ông mà thôi, nhưng tức khắc cánh cửa mở rộng để cho ông bước vào.

      Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta về thái độ tinh thần cần phải có để đến với Chúa, đó là đến với Chúa bằng chính thực tế con người mình bằng tâm tình tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, hơn là dựa vào sức riêng của mình. Đó cũng là thái độ chúng ta có thể thấy được nơi anh mù gần thành Giêrikhô mà Tin Mừng hôm nay ghi lại.

      Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trong cậy vào tình thương của Chúa: “Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Đây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi chữa lành anh: “lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Đức tin ở nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.

      Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ  của Chúa không? Như anh mù chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa xin thương xót con”. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài ca tôn vinh Chúa luôn mãi.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt tâm hồn con vì con cần được khai mở để nhận ra Chúa và bước theo Ngài là Đường là sự Thật và là sự Sống của con.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 11,11-26

ĐỀN THỜ TÂM HỒN

 

{C}1.  {C}Sau khi vào thành, nơi đầu tiên Chúa đến là đền thờ Giêrusalem, Ngài rảo mắt nhìn một lượt rồi lui về Bêtania.

{C}2.  {C} Đoạn này tường thuật những chuyện xảy ra ngày hôm sau:

{C}a)   Chuyện rủa cây vả, cây vả là hình ảnh của dân Do Thái. Cách sống đạo của họ bề ngoài rất tốt đẹp như một cây xanh lá, nhưng thực chất không có tâm tình thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

{C}b)  {C}Cụ thể của lối sống đạo đó là sinh hoạt nơi đền thờ, một mặt người ta chỉ lo mua bán lễ vật mà không quan tâm tới thi hành ý Thiên Chúa, mặt khác là kỳ thị không cho người ngoại vào đền thờ. Như thế là việc thờ phượng Thiên Chúa đã bị làm lệch lạc: “nhà Ta là nhà cầu nguyện cho muôn dân, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”. Qua hành động đánh đuổi những người buôn bán, Chúa Giêsu muốn thanh tẩy việc thờ phượng.

{C}c)   Sau đó, các môn đệ thấy cây vả hôm qua nay đã héo khô. Họ hỏi Chúa Giêsu và Ngài nhận đó dạy họ bài học về sức mạnh của đức tin: nếu ai có đức tin thì có thể chẳng những khiến một cây vả đang tươi trở thành khô héo, mà còn làm được những điều trọng đại hơn nữa, chẳng hạn như chuyển núi dời non.

      Thiên Chúa là tình yêu nên nơi Ngài ở không thể có đố kỵ, hận thù, oán ghét.

      Thiên Chúa là sự thánh thiện nên nơi Ngài ở không thể có dâm bôn, chè chén, tục tằn.

      Thiên Chúa là sự thật nên nơi Ngài ở không thể có gian manh, lọc lừa tham lam và trộm cướp.

      Chính vì không muốn để cho con người biến đền thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp, mà theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tẩy uế đền thờ. Ngài đã đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của người đổi bạc và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo “Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”.

      Ngày nay có một điều mà không mấy người tín hữu nghĩ tới, đó chính là tâm hồn của mỗi người là đền thờ của Chúa Ba Ngôi.

      Thật thế, nhờ Bí tích Rửa Tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Nếu hôm nay Chúa Giêsu vào đó và đưa mắt quan sát mọi sự Ngài sẽ thấy gì, Ngài hài lòng hay thất vọng về những việc làm của chúng ta. Phải chăng tâm hồn chúng ta cũng như cây vả trong đoạn Tin Mừng này: nếu chỉ nhìn chúng ta đọc kinh, dự lễ người ta tưởng chúng ta đạo đức sốt sắng lắm, nhưng nếu nhìn vào tận đáy lòng chúng ta người ta sẽ thấy đó chỉ là một cái cây khô héo không có hoa trái thiêng liêng.

Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, gian tham, lọc lừa, kiêu căng và ích kỷ để tâm hồn chúng ta mãi mãi là đền thờ của Thiên Chúa, và nhờ thế Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở với chúng ta từ nay và cho đến muôn đời.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN THỨ VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 11, 27-33

TRANH LUẬN VỀ QUYỀN CỦA ĐỨC GIÊSU

 

{C}1.       Việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ đã khiến các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão nổi giận. Họ đến chất vấn Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm sự đó”

{C}2.       Chúa Giêsu không tự đưa ra câu trả lời nhưng hỏi ngược lại họ về nguồn gốc phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Không phải Ngài tránh né vấn đề, nhưng đây là cách Ngài khuyến khích họ suy nghĩ: nếu họ đừng có thành kiến nhưng biết sáng suốt nhận định thì họ sẽ thấy rõ sứ mạng của Gioan là bởi trời, và sứ mạng cùng quyền năng của Chúa Giêsu cũng bởi trời.

{C}3.       Nhưng vì muốn bám chặt vào thành kiến nên họ đã không chịu suy nghĩ.

      Theo Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu đã bắt đầu tranh luận với những người Do Thái không tin khi Chúa lên Giêrusalem lần cuối cùng. Bầu không khí đối đầu với Chúa và những vị lãnh đạo Do Thái, khởi sự với biến cố Chúa đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Ngày hôm sau khi Chúa và các môn đệ trở lại đền thờ, các thượng tế luật sĩ và kỳ mục đến chất vấn Chúa: “ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”.

      Tinh thần chân thành và đối thoại vốn là tinh thần của phúc âm, là con người hiếu hoà, Chúa Giêsu cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại.

      Khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh thì Chúa Giêsu lại tỏ ra thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Caipha, Hêrôđê, Philatô.

      Trong trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài, như khi họ hỏi Chúa.

{C}-       Có nên nộp thuế cho hoàng đế Cesar không.

{C}-       Có nên ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không?

      Hôm nay, chứng kiến một cảnh chất vấn, nhưng thật ra đó chỉ là một cách gài bẫy để bắt bẻ Chúa: “ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”

      Chúa Giêsu nhận thấy thái độ không thành thật của họ nên Ngài hỏi vặn lại: “Phép rửa của Gioan là do trời hay do người ta?” Cách thức họ bàn bạc với nhau cho thấy họ đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi họ đặt ra. Họ không thể chối cải sự kiện phép rửa của Gioan là từ trời, do quyền của một vị ngôn sứ. So sánh phép rửa của Gioan với những việc làm và những phép lạ của Chúa Giêsu mà họ đã chứng kiến, thì chắc chắn những phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gioan. Do đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và thành thật, những kẻ chống đối Chúa phải biết Chúa đã lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy?

      Như thế câu hỏi của Chúa “Phép rửa của Gioan là do trời hay do người ta?” là câu hỏi để đánh thức lương tâm và kêu gọi đến sự thành thật nơi những kẻ chống đối Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, người đó mới được vào Nước Chúa  và được cứu rỗi. Để có thể vào Nước Chúa  những kẻ chất vấn Chúa trong Tin Mừng hôm nay, cần phải canh tân đời sống, cần phải có lòng chân thành, lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện.

      Chúng ta dễ có khuynh hướng nhìn người khác qua lăng kính những thành kiến có sẵn. Thành kiến là ngục tù, giam hãm con người. Thành kiến làm cho người ta phán đoán sai lệch “thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”; “khi thương quả ấu cũng tròn, không thương bồ hòn cũng méo”. Chúa Giêsu đòi hỏi mọi người phải tôn trọng đền thờ Cha Ngài, xoá tan những thành kiến bất công đối với tha nhân, xua đuổi những tật xấu và ý nghĩ xấu xa ra khỏi tâm hồn để xứng đáng cho Chúa đến ngự trị trong hồn chúng ta.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho