17/02/2017
797
Tuần 7 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh





















THỨ HAI TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

 Mc 9,14-29

ĐỨC GIÊSU CHỮA MỘT EM BÉ BỊ QUỶ ÁM

 

- Câu chuyện Tin Mừng xảy ra đang lúc Chúa Giêsu và 3 môn đệ: Phêrô, Gioan và Giacôbê đang ở trên núi, nơi Chúa Giêsu biến hình.

- Trong lúc Chúa Giêsu vắng mặt, người ta đem đến cho 9 môn đệ kia một đứa trẻ bị quỉ ám làm cho nó bị câm. Nhưng các ông bất lực không trục xuất được tên quỉ ấy. Sự thất bại này khiến các môn đệ mất mặt. Đám đông dân chúng xúm vào phê phán các ông, và các ông cố gắng chống chế. Do đó xảy ra một cuộc tranh luận.

- Thấy Chúa Giêsu về, người ta mừng rỡ trình bày sự việc cho Ngài. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là khó chịu. Ngài trách và than “ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Ta còn phải ở với các ngươi cho tới bao giờ, còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa!”.

- Lời than trách này nhắm đến nhiều hạng người:

     + Thứ nhất chính là các môn đệ

     + Kế đến là đám đông dân chúng

     + Và sau cùng là người cha của đứa trẻ bị quỉ ám chính vì họ chưa đủ lòng tin nên mới có thất bại này.

- Khi còn lại một mình Chúa Giêsu,  các môn đệ hỏi tại sao họ thất bại? Chúa Giêsu cho biết thêm ngoài việc thiếu lòng tin ra họ còn thiếu cầu nguyện và ăn chay!

- Như thế, mạc khải của đoạn Tin Mừng này là Chúa Giêsu là Đấng mà uy quyền có thể chế ngự cả sức mạnh của ma quỉ. Các môn đệ Chúa cũng có thể có được uy quyền này nếu có lòng tin vững chắc, ăn chay và cầu nguyện.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy thực tế con người thời nay cũng luôn bị ma quỉ ám ảnh tâm trí một cách nào đó: những quỉ kêu ngạo, hà tiện, dâm dục, mê ăn uống… không hiện nguyên hình, nhưng ngụy trang thành những bộ mặt đáng yêu, để quyến rũ con người, với những lý luận đủ sức thuyết phục con người như: có tiền tại sao không hưởng thụ, và luôn nhắm mắt trước những khốn khổ của người khác. Chỉ có niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, chỉ có chay tịnh và cầu nguyện con người mới có thể thoát được những cơn cám dỗ của ma quỉ là hưởng lạc thú, danh vọng, và những quyến rũ của thế gian. Bởi vì ăn chay để nâng con người lên khỏi sức nặng của thân xác và của cám dỗ vật chất, cầu nguyện để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, Đấng đã đánh bại được quyền lực của Satan.

Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thêm ý thức về thân phận tội lỗi, yếu hèn của chúng ta, và trong mọi sự, chúng ta biết hướng nhìn lên Chúa là sức mạnh, là lẽ sống duy nhất của chúng ta.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Mc 9,30-37

GIÁO HUẤN VỀ PHỤC VỤ

(Làm tôi tớ mọi người)

 

Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai? Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.

Do thói quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ không hiểu gì cả, nhưng không dám hỏi lại Chúa Kitô. Và cũng vì đã quen với quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các ông tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời mà Chúa Giêsu thành lập.

Thấy thế, Chúa Giêsu liền sửa dạy các ông: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Có nghĩa là trong Nước Trời đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc nhỏ.

- Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ: càng có chức vụ cao thì càng phải phục vụ nhiều. Để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ.

- Điều thứ hai phải để ý nữa là có thái độ tiếp đón mọi người không phân biệt gì cả, dù là một người hèn hạ, vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải tiếp đón. Để nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ, tức là một người  không mang lại lợi ích gì cho kẻ tiếp đón nó, mà còn mang tới phiền muộn.

Trong trần gian, muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta thấy mình là “người có quyền hành”, là “người lớn”, lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh… Còn trong Nước Trời, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ mình tỏ ra là trẻ nhỏ, là đầy tớ. Họ là những người nghèo hơn, kém thông minh hơn, yếu hơn, cư xử vụng về hơn tôi… Chính vì họ tệ hơn tôi, nên tôi thường xua đuổi họ hoặc không thích ở gần họ. Nhưng như thế tức là tôi đã xua đuổi và thờ ơ với chính Chúa, bởi vì “ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy tức là đón tiếp chính mình Thầy”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con đường của chúng con. Xin cho chúng con luôn đi theo con đường thập giá Chúa để mỗi ngày được nên giống Chúa hơn.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Mc 9,38-40

CHÚA  DẠY CÁC MÔN ĐỆ BÀI HỌC

BAO DUNG VÀ HỢP TÁC

 

Sau khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học phục vụ và tiếp đón. Ngài dạy họ bài học bao dung và hợp tác.

Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỉ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.

Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta là nghịch với ta”.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi người thành tâm thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.

Chắc có người anh chị em sẽ hỏi: người môn đệ thốt lên những lời sặc mùi đố kỵ này là ai?

Cũng là một môn đệ đã đòi Chúa khiến lửa trời xuống thiêu đốt rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Đó chính là Gioan “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương yêu”. Con người tự nhiên của Gioan vốn xấu như vậy, nhưng nhờ tình thương Chúa, sau này Gioan trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn những môn đệ khác.

Nhìn gương Thánh Gioan, tôi không thất vọng về bản chất xấu xa yếu đuối mỏng dòn của mình, nhưng tôi càng tin cậy vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.

Gioan là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu mà vẫn nặng đầu óc phe phái, đố kỵ cả những người “nhân danh Chúa mà trừ quỉ” tức là những người làm việc tốt, huống chi là chúng ta. Mỗi người chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận trước Chúa và trước lương tâm rằng đã nhiều lần đố kỵ ganh ghét các anh chị em của mình, ganh ghét không phải chỉ vì họ xấu mà chính vì họ tốt. Nhiều lần chúng ta nhìn tha nhân một cách nghi kỵ khắt khe và hẹp hòi: “ai không ủng hộ tôi tức là chống đối tôi”. Do cái nhìn ấy, nếp sống của chúng ta trở nên bi quan và khép kín.

Hôm nay Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan “ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Chắc chắn với cái nhìn này đời chúng ta sẽ vui tươi hơn và chúng ta sẽ làm việc thoải mái hơn. Khuynh hướng ganh ghét ấy không còn khuynh đảo chúng ta nữa.

Ước gì Lời Chúa hôm nay hun đúc chúng ta lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác, tìm kiếm chân lý hơn là tìm cách thắng cuộc trong tranh luận, xin Chúa Kitô là nguồn hợp nhất trong Giáo Hội giúp chúng ta thành tâm hiệp nhất với nhau trong mọi việc.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Mc 9,41-50

GƯƠNG XẤU

 

Trong đoạn Tin Mừng này, Macco gom chung những giáo huấn mà có lẽ ngày xưa Chúa Giêsu đã dạy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, do đó ta không thấy được mối liên hệ mạch lạc giữa các ý tưởng.

Ta có thể đọc được 3 giáo huấn:

1. Ai giúp đỡ môn đệ Chúa thì sẽ được Chúa thưởng dù sự giúp đỡ đó rất nhỏ.

2. Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho những kẻ bé mọn.

- “Những kẻ bé mọn” không hẳn là trẻ con, mà còn là những người mà đức tin còn non yếu. Ai gây cớ vấp phạm cho họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó rồi xô xuống biển còn hơn.

- Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải tự khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc: “nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…”

3. Các môn đệ của Chúa phải có “muối” trong mình (muối đây là sự từ  bỏ) và phải sống hoà thuận với nhau.

“Ai cho chúng con một ly nước lã, vì lẽ chúng con thuộc về Đấng Kitô, thì người đó không mất phần thưởng đâu”.

Tục ngữ Việt Nam có câu “nước lã mà vã nên hồ” nghĩa là từ không có gì cả mà làm nên chuyện. Vậy cho “một ly nước lã” nghĩa là hầu như chẳng cho gì cả, thế mà Thiên Chúa vẫn kể và vẫn thưởng công. Giá trị của tấm lòng kẻ biết phục vụ là như thế.

Trong dụ ngôn về ngày phán xét chúng, Chúa Giêsu cũng thưởng các kẻ lành vì những việc nhỏ mọn họ đã làm cho “những kẻ bé mọn”. Như thế nghĩa là trước mặt Chúa, một việc nhỏ bé nhất làm cho một kẻ bé nhỏ nhất cũng có giá trị rất cao cả. Hay nói cách khác, dưới con mắt Chúa không có việc làm nào vì tình thương mà nhỏ bé cả.

Chúa Giêsu cũng vạch ra sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc thốt cối xay vào cổ nó mà xô xuống biển còn hơn.

Cớ vấp phạm là những lời nói và hành động nhiều khi rất vô tình làm cho anh chị em tôi đau lòng, nhất là những lời nói vì nóng giận mà tôi không kềm lại được.

Chúa dạy chúng ta phải quan tâm đến anh chị em. Trước khi làm gì hay nói gì tôi cũng phải suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó sẽ có tác dụng gì nơi anh chị em tôi.

Đối với tha nhân là như thế, còn đối với bản thân chúng ta thì sao? Chúa bảo ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc: nếu tay con, nếu chân con (nếu mắt con), nên dịp tội cho con, con hãy chặt nó đi, thà có một tay, một chân, một mắt mà vào được nước Thiên Chúa là điều quí giá nhất so với nó không có hy sinh từ bỏ nào mà quá đáng cả.

Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy sẽ được nước trời làm cơ nghiệp”. Cũng vậy, chúng ta sẽ chiếm hữu Nước Trời nếu chúng ta dám hy sinh cả của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo Hội và phục vụ công cuộc truyền giáo.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,1-12

VẤN ĐỀ LY DỊ

MỐI DÂY BẤT KHẢ PHÂN LY

 

Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị

- Ngay trong giới biệt phái có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này: lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép ly dị vì những cớ rất tầm thường; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammai) chỉ cho ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.

- Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được ly dị: “điều gì Thiên Chúa kết kết hợp, loài người không được phân ly”.

Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân, phải yêu thương nhau (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục) với nhau.

Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại. Trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối dây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người biệt phái: “người ta có được phép rẫy vợ không” và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cặp đến hôn nhân đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.

Trước hết hôn nhân là một giao ước, qua đó người nam và người nữ, với đầy đủ tự do và ý thức trách nhiệm, thiết lập giữa họ với nhau một sự đồng phận về toàn thể cuộc đời, có mục đích yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu và biểu hiệu lòng chung thủy, và từ ngày đó mọi hành vi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.

Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Tình yêu của họ phản chiếu tình yêu thần dịu giữa Chúa Kitô và Giáo hội, như Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: “người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh”.

Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh thành dưỡng dục con cái thành những đứa con ngoan  của Thiên Chúa, của Giáo hội, của gia đình và xã hội.

Tuy nhiên tình trạng ly dị ngày càng gia tăng là biểu hiện những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng ly dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó. Hôn nhân không luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó, chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần tương nhượng, đều là những bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.

Chính vì những giá trị cao đẹp như thế của hôn nhân nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật là dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng Thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của dây hôn phối. Ngài đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.

Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Mc 10,13-16

THƯƠNG YÊU TRẺ EM

 

1. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng (đặt tay trên chúng).

2. Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ (do chúng chưa biết luật) trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.

3. Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người không loại bỏ bất cứ ai.

4. Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

Đức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám Mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám Mục của mình: “Mẹ xem chiếc nhẫn Giám Mục của con có đẹp không”. Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: “Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám Mục của con”.

Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng.

Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: “ai không đón nhận nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ thì chẳng được vào”.

Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: “ai làm cớ cho một trong những trẻ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”.

Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái. Chính cha mẹ, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên nhân cách con cái. Vì gia đình là môi trường đầu tiên gần gũi nhất, thân thương nhất và lâu dài nhất con cái được sống trong đó, cha mẹ là mẫu mực điển hình, để con cái nhìn vào mà phát triển nhân cách của nó, cha mẹ là người tạo nên con bằng chính máu huyết xương thịt của mình. Cha mẹ cũng là người đầu tiên ghi lên trang giấy trắng của tâm hồn đứa trẻ, những hình ảnh, những tâm tình, những tư tưởng mẫu mực, và sẽ hẳn lại mãi trong tâm hồn con cái những hình ảnh, tư tưởng và tâm tình ấy đến độ khó tẩy xoá, khó phai mờ.

Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trao dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc cho gia đình và triều thiên của chính cha mẹ.

Xin Chúa chúc lành tất cả những bậc cha mẹ. Xin soi sáng để các ngài hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho