25/05/2017
920
Tuần 7 Phục Sinh_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh




















THỨ HAI TUẦN 7 PHỤC SINH

Ga 16,29-33

“Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”

 

Ta mang danh hiệu Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô. Thì đường Ngài đi là đường ta được mời gọi bước theo. Hành xử của Ngài ta muốn rập khuôn, ngôn từ của Ngài ta muốn học theo. Nói gọn lại, là Kitô hữu ta luôn muốn giống Ngài trong ý muốn và hành động. Ta được thôi thúc mô phỏng tất cả con người của Ngài.

Cả cuộc đời của Đức Kitô là tiếng “xin vâng” liên lỉ. Vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Sự vâng phục Chúa Cha trong mọi sự của Đức Giêsu là mẫu gương sống động cho người Kitô hữu noi theo khi muốn tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Người Kitô hữu cũng phải theo con đường Chúa Giêsu đã vạch ra.

Bước theo Chúa Giêsu, ta phải hy sinh, phải ra khỏi bản thân, phải tiêu hao chính mình để hòa nhập vào cuộc sống của Đức Kitô.

Chúa Giêsu đã trải qua những gian lao khốn khổ mà Ngài gọi đây là cuộc chiến với thế gian, nhưng Ngài đã chiến thắng. Nhờ đâu? Nhờ sự hiện diện của Chúa Cha bên Ngài. Chúng ta cũng thế, trong mọi hoàn cảnh Chúa Giêsu vẫn ở bên chúng ta, bang trợ chúng ta và là niềm vui cho chúng ta. Chính Ngài đã an ủi chúng ta: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”.

Như thế vững tin vào lời Chúa hứa, chúng ta không chiến đấu một mình, nhưng có Chúa bên cạnh hỗ trợ chúng ta. Niềm tin này sẽ làm chúng ta can đảm tiến bước lướt qua trở ngại khó khăn, chống trả lại cám dỗ theo lối thế gian. Chính Đức Kitô sẽ bảo đảm cho chiến thắng cuối cùng của ta. Đau khổ, như thế quả thực là con đường tiến vào vinh quang.

Là Kitô hữu chúng ta có sứ mạng mang niềm tin vĩnh cửu vào thế giới, một thế giới đang mất niềm tin vào Thiên Chúa. Sứ mạng này thật cam go, sức thường không thể hoàn thành, nhưng đối với ơn trợ giúp của Đấng Phục Sinh chúng ta đủ khả năng đóng góp phần mình đem niềm vui của Chúa đến cho con người.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN 7 MÙA PHỤC SINH

Ga 17, 1-11

“Con cầu xin cho những kẻ Cha đã ban cho Con”

 

Trước đau khổ đang đến, Chúa Giêsu bình thản chờ đợi, Ngài thân thưa với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một để ý Cha vuông tròn”. Ngài không trốn chạy đau khổ, nhưng dùng nó để tôn vinh Cha Ngài, nghĩa là để ý Cha được thể hiện.

Giờ tôn vinh của Chúa Kitô như thế, là giờ đau khổ, giờ của thập giá và tự hiến bằng cái chết. Trong đau khổ, Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài với Chúa Cha và với nhân loại thấp hèn. Qua cái chết Ngài đã chiến thắng tử thần. Như thế, Thiên Chúa đã chứng tỏ quyền năng của Ngài nơi Đức Kitô.

Đối diện với đau khổ, Đức Giêsu đã quên mình để nghĩ đến những người Chúa yêu, là đoàn môn đệ. Ngài đã cầu nguyện cho các môn đệ thoát ách thống trị của ác thần, xin Chúa Cha cho họ nên tinh tuyền và thánh thiện: “Con cầu nguyện cho họ, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, vì chúng là của Cha”.

Giờ của Chúa Giêsu hôm nay vẫn tiếp nối trong Giáo Hội. Mỗi Thánh lễ đều là giờ tôn vinh của Chúa Giêsu. Tham dự Thánh lễ là ta thực sự tham dự vào giờ vinh quang của Ngài, được góp phần vào mầu nhiệm thập giá, được tháp nhập vào cái chết của Đức Kitô và tiếp theo là được chia sẻ vinh quang phục sinh với Ngài.

Lạy Cha, cộng đoàn chúng con đang sống giữa trần thế với bao cám dỗ mời gọi của tội lỗi. Vì giá máu của Con Một Cha đã đổ ra để cứu chuộc chúng con, xin Cha gìn giữ cộng đoàn giáo xứ chúng con thoát khỏi mọi sự dữ và được thông phần cùng con Cha trên nước trời. Amen

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN 7 PHỤC SINH

Ga 17,11b-19

“Lạy Cha xin cho họ nên một như chúng ta là một”

 

Trong đoạn Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ của Ngài một cách đặc biệt. Vì yêu thương các môn đệ còn ở trần gian, Ngài đã yêu thương đến cùng không gì tả hết. Ngài biết thế gian ghét các môn đệ, vì họ không thuộc về nó. Không thuộc về thế gian, nhưng lại có sứ mệnh phải ở giữa thế gian, làm muối, làm men, làm ánh sáng, làm chứng tá cho sự thật.

Trong lời cầu xin Chúa Cha, Ngài đã dùng cụm từ “lạy Cha chí thánh” là muốn ám chỉ mối tương quan thân thiết giữa Ngài với Chúa Cha, Đấng Thánh tuyệt đối, có quyền năng làm được mọi sự theo ý Ngài muốn.

Trước hết, Ngài xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi hư mất trước muôn vàn cám dỗ của thế gian. Đặc biệt Ngài xin Chúa Cha ban ơn hiệp nhất nên một giữa những người tin theo Ngài. Bởi vì, chỉ hiệp nhất mới tạo được sức mạnh chuyển đổi thế giới. Nguy cơ chia rẽ nằm sâu trong bản tính con người, chỉ được vô hiệu hóa bằng sự hiệp nhất.

Giữa muôn vàn thử thách, Ngài cầu xin cho họ niềm vui để họ có thể hoàn thành sứ vụ được trao ban.

Qua lời cầu nguyện Chúa Giêsu cầu xin cho các ông được tác thành trong sự thật để các ông luôn bước đi trong chân lý và trở nên men sự thật trong thế gian. Các ông được sai vào thế gian, tuy lệ thuộc vào môi trường sinh sống, nhưng vẫn phải tách biệt khỏi nó.

Tin tưởng Đức Kitô là đầu luôn hướng dẫn và ra lệnh cho thân thể, chúng ta can đảm dấn thân vào đời, trở thành men sự thật cho đời, để làm cho khối bột nhân loại dậy men niềm tin, hi vọng và yêu thương. Chúng ta không nên hốt hoảng, sợ hãi khi gặp chống đối trắc trở trong cuộc sống, vì chúng ta có Đức Kitô Phục Sinh luôn bầu cử và chuyển cầu cho chúng ta trước Tôn nhan Cha Ngài.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH

Ga 17,20-26

“Lạy Cha xin cho họ nên một như chúng ta”

 

Chúa Giêsu biết rất rõ nhu cầu, cũng như những khó khăn của sự hiệp nhất, nên Ngài đã tha thiết xin với Chúa Cha: “Xin cho tất cả họ nên một”.

Sự hiệp nhất đòi hỏi mỗi thành viên phải biết chia sẻ chân thành với nhau về Đức tin, tình cảm và hoạt động. Việc làm này nói thì rất dễ nhưng thực hành thì không dễ chút nào! Bởi vì, không thiếu trường hợp người ta nhân danh Đức tin để đả kích nhau, nhân danh tình cảm để chia rẽ nhau, nhân danh hoạt động để vô hiệu hóa nhau.

Như thế đó, không phải sự hiệp nhất nào cũng am họp với sự hiệp nhất Chúa mong muốn. Lý do, nhiều sự hiệp nhất không quy về Chúa mà chỉ quy về mình. Trong một gia đình rất có thể người ta chỉ chung một mái nhà, chứ không có chung một tâm ý và tình yêu. Trong một cộng đồng giáo xứ rất có thể chỉ là những hoạt động bên ngoài, chứ bên trong còn nhiều phân hóa. Sự hiệp nhất do đó chỉ hoàn hảo khi được xây dựng trong Chúa. Nó là hình ảnh của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa Ba Ngôi.

Người đời chỉ nhận ra Giáo Hội là Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô khi mọi thành phần dân Chúa hiệp nhất với nhau. Những người ở Giêrusalem thời các Tông Đồ đã đưa ra nhận xét về Giáo Hội sơ khai: “Kìa xem người Công giáo họ yêu thương nhau biết bao”.

Lời cầu xin của Chúa Giêsu không chỉ cho các Tông Đồ mà qua các ông cho toàn thể Giáo Hội: “Con không cầu xin cho chúng, nhưng còn cho những kẻ nhờ lời của chúng mà tin vào Con”.

Noi gương Chúa Giêsu chúng ta phải cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Đồng thời, phải cố gắng giữ gìn và vun trồng sự hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta để mọi thành phần nên một trong Chúa Kitô.

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN 7 MÙA PHỤC SINH

Ga 21,15-19

“Hãy chăn dắt các chiên của Thầy”

 

Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho Giáo Hội: “Lạy Cha xin cho chúng nên một”. Để đạt mục đích hiệp nhất này, Chúa Giêsu trước khi trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho thánh Phêrô làm tảng đá xây ngôi nhà Giáo Hội, Ngài hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?”. Ba lần hỏi cũng là ba lần Phêrô tuyên xưng tình yêu: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa bảo ông: “Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy”.

Trung thành trong sứ mạng chăn dắt đàn chiên, nhiều trường hợp người mục tử phải hy sinh tính mạng vì bầy chiên. Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, là người đầu tiên đã thực hiện điều đó. Phêrô người đại diện tiên khởi của Ngài, cũng được mời gọi tiếp nhận sứ mạng mục tử như Ngài.

Ông phải làm sao trở nên điểm qui tụ mọi thành phần, mọi khuynh hướng trong Giáo Hội. Để hình thành hình ảnh cụ thể của Chúa Kitô ở trần gian, hành động phục vụ của ông phải hướng tới sự liên kết, hòa hợp mọi tâm trí, phối hợp thuần nhất mọi việc làm để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Quyền chăn dắt đoàn chiên Chúa trao cho ông không phải để thống trị mà là để phục vụ. Vì thế ông phải hành xử bằng tình yêu.

Quyền bính trong Giáo Hội là để duy trì sự hiệp nhất chứ không phải để trói buộc. Do đó, quyền chăn dắt mà Chúa trao cho ông cũng có nghĩa là ông phải chăm sóc và yêu thương. Chính việc làm này mới là cách biểu lộ tình yêu của ông đối với Chúa.

Trách nhiệm của Phêrô và các Đấng kế vị này thật nặng nề, cần rất nhiều ơn Chúa và sự cộng tác nhiệt thành của mọi thành phần trong đàn chiên, để các Ngài đủ nghị lực và khôn ngoan chăn dắt đoàn chiên trong hoàn cảnh phức tạp của nhân loại hôm nay. Amen

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN 7 MÙA PHỤC SINH

Ga 21,20-25

“Phần anh, hãy theo Thầy”

 

Mỗi người là một huyền nhiệm, có một ơn gọi với những sứ vụ khác nhau. Như trường hợp ông Phêrô, dù đã chối Chúa ba lần nhưng cũng ba lần mạnh dạn tuyên xưng tình yêu dành cho Ngài. Nên đã được giao sứ vụ coi sóc Hội Thánh. Đó là sứ vụ vinh dự kèm theo với trách nhiệm, nhưng Đức Giêsu cũng báo trước thập giá mà ông phải vác để làm chứng cho Ngài.

Biết được con đường sứ vụ của mình, ông Phêrô lại quan tâm đâu là con đường sứ vụ của Gioan, người môn đệ Chúa thương mến được diễm phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Phêrô hỏi: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giá như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh hãy theo Thầy”.

Ở đây có thể ông Phêrô so đo với sứ vụ của Gioan. Từ đó đã bộc lộ tính cách con người của các môn đệ khi chưa đón nhận Chúa Thánh Thần.

Điều này cũng từng xảy ra nhiều lần trước đây như trường hợp khi Gioan và Giacôbê xin ngồi bên tả, bên hữu Chúa, còn các vị khác bực bội vì tính cách bao cấp của hai ông; hay như lúc Gioan tỏ ra bực bội, khi có người ngoài nhóm đã tự động nhân danh Thầy làm phép lạ như các ông; hoặc đã có lần, Gioan xin phép Thầy cho ông khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt đám dân Samari không tiếp đón Thầy trò quá cảnh đi qua. Bởi đó không lạ gì khi nghe câu hỏi trên của thánh Phêrô.

Trong cuộc sống, có khi chúng ta so sánh bản thân với những người chung quanh để rồi cho rằng sao Chúa không thương mình nữa. Tuy nhiên, chúng ta không biết rằng họ có những thánh giá riêng phải vác, thậm chí còn nặng nề hơn của chúng ta nữa.

Chúa Giêsu mời gọi Phêrô, cũng như chúng ta: “Hãy theo Thầy”. Đó là điều quan trọng, như Đức hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nói: “Tôi phải chọn Chúa chứ không phải chọn việc của Chúa”. Người môn đệ Đức Giêsu không dừng lại ở chỗ làm được công việc này việc nọ, nhưng điều căn bản là đi theo Chúa mỗi ngày, rồi sẵn sàng làm những việc Chúa trao phó.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho