19/05/2017
1029
Tuần 6 Phục Sinh_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh


















THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 14,21-26

“Thánh Thần Chân Lý sẽ làm chứng về Thầy”

 

Sứ mệnh làm chứng về Đức Kitô, trước tiên là sứ mệnh của các Tông Đồ, những người đã được chứng kiến cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Sau đó là các môn đệ, những người cũng đã tận mắt nhìn thấy Ngài rao giảng, làm nhiều dấu lạ, chịu khổ nạn, chết và sống lại.

Tiếp nữa, là những tín hữu sơ khai, các Ngài cũng đã phần nào chứng kiến cuộc đời của Chúa.

Cuối cùng là tất cả những ai đã đón nhận đức tin và Bí tích Rửa Tội.

Các Tông Đồ, môn đệ và anh chị em tín hữu tiên khởi, làm thành Giáo Hội sơ khai. Giáo Hội hôm nay kéo dài Giáo Hội hôm qua.

Tông truyền là một trong bốn đặc tính của Giáo Hội. Vì thế Giáo Hội hôm nay thừa kế sự nghiệp các Tông Đồ; linh mục thừa kế sự nghiệp các môn đệ, và chúng ta hôm nay tìm thấy sự tương đồng với anh em giáo hữu thời xa xưa.

Vai trò làm chứng, vì thế, sẽ được lưu truyền mãi mãi trong Giáo Hội. Nó làm nên bản chất của Giáo Hội như công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”, Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của Chúa Kitô khi biết sống sứ mệnh nhân chứng của mình.

Sứ mệnh làm chứng là một sứ mệnh rất cam go, khó khăn mà các môn đệ Chúa Giêsu sẽ phải đương đầu.

Thế nên Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ đến từ Chúa Cha. Ngài là Thần Khí sự thật đến với Giáo Hội, ở bên cạnh và bên trong Giáo Hội. Chính Ngài sẽ làm chứng về Chúa Giêsu qua khí cụ là các Kitô hữu. Ngài là linh hồn của lời chứng. Không có Ngài thì lời chứng sẽ không đạt được hiệu quả.

Ngày nay, người Kitô hữu làm chứng như thế nào? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Hình thức đầu tiên là chính cuộc sống của người truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và cộng đoàn Hội Thánh; cuộc sống này giới thiệu một cung cách sống mới” (Tông huấn HT tại Châu Á, số 43).

Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta thực hiện sứ vụ rao giảng, ban sức mạnh để lướt thắng mọi trở ngại và ban niềm vui để ta kiên trì trước mọi nghịch cảnh.

Lạy Chúa Phục Sinh xin ban Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng con để chúng con làm chứng về Chúa bằng chính cung cách sống mới trong chúng con. Amen

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 16,5-11

“Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em”

 

Diễn từ trong bữa tiệc ly gieo vào lòng các Tông Đồ nỗi buồn da diết, Chúa phải trấn an các ông: “Thầy đi thì có lợi cho các con”. Chúa Thánh Thần chính là mối lợi này. Mối lợi không có gì có thể sánh ví. Ngài là quà tặng vô giá của Chúa Giêsu, là sức mạnh, niềm vui và ơn soi sáng cho các Tông Đồ. Có Ngài các ông không còn nhát đảm, không còn buồn phiền, không còn ngu tối, không còn trễ nải, vì các ông sẽ được Ngài dạy dỗ để hiểu Chúa Giêsu hơn và dám làm mọi việc, dám hy sinh tất cả, dù phải đổi cả mạng sống vì những điều đó. Tóm lại các ông sẽ được biến đổi toàn diện.

Một mối lợi nữa là nhờ Thánh Thần, các ông sẽ cảm nhận được sự hiện diện sâu sắc của Chúa Kitô, sự hiện diện tuy vẫn mang bản tính nhân loại nhưng bản tính nhân loại, được vinh hiển trong Ngôi Hai Thiên Chúa.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta sẽ có những lúc buồn chán, thất vọng khổ đau. Hãy can đảm chiến thắng nó hãy tin tất cả sẽ trở thành mối lợi cho ta. Bởi vì có thập giá là phải có phục sinh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và ban ánh sáng trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con biết Chúa Giêsu hơn để yêu mến và phụng sự Người nhiều hơn.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 16,12-15

“Thánh Thần chân lý sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”

 

Chúa Kitô đã ở với các Tông Đồ ba năm, kiên trì và cặn kẽ dạy dỗ các ông, nhưng các ông vẫn chưa hiểu Ngài bao nhiêu. Trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa các con không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa các con lại thấy Thầy”. Nghe câu này, các Tông Đồ chẳng hiểu gì nên thắc mắc: “Ít lâu nữa nghĩa là gì? - chúng ta chẳng hiểu Người nói gì”.

Phải nhờ Chúa Thánh Thần, các ông mới có thể giải mã thắc mắc trên. Đồng thời khám phá thêm nhiều điều mới mẻ nơi Đức Kitô, mà trước đây các ông chưa hề biết đến.

Rồi khi đã thực sự hiểu về Ngài, các ông sẽ làm tất cả vì Ngài. Sự hiểu biết toàn vẹn này trở thành sức mạnh. Sức mạnh này là tác nhân bảo vệ, không những hình ảnh Chúa Giêsu trong lòng các ông mà còn bảo vệ các ông trước mặt thế gian nữa.

Nhờ sức mạnh này các Tông Đồ đủ can đảm lên đường loan báo Tin Mừng. Dù sức mạnh của thần dữ thế nào đi nữa, dù thế gian có phản ứng chống lại; dù bản thân còn yếu đuối, nhưng có Thánh Thần, mọi sự sẽ được khuất phục; sức mạnh thần dữ sẽ được hóa giải, cám dỗ thế gian sẽ mất đi hiệu lực và yếu hèn bản thân sẽ nhận được sức mạnh đỡ nâng.

Qua các Tông Đồ, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục ở với Giáo Hội. Ngài sẽ dạy dỗ Giáo Hội tất cả sự thật. Sự thật đây là chính Đức Kitô vì Đức Kitô đã khẳng định:“Ta là sự thật”, nghĩa là Chúa Thánh Thần sẽ bảo vệ mọi điều về Đức Kitô và rọi sáng những gì còn trong tình trạng ẩn khuất, không những Ngài cho biết sự thật về Đức Kitô, mà còn hướng dẫn Giáo Hội rao giảng sự thật đó.

Chúa Thánh Thần cũng ở trong lòng mọi người như đã ở trong lòng Giáo Hội, soi sáng cho họ nhận biết chân lý đích thực, thêm sức mạnh để họ kiên trì trong thử thách, hối thúc họ ăn năn khi lỡ dại sa chân, ban niềm cậy trông khi tuyệt vọng chán chường.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần chân lý giúp cộng đoàn chúng con luôn can đảm tìm kiếm sự thật với tất cả lương tâm ngay thẳng, để xua tan những hiểu lầm, xây dựng bình an trong cộng đoàn để làm chứng cho Chúa là sự thật. Amen

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 16,16-20

“Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”

 

Muốn Chúa Thánh Thần đến, Chúa Giêsu cần phải về với Chúa Cha đã. Chúa nói: “Một ít nữa các con sẽ không còn trông thấy Thầy”.

Ra đi nào cũng tạo nên nỗi buồn. Lúc này vui, lúc khác buồn. Khi nghe Chúa nói, Ngài sẽ ra đi, các Tông Đồ lâm vào tình cảnh sầu buồn. Bởi vì các ông chưa hiểu được cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình đi về liên tục. Ngài đi đến trần gian, nhưng vẫn không ngừng về với Chúa Cha, vì Ngài và Chúa Cha là một, không thể có xa cách. Ngài đã từng khẳng định: “Của ăn của Thầy là làm theo ý muốn Cha Thầy”. Ý muốn Chúa Cha chính là lẽ sống của Ngài. Sự vâng phục Chúa Cha của Ngài trở thành một đối trọng cho sự bất tuân của con người, từ vườn địa đàng cho đến tận thế. Chúa về với Chúa Cha, như thế, nên vui chứ không nên buồn.

Trên con đường đi theo Chúa Giêsu, người Kitô hữu luôn có những niềm vui và nỗi buồn. Có những niềm vui của thế gian nhưng lại là nỗi buồn cho Thiên Chúa. Và có những nỗi buồn theo đánh giá của thế gian, nhưng lại là niềm vui đích thực của Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải biết kiên nhẫn và hy vọng: không vội chạy theo những niềm vui chóng qua, cũng đừng sợ và tránh né những nỗi buồn của thập giá. Hoàn cảnh dù có xấu đến đâu thì niềm hy vọng của người Kitô hữu là luôn có Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha và luôn bên cạnh mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa được tôn vinh trên cõi trời, là chủ muôn loài trên trời dưới đất, chúng con tôn vinh và đặt trọn niềm tin vào Chúa. Xin giữ gìn cộng đoàn chúng con trong mọi cơn gian nan thử thách ở đời này. Từ đó, đồng hành với Ngài đi về với Chúa Cha. Để rồi cùng Ngài, đón nhận sứ mạng đem ơn cứu độ đến cho trần gian.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN VI MÙA PHỤC SINH

Ga 16,20-23a

“Niềm vui của anh em không ai lấy mất được”

 

Khi nhắc đến nỗi lo buồn, đau đớn vất vả của người nữ sắp sinh con, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này, để minh họa nỗi buồn và khổ nhọc của các Tông Đồ, trước giờ chia ly với Chúa: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì tới giờ của mình”.

Nhưng khi bà nhìn thấy đứa con chào đời thì bao đau khổ sẽ nhường chỗ cho niềm vui, vì một đứa trẻ đã chào đời: “Nhưng khi sinh con rồi, bà sẽ chan chứa niềm vui vì một người đã sinh ra trong thế gian”. Quả thật, không có cơn đau vượt cạn, sẽ không có niềm vui được làm mẹ.

Ở đây, Chúa Giêsu nhắc đến nỗi buồn và khổ nhọc của các môn đệ với sự xuất hiện của một con người mới, một nhân loại mới.

Như niềm đau của bà mẹ trở thành niềm vui khi có một em bé ra đời, thì mọi kế hoạch chỉ đạt đến thành công, khi nó đi đôi với việc trao ban mạng sống. Đau khổ không hướng về quá khứ, nhưng mở cửa hướng về tương lai: “Bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

Chúa Giêsu đã dùng những kinh nghiệm thường nhật trong đời sống để trấn an nỗi lo âu của các Tông Đồ trước giờ tử nạn của Ngài.

Việc Chúa chấp nhận cái chết đối với các Tông Đồ và các môn đệ như thể một sự sụp đổ mọi mơ ước theo kiểu trần gian, đều bị đốt cháy tan tành. Bởi vì, mất Thầy là mất tất cả.

Nhưng, cũng như những lo âu của người phụ sản biến thành niềm vui khi thấy đứa con chào đời thế nào, thì nỗi đau buồn xao xuyến của các Tông Đồ cũng trở thành niềm vui khi gặp lại Chúa ở trong thân xác phục sinh vinh hiển như thế.

Chúa Giêsu phục sinh bảo đảm cho người Kitô hữu niềm vui không ai lấy mất được. Tình yêu tha thứ, sự hy sinh phục vụ, tình tương thân tương ái, đó là những hy sinh cần thiết để mang lại niềm vui đích thực, sâu xa, bền vững cho cộng đoàn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin giúp cộng đoàn chúng con biết sống tha thứ và phục vụ lẫn nhau để chúng con luôn được sống trong niềm vui trọn vẹn Chúa ban. Amen

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH

Ga 16,23b-28

“Chúa Cha yêu mến anh em vì anh em yêu mến Thầy”

 

Trước giờ chia ly, kinh nghiệm thông thường cho biết: người trong cuộc ai cũng cảm thấy hụt hẫng, xao xuyến, buồn tủi. Bởi đó, những giờ khắc còn lại bên nhau là những giây phút quý báu, để trao cho nhau những tâm sự nồng nàn tha thiết.

Chúa về với Chúa Cha, nhưng hứa sẽ gặp lại các môn đệ cách thiêng liêng, bằng cách Ngài sẽ bảo trợ các ông trước nhan thánh Cha, để điều gì các ông nhân danh Ngài, xin với Chúa Cha, Người sẽ ban cho.

Như thế lời cầu xin muốn hiệu quả phải nhân danh Đức Kitô. Bởi vì, trong Ngài ta mới đến được Chúa Cha. Vì Ngài, Chúa Cha mới ân tha cho ta mọi lỗi lầm và tuôn đổ ơn phúc dồi dào cho ta trong cuộc sống.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con hãy nhân danh Thầy mà xin với Chúa Cha, thì người sẽ ban cho các con”.

Chúa tiếp tục khích lệ các ông: “Cứ nhân danh Thầy mà xin các con sẽ được chấp nhận”, Hội Thánh đã cảm nhận sâu sắc lời khích lệ trên, nên trong Phụng vụ luôn nhân danh Chúa Giêsu Kitô để cầu nguyện với Chúa Cha.

Noi gương Hội Thánh, ta cũng nhân danh Đức Kitô xin Chúa Cha ban những ơn cần thiết cho mình, nhất định lời ta xin sẽ được chuẩn nhận. Và niềm vui của cộng đoàn chúng ta sẽ trở thành trọn vẹn.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho