03/02/2017
1039
Tuần 5 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh














THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Mc 6,53-56

CHỮA LÀNH BỆNH TẠI GENNÊXARÉT

 

     Trong 4 câu ngắn gọn, Thánh Marcô mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

-   {C}Họ rảo qua khắp vùng ấy và nghe tin người ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”.

-  {C}Ngài đi tới đâu... người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Ngài. Và bất cứ ai chạm đến đều được khỏi”.

     Tin Mừng hôm nay là một bản văn khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người. Những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.

     Như chúng ta đều biết, mặt trời tự nhiên phải tỏa sáng, sức nóng tự nhiên phải sưởi ấm, thì quyền năng, lòng nhân từ cũng như sự thánh thiện của Thiên Chúa, tất nhiên cũng lan tỏa ra chung quanh. Nhưng là tạo vật có lý trí, có tự do, chúng ta tự mình biết và muốn việc mình làm thì mới tiếp thu được ơn Chúa.

     Chúa Giêsu đến Gennêxarét cũng như mặt trời tỏa sáng nơi đó. Ai muốn hưởng ích lợi của mặt trời thì phải tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Người dân miền ấy đã được nghe về Chúa Giêsu, họ kéo nhau đến, đưa theo cả bệnh nhân. Điều này nói lên sự khao khát tin Chúa, mà tin thì ắt thấy. Chính Chúa đã hứa như thế. Và họ chen nhau muốn đến gần Chúa để xin Chúa đặt tay ban phúc, nhưng không thể chen lấn được. Có người chỉ cố vươn tay ra chạm được áo Chúa và họ thấy mình được khỏi bệnh, vui mừng nói ra và người khác bắt chước.

     Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (2,4). Trong Cựu Ước, dân Do Thái cảm nghiệm rõ ràng điều này là: biết bao lần họ quay lưng lại với Chúa, tôn thờ ngoại thần mà các ngôn sứ hay dùng hình ảnh “ngoại tình” để ám chỉ đời sống bất công, hưởng thụ của dân. Nhưng mỗi lần họ sám hối quay về thì Thiên Chúa vẫn tha thứ, quên đi chuyện cũ và ra tay bảo vệ họ.

     Sang Tân Ước, Đức Maria cũng có kinh nghiệm về quá khứ của dân tộc, nên thốt lên: “lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người” (Lc 1,50)

     Tuy nhiên, trọng tâm của sự mặc khải lòng thương xót Chúa là ở chính con người Đức Giêsu Kitô. Người là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa.

     Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô phác họa vài nét lòng thương xót ấy trong nhân cách của Chúa Giêsu. Đó là:

-   Bất cứ Ngài ở đâu, dân chúng cũng tìm đến để nghe giảng, xin chữa bệnh và đều được Ngài đáp ứng.

-   Bất cứ khi nào, kể cả lúc mệt mỏi sau bao công việc, Chúa vẫn tiếp đón dân chúng niềm nở.

-  Bất cứ chỗ nào, những người đau khổ cũng được Ngài chiếu cố, từ thành thị, miền quê hay bờ sông bãi vắng. Ở Ngài chỉ có sự thông cảm thương yêu, nâng đỡ và tha thứ. Nhưng đỉnh cao thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa chính là cái chết thảm khốc của Chúa Giêsu trên thập giá để đem lại ơn tha thứ và hạnh phúc cho cả nhân loại.

     Chúng ta hãy đến với Chúa trong niềm tin để Ngài chữa lành cho ta khỏi tội lỗi và làm cho ta được sống dồi dào.

Chúng ta hãy dấn thân phục vụ mọi người bằng hành động cụ thể và mau mắn, để chúng ta trở nên giống Chúa hơn.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN THỨ V THƯỜNG NIÊN

Mc 7,1-13

TÌM CÁI CỐT YẾU

 

“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà uy trì truyền thống của người phàm”.

     Chúa Giêsu và nhóm biệt phái cùng kinh sư tranh luận với nhau về vấn đề sạch – dơ.

-  Họ bám sát mặt chữ những qui định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch, cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa.

-   {C}Chúa Giêsu nói đó mới chỉ là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn.

- Ngài nhận xét đạo đức của họ chỉ là đạo đức giả: “Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

     Nhiều Tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của đạo. Chẳng hạn:

- {C}Người Ấn Giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ.

- Các thành viên cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Đấng Mêsia đến.

-   {C}Ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng đã coi việc dìm người xuống dòng sông Giordan rồi trổi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến.

-  Người Do Thái còn đi xa hơn mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống hằng ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.

-   {C}Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân.

     Đối với người Do Thái

-   {C}Việc rửa tay, rửa chén dĩa, rửa thực phẩm không phải chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh mà còn là một nghi thức Tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch, để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt, nhưng người biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu:

Họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài, khi họ hỏi Chúa Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức đó như sau: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

     Chúa Giêsu cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách Tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài. Đừng lẫn lộn ý muốn của con người với ý muốn của Thiên Chúa. Đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Chúa ban bố.

     Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do Thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào đền thờ, gọi là Corban, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Chúa. Thế nhưng, trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.

     Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ nhất, và tuân giữ giới luật yêu thương của Ngài, để chúng ta mến Chúa hơn, hài hòa với nhau hơn, lòng thanh thoát hơn.

     Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Mc 7,14-23

VẤN ĐỀ SẠCH, DƠ

 

“Cái gì từ bên trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho người ta ra ô uế”.

     Sau khi tranh luận với những người Pharisêu về vấn đề sạch-dơ, Chúa Giêsu dạy thêm cho đám đông dân chúng, và sau đó còn giải thích kỹ cho các môn đệ của mình.

-  Cái có thể làm cho con người ra ô uế không phải từ cái bên ngoài mà vào cho bằng những cái từ bên trong mà ra.

-   {C}Như vậy, từ bản chất mọi sự đều sạch.

-   {C}Những thứ từ bên trong ra và làm cho người ta ô uế là những tư tưởng xấu như: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”.

     Với Tôn giáo chân chính, đạo phải bắt đầu từ nội tâm, được sống và phát triển từ nội tâm, và cũng phải hướng về nội tâm. Bởi thế, muốn sửa chữa con người khiếm khuyết, muốn “lột xác” con người tội lỗi, muốn điều chỉnh những trục trặc của cuộc sống đi vào trật tự của trời đất, người ta phải chữa tận căn là nội tâm con người.

     Nhóm Pharisêu thường tự phụ mình là người đạo đức bằng các việc đạo đức hình thức. Để cảnh giác, Chúa Giêsu đã nói cho đám đông rằng: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”.

     Các môn đệ Chúa không hiểu điều Chúa nói, nên khi về nhà, họ xin Chúa giải thích rõ cho họ. Chúa cho các ông hiểu, không phải Chúa nói về thức ăn, vì thức ăn không đi vào tâm trí, nhưng chỉ vào cơ thể, được biến thành chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể, cặn bã bị thải ra ngoài. Nhưng những tư tưởng xấu xa phát từ tâm trí xấu mới làm ô uế con người. Vì tư tưởng sai khiến hành động, và tư tưởng xấu ảnh hưởng đến người khác và làm ô uế môi trường như: tư tưởng tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những thứ đó xuất phát từ tâm hồn xấu, làm điều xấu. Tất cả những thứ đó làm ô uế con người.

     Đâu là cái xấu ẩn ngay trong lòng ta? Lòng dơ bẩn không chỉ là cái chúng ta hiểu là sự dơ bẩn, sự không thanh sạch mà thôi, mà là tất cả những gì khiến ta đi ngược chống lại tình yêu đều là dơ bẩn. Xấu bẩn tự lòng ta, có nghĩa là, tất cả những tâm tình của Chúa, tiếng nói nào bảo ta đó là tám mối phúc mà chủ trương ngược lại; hạnh phúc nào ta đang đeo đuổi mà lại ngược chiều với hạnh phúc của tha nhân, thì tất cả đều là dơ bẩn.

     Tuy nhiên, nếu cái “” bên trong của chúng ta được giống như cái “tỏ ra” bên ngoài thì thật là lý tưởng. Đó chính là tình trạng “trong suốt “ (transparent) rất đáng mơ ước. Để có thể “trong suốt”, ta phải thường xuyên đối chiếu hai cái “” và “tỏ ra” ấy, để nhận thức sự cách biệt, rồi cố gắng xóa dần khoảng cách ấy.

Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sạch, để con có thể nhìn mọi sự trong vẻ đẹp thanh cao của chúng.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Mc 7,24-30

CHÚA GIÊSU CHỮA CON GÁI MỘT PHỤ NỮ PHÊNIXI

 

     Chúa chữa con gái một phụ nữ Phênixi.

-   {C}Bà là một người ngoại, nên lẽ ra, theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu. Bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người Do Thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bà bằng những lời rất nặng “Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.

-   {C}Nhưng lòng tin kiên trì của bà đã biến bà thành “con cái trong nhà” nên Chúa đã ban ơn theo lòng bà xin.

Trong nhật ký của mình, Mahamat Gandhi cho biết, khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông ta xác tín rằng, Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ. Thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen. Kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.

     Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng.

     Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, Thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời gian của Chúa Giêsu được dành cho người Do Thái.

     Chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do Thái hay không Do Thái.

     Thật ra, ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở chiều kích phổ quát của giáo lý và ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng, và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại chuyến đi của Ngài tới vùng đất dân ngoại. Tại đây, Ngài cũng làm nhiều phép lạ như:

-   {C}Trừ quỉ cho một thanh niên ở Gêrasa.

-   {C}Cho một người câm ở miền thập tỉnh nói được.

-   Và lần này, trừ quỉ cho con gái của một phụ nữ Hy Lạp gốc Phênixi, là người ngoại. Bà có một đứa con gái nhỏ bị quỉ ám. Biết được Chúa Giêsu đang ở trong một nhà gần đấy, bà liền đến sấp mình lạy và xin Chúa Giêsu chữa cho con bà. Chúa Giêsu liền trả lời: “Không nên lấy phần bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Tuy đây là một ngạn ngữ bình dân, người ta thường dùng để nói lên điều nên hay không nên làm. Nhưng nếu không phải là một người khiêm nhường và có niềm tin, có thể bà ta đã giận lắm, sẽ không cần và trả đũa Ngài. Nhưng bà này bình tĩnh nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn cũng được hưởng những mụn bánh rơi xuống”.

     Trước lời khiêm tốn đó của bà, Chúa Giêsu nói: “Vậy thì bà cứ về đi, quỉ đã xuất khỏi con gái bà rồi”.

     Từ đó, ta không thể giải thích đó là dấu hiệu biểu thị cho sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu đã tỏ thái độ lạnh nhạt ban đầu với bà này là để tạo cho bà có cơ hội nêu gương khiêm nhường và tin tưởng của bà, để Ngài có thể thực hiện phép lạ cho con bà.

Suy niệm Tin Mừng hôm nay:

1/ Ta hãy học nơi Chúa Giêsu bài học luôn thương người, hào hiệp với tha nhân – biết cảm thông và biết sống vì lợi ích các linh hồn.

2/  Ta học với bà góa Phênixi lòng tin vững mạnh và khiêm tốn, không nản lòng xao xuyến trước những thử thách.

     “Lạy Chúa, xin cho loài người chúng con biết đối thoại để thế giới này hạnh phúc hơn”.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Mc 7,31-37

 CHỮA LÀNH MỘT NGƯỜI CÂM ĐIẾC

 

     Phép lạ này có nhiều ý nghĩa biểu tượng:

-    Diễn ra “giữa miền thập tỉnh” nghĩa là miền đất lương dân.

-   {C}Nạn nhân là một người câm điếc, tức là một người mất khả năng tương giao với kẻ khác: người ta nói thì anh không nghe, anh muốn nói cho người ta nghe cũng không được.

-   {C}Lúc chữa bệnh, Chúa Giêsu nói Epphata (hãy mở ra). Tiếng này ngày nay phụng vụ dùng lại trong bí tích rửa tội. Khi đọc câu đó, linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người thụ tẩy.

Michel Angelo là một trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm tuyệt hảo vì giá trị nghệ thuật siêu vượt thời gian đã dành, mà còn tuyệt hảo vì sự sống động mà ông đã mặc cho tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng, sau khi đã hoàn thành bức tượng này, Michel Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên “hãy nói đi”.

     Quả thật, lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời, là lúc chúng ta biểu lộ sự sống, đồng thời muốn nói lên rằng, chúng ta đang sống cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta.

     Những người câm điếc một phần nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới chung quanh. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người “thấp cổ bé miệng”, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.

     Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người.

     Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói rằng: con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa; Con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi họ biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống lời Hằng Sống của Chúa.

     Cử chỉ của Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc: “Chúa dắt anh ta ra xa đám đông, ngoáy tai cho anh ta, và sức nước miếng trên lưỡi anh ta” đã có một thời được Giáo Hội lặp lại khi cử hành bí tích rửa tội.

     Thật thế, bí tích rửa tội cũng là một phép lạ. Trong đó, chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới.

     Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Epphata – hãy mở ra.

-   {C}Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống.

-   {C}Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác như: yêu thương và ân cần kính nể những người khuyết tật, đối xử dịu dàng làm cho tâm hồn họ cảm thấy bớt cô đơn.

-   {C}Hãy mở miệng để tạ ơn, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa; để nói những lời yêu thương và khả ái, cảm thông và tha thứ vì Chúa và như Chúa đã làm gương cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin hãy mở mắt con để con nhìn thấy những người khốn cùng trong xã hội. Xin hãy mở tay con để con đón nhận họ và nắm lấy tay mọi người.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Mc 8, 1-10

LÀM CHO BÁNH HÓA NHIỀU

     Trong các quyển Tin Mừng Matthêu và Marcô, có tới hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Một xảy ra ở vùng đất Do Thái, một ở vùng đất lương dân. Phép lạ “lần thứ hai” này xảy ra ở vùng đất lương dân. Có vài chi tiết đáng lưu ý:

-   {C}Không nhắc tới những con cá, chỉ nói tới bánh thôi.

-   {C}Số lượng bánh ban đầu là 7 cái.

-   {C}Số người ăn là 4 ngàn.

-   {C}Số bánh dư là 7 giỏ

     Những con số 7 và 4 là những con số tượng trưng cho lương dân: các thành phố Hy Lạp có một Hội Đồng Quản Trị gồm 7 thành viên; người ngoại thường nói: “4 phương trời”, “tứ hải giai huynh đệ”.

      Như thế, ý nghĩa chính của phép lạ này là Chúa Giêsu không chỉ ban lương thực cho người Do Thái mà còn cho lương dân.

Tin Mừng hôm nay nêu bật lòng quảng đại của Chúa Giêsu đối với con người. Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống được đám đông dân chúng, dù chỉ bắt đầu với 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ là vì Ngài chạnh lòng thương xót họ. Mọi sáng kiến bác ái từ thiện và mọi chính sách phân phối thực phẩm đều phải được khởi đi từ tấm lòng yêu thương. Nếu không, chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trở ngại, hoặc không sớm thì muộn, những công việc ấy cũng bị chen vào những ý đồ ích kỷ, vụ lợi.

     Phép lạ này là hình bóng của Bí tích Thánh Thể. Và như thế, qua phép lạ “lần thứ hai” này, Chúa Giêsu có ý muốn cho lương dân cũng được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể của Ngài. Nhưng thực tế ngày nay, còn biết bao nhiêu lương dân chưa được hưởng thứ lương thực tuyệt vời ấy!

Ngày hôm nay, để nuôi sống nhân loại, Chúa Giêsu đã lấy chính thịt máu Ngài làm lương thực. Với lương thực này, Ngài tin chắc mọi người sẽ được no thỏa để phát triển đến mức tối đa. Tuy nhiên để lương thực ấy đủ cho mọi người thuộc mọi thế hệ, Chúa Giêsu cần đến sự cộng tác của con người, đặc biệt của Giáo Hội, bằng cách phân phát, chia sẻ. Đám đông sẽ vẫn tiếp tục đói khát, nếu hôm ấy, các Tông đồ không phân phát bánh và cá cho đám đông, vì sợ thiếu hay sợ không còn phần cho mình. Do đó, cảnh đói khát hiện nay vẫn còn là vì người ta từ chối phân phát và chia sẻ cho người khác, mà chỉ bo bo giữ lấy cho mình.

     Nếu không có tấm lòng yêu thương, thì chẳng những chúng ta không thể có sáng kiến trong việc cứu giúp người khác, mà còn biện hộ cho khả năng giới hạn của mình và đình hoãn việc trợ giúp. Những lúc ấy, Bí tích Thánh Thể chúng ta đón nhận mỗi ngày đã trở thành vô hiệu: thay vì là lương thực không bao giờ cạn thúc đẩy chúng ta quảng đại hiến tặng người khác, nó sẽ trở thành gia sản độc quyền và cằn cỗi của riêng chúng ta.

     Xin cho chúng ta ngày càng có tấm lòng yêu thương của Chúa, để những người xung quanh chúng ta không còn bị đói khát vì sự ích kỷ của chúng ta.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho