15/05/2017
926
Tuần 5 Phục Sinh_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh




















THỨ HAI TUẦN 5 MÙA PHỤC SINH

Ga 14,21-26

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”

 

Căn cứ theo câu hỏi, thánh Giuđa Tađêô nêu ra: “Tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian”.

Chúa Giêsu đã minh định những điều kiện để được Chúa Cha tỏ mình ra cho, là yêu mến Chúa Con và tôn trọng các giới răn của Ngài. Câu trả lời này, đã đặt tình yêu vào trung tâm mối liên hệ giữa ta với Chúa: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”.

Khi giữ luật vì tình yêu, con người luôn thể hiện sự trung thành. Người ta chỉ phản bội khi người ta không còn yêu nữa. Ngược lại, nếu còn trung thành trong tình yêu, người ta sẽ không bao giờ phản bội. Chúa đòi hỏi chúng ta tuân giữ các giới răn của Ngài trong phẩm tính trên. Khi yêu, không những người ta trung thành mà còn chân thành với nhau nữa. Tình yêu chân thật, vì thế, sẽ không có chỗ cho sự đóng kịch hay dàn cảnh nữa.

Lời Chúa Giêsu phục sinh hôm nay mở đường dẫn chúng ta vào cuộc sống với Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống của mỗi người Kitô hữu. Yêu mến Chúa Giêsu phục sinh, giữ các điều răn của Người là chìa khoá mở ra cho con người thấy tình yêu của Chúa Cha. Người Kitô hữu còn có Thánh Thần là Đấng bảo trợ được Chúa Cha sai đến. Như vậy, người Kitô hữu trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi và gia đình Kitô hữu là một Hội Thánh nhỏ.

Lạy Chúa Kitô phục sinh, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho cộng đoàn giáo xứ chúng con nhận biết và yêu mến Chúa. Xin ban cho chúng con Thánh Thần Chúa để cộng đoàn chúng con biết yêu thương nhau và trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Amen

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 14,27-31a

 “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”

 

Ngày nay con người phải đối diện với biết bao khó khăn: Nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật, giới trẻ thì đối diện với thất nghiệp, xì ke, ma tuý, ăn chơi hưởng thụ. Các bậc cha mẹ luôn lo âu và sợ hãi về con cái của họ… Thế giới nhân loại hôm nay luôn sống trong sự bất an lo sợ.

Thế mà, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói với các môn đệ và người Kitô hữu chúng ta: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.

Như thế, bình an, Chúa ban cho các Tông đồ và qua các ngài, cho mọi người chúng ta không phải chỉ là một lời chúc như chúng ta vẫn thường sử dụng khi chúc một người nào đó sắp đi xa, nhưng là một quà tặng. Bởi vì Chúa không nói: Thầy chúc cho các con mà là Thầy ban cho các con. Quà tặng này là một sức sống phong nhiêu. Bình an Chúa ban tặng, cũng không phải là thứ bình an, vì không có chiến tranh, nhưng là thứ bình an trong tâm hồn, một thứ bình an chỉ có được khi đã gian nan phấn đấu để chiến thắng tội lỗi, hận thù.

Bình an của người Kitô hữu do Chúa Giêsu phục sinh mang lại. Chúa đã lên trời nhưng người gởi Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, để bảo vệ những người tin vào Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta hãy sống theo lời thánh Phêrô khuyên dạy: Hãy đến với Chúa và quẳng gánh lo âu cho Chúa, chính Người sẽ săn sóc chúng ta.

Người tín hữu muốn sở hữu sự bình an này phải đến với Đức Kitô, gắn bó với Ngài, hoà hợp tâm tình và ý muốn của ta với Ngài, liên kết hành động của ta với hành động của Ngài. Xin Chúa cho chúng ta có được những điều kiện đó để nhận được sự bình an hồng phúc này.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN 5 MÙA PHỤC SINH

Ga 15,1-8

“Thầy là cây nho, anh em là cành”

 

Hình ảnh cây nho, rất quen thuộc trong truyền thống Do Thái. Họ thường đồng hoá người trồng nho với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng thừa nhận điều đó: “Cha Thầy là người trồng nho”, đồng thời đưa vào một yếu tố mới, khi xác định “Thầy là cây nho thật”, cây nho này, đã chấp nhận bàn tay cắt tỉa của Chúa Cha, tới mức đau đớn: “Ngài đã vâng lời Chúa Cha vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá”. Nhờ đó cây nho là Đức Kitô đã phát sinh ra hoa trái, nuôi sống toàn thể nhân loại. Hoa trái này chính là hiến tế tình yêu Ngài trao tặng con người.

Tất cả ngành nho muốn sinh trái, phải tiếp giáp với thân nho, nhận nhựa sống từ thân nho truyền sang.

Đề cập tới hình ảnh và điều kiện sống của ngành nho, Chúa muốn ám chỉ sự hiệp nhất thiêng liêng của chúng ta với Ngài. Linh hồn chúng ta muốn sống và sống sung mãn, không thể thiếu sự kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô.

Cuộc sống Kitô hữu chỉ có thể sinh hoa trái khi ở lại trong Chúa, đó là cầu nguyện, lắng nghe, thực hành Lời Chúa, rước Thánh Thể, khi đó chúng ta sẽ gắn bó với Chúa Giêsu, sẽ sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và sẽ sinh hoa trái bác ái.

Hoa trái này sẽ trở thành một chứng tá, một hành động gây ấn tượng, một sức ấm sưởi ấm nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, chúng con cảm tạ Chúa đã đến trong cộng đoàn Giáo xứ chúng con và ở lại với chúng con. Xin cho mọi người chúng con luôn gắn bó với Chúa, như cành nho liền với thân nho để chúng con sinh nhiều hoa trái như Chúa mong muốn. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 15,9-11

“Hãy ở lại trong Tình yêu của Thầy”

 

Tình yêu là một điểm quan yếu, nên trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần. Đức Kitô là cây nho, mọi ngành nho phải tháp nhập vào thân nho này, mới có thể sinh trái.

Chúa đã yêu thương đến cùng và Ngài mời gọi các môn đệ tự ghép mình vào tình yêu đó, để có thể phát sinh yêu thương, sinh hoa trái, như thế, cũng đồng nghĩa với yêu thương.

Chúa nói: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” vì chỉ nơi đây, ta mới tìm được no thoả. Ta được dựng nên cho tương quan tình yêu; tự do và có trách nhiệm với Chúa, nên tâm hồn ta luôn khắc khoải lo âu, cho tới bao giờ được an nghỉ trong Chúa.

Từ nguồn suối tình yêu của Thiên Chúa, người tín hữu sẽ truyền thông sang người khác. Ta sẽ không yêu người vì dáng vẻ bên ngoài, vì địa vị, tiền bạc, nhưng vì họ là anh chị em với ta, trong đại gia đình Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và bày tỏ tình thương của Chúa Cha cho chúng con. Xin cho chúng con luôn sống giới răn yêu thương trong cộng đoàn giáo xứ, để chúng con được hưởng niềm vui của Chúa cách trọn vẹn.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 15,12-17

“Điều Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau”

 

Chúa Giêsu bảo các môn đệ Ngài “phải yêu thương nhau” tại sao phải yêu thương nhau?

Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài đòi phải đáp lại tình yêu của Ngài, bằng cách yêu thương nhau:

 Đã yêu Chúa thì phải yêu thương nhau. Nhưng yêu thương theo khuôn mẫu nào? – Yêu như Chúa đã yêu.

Phải hiệp nhất với Đức Kitô như cành nho với cây nho, chúng ta mới có thể yêu như Ngài yêu đươc. Chính sức sống của Đức Kitô, nói cách khác, tình yêu của Ngài, là nhựa sống truyền sang cho ta, chỉ có nó mới giúp ta phát sinh hoa trái.

Nhưng yêu tới mức nào? – Tới chết vì người mình yêu.

Đức Kitô đã minh chứng tình yêu của Ngài bằng sự hy sinh và trao ban: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu mình”.

Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người khi trao ban Con Một Ngài cho chúng ta. Chúa Giêsu tỏ bày tình yêu của Người bằng sự hiến dâng mạng sống trên thánh giá. Chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu đích thực ấy: “Yêu như Ngài yêu” qua những hy sinh phục vụ trong gia đình, trong khu xóm, trong cộng đoàn giáo xứ. Hoa trái yêu thương ấy sẽ tồn tại mãi mãi.

Lạy Chúa phục sinh, xin cho mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng con cảm nghiệm được tình thương của Chúa để yêu thương nhau hơn. Xin làm cho các gia đình sống chung quanh chúng con cũng cảm nghiệm được tình yêu của Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 15,18-21

Anh em không thuộc về thế gian

 

“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”

Bị thế gian thù ghét quả thực là một số phận của người Kitô hữu.

Đấng Mesia, đã được tiên tri Isaia tiên báo là người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê.

Ngay từ lúc được dâng trong đền thờ, Đức Giêsu đã được ông Simêon cho biết: “Cháu bé này là dấu hiệu cho người đời chống đối” (Ga 2,34).

Với các Thánh Tông đồ, Chúa cũng cho biết: Các con sẽ bị bách hại vì Thầy, thậm chí có những lúc, người ta chống báng các con, mà lại nghĩ là đang làm vinh danh Thiên Chúa.

Phúc Âm, như thế, tự nó tạo ra sự chia rẽ, sự sứt mẻ. Chia rẽ này, có khi xuất hiện ngay trong gia đình mình. Cũng có khi nằm ngay trong nội tâm chúng ta. Nơi đây luôn là một sự giằng co, những thỏa hiệp đến từ nhiều thế lực.

Những thế lực thù địch này, không phải chỉ nhất thời, mà kéo dài, bao lâu còn có người từ chối tiếp nhận sứ điệp Tin Mừng.

Lí do thế gian ghét chúng ta là: “Chúng ta không thuộc về Thế gian này”“Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”.

Các Thánh Tử Đạo hãnh diện vì được thuộc trọn về Thiên Chúa. Vì mang danh Kitô hữu và sống theo lời Đức Kitô, các Ngài bị thế gian ghét bỏ và loại trừ.

Trong xã hội hôm nay, người Kitô hữu không phải chịu bắt bớ và bách hại như các Thánh Tử đạo ngày xưa, nhưng có biết bao cám dỗ của thế gian muốn lôi kéo chúng ta xa Chúa, chúng ta có dám lội ngược dòng đời, không chạy theo lối sống thế gian không? Lời Chúa nhắc nhở mỗi người: “Anh em không thuộc về thế gian, Thầy đã tách anh em khỏi thế gian. Anh em hãy nên Thánh giữa thế gian”.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, những thói xấu, những lời nói thiếu suy nghĩ, những hành vi bộc phát nóng nảy gây thương tích cho nhau luôn là những nguy cơ có thể làm vẩn đục bầu khí yêu thương thánh thiêng của cộng đoàn chúng con, đẩy chúng con xa Chúa. Xin Chúa bảo vệ và đồng hành với chúng con để chúng con thuộc trọn về Chúa mỗi ngày.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho