31/03/2017
1437
Tuần 5 Mùa Chay_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY

Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8,1-11

NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH

 

Bài Tin Mừng hôm nay, Ga 8:1-11, được gọi là “Người Đàn Bà Ngoại Tình”. Tuy nhiên, nếu tập trung vào người đàn bà hay tội ngoại tình, chúng ta sẽ bị lạc mất điểm chính. Vậy đâu là sứ điệp của Tin Mừng hôm nay, và sứ điệp đó phải chuyển tải vào đời sống chúng ta như thế nào?

1/ Đâu là ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng hôm nay?

Câu chuyện xảy ra vì những kẻ thù của Chúa Giêsu, những  Kinh sư và Biệt phái, đang tìm cách tấn công Ngài. Họ dùng người đàn bà ngoại tình như một cái bẫy để âm mưu tiêu diệt Ngài. Bởi họ nhìn thấy điều nguy hại trong giảng huấn của Chúa Giêsu khi dạy dân chúng phải giữ luật lệ bằng tình yêu. Điều này đe dọa quyền hành và địa vị của họ, nếu dân chúng nhận ra hành động của họ không phải vì yêu mến Thiên Chúa mà chỉ vì lợi lộcquyền hành của họ. Bị thúc đẩy bởi lòng thù ghét họ bắt đầu giăng bẫy để có bằng chứng tố cáo Ngài.

Thế là, các Kinh sư và Biệt phái dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang đến xin Chúa Giêsu xét xử. Họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Một cái bẫy đã giăng ra: Nếu Chúa Giêsu đồng ý cho ném đá, Chúa bị kẹt vào hai điều: Trước hết, vi phạm luật của chính quyền Rôma, chỉ có chính quyền Rôma mới được quyền xét xử tử hình mà thôi; Thứ đến, Chúa mất đi uy tín và ảnh hưởng của Ngài như một người bạn của những người tội lỗi và một bậc thầy giảng dạy về tình yêu thương tha thứ. Mặt khác, nếu Ngài từ chối giữ luật Mô-sê, không ném đá người ngoại tình, tức là Chúa ủng hộ cho hành động vô luân lý, như vậy làm sao xứng danh một Tiên tri, một Đấng Thiên Sai đến từ Thiên Chúa được?

Đối diện với âm mưu của họ, Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Ngài đang viết tội của họ hay đang suy nghĩ tìm câu trả lời. Điều đó không ai biết, nhưng có một điều là họ đang đắc thắng vì đã dồn được Ngài vào chân tường. Họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Ngài ngẩng lên và nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7). Một câu trả lời sắc bén, như thể mũi dao xoáy tâm can họ, khiến không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng! Rồi họ lần lượt bỏ đi, chỉ còn lại Chúa Giêsu và người đàn bà thôi. Cuối cùng là sự gặp gỡ của tình yêu và tha thứ. Chúa đã gặp bà trong cái nhìn bẽn lẽn và hổ thẹn vì tội của bà, nên Chúa nói: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Bài đọc 1 thuật lại chuyện bà Susanna bị các kỳ lão vu khống là phạm tội ngoại tình nên kết án xử tử, may mà có cậu bé Đanien khôn ngoan cứu thoát bà. Từ đó khi nghe bài Tin Mừng của Thánh sử Gioan nói về người phụ nữ ngoại tình chúng ta có cảm tưởng dường như Gioan đã liên tưởng đến câu chuyện bà Susanna. Quả thật chúng ta sẽ nhận ra những điểm tương tự giữa hai câu chuyện, như việc tố cáo bắt gặp quả tang phạm tội ngoại tình, sự đảo ngược của hoàn cảnh, việc ám chỉ đến những kỳ mục (c. 9), việc dẫn người phạm tội ra giữa đám đông quần chúng (c.3), việc nại đến luật Môsê để ném đá (c.5). Và nếu đúng như vậy thì Đức Giêsu được giới thiệu như Đanien mới không những biện chính cho kẻ vô tội, nhưng còn biện chính cho kẻ có tội (c.11). Điều này làm nổi bật một chân lý sâu xa: Sự thẩm phán của Chúa chính là ân sủng và tha thứ, một chân lý làm ngỡ ngàng mọi suy nghĩ của con người là bởi vì “Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến trong thế gian để xử án thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu”. (Ga 3,17)

2/ Sứ điệp Tin Mừng hôm nay đi vào cuộc sống chúng ta thế nào?

Thật ra, không ai có thể dám tự hào là mình vô tội. Trong thư Thánh Gioan chương 1 câu 8 dạy rằng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong chúng ta”. Người đàn bà phạm tội ngoại tình thì đã rõ ràng, còn những người Luật sĩ và Biệt phái đang tố cáo người đàn bà với một hậu ý rất thâm độc và lòng thù ghét Chúa Giêsu. Họ đang tìm cách giết Chúa. Tội của họ hẳn còn lớn lao hơn tội người đàn bà! Nhưng họ lại tự lừa dối và coi mình là những người đạo đức. Chúa đã vạch tội họ ra cho thấy rằng làm sao một người tội lỗi lại lên án một tội nhân khác được?

Cũng thế, mỗi người trong chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, nhưng trớ trêu thay khi thấy ai đó phạm tội vì lỡ lầm yếu đuối, chúng ta thường lên án họ, và cho mình là trong sạch, vô tội. Chúng ta thường dễ dàng bỏ qua những tội lỗi của mình, nhưng lại không tha cho kẻ khác. Trong khi đó Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân: “Tôi không lên án chị đâu”. Thật là an ủi biết bao cho chúng ta những con người tội lỗi. Ngài không giết chết, nhưng cứu sống. Ngài không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Ngài ghét tội, nhưng lại thương xót tội nhân.

Qua câu chuyện “Người Đàn Bà Ngoại Tình”, Chúa Giêsu nói lên cách thức Ngài yêu thương mỗi người chúng ta. Đây cũng chính là cách Ngài kêu gọi cộng đoàn Phụng vụ chúng ta yêu thươngtha thứ cho nhau (Ga 15:12) như Ngài giảng dạy: “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương” (Mt 5:7; Gc 2:13)

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY

Ds 21,4-9; Ga 8, 21-30

THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU NGUỒN CỨU ĐỘ

 

Thập giá Đức Kitô là dấu chỉ và là nguồn ơn cứu độ. Và con rắn đồng được treo lên trên cây trong bài đọc 1 hôm nay, là dấu chỉ loan báo cây Thập giá cứu độ của Chúa Giêsu sau này.

Trước bối cảnh câu chuyện là khi đó dân Do Thái băng qua sa mạc về đến gần đất hứa. Khi đến Cades, Môsê cho một phái đoàn đến yêu cầu Vua Edom cho dân mình đi qua xứ của Vua, nhưng Vua Edom nhất quyết không cho, lại còn kéo quân đông đúc ra ngăn ngừa. Do đó, dân phải đi vòng qua xứ Edom. Khi đi qua giữa đồng truông, vừa đói vừa khát, dân It-ra-en kêu than oán trách Thiên Chúa và ông Môsê. Họ nghi ngờ tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Đức Chúa cho rắn độc bò ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết, để tỉnh thức lòng tin của họ. Người Do Thái biết đó là hình phạt của Thiên Chúa, dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Đức Chúa, Đức Chúa truyền cho ông Môsê làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó thì sẽ được sống              (Ds 21,4b-9).

Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu xác định với người Do Thái “…nơi Tôi đi các ông không thể đến được”. Người Do Thái hỏi nhau: “ông ấy sẽ tự vẫn hay sao?”

Tiếp theo Ngài cho họ biết những thuộc tính của Ngài. Ngài thuộc thượng giới: “các ông bởi hạ giới, còn Tôi, Tôi bởi thượng giới”; Ngài hằng hữu: “Nếu các ông không tin Tôi hằng hữu, các ông sẽ chết trong tội”; Ngài là sứ giả của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài: “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật”; Chúa Cha luôn ở với Ngài: “Đấng đã sai tôi luôn ở với tôi”“ tôi hằng làm những điều đẹp ý Người”.

Những mặc khải trên, người Do Thái không chấp nhận, vì họ không tin Ngài là con Thiên Chúa; lúc đó Ngài bảo họ: “Khi các ông dương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi hằng hữu và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha dạy tôi thế nào, thì Tôi nói như vậy”.

Cũng như con rắn đồng là biểu tượng cho quyền lực sự dữ, lại trở nên nguồn cứu thoát cho người Do Thái, thì Chúa Giêsu được coi là người phải chết để cho toàn dân nhớ lại trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó trong bài Tin Mừng hôm nay: “Khi các ngươi nhắc con người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết: chính là Ta”. Nghĩa là khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập giá, Ngài sẽ trở thành Thiên Chúa cứu độ. Sở dĩ Chúa Giêsu phải khẳng định một cách mạnh mẽ, là bởi vì người Do Thái từ chối không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên Chúa Giêsu đã tự giới thiệu mình là Thiên Chúa bằng kiểu nói: “Chính là Ta”, mà Kinh Thánh Cựu Ứơc thường dùng để ám chỉ Thiên Chúa Giavê. Quả vậy, tất cả những ai tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, như là Thiên Chúa Giavê, thì những người ấy sẽ được Chúa Giêsu tha thứ và cứu độ. Đồng thời niềm tin đó còn giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự dữ. Trái lại, những ai không chịu tin mà nhìn lên Chúa Giêsu như Đấng cứu độ, thì họ sẽ tiếp tục ở trong tội lỗi của họ và họ sẽ bị hư mất trong cái chết đời đời.

Ngày nay hình ảnh con rắn đồng đã được con người dùng làm biểu tượng cho ngành dược, ngày xưa trong sa mạc, con rắn đồng đã cứu dân It-ra-en khỏi chết, thì ngày nay các dược phẩm cũng cứu loài người khỏi nhiều thứ bệnh tật. Nhưng con rắn đồng ngày xưa và những dược phẩm ngày nay cũng chỉ là một chút bóng mờ của chính Chúa Giêsu trên thập giá. Chính Chúa Giêsu trên thập giá mới là linh dược chữa trị mọi bệnh tật và cái chết của linh hồn. Bởi vì thập giá Đức Kitô là dấu chỉ và là nguồn cứu độ cho nhân loại.

Kỹ sư Frank Denton được giao nhiệm vụ thiết kế những bộ y phục đặc biệt cho những nhà phi hành gia vũ trụ. Khi thiết kế xong ông đặt tên cho hai bộ y phục của hai phi hành gia, một là J 3,16 và bộ kia là J 3,17. Đó chính là hai câu trong bài Tin Mừng: Ga 3,16 là “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Còn Ga 3,17 là “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Ý của nhà thiết kế này là cầu mong cho cuộc du hành vũ trụ của các phi hành gia được an toàn nhờ sự che chở của Chúa.

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của mùa chay, Giáo Hội đọc lại cho chúng ta nghe những đoạn Tin Mừng liên quan đến cái chết tủi nhục trên thập giá của Chúa Giêsu, cũng như chuẩn bị cho chúng ta đón nhận Vinh quang phục sinh của Ngài. Xin Chúa cho chúng ta vượt qua được gương mù Thập giá để có thể qua đó nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu độ của trần gian.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY

Đn 3,14-95; Ga 8,31-42

NÔ LỆ TỘI LỖI

 

Câu chuyện của sách tiên tri Đanien trong bài đọc 1 cống hiến cho người đọc những ý tưởng sâu sắc liên quan đến bài  Tin Mừng hôm nay.

Câu chuyện thuật lại giữa cánh đồng Dura thuộc hạt Babylon, Vua Nabucodonosor đã cho dựng một tượng vàng tương tự như ngày xưa trong một cánh đồng tương tự, người ta muốn xây một tháp Babel cao ngất trời. Trước tượng vàng này có một lò lửa luôn rực cháy để tiếp nhận các hiến sinh. Vua hạ lệnh khi nghe tiếng dàn nhạc, mọi người phải phục mình bái lạy tượng vàng này. Ai không phục bái sẽ bị quăng vào lò lửa phừng phừng (c.5-6.10-11.15). Mọi người nghiêm chỉnh chấp hành, chỉ trừ Sadrak, Mêsad và Abed- Nơgo không chấp nhận bái thờ thần tượng. Hình phạt lập tức được ban hành. Giữa lò lửa phừng phừng cháy, ba thiếu niên kêu gọi cả hoàn vũ ca ngợi Thiên Chúa, Đấng tạo nên đất trời. Và Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Ngài là những kẻ đã tin tưởng vào Ngài.

Câu chuyện hàm chứa một ý tưởng sâu sắc về sứ mạng của dân tộc được tuyển chọn đối với thế giới. Ba thiếu niên kia đủ khả năng phản kháng lại quyền bính của Vua, kẻ buộc họ phải thờ ngẫu tượng, bởi vì họ đã gặp được một Đấng tuyệt đối, còn cao cả hơn, quan trọng hơn chính bản thân và sự sống của họ nữa. Do đó, câu chuyện của sách Đanien trong bài đọc 1 cũng cống hiến cho chúng ta ý tưởng sâu sắc vì sự gần gũi với bài Tin Mừng hôm nay.

Qua bài Tin Mừng của Thánh Gioan 8,31-42 hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng phàm ai phạm tội thì là nô lệ: “Thật Tôi bảo thật các ông hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. Sở dĩ Ngài khẳng định như vậy chính vì người Do Thái chỉ biết hãnh diện và lo lắng cho sự tự do tôn giáo có tính cách bề ngoài của họ. Và dường như họ không muốn biết đến sự tự do có tính cách thiêng liêng ở bên trong. Sự tự do bên trong này chỉ có được khi họ biết vâng phục một mình Thiên Chúa mà thôi. Trong khi đó Chúa Giêsu đã từng nói cho họ biết, nếu họ không tin vào Ngài và còn muốn giết chết Ngài, thì họ mắc tội. Và khi họ hành động chống lại Ngài như vậy, họ không còn là kẻ tuân phục Thiên Chúa, và không có tự do thật sự. Hai chữ “Tự Do” này lập tức gây nên một ngộ nhận nơi người Do Thái và có thể nói đã làm thương tổn đến lòng kiêu hãnh của họ xét về phương diện quốc gia cũng như tôn giáo. Thật vậy chữ “Tự Do” gợi lên sự giải thoát đã đạt được một lần cho tất cả vào lúc xuất hành, đồng thời tự do ấy đã được hứa cho tổ phụ Abraham (c.32, x. Kn 17,16.22,17-18). Vì thế không người Do Thái nào cho mình là nô lệ cả (Lv 25,42). Lý do sâu xa nhất, theo như họ nghĩ, là họ thuộc dòng giống Abraham điều bảo đảm sự tự do cơ bản của họ. Thuộc dòng giống Abraham đó là tước hiệu vinh dự mà người Do Thái không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Khi Chúa Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Ngài: “nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông”. Người Do Thái nói: “Chúng tôi là dòng dõi Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”. Làm sao ông lại nói: “các ông sẽ được tự do”.

Đức Giêsu đã dựa vào lý sự của họ, trên niềm kiêu hãnh của họ mà trả lời: “Quả thật tôi bảo các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ” (c.34). Điều này có nghĩa là muốn biết mình là người tự do hay nô lệ thì vấn đề không phải là quay về với quá khứ cho dầu là một quá khứ huy hoàng đi nữa, nhưng phải biết phản tỉnh, phải biết nhìn vào nội tâm của chính cá nhân mình xem tội lỗi còn ngự trị ở đó hay không. Chính tội lỗi sẽ cướp đi nơi chúng ta mọi khả năng làm điều tốt và trói buộc chúng ta, hướng chúng ta về những gì xấu xa. Sự ghê gớm của tội lỗi không dừng lại ở đó, Đức Giêsu nói tiếp: “Nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (c.34). Nói khác đi, chính tội lỗi chẳng những làm cho họ trở thành nô lệ đích thực, nhưng còn tước đi tư cách làm con cái Abraham.

 Những bài sách Thánh hôm nay muốn dạy chúng ta rằng: Người Kitô hữu không nên bắt chước dân Do Thái ngày xưa, không sống theo những “nhãn hiệu”, những “tước hiệu” danh dự, bởi vì chúng  không có giá trị thật sự khi đối diện với Thiên Chúa. Điều quan trọng hơn mà họ phải khám phá cho được, đó là Thiên Chúa là Đấng Tuyệt đối của cuộc đời. Người là sự sống và tình yêu thật sự của con người (bài đọc 1) và một khi khám phá ra “Tuyệt đối” ấy thì họ lại muốn yêu mến Đức Giêsu và lưu lại trong lời của Ngài, như Ngài tuyên bố: “Nếu các ngươi ở lại trong lời của tôi thì các ngươi là môn đệ của tôi, và các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ngươi”. Như vậy, muốn trở nên môn đệ của Chúa Giêsu thì phải nghe lời Ngài và nghe lời Chúa Giêsu thì đạt đến sự tự do. Bước đi theo Chúa Giêsu, chấp nhận làm môn đệ của Ngài, chúng ta sẽ không còn bị coi là nô lệ nữa, nhưng chúng ta tiến đến tự do đích thực, tiến đến sự triển nở hoàn toàn, tiến đến cõi sống sung mãn.

Giờ đây, Bí tích Thánh Thể sắp được tái diễn trên bàn thờ là chính Mình và Máu của Chúa Giêsu phục sinh, là chính thân mình của Đấng đã đạt đến sự tự do sung mãn. Xin cho của ăn đó giải phóng chúng ta khỏi những tội lỗi, những đam mê, những thói tục đã ràng buộc chúng ta, để chúng ta ngày càng được tự do ở trong Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY

St 17,3-9; Ga 8,51-59

THIÊN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU

 

Phụng vụ Thánh lễ, từng bước một, đưa chúng ta về lại với những ngày cuối cùng cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Tuy cái chết của Đức Giêsu bao hàm cả lý do nhân loại, nhưng Tin Mừng của Thánh Gioan 8, 51-59 hôm nay cũng sẽ cho chúng ta thấy cuộc đối đầu ác liệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Đức Giêsu và người Do Thái, đặc biệt là các Thủ lãnh Tôn giáo của họ.

Hôm nay, trong cuộc đối đầu, người Do Thái không ngần ngại gọi Đức Giêsu là người bị quỷ ám (c.48,51). Dưới cái nhìn của họ, Đức Giêsu thật sự là thế (x.Ga 7,20.10,20) khi Ngài nói: “Thật, Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời Tôi thì sẽ không bao giờ phải chết”. Đây là cơ hội khiến cho người Do Thái kết án Đức Giêsu: “bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các Ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì không bao giờ phải chết”. Ông cho mình là ai? Câu hỏi của người Do Thái là cơ hôi để Đức Giêsu mặc khải về bản thân Ngài: “Ông Abraham cha các ông đã hân hoan được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (c.56). Ngày của Tôi hay ngày của Con Người (Lc 17,22) trước tiên chỉ cuộc quang lâm cánh chung. Nhưng cánh chung đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu (Kn 12,3, Gl 3,16). Nếu người Do Thái hãnh diện vì cha của họ là Abraham thì cũng phải hân hoan vì được thấy ngày của Đức Giêsu, Đấng đến để hoàn thành mọi lời Thiên Chúa đã hứa cho tổ phụ của họ.

Tuy nhiên, người Do Thái đâu có dễ tin như vậy: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham sao?” (c.57). Đó là vì họ quá biết rằng Abraham đã sinh ra trước Đức Giêsu 13 thế kỷ; và họ cũng chưa biết rõ nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu: “Thật tôi bảo thật các ông, trước khi có ông Abraham, thì Tôi, Tôi hằng hữu”.

Đây là một cao điểm trong giáo lý của Gioan về mầu nhiệm nhập Thể của Con Thiên Chúa. Sở dĩ có cuộc đối đầu giữa người Do Thái và Đức Giêsu bởi vì họ chưa thấu hiểu được mầu nhiệm bản thân Ngài. Quần chúng không hiểu biết Đức Giêsu vì họ chỉ nhìn thấy nơi các dấu lạ của Ngài một mối lợi nhất thời như phép lạ “hóa bánh ra nhiều”. Những người khác lại chỉ thấy trong các phép lạ của Đức Giêsu những dấu chỉ về một Đấng Thiên sai trần thế đang đến. Còn các Thủ lãnh Tôn giáo, chức năng của họ cho phép họ có nhiều khả năng nhận biết Đấng Thiên sai. Nhưng vì kiêu hãnh và ganh ghét họ đã không tin Đức Giêsu là Đấng cứu thế, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Thế nên “họ liền lượm đá để ném Ngài. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi đền thờ”.

Như thế, các bài sách Thánh hôm nay đã gặp gỡ nhau để cùng nói với người Kitô hữu chúng ta hôm nay rằng: phải có cái nhìn đức tin và phải sống niềm tin. Nếu không có đức tin, chúng ta sẽ chỉ thấy Đức Giêsu là con bà Maria, con bác thợ mộc Giuse mà thôi, chứ không nhận ra được Ngài là Đấng cứu độ, khiến chúng ta rộn rã vì được thấy “ngày của Ngài”. Thật ra chỉ với cái nhìn đức tin chúng ta mới vượt lên trên những gì là cụ thể của nhân tính Đức Giêsu để nhận ra Ngài là Đấng cứu độ của trần gian. Với đức tin, như dân Do Thái thời lưu đày, chúng ta yên tâm sống tròn đầy cuộc sống này, bởi vì Chúa là “ánh sáng dọi chốn tối tăm” (Ga 1,15), Đấng hướng dẫn lịch sử thế giới và lịch sử của bản thân chúng ta và Ngài tuyệt đối trung tín vì Ngài là Đấng chân thật.

Tựu trung, sống chết cho sự thật mình tuyên xưng đó là câu trả lời mà Chúa Giêsu đang chờ đợi mỗi người tín hữu Kitô chúng ta. Mầu nhiệm thập giá qua đó Chúa Giêsu đã tỏ bày và sống cho đến cùng Thiên tính của Ngài cũng phải được tuyên xưng một cách cụ thể qua cuộc sống từ bỏ và hy sinh của người tín hữu Kitô.

Tuyên xưng vào mầu nhiệm thập giá, tin vào Thiên tính của Chúa Giêsu là tin rằng Ngài là Đấng hằng sống duy nhất của nhân loại. Tin vào Thiên tính của Chúa Giêsu là tin vào sự thiện có thể thắng sự ác, chân lý có thể thắng dối trá. Và tin như thế cũng có nghĩa là để cho quyền lực của Chúa Giêsu tác động và chúng ta cộng tác với Ngài chiến thắng sự dữ của bản thân cũng như trong thế giới. Con đường thập giá Ngài đã đi qua để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi.

Ước chi con đường ấy cũng là con đường mà mỗi người tín hữu Kitô chúng ta phải đi qua để tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa và phải tuyên xưng như thế thì mới được sự sống đời đời.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY

Gr 20,10-13; Ga 10,31-42

LÀM CON THIÊN CHÚA

 

Phụng vụ Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta nghe “tự tình khúc” thứ năm của Giêrêmia. Đây là đoạn cảm động nhất của Giêrêmia. Cũng có thể gọi đây là cao điểm trong các lời trần tình của vị Ngôn sứ đau khổ này. Ngôn sứ coi cuộc đời mình như đã hỏng, cuộc chiến đấu lao đao những mưu ích cho dân đã ra vô ích, và chỉ đem lại cho ông những ê chề và đắng cay. Ông tuyệt vọng đến độ đã thốt ra như lộng ngôn: “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Giavê, và tôi đã để mình bị dụ, Người đã uy hiếp tôi và đã thắng” (20,27). Câu nói này như phơi bày tất cả con người và nội tâm của Giêrêmia. Ông mang tâm trạng của một cô gái bị chiếm đoạt để rồi bị bỏ rơi với tất cả ê chề và nhục nhã của mình (x.25,13,16­­­tt). Dường như vị Ngôn sứ nào của Đức Giavê cũng ít nhiều sống cái tâm trạng đau đớn này.

Chúng ta dễ dàng nhận ra Giêrêmia là hình ảnh của Đức Giêsu, vị Ngôn sứ vĩ đại và là tiếng nói sau cùng của Chúa Cha trong lịch sử này (x.Hr 1,1). Tin Mừng của Thánh Gioan (10,31-42) hôm nay sẽ vẽ cho chúng ta điều ấy.

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua Chúa Giêsu cố gắng làm cho người Do Thái hiểu Ngài là ai. Ngài nói hơi xa xôi: “Khi Abraham chưa sinh ra thì đã có Ta rồi”. Họ không hiểu mà còn lấy đá định ném Ngài. Trong Đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói rõ: “Ta là Con Thiên Chúa”. Lần này họ tố cáo Đức Giêsu nói phạm thượng vì đã dám sánh mình ngang hàng bằng Thiên Chúa (c.31; Lv 24,16; 8,59). Điều ấy cho thấy chính tâm trạng của họ: nhất quyết từ chối tin cho dầu Đức Giêsu đã tỏ cho họ thấy “những việc trọn hảo bởi Cha mà đến”, Chúa Giêsu rất ngỡ ngàng trước cách đối xử của họ, bởi vì trong Cựu ước (Tv. 82,6) các Vua chúa, thẩm phán It-ra-en cho dù chẳng phải là thần thánh gì, cũng được gọi là “Thần”, bởi vì họ là những kẻ “được Thiên Chúa ngỏ lời” (c.35) thì tại sao Ngài là Đấng “được Chúa Cha thánh hiến và sai đến trong thế gian” lại bị coi là kẻ nói phạm thượng.

Những lời biện luận của Đức Giêsu sẽ chẳng có ích gì đối với người Do Thái được Kinh Thánh gọi là lòng dạ chai đá. Họ không tin vào Đức Giêsu vì Ngài không uốn mình theo quan niệm riêng của họ. Họ muốn Ngài xuất hiện theo như một Đấng Mêsia chính trị và trần thế. Do đó họ tìm cách bắt Ngài, nhưng giờ của Ngài chưa đến, Ngài đã thoát khỏi tay họ.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã bắt đầu đối với Ngài từ lâu, chứ không phải vào ngày thứ sáu Tuần Thánh.

Ngài đã sống những tuần lễ cuối cùng của cuộc đời trần thế giữa những kẻ thù đầy nhẫn tâm! Cho nên tất cả những ai đau khổ, những ai bị la ó, bị chế nhạo, bị bạn hữu phản bội, đều có thể giúp cho chúng ta nhận ra những gì tương tự đã xảy ra với Chúa Giêsu. Quả thật Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút tương tự như Giêrêmia, khi Giêrêmia nghe nhiều người đàm tiếu rằng: “Tứ phía kinh hoàng! Tố cáo đi! Ta hãy tố cáo đi” (c.10). Càng gần đến những ngày của Tuần Thánh, chúng ta phải cố gắng hình dung lại bầu khí bao quanh Chúa Giêsu lúc đó, một bầu khí tác động mạnh mẽ nơi tâm hồn của Ngài. Tuy nhiên Chúa Giêsu luôn giữ một sự bình an, ngay cả những lúc lo âu sợ hãi. Ngài luôn nương tựa nơi Thiên Chúa Cha. Ngài biết Chúa Cha yêu thương, luôn bao bọc lấy Ngài, cho nên Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Chúa Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Chúa Cha” (c.38). Chính nhờ sự hiệp nhất gắn bó với Thiên Chúa Cha, nên cho dù những người xung quanh Ngài đã lượm đá bàn tính ném đá Ngài, Chúa Giêsu cũng vẫn bình thản nói về lòng nhân lành của Cha trên trời. Chúa Giêsu đã hỏi những người Do Thái: “Ta đã tỏ cho các ngươi thấy nhiều việc trọn hảo Cha mà đến, vì việc nào, các ngươi ném đá Ta” (c.32).

Những bài đọc Kinh Thánh hôm nay đã cống hiến cho chúng ta nhiều bài học thâm thúy:

Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết sống theo những đòi hỏi của đức tin, của Tin Mừng Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta, chứ không phải bắt Tin Mừng phải uốn theo những quan niệm riêng của chúng ta. Muốn vậy, chúng ta phải biết ngắm nhìn Đức Giêsu của Tin Mừng. Nên nhớ rằng Satan đã vẽ ra cho Đức Giêsu những lý tưởng rất hấp dẫn nhưng Ngài đã từ chối (x. Mt 4,1-11) để có thể hoàn toàn sống theo thánh ý Chúa Cha. Tuy nhiên, sống theo đức tin và Tin Mừng sẽ luôn luôn là một thách đố đối với người Kitô hữu. Họ được mời gọi sống như Đức Giêsu và như Giêrêmia bằng cách là biết từ bỏ những hưởng thụ hiện tại, lối sống vui cuồng sống vội, và hãy tin vào Chúa Giêsu là Đấng ban ơn cứu độ của nhân loại.

Giờ đây Bí tích Thánh Thể nhắc cho chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu, một con người vô tội, đã chịu mọi đau khổ và chịu chết là để cứu chuộc chúng ta và để cho chúng ta được sống. Do đó xin cho Mình Máu Ngài mà chúng ta rước lấy, thanh tẩy chúng ta, để chúng ta ngày càng trở nên công chính và thánh thiện.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY

Ed 37,21-28; Ga 11,45-56

BÀY MƯU TRIỆT HẠ ĐỨC GIÊSU

 

Sau khi chứng kiến việc Đức Giêsu phục sinh cho Lazarô nhiều kẻ đã tin vào Ngài, còn các Thượng tế và Biệt phái họp nhau hạ quyết tâm triệt hạ Đức Giêsu: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh của ta, lẫn dân tộc ta” (11,48). Lúc ấy một người trong Thượng Hội Đồng là thượng tế Caipha nói: “các ông không hiểu gì cả... thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Thánh Gioan hiểu lời này, tuy Caipha nói ra một cách vô ý thức, nhưng thật sự diễn tả rất đúng ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giêsu: không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là Thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.

Lời tiên tri trên chính là lời của Edekien được thuật lại trong bài đọc 1: “Này chính ta sẽ lấy con cái It-ra-en từ giữa các dân tộc chúng đã đi tới. Ta sẽ qui tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng”. Tuy nhiên Edekien chỉ mới hiểu những kẻ mà Thiên Chúa qui tụ là dân It-ra-en mà thôi. Thực sự dân mới của Thiên Chúa mà Đức Giêsu dùng cái chết để qui tụ không chỉ là những người It-ra-en mà còn là tất cả những ai tin vào Ngài.

Qua bài đọc 1 hôm nay Edekien đã khai triển đề tài thu họp những người Do Thái bị phân tán. Ngay lúc ông đang sống lưu đày ở Babylon, Edekien đã viết lên những lời an ủi đầy khích lệ đối với dân Do Thái đang buồn sầu trong lúc bị lưu đày. Ông nói cho dân Do Thái biết rằng: Thiên Chúa luôn trung thành theo ý định của Ngài, cho dù Ngài có phạt dân Ngài cũng không từ bỏ họ, bởi vì họ là dân riêng của Ngài. Do đó, ông báo hiệu sự tái thiết lại đất nước Do Thái, mọi kẻ lưu đày sẽ được thu về làm thành một dân tộc duy nhất, chứ không còn bị phân chia thành hai vương quốc như trước nữa. Thiên Chúa sẽ tẩy sạch họ, và sẽ biến họ lại thành dân riêng của Ngài.

Và điều tiên tri Edekien đã tiên báo, lại được Chúa Giêsu thực hiện như trong Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng đã trình bày Chúa Giêsu như người hy sinh mạng sống mình để tụ họp tất cả con cái Thiên Chúa bị lưu lạc về một mối duy nhất. Chúng ta có thể nói đối với Gioan đây là lý do sâu kín nhất của cái chết của Chúa Giêsu. Chính vì lý do này mà Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống của Ngài trên cây thập giá. Bởi vì mục đích mà Ngài muốn tìm kiếm là thâu họp con cái Thiên Chúa về lại làm một. Chính qua cái chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn làm cho những người chia rẽ nhau biết yêu thương nhau, làm cho những ai chống đối nhau biết xích lại gần nhau. Và không phải chỉ những người thuộc dòng giống Do Thái như Ngài, nhưng là tất cả mọi người trên khắp thế giới. Bởi vì xét cho cùng, tất cả mọi người đều là con một Cha trên trời.

Các bài đọc sách Thánh hôm nay mời gọi người tín hữu Kitô yêu quí và sống khía cạnh hiệp nhất trong lòng Giáo Hội. Có thể nói tất cả mọi người đều ước ao được sống hiệp nhất với nhau, được hòa hợp với nhau, được yêu thương nhau. Tuy nhiên, nhìn qua lịch sử nhân loại, chúng ta thấy không được mấy thời, nhân loại chúng ta được sống trong sự hòa bình hoàn toàn. Nhân loại luôn luôn bị xâu xé. Và chúng ta còn có thể nói là ngày nay, những cuộc tranh chấp nhau lại còn sâu xa hơn bao giờ hết. Nhưng dù vậy, ước vọng sâu xa nơi thâm tâm của con người là muốn có sự hiệp nhất. Giữa khi đó, Thiên Chúa lại tự nhận mình là kẻ thu thập tất cả về một mối, bởi vì chính nơi Ngài đã có mầu nhiệm của sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi. Cho nên Thiên Chúa chỉ muốn uốn nắn nhân loại trở nên theo hình ảnh của Ngài. Do đó qua ước vọng của Chúa Giêsu, qua cái chết của Ngài là muốn thâu họp con cái Thiên Chúa về làm một. Đây không phải là một ước vọng có tính cách chính trị, đây cũng không phải là ước vọng hoàn toàn có tính cách nhân loại. Ước vọng này của Chúa Giêsu có tính cách sâu sắc hơn tất cả mọi khái niệm của chủ nghĩa nhân ái, hay tính liên đới tự nhiên, mà là sự hiệp nhất trong lòng Giáo Hội. Sự hiệp nhất mà Thiên Chúa đã phải trả giá khi sai Con mình đến trong trần gian để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.

Lạy Chúa, xin ban ơn đức tin cho con. Vì chỉ khi nào con tin Chúa vững mạnh thì con mới có thể dấn thân cho Chúa mà thôi. Xin cho con góp phần nhỏ bé của mình để Chúa đừng bị ném đá, đừng bị xúc phạm nữa trong xã hội loài người chúng con. Amen

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho