22/10/2016
1179
Tuần 30 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Ep 4,32-5.8; Lc 13,10-17

Chúa Giêsu Chữa Một Người Phụ Nữ Còng Lưng Ngày Sa Bát

 

- Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày Sabat. Đối với Đức Giêsu, ngày Sabat chính là ngày cứu độ.

Đương sự là một người bị bệnh đến nỗi khòm lưng suốt 18 năm, mắt không thể nhìn lên được.

Chúa Giêsu nói bà là con cái của Abraham.

Ngài coi việc chữa bệnh là “Tháo xiềng” cho bà.

Bà đã đứng lên và Tôn Vinh Thiên Chúa.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ, yếu đau, tội lỗi. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13)

Vậy khi Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường, Người trông thấy người đàn bà tật nguyền. Người không đợi cho bà này cất tiếng kêu xin, nhưng chính Người đã gọi bà lại và chữa cho bà khỏi bệnh. Rõ ràng tình thương của Thiên Chúa bao giờ cũng đi bước trước.

Và điều đó đã làm cho viên Trưởng hội đường bực mình. Ông này thuộc về nhóm những người Do Thái coi ngày Sabat là tuyệt đối, nghĩa là coi trọng việc nghỉ ngày hưu lễ đến nỗi dù có chữa bệnh cũng không được phép làm.

Chúa Giêsu đã phản ứng lại một cách mạnh mẽ và tố cáo sự giả hình của họ. Đây là một thứ giả hình tồi tệ nhất, vì nó đặt lợi ích vật chất lên trên những giá trị nhân bản.

Ngày Sabat người ta còn được phép cho gia súc ăn uống, thế mà ở đây người ta lại không muốn cho Chúa Giêsu chữa lành một con người. Như thế, người ta đã biến con người thành kẻ phục vụ mù quáng cho lề luật, trong khi đúng ra lề luật được lập ra là vì lợi ích của con người, để phục vụ con người.

Trong khi đó đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của Đạo chính là tình yêu. Người tuyên bố dứt khoát: “Ngày hưu lễ làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày hưu lễ”. Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày hưu lễ để chứng tỏ rằng sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13).

Trước phản ứng của Chúa Giêsu như vậy, có một vấn đề được đặt ra cho đời sống Đạo chúng ta: Đâu là sự lựa chọn ưu tiên mà từ đó chúng ta phải tổ chức đời sống của mình? Hay nói một cách khác, chúng ta có được phép vịn vào những lý do này nọ, để khước từ một hành động bác ái hay không?

Mọi lề luật của Chúa và Giáo hội đặt ra là cốt đem lại ơn cứu độ cho con người. Vì thế khi giữ luật, chúng ta không giữ vì chữ luật, nhưng giữ vì lòng mến Chúa và vì lợi ích các linh hồn.

Chỉ khi nào chúng ta tuân giữ lề luật bằng động lực của tình yêu, thì khi đó lề luật sẽ trở thành êm ái nhẹ nhàng và sinh ích lợi cho chúng ta.

Và như thế ta mới hiểu được câu nói của Chúa: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Có hai vị thiền sư xuống núi. Khi đi ngang qua một khúc sông cạn, họ thấy một cô gái mắc nạn giữa giòng sông. Vị thứ nhất đi qua và chẳng nói năng gì. Vị còn lại thấy cô gái mắc nạn liền nhanh nhẹn cõng cô gái kia qua sông. Cả hai vị cùng đi về chùa, vị thứ nhất liền trách vị thứ hai: “Tại sao anh lại cõng cô gái đó? Anh có biết như vậy là hành vi phá giới, không giữ luật không?” Vị thứ hai điềm tĩnh trả lời: “Tôi đã bỏ cô ta bên bờ sông rồi, còn anh tại sao vẫn còn mang cô ta về đến đây?”

Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống trong tình yêu là được sống trong Chúa, để tâm hồn chúng con luôn biết cảm thông nâng đỡ người khác, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Ep 5,21-33; Lc 13,18-21

Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa

 

- Dụ Ngôn Hạt Cải

- Dụ Ngôn Nắm Men Trong Bột

- Đây là 2 dụ ngôn mà các chuyên viên gọi là những dụ ngôn sinh đôi, nghĩa là cùng một ý nghĩa:

- Hai hình ảnh:

Hạt cải được gieo xuống vườn.

Nắm men được vùi vào thúng bột.

- Những chi tiết có ý nghĩa:

a/ Nhỏ trở thành lớn

b/ Quá trình phát triển tuy âm thầm nhưng chắc chắn.

- Chỉ có 2 dụ ngôn này được Lc nói rõ về Nước Thiên Chúa.

- Hai dụ ngôn này, nói về Nước Thiên Chúa, kết thúc giai đoạn đầu của hành trình lên Giêrusalem. Qua hai dụ ngôn này, Lc muốn cho thấy Nước Thiên Chúa lan tràn không gì ngăn cản nổi, và có sức mạnh biến đổi.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Chúa Giêsu đến trong trần gian này là để thiết lập một vương quốc, nhưng không phải là vương quốc trần gian đổi thay, mà là vương quốc Thiên Chúa, là Nước Trời.

Sự hiện diện của Nước Trời, đã khởi sự nơi chính con người của Đức Giêsu Kitô, cùng với lời nói và những việc Ngài làm. Từ nay Nước Thiên Chúa đã trở thành một thực tại, và không một thế lực trần gian nào có thể chận đứng đà phát triển của nó. Vương quốc đó sẽ luôn tiến triển, hầu đạt tới một thành tựu viên mãn ở bên kia không gian và thời gian.

Chính Chúa Giêsu cũng phải nhìn nhận rằng lúc đầu Nước Thiên Chúa không tỏ ra một dấu hiệu nào cho thấy trong tương lai nó sẽ tiến triển. Thực vậy, Nước Thiên Chúa qua con người Đức Giêsu Kitô đã đến một cách thật âm thầm, đến độ loài người đã không biết mà đón nhận. Đến nỗi thánh Gioan đã phải thốt lên: “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài, mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài” (Ga 1,11), cũng giống như cái vẻ bề ngoài nhỏ bé của một hạt giống xem ra khó có khả năng trở thành một cây to lớn. Thánh Marcô coi hạt cải là thứ hạt giống nhỏ nhất trong mọi thứ hạt trên mặt đất. Ấy thế mà chính từ cái mầm sống nhỏ bé đó đã mọc thành một thân cây xum xuê cho chim trời đỗ cánh.

Chúa Giêsu còn ví Nước Thiên Chúa hiện diện trong thế gian, tựa như chất men ủ trong thúng bột. Men là một thực tại sinh động, nó làm biến đổi thúng bột một cách âm thầm và liên lỷ.

Qua dụ ngôn hạt cải và men bột này, chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng. Đó là giai đoạn Chúa Giêsu thi hành sứ vụ tại miền Galilê. Xuyên qua những thái độ của dân chúng, Chúa đã thấy nhen nhúm lên một nỗi nghi ngờ ngấm ngầm, dẫn đến sự thất vọng.

Thêm vào đó là giai cấp lãnh đạo Tôn giáo lúc đó đã ra mặt chống đối một cách quyết liệt. Còn nhóm môn đệ khi ấy chỉ là một con số ít ỏi. Vả lại là những người tầm thường nếu không muốn nói là dốt nát “Thông thường chúng ta chỉ nghe cây rừng đổ ngã mà không nghe được tiếng thì thầm của những mầm non đang mọc lên”. Chúng ta tính toàn dựa trên những con số mà không thẩm định dựa trên phẩm chất, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Nhưng Chúa muốn các ông đặt Tin Tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các ông đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Nhưng đó là sức mạnh nhào nắn Giáo hội từ 2000 năm qua.

Thực tại Nước Trời vẫn luôn là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm lớn lao. Nhưng Chúa lại không mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người Hiền Triết khôn ngoan mà lại mạc khải cho những người bé mọn, để từ chính nhóm môn đệ ít ỏi và bé mọn này, sẽ bừng lên một vương quốc không ngừng lan rộng và bao trùm muôn dân.

Do đó, dụ ngôn hạt cải mời gọi ta tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng và vào ơn Chúa đang hoạt động âm thầm trong Hội Thánh, trong mỗi công việc của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Nhờ đó chúng ta an tâm kiên trì và bền đỗ trong công việc hàng ngày, và trong các việc của Hội Thánh, trong mọi công việc truyền giáo.

Cũng như bản chất của men là làm dậy bột và không bị biến chất trong bột, nhưng nó phải chan hòa, làm bột dậy men chứ không bị bột bóp chết, người tín hữu, một thành phần trong Giáo Hội, mang một sứ mạng cao cả như là men được mang vào thế giới để biến đổi thế giới theo thánh ý Chúa, làm sống dậy tinh thần của Chúa Kitô. Men sẽ trở nên hữu dụng nếu nó được nồng vị của Tin Mừng Chúa Kitô trong môi trường xã hội như: công bằng, bác ái, huynh đệ, hiệp nhất bình an.

Xin Chúa củng cố niềm tin của chúng ta, và mở lòng để chúng ta sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Chúa với tâm tình của những người đơn sơ bé mọn.

Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu trong những biến cố hàng ngày, xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Ep 6,1-9; Lc 13,22-30

Cửa Hẹp

Thiên Chúa Ruồng Bỏ Người Do Thái

Bất Trung Và Kêu Mời Dân Ngoại

 

1. c.23: Câu hỏi được đặt ra phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.

Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp:

- Nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại.

- Còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.

2. c.24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi, người ta hỏi về số lượng, Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “Đi qua cửa hẹp”.

- “Đi qua” động từ “qua” diễn tả sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái cửa hẹp ấy nhưng chỉ những ai biết “đi qua” thì mới vào nhà được.

- “Cửa hẹp” diễn tả sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim).

Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi loài. Ngài đã chuẩn bị bàn Tiệc Nước Trời cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Tuy nhiên lối vào phòng Tiệc chỉ có một cửa duy nhất. Cửa đó chỉ mở ra cho những người đến đúng lúc với sự chuẩn bị xứng đáng. Những ai chậm trễ sẽ không thể vào được, nhất là khi cửa đã đóng lại rồi thì mọi lời kêu cầu đều trở thành vô ích.

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói đến viễn tượng về ngày Cánh Chung, được ví như một phòng Tiệc. Muôn dân từ khắp bốn phương trời đều được mời gọi đến tham dự bàn Tiệc. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài. Bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ Đông, Tây, Nam, Bắc đến dự Tiệc trong Nước Chúa.

Nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn đưa ra lời cảnh cáo cho những người Israel cứng lòng. Họ là những người được gọi là “Dân Riêng” của Chúa. Họ được đón nhận lời hứa về Đấng Thiên Sai trước các dân tộc khác. Thế mà khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài đã dùng lời nói và các phép lạ để minh chứng cho sứ mạng của Ngài, thì những người Do Thái lại chối từ Ngài.

Vì vậy, qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý ám chỉ rằng không phải hễ đã mang danh là Dân Riêng là “con cái trong nhà”, là con cái Abraham, là có được một bảo đảm chắc chắn để đi vào phòng tiệc, là Nước Trời.

Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời”, cũng như không phải tất cả những ai đã được nghe, được thấy Chúa đều hội đủ tiêu chuẩn để vào Nước Trời.

Nhưng vấn đề quan trọng là phải phấn đấu, phải dùng sức mạnh, phải chiến đấu mới có thể lọt vào được phòng Tiệc. Đó là ý nghĩa của cách nói “đi qua cửa hẹp”.

Do đó mọi người đều được đặt trong một điều kiện bình đẳng để có thể vào Nước Trời. Nói cách khác, ai cũng có thể vào được Nước Trời miễn là người đó đi vào cửa hẹp.

Cửa hẹp của Nước Trời chính là phải Tin vào Lời Chúa thi hành thánh ý của Chúa. Đi vào cửa hẹp chính là biết từ bỏ mình vác thập giá mỗi ngày, dám bán tất cả những gì mình có để phân phát cho kẻ khó, dám hy sinh mạng sống vì kẻ khác, dám chấp nhận đi vào con đường thập giá cũng như con đường Chúa Giêsu đã đi, một cuộc hành trình đi về Giêrusalem, đi lên Núi Sọ, để từ đó mở ra cho chúng ta bàn Tiệc của vinh quang Phục Sinh, người tín hữu không được ỷ lại và tự mãn về danh hiệu của mình là người Công giáo, là con cái Chúa, để rồi một đàng miễn chuẩn cho mình mọi nỗ lực và cố gắng sống hoàn thiện mỗi ngày một hơn, đàng khác lại tự phụ, kiêu căng khinh khi những người yếu đuối tội lỗi. Trái lại, người tín hữu, để qua cửa hẹp, phải nỗ lực cố gắng và bền chí trong việc thực thi giáo huấn của Chúa, đồng thời luôn biết tỉnh thức trong việc thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân để sẵn sàng đợi ngày Chúa đến.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xác tín vào chân lý đó để mỗi bước chân theo con đường Thánh Giá với Chúa sẽ là mỗi bước chân nở hoa dẫn ta đến Bàn Tiệc vĩnh cửu Nước Trời.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Ep 6,10-20; Lc 13,31-35

Con Cáo Già Hêrôđê (c.31-33)

Đức Giêsu Than Trách Thành Giêrusalem (c.34-35)

 

Người ta báo tin cho Chúa Giêsu hay Hêrôđê muốn giết Ngài và khuyên Ngài hãy trốn đi nơi khác.

cc. 31-33: Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian là trốn đi, nhưng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc đi lên Giêrusalem là để chịu nạn, chịu chết theo kế hoạch của Thiên Chúa.

- Ngài coi thường mưu đồ của Hêrôđê và gọi ông là “con cáo”, với hàm ý coi thường. Chúa Giêsu biết Hêrôđê chẳng làm được gì đối với Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng kết thúc bởi đó Ngài nói: “hôm nay, ngày mai và ngày mốt, Tôi phải tiếp tục đi”. “Ngày thứ ba, Tôi hoàn tất” vừa có nghĩa thời gian là kết thúc, vừa có nghĩa sự nghiệp là đã đạt được mục đích.

- Lời Chúa nhắn gởi dân thành Giêrusalem trước viễn tượng Ngài sắp chết (c.34-35). Nhưng xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời Ngài (và lời các ngôn sứ) trái lại họ còn bách hại và giết chết các ngôn sứ, cũng như sắp giết chết Ngài. Vì thế số phận của họ là sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc.

Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bôn ba khắp nơi để rao giảng về nước Thiên Chúa cho mọi người. Ngài đã cố gắng mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bị coi là nhỏ bé thấp hèn trong xã hội. Đồng thời Ngài cũng tận lực tranh thủ làm sao để cho giới lãnh đạo Tôn giáo thời đó cũng nhận ra được mặc khải này.

Nhưng phũ phàng thay! Có biết bao nhiêu người đã bưng tai giả điếc làm ngơ trước những lời rao giảng của Chúa. Thậm chí còn tìm cách triệt hạ Người, như những người biệt phái, luật sĩ, tư tế trong dân, ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng không ưa thích gì Ngài. Chính ông vua này đã ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy Giả. Đó là điều không tốt cho Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc quyền của ông.

Mặc dù vậy, lòng ân cần thương yêu bao la của Thiên Chúa không bao giờ biết mỏi mệt hoặc suy giảm nơi Ngài. Ngay cả vào giai đoạn cuối đời hoạt động của Ngài, trong khi các thủ lãnh Tôn giáo âm mưu xử tử Ngài, thì Chúa Giêsu vẫn luôn tận tình với họ.

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy được tâm tình tha thiết của Chúa Giêsu khi Ngài thốt lên: “Giêrusalem, ngươi đã giết hại các Tiên Tri và ném đá các sứ giả được sai đến cùng ngươi, đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn…”

Tóm lại, sứ mạng của Chúa Giêsu đến trong trần gian này là để tìm kiếm và cứu thoát những gì đã hư mất. Chính vì vậy suốt cuộc đời của Ngài đã từng phải lặn lội đó đây để đi tìm những con chiên lạc. Ngài đã không bỏ một cơ hội nào để có thể tiếp xúc với những đau khổ tội lỗi.

Việc đó đã trở nên chướng tai gai mắt đối với những người lãnh đạo Tôn giáo thời đó. Họ liệt Ngài vào hạng người mê ăn, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn trung thành với sứ mạng của mình, là biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người.

Nhìn vào Chúa Giêsu: Ngài đã nêu gương cho người tín hữu: dù sống trong hoàn cảnh nào, khó khăn hay thuận tiện đều phải ra công làm việc cho phần rỗi của chính mình và tha nhân.

Nhìn vào Hêrôđê: vì quá ham danh vọng địa vị, nên cảm thấy lo sợ sự có mặt của Chúa và tỏ thái độ ghen ghét khi thấy dân chúng cảm phục Chúa. Nhiều khi cũng vì danh vọng, địa vị, vật chất làm cho chúng ta dễ chia rẽ và oán thù nhau trong đời sống chung.

Nhìn vào dân thành Giêrusalem: chúng ta đừng chai lì, cứng lòng trước tình thương và sự chăm sóc quan phòng của Chúa, nhưng hãy tin theo Chúa và dấn thân sống theo giáo huấn của Chúa để tạo cho mình một đời sống thánh thiện.

Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng của Chúa để có thể nói lên lời tri ân chúc tụng Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Pl 1,1-11; Lc 14,1-6

Ngày Sabat Đức Giêsu Chữa Người Mắc Bệnh Phù Thủng

 

Thêm một trường hợp Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat và bị các người biệt phái kết án. Nhưng các ông không trả lời được khi Ngài hỏi: “Trong ngày Sabat có được phép chữa bệnh không?”

Đối với Chúa Giêsu, con người là ưu tiên tối thượng. Luật lệ, ngay cả luật hưu lễ cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi lề luật, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người.

Đoạn Tin Mừng hôm nay tả lại một cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái.

Những người biệt phái tự coi mình là người bảo vệ lề luật. Họ nhân danh lề luật để chèn ép người khác. Họ giải thích lề luật theo mặt chữ, còn Chúa Giêsu giải thích lề luật dưới ánh sáng của tình yêu.

Cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái hôm nay xảy ra trong một ngày Sabat khi Chúa Giêsu chữa lành một người mắc bệnh phù thủng. Đối với người biệt phái, thì ngày Sabat tuyệt đối cấm làm việc, kể cả việc chữa bệnh. Còn Chúa Giêsu thì coi linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Vì thế luật tình yêu hơn luật hưu lễ.

Thật vậy, lề luật của Thiên Chúa không phải là một thứ xiềng xích vô tâm trói buộc con người, nhưng nó giúp con người sống đúng với tư cách con người, và nhất là đúng với địa vị của người con Thiên Chúa.

Một trong những mục đích của ngày hưu lễ là để giải thoát con người khỏi trở thành nô lệ của công việc hằng ngày. Ngày hưu lễ được dùng để hiến dâng cho Thiên Chúa. Qua việc nghỉ ngơi ngày hưu lễ, Thiên Chúa muốn con người ý thức về vai trò “làm chủ thiên nhiên” của mình.

Thế nhưng ý nghĩa cao cả này đã bị những người biệt phái và các ký lục biến thành một gánh nặng chồng chất lên vai kẻ khác. Người ta đã gạt hết ý nghĩa của tình yêu thương, biến con người trở thành nô lệ cho lề luật. Người ta đã tôn thờ mặt chữ của lề luật còn phẩm giá con người thì bị chối bỏ một cách phũ phàng. Chúa Giêsu đến để giải phóng con người, lấy con người  làm trọng điểm. Chúa đã tóm tắt tất cả lề luật vào giới răn duy nhất đó là luật bác ái yêu thương.

Mến Chúa và yêu người chỉ là 2 mặt của một giới luật yêu thương duy nhất, nên không thể chỉ tuân giữ điều này mà bỏ điều kia.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt lại cách sống đạo của mình. Giữ đạo không phải chỉ trung thành với một vài nghi lễ Phụng Tự, mà không biết duy trì mối tương quan tốt với những người chung quanh, thì chúng ta sẽ trở thành những người biệt phái mới, chúng ta tự giam mình trong một thứ nô lệ mới của lề luật.

Chỉ có một chân lý duy nhất trong cuộc sống đó là tình yêu. Chỉ có một lề luật duy nhất đó là luật bác ái.

Một ngày kia trên đường đi làm, anh kỹ sư thấy một em bé đang đứng khóc. Dừng lại, anh hỏi: Tại sao em khóc? Em bé trả lời: Em không đủ tiền để mua đóa hoa hồng tặng mẹ. Thế là anh bù cho bé số tiền còn thiếu lại. Đồng thời, anh cũng mua một đóa hồng thật đẹp nhờ đường bưu điện chuyển cho mẹ anh. Tiện thể trên đường đến sở làm anh cho bé quá giang. Đến nơi, với khuôn mặt hớn hở em bé đặt đóa hoa lên nấm mộ vừa xanh màu cỏ và đứng nhìn thì thầm giây lát. Quá xúc động trước hành động ấy, anh liền lập tức đích thân chở đóa hoa hồng về tặng mẹ cách đó 300 km.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tuân giữ lề luật vì tình yêu Chúa và  tha nhân. Xin cho chúng con xác tín rằng khi sống bác ái là chúng con sống trong tình yêu Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

Pl 1,18-26; Lc 14,1.7-11

Hãy Ngồi Chỗ Cuối

 

Dụ ngôn, ở đoạn này có nghĩa là châm ngôn các bậc hiền triết. Mở đầu Chúa Giêsu như chỉ cho một bài học về phép xã giao (cc.8-10), nhưng ở c.11 Ngài kết thúc bằng một bài học về đức khiêm nhường tương phản với những lo lắng về tôn ti trật tự của giới Do Thái Giáo.

Câu 11: “vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Câu này rút từ Ed 21,31 và lên án thái độ tự tôn, tự mãn của người Pharisiêu. (Sẽ được nhắc lại ở Lc 18,14)

Bản năng tự nhiên của con người thường thôi thúc chúng ta đi tìm một địa vị trổi vượt, có lợi cho mình trong xã hội mình đang sống. Ai lại chẳng thích mình được kẻ khác kính nể, khen ngợi? Ai lại chẳng thích mình được trọng vọng ở giữa nơi Công hội hay đình đám? Chẳng vậy mà tục ngữ Việt Nam đã có câu: “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” hoặc là “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”.

Vì vậy có đôi khi trong cuộc sống chúng ta sẽ vấp phải trường hợp đáng tiếc, thay vì được hãnh diện thì lại bị bẽ mặt, vì bị mời đi chỗ khác để nhường chỗ cho một người khác xứng đáng hơn.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta có cảm tưởng như là một bài học Chúa dạy chúng ta về cách xã giao, về lối xử thế ở đời, về phép lịch sự trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng với câu kết luận của đoạn Tin Mừng: “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Chúng ta hiểu rằng dụ ngôn trên đã vượt ra khỏi lãnh vực giao tế ở đời, và giúp ta thêm xác tín rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai trong bàn tiệc Nước Trời.

Nếu những người biệt phái và ký lục thường dành lấy những đặc quyền, vì họ nghĩ rằng mình đã tuân giữ cặn kẽ các lề luật, và vì mình đang thủ giữ những chức vị cao trong Tôn giáo. Và từ đó họ tưởng rằng Thiên Chúa cũng xét đoán sự việc cùng một cách như họ, nghĩa là Thiên Chúa sẽ ưu đãi và dành cho họ một chỗ nhất trong Nước Trời.

Còn Chúa Giêsu thì lại muốn cho chúng ta hiểu rằng mọi vinh dự và mọi lời chúc tụng đều qui về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Bởi thế Chúa cảnh cáo chúng ta đừng tìm kiếm đặc ân hay những vinh hoa phù phiếm bên ngoài. Ngài muốn dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường đừng bao giờ so sánh mình với kẻ khác và tự coi mình hơn họ, nhưng hãy phê phán chính mình bằng cách tự đặt mình trước mặt Chúa.

Chính lúc đó chúng ta phải thành thật nhận thấy mình nghèo nàn bé nhỏ như trẻ thơ. Trẻ nhỏ thì không có những cao vọng lớn lao, không màng vinh hoa hào nhoáng. Nhưng trẻ nhỏ chỉ biết khiêm tốn và đặt trọn niềm tin tưởng vào người lớn.

Và đó chính là điều kiện để được vào Nước Trời, như Chúa phán “Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì không vào được trong đó”. (Lc 18,17)

Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng Chúa sẽ ban ơn cho người khiêm nhường. Người khiêm tốn sẽ được Thiên Chúa tín nhiệm, sử dụng và cất nhắc lên cao: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

Chúng ta hãy quyết đi con đường khiêm nhường của Chúa bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho