17/03/2017
1327
Tuần 3 Mùa Chay_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh


















THỨ HAI TUẦN III MÙA CHAY

2V 5,11-15a; Lc 4,24-30

CHÚA GIÊSU VỀ THĂM NAZARETH

 

Bài đọc I trích sách các Vua quyển thứ hai kể chuyện Ngôn sứ Êlisê chữa bệnh cùi cho ông Na-a-man, người xứ Syri là người ngoại đạo.

Bài Tin Mừng Luca 4, 24-30 cũng nhắc lại câu chuyện trên, và còn kể thêm chuyện ngôn sứ Êlia giúp cho một bà góa- cũng ngoại đạo, ở xứ Sa-rép-ta miền Xi-đôn khỏi đói trong thời kỳ hạn hán.

Như thế, lời Chúa hôm nay muốn nói rằng Chúa không thiên vị ai. Ngài ban ơn cho tất cả mọi người cho dù người ngoại nhưng nếu tin vào Chúa thì Ngài cũng ban ơn. Còn kẻ có đạo nhưng không tin thật thì không đáng nhận ơn Ngài.

Đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay nằm trong bối cảnh là “hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Galilê” (Lc 3,1-9,50) và thuộc về phân đoạn (4,16-30), Đức Giêsu tại Nazareth

      Dư luận của giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: “Ngỡ ngàng trước tương lai” trong đó, tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng như hiện nay trên đời sống con người, khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả tâm lý thường tình con người thích những khuôn sẵn có trong cuộc sống của mình, nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi, nhưng tận thâm tâm, con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, mà tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là “thành kiến”.

      Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố Đức Giêsu về thăm quê hương Nazareth được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Ngài, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Đáng lẽ khi nghe đồn thổi rất nhiều phép lạ Ngài đã làm, ngạc nhiên về tài năng giảng dạy hấp dẫn của Ngài, họ phải cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn về con người kỳ diệu Giêsu này, để khám phá và nhận biết: Thiên Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ họ, thì ngược lại, chỉ khiến họ thắc mắc, ngỡ ngàng và ngờ vực: “bởi đâu ông ta được như thế”. Từ ngờ vực đi đến chối bỏ: “Ông ta chẳng phải là con bác thợ mộc Giuse, mẹ ông không phải là bà Maria, anh chị em ông không phải là bà con lối xóm chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người”. Lúc ấy Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường: “Tôi bảo thật các ông, không một Ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Thấy họ tự mãn đến độ coi thường người khác, Chúa Giêsu liền trưng dẫn trường hợp bà góa Sa-rép-ta xứ Xiđôn, tuy là dân ngoại, nhưng đã tận tình tiếp đón tiên tri Êlia trong khi người đồng hương lại xua đuổi Ngài, và trường hợp quan Na-a-man một kiện tướng của Syria hùng mạnh, giàu có, nhưng mắc bệnh phong cùi, một căn bệnh nan y lúc bấy giờ, ai cũng kinh sợ!

Được giới thiệu đến với tiên tri Êlisê, ông đi ngay. Tới nơi người của Thiên Chúa chỉ nói: “Hãy xuống sông Gio-đan tắm đủ bảy lần, da thịt sẽ lành sạch”. Việc làm thật tầm thường, đến nỗi Na-a-man đã tính bỏ qua. Nhưng rồi nhờ tin, ông đã thi hành và bệnh cùi biến mất, da thịt ông tìm lại vẻ tươi mát của một hài nhi.

Người Nazareth cũng như đại đa số người It-ra-en mơ ước một Đấng cứu thế theo tầm vóc chính trị, một It-ra-en hùng cường. Lời giảng của Chúa, sứ mạng của Ngài, không am hợp với nguyện vọng đó, nên họ không hồ hởi đón nhận Ngài. Những phép lạ Chúa thực hiện chỉ diễn ra tại Caphanaum, chứ không ở Nazareth vì họ không tin: “Ngài chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”

Cách suy nghĩ của những người đồng hương Nazareth là một định kiến đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong khuôn khổ hẹp hòi, và vụ lợi và trong cái nhìn trần tục của họ. Vì thế họ không thể hiểu được Thiên Chúa đã làm người và sống ở giữa họ, Ngài đến để họ được sống và sống dồi dào”.

      Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay với Chúa Giêsu có còn sống động hay trở thành một thói quen, khô khan, nguội lạnh chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa. Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn nhạy bén trước tác động của ơn Chúa?

      Hằng ngày có thể chúng ta đã bỏ lỡ biết bao cơ hội không đón tiếp Chúa đến thăm khi ta bịt mắt bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc: khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nazareth và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta biết bao!

      Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gởi đến.

      Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhậy để nghe được tiếng nói của Chúa, đọc được những dấu chỉ của Chúa, để chúng ta tỉnh thức nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với chúng ta.

Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng con. Xin ban Thánh Thần để chúng con nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày, để chúng con luôn tin nhận và yêu mến Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY

Đn 3,25.34-43; Mt 18,21-35

ANH EM HÃY THA THỨ CHO NHAU

 

      Tin Mừng hôm nay nói đến những xúc phạm của anh em, bắt đầu với câu hỏi của thánh Phêrô: “Thưa Thầy, con phải tha thứ cho anh em đến mấy lần? Đến by lần chăng?

      Câu hỏi của Phêrô bộc lộ một tâm thức khá phổ biến lúc đó là tâm thức vụ hình thức phân tích khá tỉ mỉ trong đạo Do Thái thời Chúa Giêsu, một tâm thức có tính toán, giới hạn về tha thứ cho anh em mình. Với câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thầy không nói đến by lần, nhưng là bảy mươi lần bảy”, nghĩa là hãy tha thứ luôn luôn, tha thứ không giới hạn, không tính toán, không điều kiện… Chúa Giêsu phá bỏ nếp sống cũ và mở ra một viễn tượng mới, viễn tượng của tám mối phước thật, hiến Chương căn bản của Nước Trời “Phúc thay cho những ai có lòng thương xót nhân từ vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7)

      Để làm sáng tỏ việc tha thứ, Chúa Giêsu dạy thêm về người mắc nợ được tha thứ, nhưng lại không biết tha thứ cho kẻ mắc nợ mình. Điều mà Chúa Giêsu muốn dạy qua dụ ngôn được chính Chúa nói qua câu kết thúc: “như nhà vua đã tha thứ cho kẻ mắc nợ Ngài, nhưng kẻ đó lại không biết tha thứ cho kẻ mắc nợ hắn ta.”, “Cha Thầy trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người trong anh em không biết tha thứ cho anh em mình”. (Mt 18,35)

      Trong dụ ngôn hai con nợ, nếu con nợ thứ nhất chịu tha cho con nợ thứ hai 100 quan tiền, thì anh ta đã được ông vua tha cho hắn mười ngàn nén vàng. Như chúng ta đã biết mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tương đương với sáu ngàn ngày công. Mười ngàn nén vàng là quá nhiều so với 100 quan tiền là 100 ngày công.

  Chúa Giêsu muốn làm nổi bật sự khác biệt “một trời một vực” giữa hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác; và lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm của họ.

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân ái Ngài đoái thương những ai cầu khẩn Ngài và sẵn sàng tha thứ đối với những tấm lòng sám hối khiêm nhu. Trong bài đọc thứ I trích sách Ngôn sứ Đanien đã trình thuật lời cầu của Adaria, một trong ba thiếu niên bị bỏ vào lò lửa trong thời lưu đày ở Babylon, đã nói lên tất cả thân phận đau thương của It-ra-en, vì đã xúc phạm tới Chúa, nhưng dạt dào lòng tin vào Thiên Chúa nhân hậu, công minh và đầy lòng thương xót, ông đã thành khẩn thú nhận: “Qủa chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác khi dám lìa xa Ngài. Trong mọi sự chúng con đã nặng nề sai lỗi đã chẳng tuân theo mệnh lệnh Ngài” (Đn 3,29). Rồi với lòng sám hối khiêm nhu, ông tự coi mình như lễ vật: bò chiên dê, để thượng tiến Thiên Chúa, xin ơn tha thứ từ Ngài.

      Từ lời Chúa dạy, chúng ta rút ra những bài học cho cuộc sống của người tín hữu:

      - Tha thứ là đặc điểm của tình yêu: Trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau, như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình.

      - Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”: giận là một cảm xúc không ai có thể tránh được trong cuộc sống chung nhiều va chạm. Chúa không chấp nhất ta vì ta có cảm xúc đó, nhưng Chúa sẽ kết tội ta, nếu ta nuôi mãi lòng giận ghét không chịu bỏ qua. Thánh Gioan viết: ai oán ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân”.

      - Một người không thể tha thứ những lỗi lầm của anh chị em thì sẽ không nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa. Ai đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa thì phải biểu thị lòng thương xót với người khác. Chúng ta nhìn vào mẫu gương Chúa Giêsu để nhờ sức mạnh của Người mà thực hiện những lời dạy của Chúa về sự tha thứ cho đến bảy mươi lần bảy, tha thứ luôn mãi.

      Trong mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy thực hiện sự tha thứ và hòa giải, bởi vì sự tha thứ mang lại ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa đến cho hối nhân- người sám hối được tha thứ. Đó là lý do tại sao Giáo Hội khuyên chúng ta nên thường xuyên lãnh Bí tích Hòa Giải.

Câu chuyện sau đây là một minh họa cho sự tha thứ không mệt mỏi của Thiên Chúa đối với nhân loại. Vào một buổi chiều, trời mưa tầm tã, bà mẹ đón con đi học về đang lái xe trên đại lộ chính của thành phố. Bà phải để hết chăm chú vào việc lái xe vì đường phố rất ướt và trơn trượt. Thình lình cậu con trai ngồi bên cạnh mẹ nói lớn: “Mẹ, con đang suy nghĩ điều này”. Hành động này đối với bà mẹ thường có nghĩa là cậu con trai 7 tuổi của bà đang muốn xin điều gì đó và bây giờ sẵn sàng lên tiếng. “Con đang nghĩ gì vậy?” Người mẹ hỏi “Trời mưa” nó nói: “giống như tội, và những cái gạt nước giống như Thiên Chúa quét sạch tội lỗi của chúng ta đi”. Con giỏi quá Matthêu. Rồi tò mò người mẹ muốn biết đứa con trai của bà hiểu được điều mặc khải này sâu xa như thế nào. Bà mẹ hỏi: “Con có để ý thấy mưa cứ tiếp tục rơi như thế nào không? Mưa rơi nói với con điều gì không?” Matthêu không do dự trả lời: “Chúng ta đã phạm tội, và Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục tha thứ cho chúng ta”.

Sự tha thứ phản ảnh đời sống ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Sự tha thứ là vẻ đẹp của những tâm hồn cao thượng, những con người nhân bản và những con cái của Thiên Chúa. Sự tha thứ mang lại hòa bình cho thế giới, tạo nên một thế giới cảm thông và yêu thương. Nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân vô tội trong vụ khủng bố vào ngày 11.09.2001 tại Hoa Kỳ, ĐGH Gioan Phaolô II đã kêu gọi: “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ”.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quảng đại tha thứ cho người anh em luôn luôn và mãi mãi như Chúa đã tha thứ và làm gương cho chúng con.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY

Đnl 4,1.5-9; Mt5, 17-19

ĐỨC GIÊSU KIỆN TOÀN LUẬT MÔSÊ

 

      Trong khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môsê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của những người Pharisiêu, nên có một số người tưởng Ngài muốn hủy bỏ luật Môsê. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy, Ngài nói: “Thầy đến không phải là để hủy bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn”. Qua đó chúng ta thấy được mối tương quan và lập trường của Chúa Giêsu với Cựu ước. Những câu nói này rất quan trọng, cho thấy chính Người là Đấng Mê-si-a phải đến và Israel đang mong chờ. Ngài là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là ý nghĩa của tất cả sách Thánh Cựu ước, nơi Ngài mọi lời Thiên Chúa hứa và tiên báo qua các ngôn sứ đều được thực hiện. Ngài có quyền chính thức giải thích ý của Thiên Chúa về tất cả những gì Thiên Chúa đã phán và đã thực hiện trong quá trình mạc khải cho đến bây giờ.

- Lề luật hay các ngôn sứ  là một kiểu nói chỉ tất cả cựu ước – không chỉ hiểu như bộ sách mà như chế độ ông Môsê đã thiết lập.

- Kiện toàn ở đây hiểu theo hai bình diện:

- Chúa Giêsu đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa thật, ý nghĩa cánh chung của lề luật.

- Đồng thời Chúa Giêsu thực hiện những lời tiên báo của các ngôn sứ về cánh chung.

- Cái chấm, cái phết không phải hiểu như những dấu để phân câu trong câu văn, mà phải hiểu đó là chữ nhỏ nhất trong mẫu tự Do Thái và những nét nhỏ như cái chấm để phân biệt chữ này với chữ khác. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thực của luật (mọi luật) vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đã là ý muốn của Thiên Chúa thì không có gì là nhỏ bé, tầm thường.

      Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm, cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị pháp luật đe dọa, và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và qui luật chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình yêu, sự thuận hòa trong gia đình thì cũng giống như địa ngục. Như Jan Paul Sartre đã nói: “Tha nhân là địa ngục”; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc.

Chúa đến không phải là để dẹp bỏ lề luật nhưng để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương, như Thánh Phalô đã nói: “yêu thương chính là chu toàn lề luật”.

      “Ta không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn”. Lời Chúa nói với các môn đệ hôm xưa cũng là lời Ngài đang nói với cộng đoàn chúng ta hôm nay. Cần tuân giữ luật, tuy nhiên sự tuân giữ ấy phải tránh thái độ giữ luật theo mặt chữ bên ngoài mà thiếu tâm tình xứng hợp bên trong. Do đó, đối với người môn đệ đích thực, việc tuân giữ luật phải lấy tình yêu làm động lực thúc đẩy và đối tượng để qui chiếu. Luật tối thượng là Tình Yêu (x.GL 5,14, Mt 22,37) vì xét cho cùng, lề luật là gì nếu không phải là cách diễn tả những đòi hỏi nội tại của tình yêu. Nếu tôi mến Chúa, yêu mến anh em thật sự, thì chẳng những tôi không giết người, không ngoại tình, không thề gian thề dối… mà hơn nữa, tôi còn cố gắng hòa thuận với anh em, chung thủy trong hôn nhân và chân thật trong khi giao tiếp. Nói cách khác, tình thương ví như thân cây, còn mọi điều khoản trong lề luật là hoa, là lá; nếu tách rời khỏi cây tình thương thì mọi lề luật chẳng còn ý nghĩa có chăng chỉ còn là cái xác không hồn.

Hơn nữa lề luật vốn là lời loan báo của các tiên tri về Đấng cứu thế, do đó lề luật có tính Tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Đức Giêsu chính là Đấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật họ cũng loan báo về chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Do đó, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.

Đức tin trưởng thành đòi hỏi người môn đệ tuân giữ những thực hành lề luật, nhưng việc tuân giữ phải được soi dẫn bởi tình thương  chứ không phải theo thói quen máy móc, hoặc vì sức ép của người khác. Có như vậy, lề luật mới không phải là rào cản, nhốt kín ta trong âu lo, bối rối sợ sệt, nhưng là cột mốc chỉ đường hướng dẫn ta đến chỗ sống chan hòa với Chúa và với anh em.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN III MÙA CHAY

Gr 7,23-28; Lc 11, 14-23

TỘI NGOAN CỐ

 

Hoạt động của Chúa Giêsu ở Caphacnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Giêrusalem là trung tâm sinh hoạt Tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Giêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của kẻ chống đối Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỉ ra khỏi con người, mang lại tình trạng sức khỏe cho con người.

  Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Caphacnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài.

Các luật sĩ từ Giêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người Tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa, nhưng họ đã ngoan cố mạ lỵ vu cáo Chúa Giêsu là người bị quỉ ám, có nghĩa là một người thuộc về ma quỉ.

Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, sau khi Chúa chữa lành một người bị quỉ câm ám hại những kẻ chống đối Ngài nói rằng: “Đức Giêsu đã dùng quyền Beelzêbul mà trừ quỉ”. Chúa Giêsu đã trả lời họ bằng các dụ ngôn: “quỉ làm sao trừ được quỉ, cũng như một nước tự chia rẽ thì nước ấy sẽ điêu tàn. Nhà nào tự chia rẽ thì nhà ấy tan hoang, nếu quỉ chống lại quỉ thì vương quyền Satan sẽ bị sụp đổ, kẻ cướp cũng chỉ có thể cướp phá nhà ai khi nó khống chế được chủ nhà”.

Với lập luận ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với thính giả của Ngài rằng Ngài đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà trừ quỉ thì quả là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông rồi. Chúa cũng cảnh cáo các kinh sư: nếu họ cứ cố tình không nhìn nhận Ngài là Đấng Thiên Sai đến để giải phóng nhân loại, mà cứ bài bác sứ mạng của Chúa bằng những tư tưởng và lời nói phạm thượng thì họ sẽ không được Thiên Chúa thứ tha.

Kinh Thánh vẫn thường coi ma quỉ là những kẻ chống đối Thiên Chúa, phá vỡ kế hoạch yêu thương của Người. Là những tên cám dỗ, luôn lừa dối loài người. Ngay từ thuở tạo dựng, chúng đã đánh ngã Adam, Evà, làm họ trở nên mù quáng dám coi mình bằng Thiên Chúa.

Thời của ma quỉ đã thực sự chấm dứt, mãnh lực của chúng đã hoàn toàn bị bẻ gãy và vô hiệu hóa trước Chúa Giêsu. Ngài đã chiến thắng Satan bằng hy sinh mạng sống mình chết cách nhục nhã, thảm thương trên thập giá để vâng lời Chúa Cha. Thế nên, cám dỗ và hành động của ma quỉ nhằm tách loài người khỏi Thiên Chúa đã trở nên hoàn toàn vô hiệu và bất lực trước Chúa Giêsu. Hậu quả của việc tách mình ra khỏi Thiên Chúa là sự chết đời đời nay cũng đã hoàn toàn bị phá hủy trước chiến thắng của Ngài. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã hân hoan công bố: “Đức Ki-tô đã chuộc ta khỏi án chúc dữ. Nhờ Ngài ta được lãnh lấy ơn đã hứa là Thánh Thần”.

Như thế với chiến thắng của Đức Ki-tô trên Satan, Nước Thiên Chúa đã thực sự đến trên chúng ta.

 Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã khơi dậy trong mỗi người chúng ta một sự chọn lựa cho bản thân: một là theo Chúa hay bỏ Chúa mà chạy theo thế gian. Nhiều lúc chúng ta chỉ biết đến với Chúa trong những lúc gặp khó khăn; đồng thời gợi lên trong chúng ta thấy được những thói hư tật xấu đều phát xuất từ cõi lòng của mỗi người chúng ta, vì muốn diệt trừ tội ác, thì phải cải hóa lòng mỗi người chúng ta, nếu biết sửa sai những lỗi lầm, thì dù tội lỗi nhiều bao nhiêu cũng được tha. Vì Thiên Chúa là tình thương Ngài luôn thương xót mọi người, cả những ai sai lầm nhưng biết sám hối. Chính Chúa đã nói: “Tội các ngươi dù có đỏ như son, dù có đen như máu bầm, mà biết sám hối thì cũng trở nên trắng như lông chiên và sạch như tuyết”. Vì vậy mỗi người tín hữu cần phải chấp nhận những đau khổ và thử thách, biết cởi bỏ con người cũ để sống theo gương Chúa: yêu thương và phục vụ tha nhân.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần ta quyết tâm hơn nữa đẩy Satan ra khỏi đời ta. Ước gì, khi Chúa Giêsu đến với ta hôm nay, Ngài sẽ nói với ta: “Nước Thiên Chúa đã đến trên thế gian này” và hạnh phúc Nước Trời sẽ bừng lên trong ta.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN  III MÙA CHAY

Hs 14,2-10; Mc 12,28b-34

ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU

 

 Hôm nay, đến lượt các Kinh sư tấn công Chúa Giêsu, họ hỏi: “Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu?” Đối với các Kinh sư Do Thái, đây là một câu hỏi hóc búa, vì ngoại trừ lề luật trong Sách Thánh, các thầy Rapbi còn thêm 248 điều răn, và 365 điều cấm. Người ta phân biệt khoản lớn với khoản nhỏ, điều nặng với điều nhẹ. Nguyên việc thuộc hết các giới luật đã là một chuyện rất khó, huống chi đánh giá và so sánh các điều luật đó.

Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách trưng dẫn sách Đệ nhị luật: “Nghe đây, hỡi It-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Đnl 6,5).

Phải yêu mến Thiên Chúa như thế, vì Ngài là Đấng nhân từ và thương xót. Vì nhân từ, Ngài đã xóa bỏ tội lệ, chữa trị bất trung và nguôi giận khi ta thành tâm thống hối; vì thương xót, Ngài đã cất gánh nặng yếu hèn khỏi ta và đáp lời van xin của ta khi ta kêu cầu Ngài trong những lúc gặp giông tố đau thương.

Ngài là Đấng duy nhất, không một thần linh nào sánh được như Ngài. Bởi đó, Ngài đòi buộc ta phải yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của ta. Vì thế, ngụy tạo ra ngẫu tượng là xúc phạm đến Ngài. Tiền bạc danh lợi đam mê là những ngẫu tượng quyến rũ của thời đại, ta phải đề cao cảnh giác. Tiếp theo, Chúa Giêsu đưa ra một khoản luật thứ hai trong sách Lêvi “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18).

Giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách mới mẻ vì Ngài liên kết cả hai với nhau làm thành một điều răn duy nhất: “Lòng yêu mến Thiên Chúa” (x. Đnl 6,5) và “tình thương đối với tha nhân” (x. Lc 19,18). Bởi vì, chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó (Mc 12,13b).

Thành ngữ: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực liên quan đến lòng yêu mến Thiên Chúa chỉ cường độ và tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến đó.

Tình thương đối với tha nhân phải đạt tới độ cao nhất, bằng tình thương đối với bản thân, vì theo chiều hướng tự nhiên ai nấy đều quí trọng yêu mến bản thân hơn tha nhân: thương người như thể thương thân.

Căn cứ vào câu trả lời của Chúa, ta thấy có ba đối tượng của tình yêu: Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Ba đối tượng này không thể loại trừ nhau, nhưng hiệp nhất với nhau, không thể yêu Thiên Chúa mà lại ghét tha nhân và chính mình. Tình yêu tha nhân chỉ trong sáng khi qui chiếu vào tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa, như thế là nền tảng và kiểu mẫu cho hai tình yêu kia.

      Đối với lời Chúa  hôm nay, chúng ta tự hỏi:Đâu là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống của một người Kitô hữu?” và nếu chúng ta thành thật với lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe và danh vọng, kể cả việc chúng ta biểu lộ niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ. Nhưng những cách thức này chỉ mới như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc sống đạo nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân. Vậy, mối quan tâm hàng đầu của người Kitô hữu là: yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Điển hình như Thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857), khi sinh thời là một giáo dân đạo đức, có lòng bác ái, kính sợ Thiên Chúa và là một vị quan thanh liêm chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm trông coi mọi việc trong đền vua.

         Trong Triều, những vị quan bị Ngài ngăn cản làm điều bất chính, đã tố cáo Ngài với Vua Tự Đức về tội theo đạo Giatô. Vì thế, Ngài đã bị đày ải, đòn vọt đớn đau vì Đức tin. Có những vị quan quí mến đức độ của Ngài, khuyên Ngài giả vờ chối đạo rồi tiếp tục sống đạo: nhưng Hồ Đình Hy cương quyết từ chối. Ngài đã đổ máu đào chết vì Chúa tại An Hoà, Huế.

Lời Chúa trong mùa chay hôm nay, Ngôn sứ Hôsê kêu gọi hãy trở về với Chúa và đi theo đường lối của Ngài. Bài Tin Mừng Mc 12,28b-34, Chúa chỉ cho một luật sĩ thấy điều luật quan trọng nhất là yêu mến Chúa, điều thứ hai là yêu mến tha nhân. Như thế trở về với Chúa là trở về với tình yêu. Sống tình yêu đối với Chúa và tha nhân là một cuộc sống tốt đẹp và làm hài lòng Chúa nhất “hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

 Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và làm chứng cho Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của con.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN  III MÙA CHAY

Hs 6. 1-6; Lc 18, 9-14

NGƯỜI PHARISIÊU & NGƯỜI THU THUẾ

LÊN ĐỀN THỜ CẦU NGUYỆN

 

     Dụ ngôn: “Người Pharisiêu và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện”.

Bắt đầu vào câu chuyện, Chúa Giêsu kể dụ ngôn: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”, với hai hình ảnh, hai nhân vật đối lập nhau: người Pharisiêu và người thu thuế.

1. Người Pharisiêu rất được kính trọng về đời sống đạo đức của họ ở thời Chúa Giêsu. Và bởi thế, có những người sinh ra kiêu hãnh. Đức Giêsu thường cảnh giác các môn đệ của mình “nếu các con không trở nên công chính hơn các người biệt phái thì chúng con chẳng được vào Nước Trời”. Và nhiều lần Chúa đã khiển trách thái độ của họ “làm ra bộ công chính trước mặt người đời” (Lc 16,15)

Người Pharisiêu trong dụ ngôn này quả thật là người không thể chê trách, người hành đạo tốt lành, đã chu toàn các bổn phận mà giáo phái của ông đòi buộc. Chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ ông ta nói dối: ông nói điều ông thật sự đã làm, đó là:

+ Không tham lam

+ Không bất chính

+ Không ngoại tình

(Lc 18,11)

Lại còn ăn chay mỗi tuần 2 lần, dâng một phần mười hoa màu để chăm lo cho người nghèo và cho việc tế tự trong đền thờ.

Lời cầu nguyện của ông còn rất tinh tuyền, vô vị lợi, vì ông không cầu xin điều gì, ông chỉ cảm tạ Thiên Chúa!

Nhưng tại sao Chúa lại trách cứ người biệt phái này, và không kể ông là người công chính. Trước hết là ông nghĩ rằng: việc chu toàn lề luật là một bảo đảm để được coi là người công chính, mà không cần trông chờ điều chi từ nơi Thiên Chúa nữa, kể cả những ân sủng của Người. Hơn nữa, ông còn tự tách ra khỏi cộng đoàn đang cầu nguyện trong đền thờ, để tự so sánh mình với người khác và tỏ ra khinh chê họ, và nhất là đối với tên thu thuế kia trong thái độ kiêu ngạo và tự mãn, nên lời cầu của ông đã không được Chúa chấp nhận, vì đã tự tôn mình lên và hạ thấp người khác xuống.

     Còn người thu thuế, đó là mẫu người tội lỗi: hình ảnh của sự suy đồi đạo đức. Trong ngôn ngữ thường ngày, người Do Thái thường liên kết người thu thuế với kẻ bội giáo, dân ngoại và gái điếm (Mt 5,46-46; 18,17)

Người thu thuế trong dụ ngôn đứng đàng xa, cũng tách khỏi cộng đoàn, vì thấy mình bất xứng, chẳng dám ngước mắt nhìn lên trời, nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, đấm ngực cầu nguyện trong tinh thần của Thánh vịnh 51. Anh nói ra lời xin được thương xót và tha thứ, chứ không phải tạ ơn. Trong tình trạng bế tắc anh đọc những câu đầu tiên của Thánh vịnh 51 và chỉ thêm vào là kẻ tội lỗi: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu thương xót con là kẻ tội lỗi” tức là dù con là kẻ tội lỗi. Nhưng cũng trong Thánh vịnh này có câu: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (c.19) việc xưng thú này đã nói lên thân phận yếu đuối của mình để trông cậy vào lòng thương xót và ân sủng của Chúa, và quả thực người tội lỗi này đã được tha thứ và cứu độ.

Sự công chính của Thiên Chúa

- Thiên Chúa là Đấng công chính và nhân ái: người không xét theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Người không thể bị mua chuộc bằng những của lễ bất chính (Hc 14,15 x. Đnl 10,17-18) Người lại hằng lắng nghe lời kêu cầu của những kẻ mồ côi góa bụa và lời cầu xin của kẻ khiêm nhường và công chính.

- Trong công cuộc rao giảng, Đức Giêsu nói rõ đường hướng: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn” (x. Lc 15,7) và niềm vui của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi ăn năn (x. Lc 15,7).

       Suy nghĩ về cung cách của hai nhân vật trên, không phải để phê phán, nhưng để soi gương. Ngôn sứ Hôsê đã để lại cho hậu thế một câu nói lừng danh: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ”. Nhưng tình yêu của chúng ta với Chúa vẫn còn hời hợt, chưa nồng nàn thắm thiết.

Hôm nay, Ngài cũng mời gọi ta hãy suy nghĩ “hiểu biết Ngài thì quí hơn của lễ toàn thiêu”. Ta hãy đứng lên trở về với Ngài. Từ vực thẳm thương đau hãy tin tưởng “Ngài đánh rồi lại tha” (Hs 6,2). Từ vùng tối u mê, hãy ngước trông về Ngài, như vầng đông rạng rỡ. Từ mảnh đất khô cằn hãy hy vọng, Ngài sẽ đến như mưa xuân tươi mát.

Đến với Chúa ta đừng rập khuôn ông Biệt phái: kênh kiệu với Chúa, bất nhã với anh em. Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sính lễ và cũng chẳng thèm của lễ toàn thiêu.

Ngược lại ta hãy noi gương người thu thuế: anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu, một tình yêu muộn màng của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi lòng thương xót của Chúa. Đây mới là lễ dâng đẹp lòng Ngài, bởi vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Trước tôn nhan Chúa không ai là người công chính, mà là người được công chính hoá nhờ ơn tha thứ và ơn sủng của Chúa. Do đó: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” phải là giáo huấn cho mọi Kitô hữu khi xét về thái độ tự tôn kiêu ngạo, tự cho mình là công chính và khinh khi người khác.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho