26/08/2016
863
Tuần 22 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



























THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 4,16-30

   HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA GIÊSU TẠI NAZARETH

 

- Bắt đầu từ hôm nay, phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo Thánh Luca.

- Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nazareth quê hương Ngài.

1./ Ngày Sabát, Ngài vào hội đường, dựa trên đoạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài. Đó là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.

2./ Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối, bởi vì Ngài là Đấng Cứu Độ của mọi người chứ không của riêng ai.

3./ Thất vọng, dân Narazeth đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài.

Đoạn Tin Mừng hôm nay rất quen thuộc với nhiều người trong chúng ta; tác giả thánh Luca đã mô tả Chúa Giêsu trở về Nazareth để rao giảng cho những người đồng hương quen thuộc như là một biến cố đầu tiên trong cuộc đời rao giảng công khai của Ngài. Theo cái nhìn của thánh Luca, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan, Ngài chiến thắng việc cám dỗ của ma quỉ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng nơi miền đất Galilêa, sau đó về Nazareth rao giảng Tin Mừng vào chính ngày Sabát nơi hội đường Do Thái. Lúc đầu, những người đồng hương của Chúa Giêsu thán phục về những lời Ngài giảng, nhưng sau đó Ngài dẫn chứng một vài thí dụ về các tiên tri trong Cựu ước để khước từ không làm phép lạ tại quê hương của Ngài, họ liền phẫn nộ tìm cách sát hại Ngài.

Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông, không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Không một tiên tri nào mà không trải qua bách hại, khổ đau, thử thách. Đó là số phận chung của các tiên tri từ Cựu ước qua Tân ước. Tiên tri là người được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn. Một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị tiên tri một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Elia đã trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với lời Chúa. Giêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Đau khổ nhất cho các tiên tri là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.

Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời tiên tri được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa nhất. Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời; nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái; đặt lại vấn đề tư cách là con cháu tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào; nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài: Do đó Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Cái chết trên thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.

Là thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo hội cũng đang tiếp tục sứ mệnh tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó Giáo hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.

Nhờ phép rửa, người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô; bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết luôn đem niềm vui đến cho mọi người, để niềm vui cứu độ tỏa sáng trong cuộc đời chúng con.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 4,31-37

CHỮA NGƯỜI BỊ QUỈ ÁM

 

Trong Tin Mừng Luca, đây là những hoạt động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có uy quyền:

- Uy quyền trong lời giảng dạy, vì Ngài giảng dạy chính giáo lý của mình một cách tự tin, chứ không cần dựa vào uy thế của những bậc tôn sư tiền bối nào cả.

- Và uy quyền trong hành động: Ngài đã khống chế sức mạnh của ma quỉ một cách dễ dàng và nhanh gọn.

Lời nói vốn là phạm trù cơ bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói thì liền có vạn vật, không có khoảng cách giữa Lời của Thiên Chúa và hành động của Ngài. Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của Ngài, thánh Gioan cũng xác quyết: “Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể ”. Nơi Chúa Giêsu, lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta: “Người giảng dạy dân chúng, thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên về cách Ngài giảng dạy, vì lời Ngài nói là lời của Đấng có uy quyền”.

Vào một thời đại mà các môi trường Do Thái chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái Kinh sư bình luận Kinh Thánh và chiêu tập môn đệ, Chúa Giêsu xuất hiện như một vị thầy mà lời giảng dạy có sức đánh động và gây ấn tượng. Người ta bị hấp dẫn bởi lời Ngài. Và không phải Ngài chỉ có sức thuyết phục bằng lời nói mà thôi đâu. Ngài liên kết với sứ điệp của Ngài một uy quyền lớn lao đến nỗi Ngài có thể ra lệnh cho quỉ dữ và đuổi nó ra khỏi kẻ bị nó nhập với một quyền uy làm cho những kẻ chứng kiến phải khiếp sợ. Ngài chỉ nói với tên quỉ câm: “câm đi, hãy ra khỏi người này” thì phép lạ liền xy ra.

Hơn bao giờ hết, ngày nay Ngài vẫn thu hút những kẻ khám phá ra Ngài. Không bao giờ người ta nói về Ngài nhiều đến thế, hoặc tìm cách bác bỏ Ngài, và thậm chí chối từ Ngài. Người ta chối bỏ sự hiện diện của Ngài, hoặc bênh vực Ngài một cách nhiệt tình như chưa từng bao giờ làm, bởi vì các phương tiện truyền thông xã hội có một tác động mạnh mẽ và phổ biến đáng kể: báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhạc, phim ảnh đã ồ ạt nói về Chúa Kitô và làm cho người ta biết đến Ngài, hoặc cách tiêu cực, hoặc cách tích cực.

Dù người ta có nói gì đi nữa, Ngài vẫn là vị thầy vĩ đại nhất của thế giới loài người. Và từ hai ngàn năm nay, Ngài không bao giờ ngừng chữa lành bằng giáo lý của Ngài, và bằng việc giải phóng nhờ giáo lý ấy, không chỉ những thân xác bệnh tật, mà còn cả những tâm hồn đi tìm hạnh phúc nữa.

Trong thánh lễ chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh thể. Nhờ đó chúng ta được biến đổi, được bình an và cứu độ. Mỗi người tín hữu chúng ta hãy siêng năng đi dâng thánh lễ để được kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để chúng ta được bồi dưỡng trên cuộc hành trình về với Chúa trên quê trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được quyền năng của lời Chúa mỗi ngày một sâu sắc hơn trong đời chúng con.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 4,38-44

CHÚA GIÊSU CHỮA BỆNH SỐTCHO NHẠC MẪU CỦA SIMON

 

- Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu: sau khi giảng và chữa một người bị quỉ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân, Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ.

- Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài, nhưng Ngài phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.

“Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa” đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các nữ tu Dòng thừa sai bác ái thực hiện. Từ nhiều năm, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa chữa bệnh cho nhạc mẫu của Phêrô và nhiều người khác. Thánh sử Luca đã ghi: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài, Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ”. Khi Chúa Giêsu “ra lệnh cho cơn sốt, cơn sốt dứt ngay và lập tức bà chỗi dậy lo tiếp đãi các Ngài”, cũng như Ngài đã truyền lệnh cho quỉ: “hãy ra khỏi người này”. Điều này chứng tỏ: quyền năng được tỏ bày qua lời Chúa nói; Chúa tỏ uy quyền trên sự dữ và Chúa giải thoát con người khỏi sự dữ.

Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của Phêrô và những người bệnh tật và bị quỉ ám ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là một nghĩa cử tình yêu được trải rộng đến với mọi người, đến với từng người, từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu muốn Giáo hội tiếp tục trong thế giới ngày nay. Giáo hội trong “Hiến Chế Ngày Nay”, như Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “không thể xa lạ hay làm ngơ trước những vui mừng và hy vọng đau thương và sầu khổ của con người thời đại và những vấn đề sống còn của con người”. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi phần linh hồn mà là cứu cả con người gồm cả hồn-xác. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng hoặc hứa hẹn một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế: Ngài không chỉ tha tội, trừ quỉ, chữa phần linh hồn mà còn nhân bánh và cá cho nhiều người được ăn no nê, cũng như chữa lành mọi thứ bệnh tật của con người.

Có những giây phút thầm lặng để cầu nguyện nhưng là cầu nguyện để được tỉnh thức hơn, hầu gặp gỡ yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn đến nhà thờ, nhưng nhà thờ nào cũng có lối dẫn vào cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại trong cuộc sống hàng ngày, hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em mình nhiều hơn, nhất là những người bệnh tật, những người nghèo khó, những người sa cơ lỡ bước.

Ông già xứ Ars: Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước lúc ra đồng, đều có ghé vào đứng ở cuối nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới đi cày, khi trở về ông cũng ghé vào cầu nguyện như vậy. Ai cũng để ý và cảm phục ông. Một hôm có người hỏi: “ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để làm gì thế?”. Lão nông dân trả lời cách đơn sơ và đầy ý nghĩa: “tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.

Nguyện cho chúng con được thống nhất hai giới răn “Mến Chúa và Yêu người” và ý thức được rằng “cốt lõi của Đạo là tình yêu”.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 5,1-11

CHÚA GIÊSU KÊU GỌI BỐN MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN

 

Bài tường thuật việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Luca có nhiều chi tiết hơn bài tường thuật ngắn gọn trong Mt 4,19-22

- Họ đang giặt lưới để dẹp cất, vì suốt đêm đánh bắt không được con cá nào.

- Chúa Giêsu bảo họ thử đánh một lần nữa. Phêrô không tin vào sự thành công, nhưng nể lời Ngài ông thả lưới.

- Một mẻ lưới nhiều cá quá sức tưởng tượng đã khiến Phêrô và các bạn khám phá ra thân phận siêu phàm của Chúa Giêsu, đồng thời cũng ý thức thân phận hèn hạ tội lỗi của mình.

- Khi đó Chúa Giêsu lên tiếng gọi họ theo Ngài làm môn đệ, và họ đã từ bỏ mọi sự để theo Ngài.

Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta hiểu được quan niệm của người Do Thái về biểu tượng của biển cả. Theo quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu, biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do Thái tin rằng chỉ có Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ.

Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói “đánh luới người” mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập, trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.

Trước mẻ cá lạ lùng! Mặc dù các ông đã vất vả thâu đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng rồi bỗng nhiên, nghe theo lời Chúa Giêsu, các ông thả lưới và kéo lên một mẻ lưới đầy cá đến nỗi lưới muốn rách. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các ông thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm gì được. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: “chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả!” Thánh Phêrô không chỉ nhận ra cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn cảm nghiệm được thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: “Lạy Thầy xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Cũng như Phêrô, khi cảm nghiệm được sự yếu hèn của mình, con người cũng gắn bó với Chúa hơn; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ “đánh lưới người”, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy các con không làm được gì?”

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo hội, vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì.

Lạy Chúa, xin cho con biết vâng theo lời Chúa, biết dựa vào lời Chúa và thực thi lời Ngài trong cuộc sống.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 5,33-39

TRANH LUẬN VỀ VIỆC ĂN CHAY

 

- Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài. Lêvi khoản đãi tiệc mừng. Ngài ngồi cùng bàn với nhiều người thu thuế .

- Những người biệt phái và luật sĩ tỏ ra khó chịu trách Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống!

- Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân ước.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh trước lời trách cứ của biệt phái và luật sĩ: “môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người biệt Phái cũng thế, còn môn đệ ông chỉ ăn với uống!”. Trước hết Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện của tân lang: “bao lâu tân lang còn đó thì việc chay tịnh được miễn chuẩn”. Trong Cựu ước vic giữ chay được gắn liền với niềm mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi: “nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi”. Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của Gioan đã lấy việc chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của các Ngài. Như vậy, khi miễn chước việc chay tịnh, Ngài muốn chứng tỏ cho các môn đệ của Ngài thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không còn phải mong đợi gì nữa. Thời Cứu Thế đã đến: Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân ước, thời của Tin Mừng, thời vui sống với Đấng Mêsia như dự tiệc cưới với chàng rể. Do đó, con người không còn phải chay tịnh với nét mặt ủ rũ héo tàn nữa, trái lại họ phải vui mừng hoan hỉ.

Dụ ngôn thứ hai mà Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ của Ngài không phải giữ chay là hình ảnh của chiếc áo cũ và mới; bầu da cũ và mới. Không nên lấy vải mới mà vá vào áo cũ, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ. Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi, hoăc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời:

- “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”.

- “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”.

- “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”.

Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.

Chúa Giêsu đã dựa vào dụ ngôn vải mới áo cũ, và rượu mới với bình da cũ để trình bày về giáo huấn: cần phải thay đổi tinh thần và nếp sống cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa:

- Cần đào tạo bản thân và canh tân nếp sống cho phù hợp với danh nghĩa và phẩm giá người tín hữu Kitô là con cái Chúa, chứ đừng nuông chiều theo con người cũ, theo những đam mê của thế gian và xác thịt khiến cho phẩm giá người tín hữu bị biến chất.

- Đức tin phải đi đôi với việc làm, vì đức tin không có việc làm là đức tin chết! Do đó người tín hữu cần nêu cao tinh thần công bình bác ái yêu thương huynh đệ với mọi người. Có như thế đức tin mới đi đôi được với cuộc sống và cuộc sống phải phản ánh niềm tin. Đó là sự hòa hợp và thống nhất của đời sống người tín hữu ở trần gian.

Xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng con để chúng con tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người chung quanh.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,1-5

MÔN ĐỆ BỨT LÚA ĂN NGÀY SABÁT

 

- Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận về việc giữ ngày Sabát.

- Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày Sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa ăn vào ngày Sabát thì họ lên án.

- Chúa Giêsu hiểu luật ngày Sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái đã quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.

Vào thời Chúa Giêsu không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Câu chuyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh luật pháp để đè bẹp con người.

Thật ra Chúa Giêsu không phải là một con người phủ nhận những điều trong luật Môsê. “Ngài đến để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17). Chúa Giêsu hiểu luật ngày Sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái đã quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần luật. Việc các môn đệ Chúa Giêsu vì đói đã bứt bông lúa ăn vào ngày Sabát đã gây ra cuộc tranh luận giữa các biệt phái và Đức Giêsu về việc giữ luật ngày Sabát. Trong khi những người biệt phái cho rằng hành vi của các môn đệ bứt lúa và vò trong tay để ăn là những cử chỉ lao động bị cấm trong ngày nghỉ việc (Ds 15,23) thì Chúa Giêsu lại bênh vực các môn đệ bằng cách giải thích cho họ nhớ lại, có những trường hợp được miễn giữ luật, và Chúa Giêsu đã rút ra từ Kinh Thánh hai trường hợp được miễn giữ luật để minh chứng: 1 Sm 21,1-6 và Ml 12,5-6 ở đây Luca ghi lại trường hợp thứ nhất về câu chuyện Vua Đavít cùng với thuộc hạ vì đói quá, nên đã ăn bánh trưng hiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ dành riêng cho các Tư Tế mới được ăn. Thật ra, các môn đệ không vi phạm luật ngày hưu Lễ, bởi vì không có một khoản luật nào trong sách kinh của người Do Thái xem một hành vi như thế là vi phạm luật đối với ngày hưu lễ cả. Nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do Thái thêm vào qui định của ngày hưu lễ mà thôi.

Lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Đó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu luôn nêu bật trong cuộc tranh luận với biệt phái. Và khi tuyên bố: Con người làm chủ ngày Sabát, Chúa Giêsu tự xưng Ngài có quyền xét lại những chi tiết trong nghi thức và luật lệ liên hệ đến ngày Sabát, để tìm gặp lại ý định ban đầu của Đấng sáng lập luật.

Qua Tin Mừng hôm nay chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu để xem việc Chúa làm. Trước hết Chúa Giêsu làm thinh trước hành vi bứt lúa của các môn đệ. Chứng tỏ Ngài thông cảm với các ông đang đói bụng, và muốn nêu cao luật bác ái quan trọng hơn: luật vì con người chứ không phải con người vì luật. Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ không phải để che đậy lỗi lầm của các ông, nhưng để giải thoát các môn đệ khỏi quan niệm hẹp hòi và óc vụ luật của các người lãnh đạo dân Chúa. Thứ đến, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu để nghe lời Chúa nói. Khi Chúa Giêsu nói với những người biệt phái: “Các ông chưa đọc chuyện này trong sách à?”, Chúa Giêsu muốn gợi ý cho các người biệt phái phải dựa vào Thánh Kinh để cân nhắc và đánh giá sự việc. Chúa cũng dạy chúng ta phải dựa vào lời Chúa để cân nhắc, đánh giá sự việc chứ đừng vội vàng lên án kẻ khác theo định kiến sai lệch và chủ quan của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đến với Chúa không phải vì lề luật đòi buộc, nhưng với tất cả tấm lòng yêu mến của chúng con.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho