02/12/2016
1040
Tuần 2 Mùa Vọng_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh


















THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG

Is 35,1-10; Lc 5,17-26

“CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI”

 

Trong tuần II Mùa Vọng, chúng ta sẽ đọc những đoạn của phần thứ hai sách Isaia, gọi là “Isaia đệ nhị”: Ngôn sứ này là môn sinh của ngôn sứ trước.

Người ta thường gọi phần II sách Isaia là “Sách An Ủi”: Nói tới những người bị bắt, những người bất hạnh, đây là lời rao báo mạnh mẽ về niềm hy vọng: Thời hạnh phúc toàn vẹn sắp đến khi Thiên Chúa đến cứu dân Người. Vị ngôn sứ cũng là một thi sĩ viết bằng thơ ngập đầy những hình ảnh.

* Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng

đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa

Hãy nở hoa như cây thuỷ tiên

Hãy đầy hân hoan và niềm vui

- Các hình ảnh vui tươi chồng chất. Sa mạc nở hoa.

- Chính Thiên Chúa hứa  ban điều đó cho những kẻ bị lưu đầy.

* Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt

và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời

Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: “Can đảm lên đừng sợ”

* Này đây Thiên Chúa các ngươi... Chính Người sẽ đến và cứu thoát chúng ta.

* Chúng con trông đợi Chúa đến

Chính Chúa sẽ đến

Gợi Ý Bài Giảng

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại phép lạ Đức Giêsu chữa lành và tha tội cho một người bất toại cách công khai giữa đám đông dân chúng, để tỏ bày uy quyền Thiên Sai của Ngài: Ngài đã đến để cứu dân Ngài như lời Ngôn sứ Isaia đã vẽ lên một thời đại của niềm hy vọng, với những hình ảnh vui tươi chồng chất:

- Sa mạc nở hoa

- Những bàn tay mỏi mệt, những đầu gối rã rời sẽ được vững mạnh

- Những tâm hồn xao xuyến hãy can đảm lên!

Vì đây Thiên Chúa các ngươi... Chính Người sẽ đến và cứu thoát chúng ta.

Những lời tiên báo này đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu khi Ngài đi vào thế giới.

“Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên

và tai người điếc sẽ mở ra...

bấy giờ người què sẽ được nhảy nhót như nai

và người câm sẽ nói được”.

Tin Mừng của Thánh Luca ghi lại phép lạ Đức Giêsu chữa lành và tha tội cho một người bất toại nói với chúng ta rằng những lời tiên báo về thời đại Đấng Thiên Sai đã được thực hiện nơi Đức Giêsu.

Trong khi đi rao giảng, kèm theo những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, dân chúng hâm mộ kéo đến theo Ngài rất đông, nhưng những người biệt pháiluật sĩ lại tỏ ra bất bình, xét nét từng lời nói, từng cử chỉ của Ngài để bắt lỗi, như trùng hợp khi chữa cho người bất toại, Chúa Giêsu nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha”, các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Thiên Chúa, ai có quyền tha tội?”

Biết rõ điều họ suy tính, Chúa liền nói: “Bảo rằng các tội của ngươi đã được tha”, hay nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi, đàng nào dễ hơn?”

Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, con người có quyền tha tội, Ngài bảo người bại liệt: “Tôi truyền cho anh hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà về nhà”.

Qua phép lạ này, Chúa Giêsu muốn mạc khải khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, chính là: “Tình yêu tha thứ”, chứ không phải là “vị thẩm phán kết án”. Đó là dấu lạ to lớn mà Thiên Chúa không ngừng thể hiện.

Ân huệ của Thiên Chúa không nhất thiết thuộc phạm vi vật chất. Những điều kỳ diệu của Thiên Chúa quan trọng nhất, thường được thực hiện trong tâm hồn. Ân huệ lớn lao của Thiên Chúa là giải thoát khỏi tội lỗi. Nhưng để được Chúa ban ơn, người ta cần nhận biết những giới hạn của mình, cần kêu cầu lòng xót thương của Thiên Chúa, vì sự kiêu căng thường ngăn cản bước chân đi tới... người ta tưởng mình có đủ khả năng, người ta dùng sức riêng mình để tự thoát khỏi...

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa như người bất toại được chữa lành và tha tội. Vì ngày nay, Chúa vẫn không ngừng thực hiện trong hàng ngàn tâm hồn con người: mỗi giây biết bao người nam cũng như nữ, nhận biết tội lỗi mình trong lương tâm và “đứng dậy” dưới tác động vô hình của ơn Chúa... họ ngã lại, rồi họ lại đứng lên.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết tri ân, cảm tạ. Chúng con rất thường lãnh nhận ơn tha thứ của chúa! Xin ban cho chúng con tinh thần hân hoan, ngợi khen để dâng lên Chúa những ân huệ đã lãnh nhận.

Mùa Vọng xin Chúa kéo chúng con ra khỏi hố thất vọng của tội lỗi.

Mỗi khi mùa vọng về, Giáo hội khẩn kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng Sinh Chúa của hoà bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG

Isaia 40,1-11; Mt 18,12-14

“CON CHIÊN LẠC ĐƯỢC TÌM THẤY”

 

Bài đọc I (Isaia 40,1-11)

* Chúa ngươi phán: “Hỡi dân ta hãy an tâm, hãy an tâm, hãy nói với Giêrusalem”.

- Lời Chúa rất nhân bản, đầy cảm kích

- Việc Chúa nhập thể gần đến, một Thiên Chúa đến nói lời an ủi, một Thiên Chúa nói với tâm hồn

* Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi sẽ được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

- Chúa nói với chúng ta về lòng thương xót người

- Cuộc lưu đầy tại Babylon luôn được các ngôn sứ giải thích như một hình phạt đối với tội lỗi của dân Israel nhưng nay đã hết, đã được tha thứ.

- Thiên Chúa cảm động. Tận đáy lòng, Người không muốn phạt đối với tội lỗi của dân Israel mà chỉ mong họ sám hối, người miễn cưỡng phải phạt họ: chúng ta có kinh nghiệm rất con người về Cha về mẹ thường khổ nhiều khi phải làm khổ con vì lợi ích cho nó.

- Thiên Chúa yêu thương các tội nhân. Chúa đã yêu thế gian đến nỗi sai Con Người đến để cứu rỗi thế gian.

- Thiên Chúa không yêu tội lỗi. Tội lỗi phải bị tiêu diệt, đền bù.

* Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng:

Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi.

- Dân lưu đày tại Babylon bị bắt làm việc cực nhọc để san bằng, lấp đất, lập “đường thánh” cho Mardouk, thần của Babylon. Khi bị cưỡng bách lao động như vậy, họ được mời gọi hy vọng. Một “con đường cho Chúa” đang được khai thông.

Chúa đến! Gioan Baotixita lập lại từng chữ này.

Chúa đến hôm nay tôi được mời gọi “dọn đường” cho Chúa... trong hoang địa... với nỗ lực “bạt núi” nếu cần! Các hình ảnh này thật gợi cảm!

* Hỡi ngươi là kẻ đem Tin Mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao! Hỡi ngươi là kẻ đem Tin Mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng! Hãy nói cho dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây là Thiên Chúa các ngươi... Chúa đến!

- Phúc âm hoá, đem Tin Mừng là lời nói: “Đây Thiên Chúa các ngươi, Chúa đến”.

Phải tin để có thể nói cho người khác

Tập nhìn Chúa qua các dấu chỉ khó nhận diện.

Vì dùng ảo tưởng, người ta sẽ không thấy Chúa đến cách hữu hình.

Chúa không đến cách rực rỡ (Trừ khi vào thời sau hết)

Thiên Chúa đến

* Người chăn dắt đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng và nhẹ nhàng dẫn dắt các chiên mẹ.

Bài đọc II (Mt 18,12-14)

* Chúng con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao?

- Chúa Giêsu sống rất gần với đời sống dân chúng đồng thời.

- Ngài đã quan sát, có những người chăn chiên bỏ việc canh giữ cả đoàn vật, để đi vào trong các hang núi đá, kiếm tìm một con chiên lạc.

- Một Thiên Chúa đi kiếm tìm... con người. Một Thiên Chúa sẵn sàng tiếp gặp.

* Nếu người đó tìm được, thì quả thật Thầy bảo chúng con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc.

- Đó là trọng tâm của dụ ngôn trên: nỗi vui mừng của Thiên Chúa! Niềm vui của Người là gặp lại, là tha thứ, là cứu độ, là trao lại hạnh phúc.

- Lòng “Thương Xót” của Thiên Chúa. Từ ngữ mà một số người hiện đại không thể chấp nhận được nữa, bởi vì nó gợi lên cho họ một điều gì vô vị, có tính cha chú, như họ thường nói thế...

- Tuy nhiên, đó là một trong những điều kỳ diệu của Thiên Chúa: lòng thương xót, là thái độ của Thiên Chúa trước tội lỗi con người.

Một Thiên Chúa không kết án, không quở trách điều sai lầm

Một Thiên Chúa lên đường tìm kiếm, và vô cùng sung sướng khi gặp lại điều đã mất

- Mọi con chiên đều thân quí đối với Người, nhưng Người vui mừng cách đặc biệt trước con chiên lạc được tìm thấy

- Kể từ nay, Người sẽ liên kết với nó nhiều hơn:

Vì Người đã cứu sống nó. Nó kể như đã chết, bất hạnh, xa đàn.

Nay bỗng nhiên lại nhảy nhót vui vẻ giữa các con khác. Người chiêm ngắm nó với một cái nhìn đặc biệt: Chính “nó đã gây cho Người lo sợ”. Tại sao những con chiên khác lại có thể tỏ ra ghen tức?

* Vậy Cha chúng con ở trên Trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư mất.

- Đó là một câu vô cùng chủ yếu. Nó như chóp đỉnh hay linh hồn của Tin Mừng

- Thiên Chúa muốn cứu chuộc mọi người!

- Chỉ một người thôi, Thiên Chúa cũng “không muốn” để kẻ đó phải hư mất

- Kẻ bé nhỏ nhất, kẻ bề ngoài xem ra vô nghĩa nhất lại quan trọng trước mặt Thiên Chúa! Thiên Chúa không đành lòng cam chịu trước sự hư mất của một người nam, người nữ đó.

Gợi Ý Bài Giảng

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc để trình bày về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân và niềm vui vì tội nhân trở về. Từ đó Đức Giêsu sửa sai quan niệm hẹp hòi của các luật sĩ và biệt phái về thái độ khắt khe, khinh bỉ mà kết án những người thu thuế, đĩ điếm và tội lỗi. Đồng thời nhấn mạnh lòng Thiên Chúa khoan dung, yêu thương, tha thứ cho những người lầm đường lạc lối trở về với Chúa.

* Hình ảnh người mục tử và đàn chiên là hình ảnh rất quen thuộc và thân thương đối với người xứ Palestina, một dân tộc đa số sống bằng nghề du mục. Chúa Giêsu đã quan sát và Người thấy có những người chăn chiên bỏ việc canh giữ cả đoàn chiên, để đi vào trong các hang núi đá, kiếm tìm một con chiên lạc, để nói cho thính giả rằng: chính Thiên Chúa cũng hành xử như thế. Một ý của bài đọc Cựu ước: “Ngài chăn dắt đoàn chiên Ngài như một mục tử. Ngài ẵm những con chiên trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”.

Thường tình, người ta chỉ cố tìm lại cái bị mất khi người ta thấy cái đó là quí  là có giá trị. Người mục tử lăn lội đi tìm con chiên lạc vì vẫn coi con chiên đó là quí mặc dù nó đi lạc.

Đối với Chúa, người nào cũng có giá trị, cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế Ngài vẫn yêu thương vẫn quí chuộng và lặn lội tìm cứu: “Con Người đến để tìm cứu những gì hư mất” (Lc 19,10).

Người mục tử để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc là điều ta sẽ không thể hiểu được, nếu ta chỉ nghĩ theo lý do kinh tế, theo luận lý tính toán vụ lợi, thì một con chiên đi lạc có đáng giá gì đối với 99 con còn lại. Trái lại ta sẽ rất dễ hiểu nếu suy nghĩ theo lý lẽ của con tim. Như một người mẹ lạc con, phải chăng bà sẽ để các đứa con khác ở nhà và tất tả đi tìm đứa con bị lạc!

* Việc để 99 con chiên kia trên núi để đi tìm con chiên lạc chứng tỏ trong tình cảnh đó trong đầu người mục tử không còn nghĩ gì khác ngoài nỗi lo lắng cho con chiên lạc: nó rất khổ, nó đói khát, nó gặp biết bao nguy hiểm rủi ro... càng thương nó, người mục tử càng thấy lòng mình như bị kim châm, lửa đốt.

Cũng thế, về phía Thiên Chúa, không bao giờ có sự đứt vỡ. Khi một tâm hồn xa lìa Ngài, Ngài không thể bình tâm được, và Ngài lên đường tìm kiếm. Khi may mắn tìm gặp lại Ngài vui mừng vì con chiên đó hơn là 99 con không bị lạc. Đó chính là trọng tâm của dụ ngôn: Nỗi vui mừng của Thiên Chúa! Niềm vui của Ngài là  gặp lại, là tha thứ, là cứu độ, là trao lại hạnh phúc.

Mọi con chiên đều thân quí đối với Ngài: Ngài luôn trìu mến đối với những con chiên không lạc, thương xót những con chiên lạc. Vì thế Ngài vui mừng cách đặc biệt trước con chiên lạc được tìm thấy. Kể từ nay, Ngài sẽ liên kết với nó nhiều hơn: vì Ngài đã cứu sống nó. Nó kể như đã chết, bất hạnh, xa đàn. Nay bỗng nhiên lại nhảy nhót vui vẻ giữa các con khác trong đàn chiên.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta càng xác tín hơn về lòng thương yêu của Thiên Chúa đối với tội nhân. Đó là động lực thúc đẩy tội nhân trở về với Thiên Chúa và khích lệ chúng ta nhiệt tình giúp đỡ tội nhân trở về.

Mỗi người chúng ta có thể là con chiên lạc vì ham vui, vì dại dột, vì cố ý... chúng ta đã tách rời khỏi bầu khí của cộng đoàn, đi sâu vào con đường tội lỗi. Mùa vọng là phương tiện giúp chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa hằng lưu tâm đến từng hối nhân để dẫn dắt họ trở về với cộng đoàn.

Nhiều khi chúng ta quen sống trái ngược với tâm tình của Chúa, chúng ta đã vô tâm lên án những anh chị em của mình, hoặc loại trừ và xa lánh những tội nhân, những người nghèo hèn yếu đuối khiến họ trở nên bơ vơ lạc lõng giữa cộng đoàn. Noi gương lòng nhân hậu của Chúa, chúng ta hãy cởi mở tình yêu dẫn dắt họ trở về với Chúa và về với nếp sống cộng đoàn.

Mùa vọng cũng mời gọi chúng ta cộng tác với Chúa đi tìm con chiên lạc bằng cách: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Mùa vọng chúng ta hãy cầu nguyện để chính chúng ta mỗi người đừng bị lạc lối Nước Trời. Cũng đừng gây gương mù làm lạc lối anh em. Chúng ta cần cầu nguyện cho các tội nhân gặp mùa vọng là mùa hy vọng ơn tha thứ.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG

Isaia 40,25-31; Mt 11,28-30

“HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI”

 

Isaia 40,25-31

* Người không biết? Người không nghe được? Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.

- Vị ngôn sứ nói Thiên Chúa cao cả này có khuynh hướng lạ lùng, là người quan tâm đến những người bé mọn và yếu đuối nhất. Một mạc khải về tình phụ tử, tình mẫu tử của Thiên Chúa. Thiên Chúa siêu việt, tạo thành sao trời hoàn vũ, cũng là Thiên Chúa gần gũi thông ban sức mạnh cho ai cởi mở với Ngài, cho những kẻ “tin cậy vào Ngài”.

- Isaia mạc khải cho những kẻ lưu đày mệt mỏi một nguồn can đảm.

Gợi Ý Bài Giảng

Đức Giêsu là Thầy dạy và là Đấng ban phát cho người ta mọi ơn lành. Bởi đó, Chúa mời gọi con người đến với Ngài: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Cũng như ngôn sứ Isaia, đã loan báo cho dân Chúa bị lưu đày ở Babylon, một vị Thiên Chúa cao cả, siêu việt tạo thành sao trời hoàn vũ, cũng là Thiên Chúa của tình phụ tử, của tình mẫu tử gần gũi thông ban sức mạnh cho kẻ rã rời, thêm sức cho người mệt mỏi, và cho những kẻ tin cậy vào Ngài. Hôm nay, trong mùa vọng này Chúa Giêsu cũng mời gọi những ai đang sống dưới ách lề luật và giáo lý nặng nề của Do Thái giáo đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Theo văn mạch, trước đoạn này, theo Tin Mừng thánh Matthêu, Chúa Giêsu quả quyết rằng: Chúa Cha từng mạc khải cách đặc biệt cho những kẻ bé mọn hơn là những hạng khôn ngoan thông thái. (Ở đây hiểu là các Rabbi, các người biệt phái). Kẻ bé mọn ở đây đồng nghĩa với kẻ khó nhọc và gánh nặng. Thiên Chúa luôn ưu ái những người nghèo khổ thấp kém này và Chúa mời gọi họ hãy mang lấy ách của Ngài. Vì ách của Ngài thì êm ái và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng. Theo ngôn ngữ Do Thái, mang lấy ách của ai là làm đệ tử của người đó, là chịu sự giáo huấn của người đó, sống theo luật lệ của người đó. Những người biệt phái và những người kinh sư chất lên vai những người đơn sơ hèn mọn những gánh nặng của lề luật, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người biệt phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.

Còn ách và gánh của Chúa Giêsu là đạo lý Tin Mừng. Có thể nói đạo lý này được tổng hợp trong 3 điểm:

- Tin (trở thành môn đệ, thụ giáo với Chúa)

- Khiêm nhường: thái độ đối với Thiên Chúa

- Hiền lành: thái độ đối với tha nhân

Mang lấy ách của Chúa là trở thành môn đệ của Chúa, thụ giáo với Chúa, và sống giáo huấn của Chúa. Sống niềm tin vào Chúa như thế đòi hỏi người môn đệ phải noi gương Chúa sống khiêm nhường đối với Thiên Chúa và hiền lành đối với tha nhân. Sống như vậy thì tâm hồn sẽ được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.

Người Kitô hữu hãy đến trường học của Chúa Giêsu và hãy học với Ngài bài học khiêm nhường và hiền lành. Người ta thuật lại câu chuyện sau đây:

Vào một buổi chiều nọ, người ta chứng kiến một chiếc Honda của một thanh niên từ trong hẻm bỗng lao thẳng ra và tông vào xe của một thiếu nữ. Rất may, cả hai đều không bị thương tích; nhưng chiếc quai giỏ bên tay xe của chị bị đứt. Trước mắt họ, những trái hồng văng tung toé. Hối hận vì hành động của mình, anh thanh niên vội bước đến xin lỗi và nhặt những trái hồng lên cho chị. Với thái độ điềm tĩnh, chị mỉm cười: “Xin lỗi anh tôi thắng không kịp”.

Quả là điều thật dễ thương trong cuộc sống, khi con người biểu lộ tình thương, sự khiêm nhường và hiền lành của Chúa Giêsu, vị Thầy của chúng ta. Thật là dễ thương nhưng chẳng dễ thực hiện, bởi vì người đời thường cho hiền lành là ngu xuẩn và khiêm nhường là nhu nhược.

Mùa vọng nhắc nhở chúng ta về việc tuân giữ luật Chúa và việc thi hành những giáo huấn của Chúa để dọn mình mừng Chúa Giáng Sinh.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG

Is 41,13-20; Mt 11,11-15

“GIOAN TẨY GIẢ, TIỀN HÔ CỦA THIÊN CHÚA”

 

Isaia

* “Đừng sợ gì, đã có ta giúp. Hỡi con sâu Giacob. Hỡi dân Israel, đừng sợ chi. Ta sẽ giúp ngươi”.

Đây là cái phúc cho kẻ nghèo: Sự bé nhỏ của đám dân lưu đày bị khinh miệt, bị mất hút trong đất Babylon rộng lớn ngoại đạo; sự bé nhỏ của Đức Maria, lại mang mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Không phải tại Roma chiến thắng, Athena thông thái, Babylon kiêu sa... Chẳng phải tại Giêrusalem thành thánh, hay một thủ đô lớn nào thời đó. Nhưng tại Nazareth, một thôn xóm vô danh giữa những thôn xóm khiêm tốn và nhỏ bé. Giá trị thực không hề do vị thế nhân loại, nhưng do cái nhìn của Thiên Chúa.

* “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ta cầm tay ngươi”

- Phải nếm hưởng những tuyên cáo tình yêu này trong thinh lặng

- Lạy Chúa, xin cầm lấy tay con! Xin thực sự ở với con. Con lắng nghe lời Chúa nói với con

- Điều dữ nào xẩy đến với con được, dù con bé bỏng nếu Chúa nắm tay con.

* Ta là Chúa Ta sẽ nhận lời chúng Ta sẽ không bỏ chúng.

- Lạy Chúa xin thực hiện lời Chúa hứa.

* Ta khiến sông chảy trên núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng... nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu... Chính tay Chúa làm nên sự nghiệp đó.

- Những hình ảnh tươi mát, phong phú dồi dào... trong thế giới khô chồi của chúng con... xin hãy làm chảy tràn nước sông

Gợi Ý Bài Giảng

Gioan Tẩy Giả từ trong ngục tù đã sai các môn đệ của mình đến phỏng vấn Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không (Mt 11,2-15). Sau khi đã trả lời, Đức Giêsu đã dùng việc khen ngợi Gioan để trình bày về Nước Trời, nghĩa là Nước Trời đã đến qua sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu hiện diện.

Một trong những khuôn mặt lớn của mùa vọng. Đó là Gioan Tẩy Giả, Đấng dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến. Đoạn Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về vị Tiền hô này.

Đức Giêsu đã khen Gioan Tẩy Giả bằng một lời nói đầy trang trọng: “Thật Ta bảo thật các ngươi”. Đây không phải là một lời ca tụng mang tính hạn hẹp, như thể Chúa Giêsu chỉ so sánh Gioan với những người đương thời. Ngài nâng Gioan Tẩy Giả trên mọi người qua mọi thời đại. Bởi vì ông đã thi hành chức vụ tiền hô rất hoàn hảo.

* Nhưng người nhỏ nhất trong Nước Trời lại cao trọng hơn ông. Quả vậy, khi Chúa Giêsu đến, như phân đôi dòng lịch sử nhân loại: Trước và sau, Cựu ước và Tân ước. Một thời đại mới đã khởi sự, một kỷ nguyên mới cho nhân loại.

Gioan Tẩy Giả là con người khắc khổ sống trong hoang địa đã tạo nên khúc quanh lớn cho nhân loại:

- Ông đã chỉ Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai

- Tự xoá bỏ mình trước Ngài

- Trao lại cho Ngài các môn đệ đã liên hệ với ông trước

- Và dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời

Ông là người cao trọng nhất trong Cựu ước. Nhưng một kẻ bé mọn nhất của Tân ước còn cao trọng hơn ông. Ở đây Chúa Giêsu làm nổi bật sự quan trọng của thời Tân ước hơn là thời Cựu ước vì Cựu ước là chuẩn bị cho Tân ước.

Từ thời Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là kể từ Đức Giêsu Kitô đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.

Mùa vọng là thời gian tỉnh thức và nỗ lực. Nỗ lực chiến đấu với bản thân mình, từ bỏ những đam mê, những thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải dấn thân thi hành giới ranh mến Chúa yêu người thì chúng ta mới mong được vào Nước Trời.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG

Isaia 48,17-19; Mt 11,16-19

“NGÔN HÀNH BẤT NHẤT”

 

* “Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc Người phán”

Từ “cứu chuộc”

Nghĩa thông thường gợi lên ý tưởng “chuộc lại”: trả giá thay cho người khác để chuộc lại họ.

Từ “cứu chuộc” bắt nguồn từ tiếng Do Thái có một âm điệu khác:

“Ta là Đấng cứu chuộc Goel của ngươi”

Theo luật bộ tộc sơ khai, có một “Goel”, một người được ủy thác để “rửa thù máu”, người chịu trách nhiệm về danh dự của bộ tộc.

- Vậy ý nghĩa của từ ngữ muốn nói tới “Tình yêu Thiên Chúa” cam kết với định mệnh của loài người. Ý tưởng chính không nhắm tới một Thiên Chúa đòi nợ máu để được nguôi giận mà nhắm tới một Thiên Chúa tha thiết yêu thương và dấn thân trọn vẹn để cứu chuộc nhân loại

- Thực sự, Chúa Giêsu đã thay cho chúng ta và đã trả giá đắt cho sự công chính hoá của chúng ta.

* Ta là Chúa, Ta đến trợ giúp ngươi!

- “Ta là Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi”

Mầu nhiệm cao sâu

Chúa Giêsu đã đến mặc lấy xác phàm ở Bêlem, chia sẻ trọn vẹn điều kiện con người và chết trên thánh giá.

* Ta là Chúa... Đấng phán dạy ngươi những điều hữu ích. Đấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi.

- Thiên Chúa dấn thân cứu thuộc chúng ta, nhưng Người không thay thế chúng ta. Người mời gọi chúng ta “bước đi”, chấp nhận giáo huấn cứu rỗi.

- Tin Mừng, giáo huấn của Chúa Giêsu

- Chúa Giêsu cũng nói: Ta ban lời giáo huấn cho ngươi

* Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của ta

- Đây là tính cốt yếu của việc cầu nguyện, của trọn cuộc sống con người.

- Chúa Giêsu thường nói tới sự tỉnh thức:

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”

nhưng ta thường sống như mơ, buông thả:

- Ta ban cho các ngươi điều răn mới là hãy thương yêu nhau. Chăm chú yêu thương, đừng bỏ qua những dịp để yêu thương.

* Hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông.

Ai để Chúa hướng dẫn, nghe “giáo huấn cứu rỗi”. Ai chăm chú yêu thương sẽ được ngập tràn hạnh phúc được công chính rộng rãi và mãnh liệt như sông biển với chỉ một điều kiện thôi. Lạy Chúa, là chăm chú tới các giới răn Chúa.

Gợi Ý Bài Giảng

Vừa ban lời khen Gioan Tẩy Giả xong, Đức Giêsu nghĩ ngay đến những người cứng lòng tin là những người Do Thái nhất là các kinh sư và nhóm biệt phái bằng một hình ảnh sống động, quen thuộc và dễ hiểu, Chúa Giêsu phê phán họ vì họ cứng cổ và tự đắc mình khôn mà không tin theo Chúa Giêsu. Họ tìm cách chống chế để bào chữa cho sự ngoan cố của mình: ông Gioan Tẩy Giả sống khắc khổ, khác lạ, kiểu một ngôn sứ thì họ cho là điên, bị quỉ ám, trong khi Chúa Giêsu sống hoà đồng, bình dị với mọi người nên được quần chúng mến phục thì họ lại bảo Người là kẻ sống bê tha, bừa bãi.

Chúa Giêsu quan sát thấy từng bầy trẻ con chơi nghịch ngoài đường phố, chúng nói với nhau:

“Tụi tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; tụi tôi hát bài đưa đám, sao các bạn không khóc lên”.

Phải, Chúa Giêsu nhìn những đám đông, thời của Ngài như thế đó. “Thế hệ” này thiếu nhất quán hay thay đổi và bất thường, không biết mình muốn làm điều gì nữa: đó là những đứa trẻ chơi trò “tiệc cưới” rồi lại bày trò “an táng”. Một đứa trong bọn trẻ bắt đầu một điệu hát vui nhộn, nhưng những đứa khác không thèm hưởng ứng! Rồi nó lại khơi lên một điều bi ai, những khúc hát cũng không đi đến đâu.

Với trẻ con, đó chỉ là một trò chơi tầm phào không mang hậu quả nào. Nhưng đối với người lớn thời Chúa Giêsu đó không phải là trò chơi nữa... nhưng liên hệ đến sự sống đời đời của họ.

Cả chúng ta nữa, chúng ta không thuộc loại người “bất thường” đó sao? Ta có gắng sức tuân giữ những giáo huấn của Chúa hay ta luôn thay đổi bất thường theo tính bồng bột của trẻ con.

Gioan Tẩy Giả sống như một nhà khổ hạnh, trong một đời sống nghiêm ngặt và sám hối, chay tịnh kiêng cử rượu chè thì họ bảo ông bị quỉ ám và họ không chấp nhận ông; còn Chúa Giêsu sống như một người bình thường, ăn uống tự nhiên. Người rao giảng “bữa tiệc cứu độ”... kỷ nguyên mới được thông chia hạnh phúc với Thiên Chúa, thì người ta lại tố cáo Người là “con người mê ăn tục uống” người ta phản đối Ngài “đánh bạn với phường tội lỗi”.

Mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời Cứu Thế; trông đợi Đấng Cứu Thế, nhưng phải là Đấng Cứu Tinh do mình tạo ra: không tin theo Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Đó là thái độ của những người Do Thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúng ta chỉ thuộc về Chúa bằng chính cuộc sống cụ thể của chúng ta là sống điều mình tin: Tin có Chúa thì chúng ta thực hành việc thờ phụng và vâng phục Chúa cách hiếu thảo và yêu mến.

Tin có sự sống đời sau thì chăm lo cho phần rỗi đời đời của mình và tha nhân.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG

Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13

 

* “Bấy giờ Elia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng”.

- Thánh Kinh thường dùng lửa làm hình ảnh biểu trưng Thiên Chúa

Tại Sinai, Chúa tỏ mình trong ánh lửa sấm sét

Tự nhiên là Người mang ý Thiên Chúa cũng có khuôn mặt như lửa cháy

Lửa là khí cụ thanh tẩy thời sau hết

Trong hy lễ sơ khai, lửa là yếu tố nối liền con người với Thiên Chúa: người ta đốt tế vật bằng lửa trên bàn thờ, để chuyển dâng lễ Thiên Chúa. Sau đó, người ta dâng lễ vật đó để thông hiệp với Thiên Chúa.

* Elia ba lần khiến lửa từ Trời xuống

1. Gioan Tẩy Giả sẽ nói: “Đấng đến sau tôi sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và trong lửa” (Mt 3,11).

2. Và Chúa Giêsu sẽ nói: “Ta đến mang lửa vào thế gian và những muốn cho lửa ấy cháy lên...” (Lc 12,49).

3. Vào ngày lễ Ngũ Tuần “họ thấy những lưỡi như là lửa phân tán và đậu trên...” (Cv 2,3).

Lửa: Thiêu đốt và Thanh Tẩy.

* Xin hãy đến soi sáng chúng con, dẫn dắt chúng con. Elia đã được cất đi trong bầu lửa, trong “xe bởi ngựa lửa kéo đi!”

- Vị ngôn sứ đã chết và “được Chúa mang đi”

* Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt của các thời đại.

- Đây là lời loan báo thời danh về việc Elia trở lại mà các luật sĩ đã nói tới thời Chúa Giêsu và tự hỏi đây có phải là Gioan Tẩy Giả hay Chúa Giêsu không?

* Để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacob. Phúc cho những ai đã thấy Người, và được hân hạnh thiết nghĩa với Ngài.

- Elia làm phân vụ ngôn sứ. Người đã đến để “làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa và giao hoà cha với con” (Mt 17,10-13)

Câu hỏi về ngôn sứ Elia

Người Do Thái tin ngôn sứ Elia sẽ trở lại trần thế để dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Ml 3,23-24). Lần này trong biến cố Đức Giêsu biến hình, có Elia xuất hiện, nhưng các Tông đồ ngạc nhiên vì Elia chỉ đến trong chốc lát rồi biến đi ngay, các ông đem việc này hỏi Chúa. Chúa Giêsu giải thích về sự hiện diện của Elia để làm chứng về sự xuất hiện và sứ vụ cứu thế của Người.

Thời Chúa Giêsu, người ta vẫn mong đợi Elia trở lại! Các luật sĩ luôn có khuynh hướng chú giải Kinh Thánh theo truyền thống chặt chẽ, nên đã dựa vào bản văn của Tiên Tri Malakia 3,23 và hiểu theo nghĩa vật chất:

“Này Ta sẽ sai đến cho các ngươi Tiên Tri Elia trước khi ngày của Chúa đến, ngày lớn lao và đáng sợ. Từ đó, họ tin rằng Thiên Chúa sẽ gởi Elia trước khi gởi Đấng Messia và họ sử dụng chứng cứ câu nệ hình thức này để phủ nhận Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Cứu Thế, bởi vì người ta chưa thấy Elia”.

Chúa Giêsu giải đáp thắc mắc của các Tông đồ bằng cách cho biết: ý nghĩa về lời sấm Malakhi là chỉ về vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế: Phải, đúng thế, Elia đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế... Malakia đã có lý khi nói đến điều đó... nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elia đã đến rồi!

Đó là Gioan Tẩy Giả: ông không có tên là Êlia nhưng ông đã đóng vai trò của Êlia, nhưng không phải như cách người ta nghĩ. Chính Gioan Tẩy Giả đã đến trong sức mạnh và tinh thần của Êlia (Lc 1,17). Chính ông đã “bạt lối và sửa đường” (Ga 1,23). Chính ông đã “chuẩn bị các tâm hồn” và loan báo “phép rửa trong thần khí” chính ông đã dùng ngón tay chỉ “con chiên Thiên Chúa”.

Nhưng thay vì nhận biết ông và sứ vụ của ông, những người cầm đầu dân Do Thái đã không công nhận và đã ngược đãi ông. Thế là một thảm kịch lớn lao đã xảy ra khi người ta chỉ phán đoán qua vẻ bề ngoài mà không biết nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa. Và nhà vua đã ra lệnh hành quyết một vị tiên tri, trong một bữa tiệc và một cuộc khiêu vũ!

Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu ngay cả trong cái chết của mình. Chính sự kiện đó là dấu hiệu loan báo trước Đấng Cứu Thế cũng sẽ chết bi thảm như vị Tiền Hô của mình.

Khi nghe Chúa Giêsu giải thích các hoạt động của Elia các môn đệ hiểu được rằng tinh thần của Elia được thực hiện cách rõ ràng nơi sứ vụ của Gioan Tẩy Giả là đi trước và chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết Êlia đã xuất hiện trong con người và trong sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, ông đã đến để trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Noi  gương Gioan Tẩy Giả don đường Chúa bằng đời sống khắc khổ để khơi dậy lòng sám hối cho dân chúng. Chúng ta, người Tông đồ của Chúa, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái và tiết chế   để mời gọi các Kitô hữu biết ăn năn sám hối trong tinh thần Mùa Vọng để chuẩn bị Chúa đến bằng ơn Thánh trong cuộc sống hằng ngày.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho