22/07/2016
977
Tuần 17 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh




















THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,31-35

DỤ NGÔN HẠT CẢI

DỤ NGÔN MEN TRONG BỘT

 

Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự phát triển của Nước Trời. Nhưng khác nhau ở chỗ dụ ngôn hạt cải thành cây rau lớn, nhấn mạnh đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ ảnh hưởng bên trong để biến đổi thế giới.

Khi nghe Chúa Giêsu nói về tương lai to lớn huy hoàng của Nước Trời, có người đâm ra hồ nghi khi thấy thực tế khiêm nhường của công trình Chúa Giêsu, cùng với một nhóm nhỏ bé những môn đệ, và đối diện với những khó khăn như thế thì làm sao có thể tạo thành được Nước Trời huy hoàng như thế?

Chúa Giêsu trả lời rằng “đúng thế” cũng như hạt cải bé tí sẽ trở nên một cây khổng lồ, hay một nhúm men ít ỏi sẽ làm dây cả thúng bột, tác động của Thiên Chúa sẽ khiến cho nhóm người bé mọn ít ỏi này trở thành một dân mới qui tụ hết mọi dân.

Ngày nay, nhiều người khi thấy xã hội đầy dẫy sự xấu thì chán nản. Họ không tin vào sức cải hóa của Tin Mừng, họ không tin vào tác động của Thiên Chúa. Hãy dùng ánh sáng Tin Mừng, hãy dùng ơn thánh Chúa ban cho ta để bắt tay vào cuộc cảm hóa môi trường mình sống. Nếu ngày xưa nhóm 12 Tông đồ chùn bước trước tình trạng đầy dẫy những khó khăn của đế quốc Roma thì đã không có Giáo hội ngày nay.

Vậy “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.

Hãy nhìn cuộc sống với niềm lạc quan và hãy khám phá ở tha nhân những điểm tích cực tốt lành. Một nhà kinh tế được mời đến nói chuyện với một nhóm thương gia. Ông lấy một miếng giấy trắng lớn, vẽ trên đó một chấm đen và hỏi người hàng đầu xem anh ta thấy gì. Anh mau mắn trả lời: “một chấm đen”.

Ông lần lượt hỏi từng người, tất cả đều trả lời thấy một chấm đen. Lúc đó diễn giả mới bình tĩnh nói: “các anh thấy một chấm đen: đúng. Nhưng sao không một ai thấy cả một tấm giấy trắng lớn”.

Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Người không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi”.

Trong cử hành thánh lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết đón nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.

Ta hãy để tình yêu mời gọi tình yêu, và cứ thế dậy men cuộc sống.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho dân Chúa tức là Giáo hội nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế giới này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,36-43

CHÚA  GIÊSU GIẢI THÍCH DỤ NGÔN LÚA VÀ CỎ LÙNG

 

Dụ ngôn cỏ lùng (c.24– 30) tập trung vào hạt giống tốt, tượng trưng cho Tin Mừng (Nước Trời), bây giờ được giải thích theo nghĩa dụ ngôn: theo đó hạt giống là con cái Nước Trời, và sau cùng nhấn mạnh đến ngày tận thế (mùa gặt) lúc kẻ lành người dữ được phán xét và phân biệt rõ ràng.

Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ luôn cả cây lúa tốt tươi.

Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm”. Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được.

Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi ta trở về với Ngài để được sống và sống dồi dào: “cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét Ngài chẳng lỡ tắt đi”. “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”.

Chúa luôn tôn trọng tự do của ta, do đó ta phải sử dụng tự do để chọn điều tốt, và tác động lên những người chung quanh để mời gọi họ về phía tốt, sống lương thiện.

Vậy thái độ cư xử của Chúa trong dụ ngôn cũng dạy ta chớ vội đánh giá người khác, chớ nên tự mãn về mình. Với thời gian, lúa có thể lớn mạnh lấn át cỏ lùng, nhưng đồng thời cỏ lùng cũng có thể lớn mạnh làm chết lúa. Do đó, sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa vừa là cơ hội mà cũng vừa là nguy cơ cho mỗi người chúng ta. Hôm nay tôi xấu nhưng ngày mai tôi có thể trở thành tốt. Ngược lại hôm nay tôi tốt, nhưng ngày mai có thể tôi sẽ xấu. Bởi đó tôi chớ vội xét đoán người khác, và cũng chớ nên tự mãn về mình. Mọi người đều phải tận dụng thời gian và cơ hội của Chúa để ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha ở trên trời.

Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ về mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Đó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với người chung quanh.

Lạy Chúa, được nên công chính trong Bí tích Thánh tẩy, xin cho chúng con biết nâng đỡ nhau trên con đường công chính, con đường về nhà Cha.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN THỨ XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,44-46

DỤ NGÔN KHO BÁU - NGỌC QUÍ

 

Hai dụ ngôn kho báu và ngọc quí có cùng một ý nghĩa là đề cao giá trị của Nước Trời.

Nước Trời cao quí hơn tất cả mọi sự con người có thể có, nên con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả, để chiếm được Nước ấy. Có người hiểu thương gia là Chúa Giêsu, và viên ngọc quí là con người: con Thiên Chúa  đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta (x. 2Cr  9,8;  Pl  2,6 –11)

Ta có thể nói: hai dụ ngôn này chẳng qua cũng là nhấn mạnh thêm một tư tưởng chủ yếu mà Matthêu đã nhiều lần nói tới ở những chỗ khác, như: Chúa Giêsu nói với thanh niên nhà giàu “hãy bán hết những gì anh có, đem chia cho người nghèo, bấy giờ anh sẽ được kho tàng trên Thiên quốc, rồi hãy đến theo ta” (19,16 -22).

Tóm lại, để được Nước Trời, chẳng có hy sinh nào được kể là quá lớn cả.

Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: “hãy theo ta” và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi “hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta”.

Nước Trời quí giá hơn tất cả, bởi vì chỉ có Nước Trời là tồn tại vĩnh viễn, còn mọi giá trị khác có ngày sẽ mất. “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”

Ngày xưa người ta chưa biết tới dịch vụ ngân hàng, nên cất giấu của cải bằng cách đem giấu ở một nơi người khác không biết. Nhưng cất giấu quá bí mật đến nỗi nhiều khi chủ nhân chết đi thì không ai khác biết. Kho tàng thành vô chủ. Ta thử nghĩ nếu ai đó tình cờ biết được kho tàng ấy, người đó sẽ sung sướng thế nào! và có ai biết nó mà vẫn thờ ơ chẳng tìm mọi cách để lấy cho bằng được hay không?

Chúng ta được Chúa tỏ bày cho biết kho tàng Nước Trời. Vậy ta phải dám từ bỏ những thứ khác để đổi lấy kho tàng ẩn giấu đó .

Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời. Nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quí giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung  mãn, chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để cho chúng được sống và sống dồi dào”. Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài.

Các môn đệ được kêu gọi trước tiên là để sống với Ngài. Được sống với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.

Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Kitô.

- Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài.

- Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài.

- Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, và cả mất mát nữa: “chính vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ”, đó là số phận của người môn đệ Chúa Kitô .

Nguyện xin Chúa Kitô, Đấng là gia nghiệp của chúng con, xin luôn gìn giữ chúng con trên bước đường theo Chúa, và củng cố chúng con trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi lộc, cho là nhận lãnh, chết là được sống.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN THỨ XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,47-53

DỤ NGÔN CHIẾC LUỚI

(Thái Độ Bao Dung)

 

Dụ ngôn chiếc lưới cũng có ý nghĩa giống như dụ ngôn cỏ lùng, nhưng nhấn mạnh hơn về cuộc chung thẩm: chọn cá tốt, loại cá xấu, thanh lọc người tốt và kẻ xấu để cho vào hoặc loại khỏi Nước Trời.

Trong dụ ngôn, có 3 sự so sánh:

a./ Thế gian (như biển cả) là nơi người tốt và kẻ xấu lẫn lộn nhau.

b./ Người xấu và kẻ tốt (như cá tốt và cá xấu – nghĩa là cá ăn được và cá không ăn được).

c./ Sự thanh lọc (như lựa cá)

Điểm đáng lưu ý là chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc: chính Thiên Chúa ấn định lúc nào kéo luới lên, và lúc thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát: hoặc là người tốt hoặc là người xấu. Không có hạng lừng khừng đứng giữa.

Có một bác sĩ nọ tìm đến một Giám mục cao niên và tuyên bố: “thưa Đức cha con đến để thông báo cho Đức cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi Giáo hội. Đức cha nghĩ sao?”

Vị Giám mục yêu cầu ông bác sĩ cho biết một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên bác sĩ nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói: “thưa Đức cha, Đức cha nghĩ coi, Giáo hội đã có mặt trên trần gian này 2000 năm nay, thế mà con người có khá hơn không?”

Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: “Bác sĩ nói chí lý, nhưng bác sĩ thử nghĩ lại: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay. Vậy mà ngày nào bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay bằng nước”.

Nghe thế, viên bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến việc rời bỏ Giáo hội nữa.

Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn với Giáo hội của Ngài. Thay vì bực tức và khó chịu vì có những người xấu ở trong Giáo hội và trong cộng đoàn của mình, sao không nghĩ đến tình thương của Chúa khi Ngài khoan dung cho những người xấu ấy vào Giáo hội và cộng đoàn để có cơ hội hoán cải họ.

Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những cá tốt và ném đi những cá xấu. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta cuộc biện phân xấu - tốt, lành thánh hay tội lỗi chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn bao dung như Ngài.

Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, tự bản chất Giáo hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh tin kính, nhưng Giáo hội thánh thiện ấy lại gồm cả những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người tín hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người tín hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người biệt phái bị Chúa lên án gắt gao. Đồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Đấng cứu độ, Giáo hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung tha thứ, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.

Xin Chúa khơi dạy trong tâm hồn chúng con lòng yêu mến Giáo hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày .

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN THỨ XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,54-58

CHÚA GIÊSU VỀ THĂM NAZARETH

 

Với bảy dụ ngôn trong phần diễn từ (13,1- 52), Mt đặt người ta trước một sự lựa chọn dứt khoát có đáp lại lời mời gọi gia nhập Nước Trời hay không. Ai đáp lại thì được kể là môn đệ của Chúa Giêsu. Dần dần những người môn đệ này làm thành một cộng đoàn nhỏ, một “Giáo hội phôi thai”

Sang phần tường thuật (13,53 – 16,12), Mt cho thấy Chúa Giêsu huấn luyện từng bước cho cộng đoàn Giáo hội này để đưa họ đến Đức Tin. Radermakers đặt tên cho phần tường thuật này là “hành trình đi đến Đức Tin của Giáo hội”.

Đi vào Tin Mừng hôm nay, Mt thuật lại việc Chúa Giêsu về thăm quê hương Nazareth của mình.

Dư luận của giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: “Ngỡ ngàng trước tương lai” trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả tâm lý thường tình con người thích những khuôn sẵn cho cuộc sống của mình, nhờ đó, con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi, nhưng tận thâm tâm, con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, mà tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.

Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Đáng nhẽ khi nghe đồn thổi về rất nhiều phép lạ Ngài đã làm; ngạc nhiên về tài năng giảng giải của Ngài, họ phải cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn về con người kỳ diệu Giêsu này để khám phá và nhận biết: Thiên Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ họ, thì ngược lại, chỉ khiến họ thắc mắc, ngỡ ngàng và ngờ vực: “Bởi đâu ông ta được như thế”. Từ ngờ vực đi đến chối bỏ: “Ông ta lại chẳng phải là con bác thợ mộc Giuse, mẹ ông không phải là bà Maria, anh chị em ông không phải là bà con lối xóm chúng ta đó sao. Và họ vấp ngã vì Người”.

Đó là suy nghĩ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong định kiến hẹp hòi, trong khuôn khổ vụ lợi và trong cái nhìn trần tục của họ. Vì thế họ không thể hiểu được Thiên Chúa đã làm người và sống ở giữa họ: Ngài đến để họ được “sống và sống dồi dào”.

Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen, khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn nhy bén trước tác động của ơn Chúa.

Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng con. Xin ban Thánh Thần để chúng con nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hàng ngày để chúng con luôn tin nhận Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN THỨ XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 14,1-12

GIOAN TẨY GIẢ BỊ CHÉM ĐẦU

(Tương Quan Giữa Chúa Giêsu Và Gioan Tẩy Giả)

 

Chuyện Gioan tẩy giả bị chém đầu. Qua chuyện này, ta biết được đôi điều về Gioan và Herôđê.

1./ Gioan:

- Một ngôn sứ trung thành với sứ mạng

- Một người can đảm nói sự thật

- Được dân chúng kính nể, kể cả kẻ giết Ngài cũng phải nể sợ Ngài.

2./ Hêrôđê Antipas, quận vương của Galilê:

- Một con người dám làm tất cả những gì là tội lỗi để thỏa mãn những ước muốn xấu xa của mình.

- Trong thâm tâm của  ông có nhiều nỗi sợ:

Sợ tiếng nói của lương tâm

Sợ dư luận

Sợ vợ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Matthêu hai lần nhắc đến Gioan Tẩy Giả trong tương quan với Chúa Giêsu.

Ở đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy Giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy Giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con  mình: “con là tiên tri của Đấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp, vua Hêrôđê sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôdia, vợ của người anh mình là Philippê, mà Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh Ngài” (Mc 6,17–18). Từ đó bà Herôdia, một người đàn bà hoàn toàn để cho dục tình lôi cuốn. Vì dục tình bà đã loạn luân; khi Gioan vạch tội bà, bà không ngại tìm dịp giết Gioan để không ai còn ngăn cản được cuộc sống loạn luân của mình. Thế là, nhân ngày sinh nhật của vua Herôđê, con gái bà Hêrôdia là nàng Salomê tài sắc nhưng không có đức đã dùng tài múa nhy của mình để đòi phần thưởng là cái đầu của một vị Ngôn sứ.

Như thế, Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Chính lời nói sự thật đã đưa đến cái chết của Gioan, một kết thúc bi tráng dành cho con người được gọi là cao trọng.

Dung mạo của Gioan Tẩy Giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Herôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy Giả sống lại.

“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy Giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy Giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hiệp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho