09/07/2017
757
Tuần 14 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh


















THỨ HAI TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Mt 9,18-26

ĐỨC TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CON

I. Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu tường thuật lại 2 phép lạ:

- Chữa bệnh cho một người phụ nữ bị loạn huyết.

- Cứu sống đứa con gái của ông Trưởng hội đường, hai phép lạ đi liền nhau này được Maccô và Luca kể với nhiều chi tiết hơn trong Matthêu (cf. Mc 5,21-43; Lc 8,40-56).

Ở đây tác giả Matthêu muốn trình bày Đức Giêsu với sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa, khai mở một thời đại mà bệnh tật và chết chóc hoàn toàn bị khắc phục để con người được sống an vui (c. Is 29,18-24; 25,5-10; 61,1-3).

Thế nhưng sức khỏe chỉ phục hồi cho ai cầu xin với lòng Tin: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (c. 22) – “xin Ngài đến đặt tay lên cháu là nó sẽ sống” (c. 18).

Như thế cả hai trường hợp đều tuyệt vọng nhưng cả hai người đều có đức tin rất mạnh cho nên họ đã đạt được điều họ xin.

II. Kính thưa ÔB.ACE

Hai nhân vật trong chuyện này vẫn cứ tin trong hoàn cảnh lẽ ra người khác đã tuyệt vọng. Đức tin của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết mạnh đến nỗi bà nghĩ rằng chỉ cần chạm đến Chúa Giêsu hay được Ngài chạm tới là hoàn cảnh sẽ hoàn toàn đổi mới tốt đẹp. Còn viên quan chức trưởng hội đường này không như các nhà lãnh đạo Do Thái lúc bấy giờ, ông tin vào Chúa Giêsu không chỉ là một vị đạo sĩ, nhưng là một ngôn sứ và hơn thế nữa là chính Đấng thiên sai.

III. Khi cầu nguyện với lòng tin, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chấp nhận những ý nguyện cầu của chúng ta. Người ta thuật lại câu chuyện tài tử Dorothy Day, trước khi được hoán cải và bắt đầu công việc giúp đỡ những người nghèo, đã phải trải qua những ngày tháng cô đơn, chán đời. Hằng đêm cô vùi dập mình trong những quán rượu ở Nữu Ước. Tuy nhiên lúc rạng sáng trên đường về nhà, cô thường dừng lại tham dự Thánh lễ sớm ở giáo đường thánh Joseph trên đại lộ số 6. Điều thu hút cô là hình ảnh những con người quỳ gối cầu nguyện. Cô viết trong cuốn “Từ quảng trường Hiệp Nhất tới Roma”: tôi dường như cảm nhận được niềm tin của những người đó và tôi mong muốn có được niềm tin như họ. Vì vậy tôi thường đi vào nhà thờ, và có lẽ ngay cả tôi cũng xin Thiên Chúa khoan dung đối với một tội nhân như tôi.

Qua câu chuyện về niềm tin của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết và của Dorothy Day mời gọi chúng ta suy nghĩ lại đức tin của chính mình và chúng ta đã cầu nguyện với lòng tin chưa? Cầu nguyện là một hoạt động và một cách thức để liên kết với ý định của Chúa. Trong cầu nguyện chúng ta gõ nhẹ vào kho sức mạnh thiên nhiên rộng lớn, và đó cũng là cách giúp Thiên Chúa có thể tìm được cánh cửa mở rộng đi vào con tim của chúng ta. (G. Aston Oldham).

Phép lạ đã diễn ra như kết quả của lòng tin, và chính Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà mắc bệnh loạn huyết. “Đức tin của con đã cứu chữa con”. Nhưng cũng chính niềm tin ấy đã giúp cho con người khám phá ra phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thể hiện vì yêu thương con người. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương con người.

Khi tin ta sẽ trở nên mạnh mẽ qua sự yếu đuối của mình. Tin là thái độ của người nghèo về mặt tinh thần. Cựu ước không ngừng nói: “Thiên Chúa nhìn đến nỗi khổ của người nghèo và nghe lời cầu ước của họ. Thiên Chúa không bao giờ khước từ kẻ quay về người”.

Kết luận: Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho con, vì con thường yếu tin và nghi ngờ vào tình thương vào quyền năng của Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Mt 9,32-38

NGƯỜI CÂM NÓI ĐƯỢC

I. Bối cảnh

- Chúa Giêsu chữa người câm bị quỉ ám. Căn cứ theo lời tiên tri của Isaia, phép lạ này chứng minh Ngài là Đấng Mê-si-a. Nhưng những người biệt phái cố tình không chịu hiểu ý nghĩa phép lạ ấy, họ còn xuyên tạc rằng Ngài đã cậy sức của quỉ vương.

- Tấm lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với dân chúng: Ngài tận tình giảng tin mừng và chữa bệnh cho họ, nhưng Ngài vẫn thấy họ bơ vơ như chiên không có người chăn. Một mặt Ngài cho các môn đệ hiểu hoàn cảnh ấy “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”, mặt khác Ngài bảo họ cầu xin “các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa”.

II. Qua câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỉ cho một người câm nói được, Matthêu muốn làm nổi bật đối lập giữa thái độ của dân chúng và thái độ của nhóm Pharisêu. Trước phép lạ của Chúa Giêsu, những người bình dân chất phát thì khen ngợi Ngài. Họ  công nhận trong quá trình lịch sử dân tộc, chưa hề có một ngôn sứ nào thực hiện một phép lạ như Chúa Giêsu vừa làm, nghĩa là dân chúng nhìn nhận Ngài là Đấng Mê-si-a: trong khi đó những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo của dân, là những người thông sáng lại phủ nhận một sự việc quá hiển nhiên không thể chối cải được. Họ giải thích sai lệch đi “ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ”. Điều này nói lên những người biệt phái đã có “định kiến xấu” về Chúa Giêsu. Người có định kiến xấu về người nào, dù thuộc giới đạo đức hay học thức (như người biệt phái) cũng dễ phạm sai lầm một cách tệ hại. Như câu chuyện phim “Dấu ấn của quỉ” được trình chiếu ở TP.HCM mấy năm trước đây cho ta thấy những định kiến do mê tính dị đoan đã gây nên những cảnh thương tâm cho con người.

Chuyện phim thuật lại rằng trong một ngôi làng nhiều mê tín dị đoan, một bé gái sinh ra mang sẵn một dấu lạ lùng trên ngực. Dân làng nói là dấu ấn của quỉ nên bỏ cô vào thúng rồi thả xuống biển. Một ông lão cùi đã vớt được cô đem về nuôi.

Lớn lên cô gặp một chàng trai hai người yêu nhau, lấy nhau và sống hạnh phúc bên cạnh ông lão cùi. Giữa lúc ấy dân làng tìm thấy cô và bắt lại. Và trớ trêu thay cũng giữa lúc ấy người phụ nữ trẻ đó sinh con, và đứa con cũng có dấu ấn y như thế trên ngực. Người mẹ lấy bó đuốc cố đốt cho sạch dấu ấn trên ngực con nhưng vô ích. Cuốn phim kết thúc với cảnh người mẹ đau khổ gục chết, ông lão cùi tuyệt vọng đốt rụi túp lều của mình, và bé sơ sinh ngơ ngác không hiểu số mạng của mình sẽ ra sao…

Đối với Chúa Giêsu không ai mang dấu ấn của quỉ, mà chỉ có hình ảnh cao quí của Thiên Chúa trong mỗi con người.

Chúa Giêsu đến, Ngài chữa lành các bệnh tật và xua trừ ma quỉ, đó là dấu hiệu của nước Thiên Chúa đã đến, và Ngài chính là Đấng thiên sai thiên hạ đợi trông. Ai tin vào Ngài thì sẽ được cứu thoát.

Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước cảnh bơ vơ của dân chúng, Ngài nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Các nhà truyền giáo nhiệt thành cũng đều chạnh lòng như thế. Nhân loại ngày nay cũng còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Chỉ những ai biết chạnh lòng thương thì mới có thể trở thành người môn đệ của Chúa và mới có thể trở thành những nhà truyền giáo. Khi nhìn thấy cảnh đói khổ bóc lột và áp bức xảy ra trong xã hội, người môn đệ không khỏi động lòng thổn thức, để từ đó họ sẽ cầu nguyện và bắt tay vào hành động thực thi bác ái trong tình yêu huynh đệ của Chúa Kitô.

Kết luận: Lạy Chúa, thế giới hôm nay còn cần rất nhiều người thiện tâm thiện chí để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Xin cho có nhiều người trẻ can đảm dấn thân cho một thế giới mới.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Mt 10,1-7

ĐỨC GIÊSU SAI MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ ĐI GIẢNG

 

I. Bối cảnh

Đặt trong sơ đồ chung của Mt:

Chương 10 (từ hôm nay đến thứ hai tuần 15)

Là bài giảng của Chúa Giêsu  về sứ mệnh loan báo Tin Mừng: những chỉ dẫn cần thiết (cc. 1-16).

Báo trước những khó khăn mà người loan báo Tin Mừng có thể gặp (cc. 17-36).

Lời khuyên người loan báo Tin Mừng hãy từ bỏ (cc. 37-39) và lời khuyên hãy đón tiếp các sứ giả của Tin Mừng.

II. Ý thức về tình trạng dân chúng như những con chiên không người chăn dắt và sứ mệnh thiết lập “Triều Đại Thiên Chúa”, Chúa Giêsu chuẩn bị một nhóm môn đệ thay thế các mục tử bất lực để cộng tác vào công cuộc Người đang thực hiện. Người đặc biệt lưu ý tới chuyện cần phải có thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên Chúa. Qua sự việc này Chúa Giêsu còn cho thấy trách nhiệm của người môn đệ là phải cầu nguyện cho nhu cầu đó.

Thế là Người chọn mười hai Tông đồ, xuất thân từ nhiều nơi và nhiều thành phần khác nhau, đa số là người nghèo, ít học và không có địa vị cao trong xã hội. Rồi sai các ông đi trực tiếp cộng tác vào công việc rao giảng Tin Mừng, cùng với quyền trên các thần ô uế và chữa lành các bệnh tật.

Con số 12 tượng trưng cho tính trọn vẹn của Hội Thánh, đồng thời nói lên sự liên tục giữa Hội Thánh Chúa Kitô và Israel xưa: cũng như Israel xuất phát từ 12 tổ phụ trưởng tộc, thì Hội Thánh Chúa Kitô cũng hình thành từ 12 Tông đồ.

Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, nhưng Chúa căn dặn các ông đừng đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với các chiên lạc nhà Israel. Chúa Giêsu hạn chế sự hoạt động của các Tông đồ, trước hết để nói lên:

- Quyền ưu tiên của người Israel được mời gọi tiếp nhận ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a (x. Rm 1,16) hơn nữa cũng để tránh phản ứng bất lợi từ phía người Do Thái.

- Đồng thời, Chúa muốn thực hiện những lời sấm cựu ước về Đấng Mê-si-a, mục tử tốt lành (Is. 40,11; Ez 34, 23; 37,24).

Và nội dung rao giảng là “Nước trời đã đến gần” sứ điệp các môn đệ phải công bố, cũng giống như lời giảng của ông Gioan Tẩy Giả và của chính Chúa Giêsu. Lời loan báo này bao hàm ý nghĩa là con người cần phải đón nhận sứ điệp với lòng tin thì Nước trời mới đến trong lòng họ được.

Anh chị em thân mến,

Hình ảnh của các Tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay là liều thuốc hưng phấn cho tín hữu giúp mỗi người chúng ta thêm tin tưởng và hy vọng sẽ trở thành những Tông đồ của Chúa, nếu chúng ta biết chấp nhận để ân sủng và tình yêu Chúa hành động, cũng như sẵn sàng góp sức làm tăng trưởng nguồn ân sủng bằng sứ vụ rao giảng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho mỗi người chúng ta.

Kết luận: Nguyện xin Chúa ban cho chúng con tinh thần khiêm tốn để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Chúa được ủy thác cho các Tông đồ và Giáo hội. Xin gìn giữ Giáo hội được hiệp thông quanh Đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo hội.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Mt 10,7-15

HÃY ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG

 

I. Bối cảnh

Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được sai đi rao giảng Tin Mừng:

- Công việc sẽ làm: chữa bệnh và trừ quỉ.

- Tinh thần phục vụ quảng đại; hãy cho cách nhưng không vì trước đó ta đã lãnh nhận cách nhưng không.

- Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.

- Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.

- Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

II. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin Mừng: hãy đi rao giảng “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỉ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Liên hệ đến tâm thức và cách sống của người Tông đồ, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần phục vụ quảng đại, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Sống khó nghèo và đơn giản về phương diện vật chất và siêu thoát về tình cảm nhân loại (c.11). Như thế với tâm hồn tự do, không lệ thuộc, người thừa sai luôn ở thế lữ hành, mang bình an, sự sống mới cho người thành tâm thiện chí.

III. Là môn đệ của Chúa Giêsu ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được sai đi để làm chứng tá đức tin: chúng ta hãy phục vụ một cách quảng đại: xoa dịu những đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh khi, giải thoát người ta khỏi tội lỗi. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” làm Tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo hội cho nên chúng ta cũng phải biết cho đi. Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc lãnh nhận và cho đi trong đời sống của người tín hữu.

“Một hôm, có một vị bá tước đến cho thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để Ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều ấy, ông bá tước giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương lấy tất cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ăn xin ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông bá tước tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số tiền 25 đồng vàng mà ông đã hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo”.

Kinh nghiệm cho ta thấy rằng ai dấn thân sống khó nghèo và hy sinh cho người khác sẽ được Chúa cho gấp trăm.

Kết luận: Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao ban và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng nước Chúa nơi trần gian. Xin giải thoát chúng con khỏi những hành trang vô ích, dư thừa, cản trở việc rao giảng Tin Mừng, để chúng con không lạc bước trong khi thi hành sứ mệnh cao cả đã lãnh nhận.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Mt 10,16-23

CHÚA GIÊSU TIÊN BÁO NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI

 

I. Bối cảnh

- Chúa Giêsu tiếp tục dạy các Tông đồ về sứ mệnh rao giảng Tin Mừng: có thể họ sẽ gặp nguy hiểm như chiên giữa bầy sói và bị bách hại.

- Khi viết lại những lời này, hẳn Matthêu đã rút kinh nghiệm từ những cuộc bách hại mà Hội Thánh sơ khai phải chịu, như Công Vụ Tông đồ đã kể (x. Cv 4. 7; 27-40; 12,1-4; Cr 11,24). Do đó:

- Một mặt phải vừa đơn sơ vừa khôn ngoan.

- Mặt khác phải can đảm đừng sợ vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.

II. Trong Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu chung ở đâu và lúc nào Giáo hội cũng bị bách hại.

Chấp nhận đi theo Chúa Giêsu, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công, bảo vệ công lý và nhiều khi phải can đảm lội ngược dòng. Sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo hội bị bách hại lại càng là Giáo hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo hội bị bách hại, hơn là một Giáo hội thỏa hiệp”.

III. Bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ Chúa. “Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa bầy sói”. Thế nhưng Nước Thiên Chúa lại được mở mang nhờ chính sự yếu ớt của Chúa Giêsu và các Tông đồ của Ngài. Thánh Phalô nói: “Sức mạnh Thiên Chúa được hoàn thành trong sự yếu ớt” (2Cr 12,2).

Trước những âm mưu, những lý luận, những khủng bố của người đời, Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy can đảm tuyên xưng niềm tin, và đừng sợ, vì chính lúc đó “Thánh Thần sẽ nói trong các con”. Người Tông đồ không cậy dựa vào lời lẽ và trí thông minh của mình nhưng dựa vào ơn soi sáng và lời của Chúa. Muốn thế họ phải luôn kết hợp với Chúa Thánh Thần.

Như thế người môn đệ phải trở thành chứng tá của Đức tin giữa cuộc đời, không hổ thẹn tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người đời. Câu chuyện sau đây là một minh họa.

Một học sinh Nhật là tín hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hàng ngày. Nghe vậy thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt dàn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, nhờ con mà ta biết là Kitô hữu mình phải làm gì”.

Kết luận: Là môn đệ của Chúa Kitô trong khi sống chứng tá Tin Mừng chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải những sự từ chối, những thử thách gian nan, nhưng bền chí đến cùng chúng ta sẽ được ơn cứu độ.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Mt 10,24-33

ĐỪNG SỢ NGƯỜI ĐỜI

 

I. Bối cảnh

- Chúa Giêsu tiếp tục dạy các Tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

- Người báo trước người Tông đồ sẽ bị bách hại; nhưng khuyến khích họ đừng sợ, vì những lý do:

* Khi bị bách hại là họ được vinh dự chia sẻ thân phận của Thầy mình.

* Những kẻ bách hại chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn họ.

* Người Tông đồ còn được Chúa bảo vệ. Bất cứ điều gì xảy đến cho họ cũng nằm sẵn trong kế hoạch quan phòng khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa.

* Nếu họ vẫn trung thành làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt người ta thì Người cũng sẽ bênh đỡ họ trước tòa Thiên Chúa.

II. Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Độ, đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: “Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng”. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Đừng sợ sống yêu thương và tôn trọng mọi người. Đừng bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù thì thế giới sẽ trở thành mù lòa.

Sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng cũng sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước sự dữ, trước những người chỉ giết được thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn, sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa, không để mình rơi vào tình trạng làm nô lệ cho bạo lực: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn”.

III. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo; từ việc sợ bệnh tật, tài sản khánh tận, sợ mất tiếng tốt, sợ phải xa mất người thân, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người tín hữu chúng ta phải sống những thực tại ấy thế nào? lý tưởng của chúng ta là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?.

Là môn đệ của Chúa, chúng ta luôn xác tín rằng “môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ”. Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, của tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra một ý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.

Kết luận: Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu thế nào là tình yêu tận hiến của Ngài, để luôn biết sống quảng đại dấn thân cứu sống anh em mình mà không sợ hy sinh hay hiểm nguy. Xin Chúa Thánh Thể bổ sức cho chúng con.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho