25/06/2016
1023
Tuần 13 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh

















 

THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 8, 18-22

THEO CHÚA

- Câu chuyện hai người xin đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

- Qua những câu Chúa Giêsu trả lời, ta hiểu được Ngài là ai và cái giá phải trả để đi theo làm môn đệ Ngài.

Những lời Chúa nói ở đây phải hiểu theo tinh thần của bài giảng về sứ mệnh Truyền giáo MT. 10, 9-11, Chúa đòi hỏi người muốn theo Chúa phải quyết liệt từ bỏ mọi tiện nghi đời sống (C.20), cũng như mọi tình cảm làm phân tâm: khó nghèo về vật chất và tình cảm, không hẳn vì khổ chế cá nhân, nhưng vì sự tự do tâm linh, để người môn đệ, cũng như Thầy; sống và hành động hoàn toàn cho Nước Trời.

Kitô giáo, vì thế, thiết yếu không phải là một giáo thuyết một ý thức hệ, mà là một con người. Niềm tin của chúng ta thiết yếu không phải là một giáo điều, mà là một con người. Chúa Giêsu không chỉ giảng một giáo lý, mà còn đòi hỏi mọi người phải đi theo Ngài. Theo Ngài vô điều kiện, theo Ngài một cách dứt khoát tận căn. Ngài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào.

Một cái hang đối với con chồn, một cái tổ đối với con chim, và một chỗ gối đầu đối với con người. Đó là nhu cầu tự nhiên và tối thiểu. Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ muốn đi theo Ngài cũng phải từ bỏ cả cái nhu cầu tối thiểu ấy

Qua những đòi hỏi ấy, Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho chúng ta giới răn căn bản : mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đây không phải là một điều không tưởng, cũng không phải là một lý tưởng cao vời, mà là một mệnh lệnh. Quả thật, con người chỉ thực sự đạt được ơn gọi làm người của mình, khi nó sống trọn vẹn cho Thiên Chúa ; con người chỉ thực sự hạnh phúc khi nó thuộc trọn về Chúa. Những việc làm, như hy sinh, hãm mình khổ chế, chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi được thực thi như một cố gắng hết sức mình để sống tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, và đó cũng là mục đích cuộc đời người Kitô hữu. Để đạt được điều đó, người môn đệ cần phải đồng hoá với Đức Kitô như thánh Phaolô Tông đồ ngày xưa: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20). Để rồi cuối cùng mới có thể trở nên phương tiện và dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa, trong sứ mệnh mang phúc lành của Chúa đến cho anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được gắn bó theo Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn để chúng con có thể xứng đáng tham dự vào chương trình cứu độ của Chúa đối với Giáo hội và cộng đoàn chúng con sinh sống.

 

 

THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 8, 23 - 27

XIN CỨU CHÚNG CON

- Qua các phép lạ dẹp yên bão táp, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về Ngài, đồng thời huấn luyện đức tin các ông.

- Theo quan niệm của người Do Thái lúc đó, biển khơi là sào huyệt của quỷ dữ, tượng trưng cho những sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa (x. G. 38, 1–1). Ở đây biển động mạnh ám chỉ thời sau hết đã đến. Dẹp yên biển động, cũng như trục xuất ma quỷ khỏi người ta, chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng phải hoàn tất cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên thần dữ. Như thế, Người phục hồi công trình tạo dựng tốt đẹp đã bị ma quỷ phá ngang .

- Phép lạ này đã đưa các môn đệ từ chỗ kém tin (c.26) đến nhận ra Chúa Giêsu đã hành động như Thiên Chúa tạo thành (c. 27); theo sách thánh, sự kinh ngạc của họ là thái độ của con người trước kỳ công  của Thiên Chúa. (x. Tv 65, 8–9)

Chúa Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Ngài, và đây biển động dữ dội:

Sự quan phòng của Chúa đã cho phép cơn bão tố xẩy ra trong cuộc sống con người để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Điều đó cho ta thấy con đường Chúa dẫn các môn đệ đi theo không phải lúc nào cũng bằng phẳng êm ả, nhưng nhiều khi đi trong tăm tối, nhiều lúc đi vào bão táp phong ba. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng gì đến nguy hiểm đang xảy ra cho chúng ta .

Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xẩy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa. Cơn bão xẩy ra đã làm cho các tông đồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình ; trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa : “Lạy Thầy, xin cứu chúng con chúng con chết mất”. Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các tông đồ chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa.

Chúng ta có thái độ nào khi gặp những cơn bão tố trong cuộc đời? Những cơn bão tố đó làm cho chúng ta gặp Chúa hay xa rời Ngài? .

Người ta thuật lại câu truyện John Newton là một người chuyên nghề buôn bán nô lệ. Một đêm nọ cơn bão ập đến đe dọa nhân chìm chiếc tầu chở nô lệ của ông. John kêu lên cùng Chúa: “Xin cứu vớt con, con hứa sẽ bỏ nghề này và trở thành nô lệ của Ngài mãi mãi”.

Sau khi được cứu sống, John đã bỏ nghề buôn bán nô lệ và trở thành một thừa sai. Để kỷ niệm cuộc hoán cải này, ông đã viết lời cho một bài hát nổi tiếng : “Ôi ! Thật là một ân huệ huyền diệu. Nó mới ngọt ngào làm sao! Chính điều đó đã cứu rỗi một kẻ khốn khổ như ta. Ta đã từng lạc đường mà nay đã tìm thấy lối. Ta đã từng mù lòa, mà nay đã trông thấy được”.

Ước gì chúng ta cũng có thái độ như các tông đồ ngày xưa, như John Newton, người buôn bán nô lệ : “Lạy Thầy, xin cứu chúng con”. Xin Chúa mở mắt cho chúng con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng chúng con cần đến Chúa hơn cơm bánh hằng ngày, hơn không khí để thở. Chúa là sức mạnh, là khiên thuẫn chở che, xin Ngài gìn giữ chúng con luôn vững mạnh trong đức tin giữa những cơn thử thách.

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 8, 28 - 34

HAI NGƯỜI BỊ QUỶ ÁM

- Phép lạ này cho thấy Chúa Giêsu là người mạnh hơn đang dành lại phần thắng để lập Nước Thiên Chúa ở trần gian.

- Đối với người Do Thái, heo là giống ô uế. Miền đất Ghêrasa này đầy heo vì đó là vùng của dân ngoại, nơi ngự trị của ma quỷ .

- Sức khống chế của ma quỷ rất mạnh, đến nỗi chúng đã lôi kéo hai nạn nhân của chúng vào sống trong mồ mả, và chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy .

- Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng hoàn toàn : cả đàn heo (do quỷ nhập) đã nhào xuống biển chiết chìm trong đó .

- Cũng nên chú ý phản ứng của dân miền đó : Họ nhận biết uy quyền của Chúa Giêsu, nhưng vì tiếc của, họ xin Ngài rời khỏi vùng của họ.

Chúa Giêsu đã đến với con người. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai mẫu người, hai cách thức, Chúa đến với họ.

Mẫu người thứ nhất có thể thấy nơi hai người bị quỷ ám. Họ là những con người bị đẩy ra bên lề xã hội và chính họ cũng không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn sống như một con người bình thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một cách bất ngờ họ chưa kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì lúc đó họ đang bị quỷ ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỷ nhập vào đàn heo gần đó. Một phép lạ xẩy ra làm rung động những người dân trong thành .

Mẫu người thứ hai là dân của miền Gađara. Những người này có đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi, nhưng dường như không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đến với họ qua dấu lạ chữa lành hai người bị quỷ ám mà từ lâu họ đã chối từ, và sự kiện đàn heo bị quỷ nhập lao xuống biển chết chìm. Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ để kéo chú ý người dân tronh thành về việc Chúa đến, nhưng họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Bởi vì như Tin mừng kể lại, sau khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế vì sợ phải gánh chịu những thiệt hại vật chất do sự hiện diện của con người lạ lùng này.

Quay lưng bước dần xa thành của dân miền Gađara, chắc chắn lòng Chúa Giêsu quặn đau, vì Ngài thương xót họ chỉ biết sống “xà xà mặt đất”. Tuy nhiên Ngài  không nỡ trách phạt hoặc chúc dữ cho thành, Ngài không khiến lửa bởi trời xuống thiêu đốt thành, vì Ngài còn đợi chờ họ tìm đến với Ngài bằng cả con tim của họ để nhận được ơn cứu độ.

Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể làm cho người tín hữu khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa.

Xin Chúa cho chúng con một tâm hồn thanh thoát, biết mở rộng để đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, để sẵn sàng đến gặp Chúa, sống với Chúa và trở thành dụng cụ hữu hiệu của Chúa cho mọi người xung quanh.

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 9, 1 - 8

ĐỨC GIÊSU CHỮA NGƯỜI BẠI LIỆT

- Câu chuyện Chúa Giêsu  chữa người bị bại liệt mặc khải cho ta thấy Chúa Giêsu là Đấng có quyền tha tội :

- Đối với người It-ra-en, tha tội vốn là đặc quyền của Thiên Chúa. Bởi thế khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Người là phạm thượng. Tuy nhiên, gần thời tân ước, sách Đanien lại cho thấy quyền ấy  được trao cho “Con Người”, Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán muôn dân.

Qua câu chuyện chữa người bại liệt, Chúa Giêsu chứng tỏ điều cựu ươc nói trước, nay đã ứng nghiệm: Thời sau hết là đây và chính Người là Con Người nắm quyền xét xử trong thời sau hết, và ở dưới đất Người dùng quyền đó để tha tội cho người ta. Ngoài ra, qua câu 8: “Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế”, Matthêu ngụ ý nói đến quyền Chúa Kitô ban cho Hội Thánh để tha tội cho người ta.

- Nhưng điều kiện để được Chúa tha tội là phải có đức tin: Thấy họ tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho con người biết Ngài là ai? Ngài là Thiên Chúa, Đấng có quyền tha tội. ngoài việc dùng dấu lạ chữa lành người bị tê liệt để mặc khải quyền năng thần linh của mình, Chúa Giêsu còn cho thấy khoa sư phạm của Ngài, Ngài muốn giáo dục đức tin cho những kẻ chấp nhận Ngài.

Người bị tê liệt và những kẻ mang anh đến với Chúa Giêsu là những kẻ tin vào Chúa. Họ tin Chúa và muốn đến với Chúa để xin ơn lành cho thể xác. Đức tin của họ còn ở mức độ thấp, chưa khám phá ra trọn vẹn Chúa Giêsu là ai? Dù niềm tin còn non yếu, nhưng Chúa Giêsu chấp nhận lòng tin đó và dùng phép lạ chữa lành người bị tê liệt. Đồng thời Chúa Giêsu muốn kêu gọi những kẻ tin vào Ngài tiến xa hơn, không phải chỉ tin Chúa có quyền trên thể xác, nhưng còn cần phải tin Ngài có quyền tha tội, quyền giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, quyền ban ơn cứu rỗi.

Đây là quyền năng của Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã dùng dấu lạ chữa người tê liệt phục hồi sức khoẻ thể xác để chứng tỏ Chúa là Đấng có quyền tha tội. Đây chính là cớ vấp phạm cho những người lãnh đạo dân Israel: “ông này phạm thượng, ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa mà thôi”. Chúa biết con người khó chấp nhận sự thật này nên Ngài muốn dùng dấu lạ để xác nhận lời mặc khải của Ngài và để anh em biết Con Người có quyền tha tội, Chúa Giêsu nói với người bất toại: “hãy đứng dậy về đi

Lạy Chúa, xin thương ban ơn cho chúng con lớn lên trong đức tin, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó, chúng con nhìn  nhận Chúa, nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình mà đến với Chúa qua Bí tích giải tội để được ơn tha thứ.

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 9, 9-13

ĐỨC GIÊSU KÊU GỌI MATTHÊU

- Thánh Matthêu tường thuật về việc Chúa Giêsu kêu gọi chính ông. Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước tới với ông : “Chúa Giêsu đi ngang trạm thu thuế thì thấy một người tên là Matthêu…Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi”.

- Bởi thế ông rất mừng và nhanh chóng đáp lời : “ông đứng dậy và đi theo Ngài”, lại còn mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.

Qua kinh nghiệm này, Matthêu hiểu Chúa Giêsu là thầy thuốc của những kẻ tội lỗi bệnh tật linh hồn : “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.

Khi kết nạp người ta vào Nước Trời, Chúa Giêsu đã đặc biệt chiếu cố tới những thành phần xấu số trong xã hội, thì ở đây, Người không ngần ngại kêu gọi một người thu thuế vào nhóm muôn đệ thân tín nhất. Dưới cái nhìn của người Do Thái xưa, thu thuế và tội lỗi thường đi đôi và đồng nghĩa với nhau. Thế mà Chúa Giêsu đã tỏ lòng ưu ái đối với những người thu thuế và tội lỗi, lại còn chấp nhận dùng bữa với họ do chính Matthêu khoản đãi.

Phúc âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với ai là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân hữu với người đó.

Qua những lần dự tiệc với tất cả hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Vì thế, tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là Tôn giáo của Tình yêu. Khi trích lời ngôn sứ Hôsê : “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế”, Chúa Giêsu có ý trách tinh thần đạo đức duy luật, hình thức, nghiêm ngặt, mà tâm tình nhân ái bên trong lại không có của những người biệt phái và những kinh sư Do thái.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tình yêu thương, thì tất cả những kinh ta đọc, những hành đọng phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao ? nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con canh tân mở rộng tâm hồn đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Xin cho chúng con có tâm hồn quảng đại của Chúa, biết vui mừng với Chúa vì người anh chị em đã xa lìa Chúa nay trở về. Lạy Chúa, xin tình thương đầy sức mạnh tha thứ của Chúa tác động nơi chúng con và nơi mọi người anh chị em.

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 9, 14-17

TRANH LUẬN VỀ VIỆC ĂN CHAY

Nhân dịp trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả về việc ăn chay, Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa và tinh thần của việc đạo đức này :

- Ăn chay không phải chỉ để chu toàn qui định của luật, mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách “chàng rể” nghĩa là, do tội mà ta phải xa cách Chúa.

- Tâm tình căn bản của người môn đệ Chúa trong thời Tân Ước là tâm tình vui mừng vì được sống với “chàng rể” .

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiêp nào nơi người môn đệ : “ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách cư xử của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu Ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước.  Chúa Giêsu đã minh định thái độ ấy của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang : “chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ”. Câu trả lời của Chúa Giêsu ngụ ý muốn nói : thời của Người là tiệc cưới, chính Người là Tân lang và các môn đệ Người là các chàng phụ rể . Do đó tâm tình căn bản của Người môn đệ Chúa trong thời Tân ước là vui mừng vì được sống với chàng rể .

Theo truyền thống Do Thái Giáo, việc giữ chay được liên kêt chặt chẽ với việc chờ đón Đấng Mê-si-a (Đấng cứu thế). Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế thiên hạ đợi trông. Do đó các môn đệ không cần giữ chay vì họ đang sống bên Chúa Giêsu. Vì thế người môn đệ không còn buồn rầu, tang chế, mà là vui mừng hân hoan.

Thời đại Đấng Mê-si-a đã được Chúa Giêsu khai mở còn được nhấn mạnh bằng hai hình ảnh vải mới – áo cũ và rượu mới – bầu da cũ, để đòi hỏi người môn đệ Chúa phải thay đổi não trạng để đi vào thời đại mới này. Chúa muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Người Ai cập ăn chay để được trẻ trung hơn; người Hy lạp ăn chay để tinh thần được sáng suốt hơn; người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để tỏ lòng can đảm; người Do thái ăn chay là để ăn năn đền tội, tỏ bày lòng đạo đức hoặc xin Chúa trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến; còn người kitô hữu ăn chay để chờ đón Chúa lại đến để danh Chúa hiển sáng. Như thế ăn chay đối với người kitô hữu cũng có nghĩa là dấn thân cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và anh em.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn vẹn cho Ngài. Nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho