18/06/2016
1101
Tuần 12 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 7,1-5

ĐỪNG XÉT ĐOÁN

 

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự đoán xét:

1./ Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác:

Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa đoán xét như vậy. Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong cho anh em đấu ấy.

2./ Thay vì đoán xét người khác, mỗi người hãy lo đoán xét chính mình: “sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới”.

Nền Đạo Đức mới do Chúa Giêsu dạy có thể làm cho người môn đệ tự mãn và có thái độ dạy đời đối với kẻ khác. Chúa Giêsu đề cao cảnh giác các môn đệ về điểm này. Chúa không cấm nhận xét phải trái về người khác, nhưng qui tội và lên án lương tâm người ta là vi phạm lãnh vực dành riêng cho Thiên Chúa. Đàng khác, xét đoán kẻ khác như vậy, người ta dễ coi mình là tiêu chuẩn: ở đây ít ai không mắc chứng bệnh chủ quan. Vì thế Chúa Giêsu dạy người môn đệ phải dè dặt trong khi phê phán kẻ khác.

Bởi vì con người không ai có thể tự cho mình quyền xét đoán, lên án người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, Ngài hiểu hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình : hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Khi đối nghịch giữa “cái xà” trong mắt mình với “cái rác” trong mắt người, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu rằng Người bới móc khuyết điểm và phán đoán kẻ khác lại thường không nhận ra, hay tự mãn, với những lỗi lầm rành rành của họ. Họ kể ra lỗi lầm của người khác trong khi cố ý làm cho người ta thấy rằng chính họ mới là những kẻ biết tuân giữ lề luật.

Vậy là môn đệ của Chúa, chúng ta hãy có cái nhìn như Chúa, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu và hy vọng. Lêvi, người thu thuế sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Chúa ; Zakêu, người thu thuế trưởng đã thành tâm hoán cải; Madalena dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi, tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.

Ước gì lời cầu nguyện của thánh Augustinô “xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con” cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa, biết mình để ý thức về sự yếu đuối bất toàn của mình, nhờ đó chúng ta dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử cách đại lượng với chúng ta.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 7,6.12-14

“KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC”

 

Đoạn Tin Mừng này gồm 3 giáo huấn:

1./ “Đừng lấy của thánh mà vất cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo”. Ở đây, Chúa muốn nói rằng không được trình bày những điều cao siêu thánh thiện cho những kẻ không đủ khả năng tiếp thu, mục đích là tôn trọng sự linh thánh và tránh không để cho nguời ta xúc phạm.

2./ “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho người ta như thế”.

3./ Anh em hãy “vào (nước Trời) qua cửa hẹp”.

Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay:

Con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó cũng là luật chung của cuộc sống :

Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong”. Hình ảnh hai con đường, hai cửa cho thấy cần phải khước từ những quyến rũ bất chính của một cuộc sống dễ dãi buông thả, thụ hưởng để thực hiện khổ chế như Chúa Giêsu Kitô đã đề ra trong bài giảng trên núi. Thường tình nhân loại đều ưa dễ dãi chứ không thích khó khăn. Muốn sống theo Chúa Kitô, người môn đệ phải phấn đấu với khuynh hướng tự nhiên ấy, và thực hành đạo lý Người dạy.

Đạo lý ấy Chúa Giêsu đã trình bày trong một nguyên tắc tổng hợp gọi là “Khuôn vàng thước ngọc”, bởi vì nó bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy về bổn phận con người đối với tha nhân.

Trong Cựu ước,  sách Tôbia đã đưa ra một đạo lý tương tự (Tb. 4, 16). Theo Tan-Mút Do thái giáo thì Rap-bi-Hinlen cũng nói: “đừng làm cho người khác điều chính mình không thích” và Đức Khổng Tử cũng có câu : kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”.

Tuy nhiên nét độc đáo của Chúa Giêsu ở đây chính là đưa ra một nguyên tắc tích cực với một nội dung phong phú hơn nhiều: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta như thế”.

Sau này trong bữa ăn, chính Chúa Giêsu đã biến nguyên tắc này thành giới răn mới : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó là giới luật của Người, một đặc điểm của đạo Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con, để chúng con trở thành môn đệ của Chúa và được vào cõi sống đời đời với Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 7,15-20

XEM QUẢ BIẾT CÂY

 

Một cuộc sống Thánh Thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Đó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt, trái xấu từ cây xấu. Ở đây khi dùng hình ảnh này Chúa muốn áp dụng luật Nhân/Quả ; tương quan con người/cuộc sống cũng như tương quan cây/trái. Tất nhiên cây lành/độc là do bản chất tự nhiên, không đổi được. Còn người ta tốt/xấu không phải do bản tính mà do trách nhiệm của mình, và có thể đổi thay.

Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin : một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: “không phải những ai nói ; Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.

Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi Ngài viết : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ”.

Người môn đệ của Chúa đứng trước kẻ nhân danh cái tốt để dạy điều xấu, phải biết phân biệt thật giả : không để mình bị khắc phục dễ dàng bởi ngụy biện của họ, nhưng phải nhìn vào cuộc sống của họ để xem họ có phục vụ cho chính nghĩa của Chúa Kitô hay không.

Chúa Giêsu đã luôn tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của người biệt phái : họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.

Tin Mừng của Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình ; trên cây Đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu, cuộc sống chỉ còn là những phản từ. Thánh Phaolô trong thư gởi Tín hữu Côrinthô đã nói: “Những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị, là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, vì họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng”. Bí tích Thánh thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời lại sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong ta sức mạnh của niềm tin yêu khiến chúng ta cởi mở với tha nhân, có lòng từ bi với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành những ngôn sứ đích thực của Chúa, luôn biết nói những điều Chúa truyền dạy và sống những điều đó.

 

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 7, 21-29

MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH

 

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của bài giảng trên núi. Trong đoạn này, Chúa Giêsu nhắc lại một điều quan trọng cơ bản : phải đem ra thực hành những điều đã nghe :

- “Không phải những người nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Thầy trên trời mới được vào Nước Trời”.

- Kẻ nghe và thực hành lời Chúa, thì giống như người xây nhà trên nền đá vững chắc, kẻ chỉ nghe nhưng không thực hành giống như người “xây nhà trên cát”.

Tin Mừng phải được thể hiện trước tiên qua cuộc sống của người rao giảng Tin Mừng, đó là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu bật những đòi hỏi ấy qua dụ ngôn hai ngôi nhà : ngôi nhà xây trên đá thì vững chắc, dù mưa sa bão táp cũng không thể làm lay chuyển, đó là hình ảnh người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ không chỉ lắng nghe lời Ngài, mà còn đem áp dụng vào cuộc sống. Người xây nhà trên cát, đó là hình ảnh của những người nghe lời Chúa nhưng không đem ra thực hành.

Tin Mừng vốn không chỉ được lắng nghe cho vui tai mà là để được thực thi ; chân lý không chỉ được hiểu biết suông, mà để được thực thi ; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể.

Tựu trung đây cũng là sự nối dài và đòi hỏi của Mầu nhiệm nhập thể trong đời sống Đức tin. Và chúng ta Tuyên xưng Thiên Chúa nhập thể làm người không phải chỉ là tuyên xưng một chân lý, mà thiết yếu là đi vào con đường nhập thể của Ngài.

Thật vậy, không thể có Kitô giáo và niềm tin Kitô giáo mà không có dấn thân ; không thể là môn đệ của Chúa mà không đi lại con đường của Ngài ; không thể rao giảng Tin Mừng bằng những lời nói suông, không thể sống niềm tin Kitô giáo mà không mỗi ngày cố gắng nên hoàn thiện như Cha Trên Trời. Nói tóm lại, muốn đạt  được hạnh phúc vĩnh viễn trong Nước Trời, người môn đệ Chúa Kitô, không chỉ có một lòng tin lý thuyết mà đủ ; không chỉ nghĩ hay, nói giỏi, ngay cả cầu nguyện bằng những công thức đầy ý nghĩa, nhưng nhất thiết phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là sống theo những điều Chúa Giêsu dạy. Bởi vì đạo lý của Chúa Giêsu dạy là suối nguồn duy nhất mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người.

Nguyện xin Chúa gia tăng ý thức ấy nơi chúng ta. Xin cho niềm tin chúng ta tuyên xưng trên môi miệng được diễn đạt một cách sống động qua cuộc sống mỗi ngày. Xin cho đức ái luôn chiếu tỏa bằng những hành động cụ thể, để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 8,1-4

CHÚA GIÊSU CHỮA NGƯỜI BỊ PHONG HỦI

 

Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mt:

Hai chương 8 - 9 của Mátthêu trình bày những hoạt động của Đức Giêsu để rao giảng Nước trời.

Chúa Giêsu làm phép chữa bệnh một người cùi.

- Trong thời đó, cùi được coi là một chứng bệnh nan y. Nhưng Chúa Giêsu đã chữa người này một cách rất dễ dàng: “Ta muốn, anh hãy lành bệnh, tức thì anh liền lành khỏi bệnh cùi”.

- Người căn dặn: “hãy đi trình diện tư tế để minh chứng cho họ biết”.

a/ Nạn nhân đã khỏi bệnh cùi.

b/ Chúa Giêsu cũng muốn nhắn một sứ điệp đến các tư tế: nếu họ nhớ tới những lời các ngôn sứ thì khi thấy người cùi này được Ngài chữa khỏi thì họ sẽ biết Ngài chính là đấng Messia.

Quan niệm của người Do thái thời Chúa Giêsu, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Những người phong cùi phải sống biệt cư bên ngoài trại (Lev. 13,45-46) bởi vì bệnh cùi được coi như tiêu biểu điển hình nhất cho sức tác hại của tội lỗi ngay trong thân xác người ta. Khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đau đớn trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật của con người.

Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới.

Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi, những người bị bỏ rơi, những người cô thân cô thế, những người xấu số trong xã hội. Tất cả những cử chỉ, những việc làm đó của ta đều nói lên sứ điệp yêu thương của Chúa đối với mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.

Lạy Chúa, phép lạ Chúa chữa cho người bị phong hủi được lành sạch, xin hãy tẩy rửa tâm hồn chúng con để chúng con xứng đáng tham dự vào mình và máu Chúa và để chúng con nhận ra Chúa Giêsu là người tôi tớ của Thiên Chúa được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 8, 5-17

TUYÊN XƯNG NIỀM TIN

 

Tin Mừng hôm nay tường thuật 3 phép lạ:

1./ Chữa bệnh cho một người ngoại là người bị xã hội Do Thái khai trừ.

2./ Chữa nhạc mẫu của Phêrô, một phụ nữ, cũng thuộc hạng bị xã hội Do Thái coi khinh.

3./ Chữa rất nhiều người bị quỉ ám và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, để ứng nghiệm lời Tiên Tri Isaia về Đấng Messia tôi tớ “Ngài đã gánh lấy tất cả bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”.

Khi tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa lành bệnh tê bại cho người đầy tớ của viên đại đội Trưởng, Matthêu muốn nhấn mạnh vào lòng tin của người dân ngoại và việc họ được nhận vào Nước Trời, trong khi những người thừa tự của Ap-ra-ham theo huyết nhục bị loại ra ngoài. Điều này đã được gợi lên ngay ở trình thuật các nhà chiêm tinh đến triều bái ở chương 2. Vì thế Matthêu không kể vai trò trung gian của người Do Thái, mà lại kể lời tuyên bố sự đảo ngược số phận giữa dân ngoại và Israel (C. 11-12).

Người sĩ quan ngoại giáo này tỏ ra có một tình thương và sự quan tâm đặc biệt đến gia nhân của mình. Đối với Chúa Giêsu thì ông bộc lộ một lòng tin đầy kính trọng  và thật khiêm tốn, đến nỗi làm cho Chúa cũng phải ngạc nhiên, vì qua tai nghe mắt thấy, Người chưa gặp một người Israel nào bộc lộ được một lòng tin như ông ta. Lòng tin của ông cho thấy lời Chúa Giêsu là toàn năng : Người chỉ nói một tiếng là chết chóc, bệnh tật phải vâng nghe.

Niềm tin của viên Bách quản được Chúa Giêsu khen thưởng và Giáo hội đã mượn lời tuyên xưng ấy để hằng ngày trong thánh lễ, người tín hữu có thể dâng lên Chúa tâm tình khiêm tốn bất xứng của mình.

Qua những phép lạ của Chúa Giêsu, chữa lành bệnh tê bại cho người đầy tớ của viên Bách quản; chữa nhạc mẫu của Phêrô và mọi kẻ ốm đau, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu không loại trừ ai. Trái lại ai càng bị loại trừ thì Chúa càng ưu ái với người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương.

Chúng ta có phần giống Chúa và cũng có phần khác Chúa. Giống Chúa ở chỗ có cố ngắng yêu thương những người tội lỗi, bệnh tật , nghèo nàn mà ở bên ngoài cộng đoàn chúng ta đang sống. Nhưng khác Chúa ở chỗ chúng ta loại trừ một số anh chị em đang cùng sống chung trong cộng đoàn. Như lời Chúa dạy, chúng ta hãy sống yêu thương với hết mọi người, và “bác ái bắt đầu từ những người gần mình nhất”.

Ước gì lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở chúng ta trong công việc hàng ngày, giúp chúng ta vững tin và nhận ra mọi ơn lành đến từ Chúa và dâng  lời cảm tạ Ngài.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho