07/01/2017
844
Tuần 1 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh




















THỨ HAI TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 1,14-20

SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

 

Bắt đầu Mùa Thường Niên, Giáo hội cho chúng ta đọc Tin Mừng Thánh Marcô trước tiên, đây là sách Tin Mừng rất ngắn gọn và súc tích.

- Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng, Đức Giêsu khai mạc công việc rao giảng bằng cách đến miền Galilê và bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.

- Nội dung của lời rao giảng đó là Tin Mừng về Thiên Chúa, nghĩa là, Tin Mừng về việc Người can thiệp trong lịch sử nhân loại nhờ Đức Giêsu Kitô.

- Lời rao giảng của Đức Giêsu được tóm kết trong câu (c.15): “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, bao gồm 3 phần:

1. Thời kỳ đã mãn

- Các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ:

                     + Thời kỳ hiện tại.

                     + Thời kỳ sẽ đến.

- Đức Giêsu loan báo thời kỳ hiện tại đến lúc chấm dứt, và một thời gian mới, thời cuối cùng, thời cánh chung đã tới. Đó là thời Thiên Chúa đã ấn định để thực hiện và hoàn thành các lời hứa của Người.

2. Triều đại Thiên Chúa đã đến gần

- Cựu ước nói đến vương quyền của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người.

- Nhưng sau thời lưu đày, tình trạng vương quyền trần gian vắng bóng làm cho dân Israel hy vọng rằng chính Thiên Chúa sẽ tỏ bày cách rạng rỡ vương quyền của Người tại Sion và trải rộng quyền đó trên toàn cõi địa cầu.

- Israel trông đợi thời Thiên Chúa thiết lập vương quyền của Người. Ở đây Đức Giêsu khẳng định: Nơi Ngài, Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

3. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Sám hối từ Hy Lạp là Metanoia, theo chủ đề căn bản trong Cựu ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia: Thay đổi hướng đi – triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao ước – và dấn bước vào một cuộc sống mới. Đức Giêsu còn kêu gọi dân chúng lấy đức tin mà đón nhận toàn diện thông điệp Người công bố.

Chúa Giêsu dạy “Hãy sám hối” có nghĩa là mỗi người chúng ta hãy thay đổi nếp sống hư hèn của mình và hãy tin vào Tin Mừng. Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo đó là tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái của Ngài trên mặt đất. Tình thương ấy được phổ biến rõ nét qua những hành động như: Ngài chữa lành bệnh tật, xót thương người nghèo khó, tha thứ tội lỗi…

Vậy chúng ta phải đáp lại Tin Mừng đó như thế nào? Tiếp nối bước chân của các Tông đồ, mỗi người Kitô hữu trong môi trường sống của mình phải là những người hàng ngày đem Tin Mừng của Chúa Kitô đến cho đồng loại của mình. Tin Mừng ấy phải chuyển thành những tín hiệu của tình thương để mọi người có thể bắt sóng dễ dàng. Cuộc đời dấn thân phục vụ  của chúng ta đem Tin Mừng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh quên mình, để người khác được hạnh phúc và cảm nhận được tình thương của Chúa.

Nhìn ảnh tượng trái tim Chúa, chúng ta thấy tay Người không chỉ lên đầu là nơi tập trung trí tuệ, nhưng chỉ vào chính trái tim đang bốc lửa yêu thương là nơi Chúa mời gọi: “hỡi những ai mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, để Ta bồi dưỡng và cho nghỉ ngơi”.

Muốn bước theo Chúa trên con đường rao giảng Tin Mừng, người Tông đồ phải chấp nhận hy sinh và phải có một quả tim bốc lửa yêu mến, yêu mến Chúa và yêu mến các linh hồn như Chúa Giêsu đã yêu.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 1,21-28

NGƯỜI GIẢNG DẠY NHƯ ĐẤNG CÓ UY QUYỀN

 

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường Caphacnaum ngày Sabát và chữa lành một người bị quỉ ám, nói lên cuộc chiến thắng thần ô uế của Ngài. Đó là hai cách diễn tả uy quyền của Người phát xuất từ Thiên Chúa.

Hai sự kiện đó xảy ra tại Caphanaum. Thành này nằm trên bờ Tây Bắc biển hồ Ghênêxarét, cách phía Tây của sông Giodan chừng bốn cây số.

- Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Tất cả những ai, những gì thuộc về Người hoặc Thánh hiến cho Người đều mang tính cách Thánh: Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, vì là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng được xức dầu, được Thánh hiến, và là Con Thiên Chúa. Ma quỉ được gọi là thần ô uế (1,23,26.27).

Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt giam, Chúa Giêsu đến miền Galilê và giảng dạy trong hội đường một cách công khai.

- Ngài giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên Tri trong Cựu ước là những người được Thiên Chúa uỷ thác cho.

- Ngài cũng không giảng dạy như các kinh sư Do Thái là những người chỉ giải thích Kinh Thánh và chất lên vai người dân gánh nặng của những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài.

- Giáo huấn của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, một việc loan báo Tin Mừng cứu rỗi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên ngoài xã hội.

- Dân chúng nghe Chúa đều nhận thấy có sự khác biệt sâu xa giữa giáo lý của Chúa và những lời giảng dạy của các Kinh sư Do Thái.

Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ chữa người bị quỉ ám.

Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền trên quỉ dữ, và đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người: “Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải vâng theo”.

Trước phép lạ, dân chúng ngạc nhiên và ngợi khen, còn kẻ chống đối thì hạch sách:

“Ông ấy lấy quyền nào mà làm như vậy”

- Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ ước một vị cứu tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi Chúa Giêsu lại đến để giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỉ và tội lỗi.

Thánh Phêrô đã mời gọi các người đồng hương của Ngài: “Thưa đồng bào Israel, xin hãy lắng nghe Chúa Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thật sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em, như anh em đã biết điều đó”.

Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố trong chúng con niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và vẫn tiếp tục trong Giáo hội. Xin cho chúng con luôn trung thành với Giáo hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn dân Chúa trên đường tiến về nước trời.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 1,29-39

NGÀI CHỮA LÀNH CÁC BỆNH TẬT

 

Chuyện này diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Caphacnaum và tiếp liền chuyện hôm qua. Sau khi làm một cuộc trừ tà ở hội đường, Chúa Giêsu đi chữa bệnh cho nhạc mẫu Simon. Bà hết bệnh và đã tiếp đãi các ngài.

Người Do Thái coi bệnh tật, đặc biệt bệnh sốt là do ma quỉ gây nên. Do đó, việc Chúa Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là một việc trừ tà (Lc 4,39) cho thấy Chúa Giêsu là Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.

Kết thúc một ngày làm việc: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện”.

Theo lời tường thuật của đoạn Tin Mừng hôm nay, sau khi được chữa lành bệnh, lập tức bà nhạc gia của Phêrô đã nói lên lòng biết ơn của mình bằng cách tiếp đãi Chúa Giêsu và các Tông đồ. Được chữa lành cũng như được các ơn phần xác đó thật là điều đáng tạ ơn Chúa. Nhưng được chữa lành phần linh hồn như được ơn tha tội, đổi mới cuộc sống càng đáng tạ ơn Chúa hơn nữa.

Chúng ta hãy xem gương của các Thánh khi được ơn tha thứ và đổi mới cuộc sống, các Ngài đã nói lên lòng biết ơn của mình như thế nào?

- Thánh Maria Madalena, sau khi nhận được ơn tha thứ đã luôn có mặt trên con đường truyền giáo với Chúa Giêsu, để phục vụ Ngài và các Tông đồ, đặc biệt là Thánh Nữ đã can đảm theo Chúa trên con đường thập giá, và sau khi Chúa sống lại Thánh Nữ đã trở thành người rao giảng Tin Mừng về Chúa Kitô Phục Sinh.

- Thánh Phêrô sau những phút giây yếu đuối chối Chúa đã dùng giọt lệ sám hối tẩy rửa tội lỗi của mình. Và để thể hiện lòng biết ơn được Chúa thứ tha, Thánh Phêrô đã dùng chuỗi ngày còn lại của cuộc sống để kề vai gánh vác nhiệm vụ Chúa trao phó và trung thành với Chúa đến giọt máu cuối cùng.

- Thánh Phaolô đã bách hại những người Kitô rất ác liệt, nhưng khi bị ngã ngựa và được ơn trở lại, Thánh nhân hăng say đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Cuộc đời của các Ngài là một bằng chứng nói lên tình yêu và lòng biết ơn đối với Chúa.

- Còn ông Giakêu, trưởng ban thu thuế có nhiều tham ô, bóc lột đồng bào, nhưng khi được Chúa viếng thăm và xác nhận: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” đã làm cho ông thay đổi hẳn cuộc đời một cách mau lẹ. Giakêu sau khi đền bù những bất công, ông đã thể hiện lòng mến Chúa bằng cách dùng phân nửa gia tài của mình mà phân phát cho người nghèo.

Tất cả là để tạ ơn Chúa.

Trong chuyến bay từ Roma về New-York, cô tiếp viên hàng không trẻ đẹp cảm thấy ngại ngùng vì đôi mắt của một hành khách cứ đăm chiêu nhìn mình. Người hành khách ấy là Giám Mục Fulton Sheen, một vị Giám Mục nổi tiếng với những hoạt động truyền giáo, nhất là những bài nói chuyện của Ngài trên truyền hình rất thu hút dân chúng.

Khi máy bay hạ cánh xuống phi trường, các hành khách lần lượt bước ra, Đức Giám Mục tiến lại gần và nói với cô tiếp viên hàng không bằng một giọng nói nửa thật nửa đùa: “Cô đẹp lắm! Hãy tạ ơn Chúa”.

Mấy ngày sau, cô tiếp viên hàng không tìm đến Toà Giám Mục xin gặp Đức Cha và nói: “Lời nói của Đức Cha trên phi cơ làm con suy nghĩ mãi mấy ngày hôm nay mà chưa tìm ra giải đáp, nên hôm nay con đến đây xin Đức Cha cho biết con phải làm gì để tạ ơn Chúa”.

Suy nghĩ một chút Đức Cha hỏi:

- “Con có biết trại phong Di Linh bên Việt Nam không?”

Cô tiếp viên trả lời:

- “Đọc báo chí thỉnh thoảng con cũng thấy nhắc tới trại phong này”.

Đức Cha Fulton Sheen nói tiếp:

- “Chúa đã lấy sắc đẹp của họ cho con, con hãy sang bên ấy phục vụ để tạ ơn Chúa”.

Thế rồi chẳng bao lâu người ta thấy cô tiếp viên hàng không trẻ đẹp ấy đã nghỉ việc và vào dòng tu chuẩn bị cho công việc phục vụ tại trại phong Di Linh.

Nhiều người trong chúng ta đã nhận được những ơn phần hồn phần xác, thế nhưng ta đã thể hiện lòng biết ơn Chúa đến chừng nào rồi? Một bó hoa, một bao nến đặt trên bàn thờ chưa đủ. Hãy dấn thân phục vụ Chúa, Giáo hội và người nghèo để tạ ơn Chúa. Đó là việc làm thiết thực nhất mà mọi người cần phải thực thi trong cuộc sống hàng ngày để tỏ lòng biết ơn Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 1,40-45

CHỮA NGƯỜI PHONG CÙI

 

- Đức Giêsu rời Caphanaum (1,35.38) và hoạt động trong khắp miền Galilê (1,39a), theo Marcô (1,35-45) Ngài rao giảng trong các hội đường, trừ quỉ (1,39a) và chữa một người bị phong hủi (1,40-45). Đó là 3 việc Ngài đã làm ở Caphanaum (1,21-34) cũng như ở những nơi khác trong miền Galilê.

- Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời Ngôn sứ Isaia về Đấng Mêsia, chứng minh cho Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia.

- Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là Đấng Mêsia: “Anh sấp mặt xuống” kêu xin, anh nói: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô phương chữa trị”).

- Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt: “Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai dám đụng vào người cùi vị sợ lây bệnh và lây sự ô uế).

- Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo Do Thái.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những Chúa chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoạn nhân loại khi bảo bệnh nhân đi trình diện với tư tế. Nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác.

Như chúng ta đều biết, bệnh phong hủi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn khổ đau gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi. Thật không còn nỗi bất hạnh nào hơn!

Chúa Giêsu chỉ vì yêu thương nhân loại đã từ trời xuống thế làm người, mang thân phận loài người để chia sẻ cuộc sống bất hạnh của con người. Người đã dùng quyền năng Thiên Chúa chiến thắng ma quỉ, chữa lành con người khỏi những hậu quả của tội lỗi.

Noi gương Chúa Giêsu, Cha Đamiêng, vị “tông đồ người hủi”, vì yêu thương những người phong cùi bị cô lập hoá nơi hoang đảo, đã tình nguyện đến chia sẻ cuộc sống của họ. Sự hiện diện của cha đã đem lại cho họ nhiều nâng đỡ và an ủi trong những ngày hấp hối kéo dài. Cuối cùng cha cũng mắc bệnh phong cùi và chết giữa những người con thân yêu của Ngài như một bằng chứng hùng hồn của một tình yêu “dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.

Trong khi vi trùng Hanxen (cùi) đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

Đó là thực trạng yếu hèn của con người mà chính Thánh Phaolô đã cảm nghiệm tình trạng này khi Ngài nói: “Có những điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi không làm, còn những điều xấu tôi không muốn thì tôi lại làm”.

Mỗi người trong chúng ta dù ít hay nhiều dù nhẹ hay nặng, chúng ta đều mắc bệnh cùi trong tâm hồn mỗi khi chúng ta phạm tội. Và trước tội lỗi, con người có thể có 3 thái độ:

1. Quá quen phạm tội, nên mặc dầu sống trong tội mà lương tâm vẫn bình thản.

2. Cố gắng phấn đấu chừa tội, nhưng không thành công trọn vẹn, đâm ra ngã lòng buông xuôi.

3. Ý thức sự yếu hèn của mình, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được tình thương tha thứ của Chúa, nên đã chọn con đường sám hối trở về với Chúa, đón nhận ơn chữa lành nơi toà giải tội.

Mỗi người tín hữu chúng ta ý thức được thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, và tin vào tình yêu thương tha thứ của Chúa, chúng ta hãy đến toà giải tội để đón nhận ơn chữa lành của Chúa. Vì toà giải tội là một pháp nhân do tình thương của Chúa. Các Thánh đã gọi toà giải tội là “bí tích rửa tội thứ hai”. Vì nơi đây chúng ta được rửa sạch tội lỗi, không phải bằng nước, nhưng bằng những giọt lệ sám hối, và bằng những giọt máu của Đức Giêsu chảy ra từ thập giá.

Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ và tha thứ.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 2,1-12

CHỮA LÀNH NGƯỜI BẤT TOẠI

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 2,1-12) là một trong 5 cuộc tranh luận tại Caphanaum (2,1-3,6) giữa Chúa Giêsu với các Kinh sư (2,6.16) hoặc với những người Pharisiêu (2,24;3,6)

- Năm cuộc tranh luận đó không chỉ liên quan đến những vấn đề lý thuyết, nhưng phát xuất từ những sự kiện cụ thể:

1/ 2,1-12;       2/ 2,13-17; 3/ 2,18-22;   4/ 2,23-28; 5/ 3,1-6.

- Trong 5 trình thuật này, tác giả đặt trọng tâm vào 5 lời của Đức Giêsu:

           + 2,10: “Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, con người có quyền tha tội…”

           + 2,17: “… Đức Giêsu nói với họ: người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”

           + 2,19: “Đức Giêsu trả lời: chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”.

           + 2,28: “Bởi đó con người làm chủ luôn cả ngày Sabat”.

           + 3,4: “Rồi người nói với họ: Ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?”

Một điểm trong phép lạ chữa người bất toại được ghi trong Tin Mừng hôm nay đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu không nói ngay: “Ta chữa lành cho con”, nhưng Ngài nói với người bất toại: “Này con, con đã được tha tội rồi”.

Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội, chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng”. Nhưng Chúa Giêsu nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc thấu tư tưởng thầm kín của họ, Ngài hỏi họ: “sao bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?”. Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: “Trong hai điều: một là bảo người bất toại con đã được tha tội; hai là bảo đứng dậy, vác chõng mà đi, điều nào dễ hơn”. Thật ra hai điều này đều khó, và Chúa Giêsu giải quyết: “Để các ông biết: ở dưới đất, con người có quyền tha tội, ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà”.

Lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.

Ở đây, vì là Con Người một ngày kia sẽ vinh quang ngự đến, Đức Giêsu có quyền trên nhân loại, có quyền ban ân xá cho loài người, có quyền tha tội. Từ bây giờ, quyền đó hiện diện nơi Ngài không phải dưới hình thức án xử, nhưng dưới hình thức ân sủng đem ơn tha tội. Bệnh tật thể xác, ở đây bệnh bại liệt, là dấu hiệu chỉ tội lỗi. Như vậy, chữa bệnh bại liệt, Chúa Giêsu đã phá tan tội lỗi, và tha tội lỗi cho tội nhân.

Quyền tha tội này, Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ, và qua các Ngài cho Giáo hội. Giáo hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong bí tích sám hối và hoà giải. Nhờ bí tích này, tội nhân được ơn tha thứ và làm hoà với Thiên Chúa.

Từ ít lâu nay, có một cơn khủng hoảng đối với bí tích giải tội. Nhiều người không còn lãnh nhận bí tích giải tội, không còn quí trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức về tội lỗi. Hơn nữa, có khi vì sợ dư luận, sợ bạn bè gièm pha cũng làm chậm lại bước đường trở về với Chúa.

Ước gì cộng đoàn chúng ta luôn ý thức về tội lỗi và quí trọng ơn tha thứ qua bí tích giải tội.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 2,13-17

HÃY THEO TA

 

- Ơn gọi của Lêvi con ông Anphê được ghi trong Marcô, được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông làm nghề thu thuế, và được coi là một người tội lỗi công khai.

- Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử; ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Roma lúc đó đang cai trị xứ Palestina.

- Trong khi mọi nguòi khinh dể anh, khai trừ anh và tránh xa anh, thì Chúa Giêsu không chê anh mà còn chọn anh làm môn đệ Ngài.

- Chính Chúa Giêsu đến với anh để chọn anh chứ không phải anh đến với Chúa để xin đi theo Ngài.

- Khi được Chúa Giêsu kêu gọi, Lêvi đã mau mắn bỏ mọi sự để theo: “Ngài bảo ông hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Ngài.

- Việc Chúa Giêsu chọn Lêvi, người thu thuế làm môn đệ đem lại sự vui mừng cho Lêvi và những người thu thuế, nên họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng.

- Nhân dịp có mấy người Biệt Phái chỉ trích thái độ Chúa Giêsu thân thiện với người tội lỗi, Ngài cho biết thêm Ngài chính là “Thầy Thuốc” đến trần gian để chữa những người tội lỗi.

Đối với người Do Thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc để hưởng lợi tức cao, họ thường gian lậnlạm thu; Đối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ ra khỏi cuộc hội họp để cầu nguyện, và tiền dâng cúng của họ vào đền thờ không được nhận; những ai tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.

Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi ông vào số các Tông đồ, đã bị người Do Thái chỉ trích và bị coi như một gương mù: “Sao! Ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh mà là kẻ đau yếu; Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng là để kêu gọi người tội lỗi”.

Chúa Giêsu đã thường tiếp xúc thân mật với người tội lỗi, chẳng những chào hỏi, nói năng mà còn ăn uống với họ, nên không lạ gì những người biệt phái và luật sĩ đã gọi Ngài là bạn của những người tội lỗi.

Thường khi Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho những ai khỏi bệnh phần xác, Chúa cũng chữa lành bệnh tâm hồntha thứ tội lỗi cho họ.

Những gì Chúa Giêsu đã làm khi còn sống ở trần gian, Ngài cũng tiếp tục làm qua Giáo hội của Ngài, bằng việc tiếp nối tình yêu thương vô bờ bến của Ngài cho những người có tội. Giáo hội luôn luôn tìm kiếm, đón tiếp và ban phát tình thương tha thứ của chúa cho những người có tội nơi toà giải tội, giúp họ được lớn lên trong tình nghĩa nơi Chúa và bắt đầu cuộc sống mới đầy lòng mến Chúa yêu người hơn.

Qua Thánh lễ, Giáo hội tiếp tục nuôi dưỡng đời sống mới của các tín hữu bằng của ăn lời ChúaThánh Thể. Lời Chúa hướng dẫn đời sống gia đình của người tín hữu. Thánh Thể làm cho người tín hữu được trở nên một với Ngài và họ được mời gọi sống như Chúa Kitô: yêu mến Thiên Chúa bằng việc thực hiện Thánh ý của Ngài, yêu mến mọi người nhất là những kẻ có tội, những người nghèo khó bằng việc bẻ bánh cuộc đời để chia sẻ cho họ.

Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại: “Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa”.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho