03/03/2017
1150
Tuần 1 Mùa Chay_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN I MÙA CHAY

Lv 19,1-2.11-18; Mt 25,31-46

 

Bài đọc I trích sách Lêvi dạy cách đối xử với tha nhân gồm trong hai điều chính:

+ Về công bình: đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng phỉnh gạt, đừng nhục mạ, đừng hà hiếp, đừng gian tiền công phải trả cho thợ, đừng nguyền rủa, đừng gièm pha.

+ Về bác ái: “hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”. Nhìn chung, ta thấy lời dạy của cựu ước còn tính tiêu cực và chưa được rộng rãi. Trong bài Tin Mừng Luca 25,31-46, lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ đau yếu và ngồi tù... và rộng rãi hơn như bảo hãy đối xử bác ái với bất cứ ai bé mọn. Chúa còn bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái ta làm cho những kẻ bé mọn như làm cho chính Chúa.

Lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay chỉ cho người Kitô hữu thấy cảnh ngày phán xét.

Ngày ấy “Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách chiên khỏi dê”. Chúng ta biết tại xứ Palestin, chiên và dê ban ngày thường ăn cỏ chung với nhau. Chiều tối, người chăn chiên mới tách chúng riêng ra, dê được lùa vào khu vực kín đáo hơn. Khi dùng hình ảnh này để diễn tả sự phán xét, Thánh Matthêu muốn đề cập tới sự phân định giữa người lành và người dữ. Ngày phán xét cũng thế, giống như người mục tử tách chiên ra khỏi dê: chiên đứng bên hữu, còn dê ở bên tả. Thuật ngữ “tả - hữu” không hiểu theo chiều kích không gian, nhưng là luân lý: xấu hoặc tốt. Hai từ: “Đến đây-Đi đi” mô tả hai hướng đi đối nghịch: người lành được chúc phúc, kẻ dữ bị nguyền rủa.

Trong ngày đó, người Kitô hữu khi ra trình diện, Thiên Chúa sẽ không chất vấn họ về những “thành tích” mà họ được biểu dương bên ngoài, nhưng dựa trên những việc đạo đức cá nhân, những hành động bác ái đối với tha nhân, như cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ đau yếu và tù đày và Chúa còn bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái ta làm cho kẻ bé mọn như làm cho chính Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm việc như thế cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

Khi nghe lời tuyên dương, những người bên hữu ngạc nhiên, vì có bao giờ họ đã làm những việc đó cho Chúa đâu. Họ chỉ làm vì luật yêu mến, chẳng bao giờ dám nghĩ đến những giá trị to lớn của những hành vi đó. Khi giúp đỡ tha nhân, họ chỉ giúp đỡ vì chính nhu cầu của người đó, thế mà chẳng ngờ, Chúa lại xác nhận là làm cho chính Chúa. Như thế, Chúa đã đồng hóa mình với những kẻ bé mọn.

Trong cuộc sống thường nhật, chẳng thiếu những lúc chúng ta sợ dấn thân, sợ liên lụy với người đau khổ, nên tìm cách trấn an lương tâm, để yên trí bỏ qua những việc phục vụ phải làm. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ lại lời dạy của Chúa: Chính trong tương quan với người khác mà chúng ta bị xét xử. Chẳng hạn khi gặp người cùng khổ ta đã có những thái độ nào? Vô cảm, hắt hủi hay yêu thương đùm bọc?  Định mạng vĩnh cửu của ta: hạnh phúc hay trầm luân hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ trên. Tương quan với tha nhân chính là thước đo lường tương quan với Chúa, vì không thể yêu Chúa đồng thời lại xa cách anh em.

Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng, chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: “Coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ an ủi những kẻ đau khổ ấy”.

Mùa chay là dịp thuận tiện để chúng ta duyệt xét lại thái độ sống của mình trong tương quan tốt lành với tha nhân. Xin Chúa ban cho chúng ta quả tim dễ rung cảm để biết yêu thương mọi người, vì yêu anh em là yêu Chúa, giúp đỡ anh em là giúp  đỡ Chúa, làm điều tốt cho anh em là làm điều tốt cho Chúa. Amen

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN I MÙA CHAY

Is 55,10-11; Mt 6,7-15

KINH LẠY CHA

 

Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, vì là kinh do chính Chúa Giêsu dạy ta, là kinh được giáo hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì chúng ta phải làm khi cầu nguyện.

- Chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động Tông đồ đắc lực. Khi cầu nguyện như thế chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài, có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện không cần nhiều lời, bởi vì Cha các con đã biết rõ các con cần gì trước khi các con cầu xin!. Nói khác đi, khi cầu nguyện chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn trước mặt Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.

Kinh lạy cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo Luca Kinh lạy cha chỉ có 5 lời nguyện (điều ba và điều bảy không có trong Luca), trong khi đó trong phúc âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời đầu tiên nói về:

+ Thiên Chúa Đấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là cha “Cha chúng con ở trên trời”

+ Sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên khắp thế gian, nhất là trong tâm hồn con người.

+ Và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.

- Trong phần hai có 4 lời nguyện:

+ Xin lương thực hằng ngày nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi linh hồn tức là lời Chúa và mình Chúa.

+ Xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng cần phải tha thứ lỗi lầm của anh em.

+ Xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sự tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa.

+ Xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.

Sau khi dạy Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tha thứ. Chúa cho biết: nếu chúng ta tha thứ cho anh em thì Chúa mới tha thứ cho chúng ta. Chúng ta có thể coi đây như là một điều kiện để được Chúa tha thứ. Chúng ta xúc phạm đến Chúa thì nặng như thế nào, còn người ta xúc phạm đến chúng ta thì nặng ra sao? So sánh hai bên chúng ta thấy tội của chúng ta xúc phạm đến Chúa nặng bội phần hơn người ta xúc phạm đến chúng ta. Mà nếu chúng ta không chịu điều kiện đó, nghĩa là không tha cho kẻ khác, thì Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta, mà còn không nhận lời cầu xin và lễ dâng của chúng ta. Chính Chúa đã nói rõ điều đó: “Khi con đi dâng của lễ mà nhớ mình có chuyện bất hòa với anh em, thì hãy để của lễ đó về làm hòa với anh em đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ sau”.

Hằng ngày, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Chúng ta thưa với Chúa như vậy nhưng chúng ta có làm, có sống, có thực hành như thế không? Trong đời sống, không thiếu những chuyện, những người làm chúng ta bực tức, đau khổ, buồn giận... Chúng ta có sẵn lòng bỏ qua tha thứ cho họ không? Nếu chúng ta cứ để lòng giận ghét, bực tức, buồn phiền, óan hận là chúng ta nói dối Chúa khi đọc Kinh Lạy Cha.

Lạy Chúa, khi bị treo trên thập giá Chúa đã biện hộ cho tội chúng con “xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Còn con sống giữa tha nhân nhưng không hề biết tha thứ, xin Chúa cho con thêm lòng quảng đại để con luôn biết thứ tha cho nhau.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY

 Giona 3,1-10; Lc 11,29-32

DẤU LẠ CẢ THỂ

 

Ở đoạn trước Chúa Giêsu làm phép lạ cứu người bị câm. Trước phép lạ đó dân chúng chia thành ba nhóm: - nhóm thứ nhất đa số là tin Ngài; nhóm thứ hai không tin cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỉ vương Bêenzebun; nhóm thứ ba bao gồm những người biệt phái cũng không tin, họ còn đòi Ngài phải đưa ra một dấu lạ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến, nhưng Chúa Giêsu từ chối, và cho biết Ngài chỉ cho một dấu lạ ông Giona.

Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hiểu ý nghĩa của phép lạ: theo quan niệm thông thường khi một sự thiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho phép lạ là một sự can thiệp của Thiên Chúa. Giáo hội Công Giáo có tin phép lạ, nhưng vô cùng thận trọng công nhận các phép lạ. Từ hơn 100 năm nay, tại trung tâm thánh mẫu Lộ Đức bên Pháp, đã có trên 2000 trường hợp khỏi bệnh, được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo hội chỉ chính thức nhìn nhận 65 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã thực sự làm nhiều phép lạ. Ngài đã biến nước thành rượu, nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi đám đông trên 5000 người; chữa lành bệnh tật; xua trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài, và Ngài chính là Đấng mà Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại.

Trước những phép lạ và lời rao giảng của Ngài, một số người Do Thái đã tin nhận và đi theo Ngài, còn một số khác thì vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng và việc làm của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm biệt phái thì không những không tin nhận Ngài, họ còn chống đối Ngài ra mặt. Họ thách thức Ngài, nếu Ngài làm một dấu lạ cụ thể họ mới tin nhận Ngài.

Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Giona để nói về Ngài. Tiên tri Giona đã được sai đến thành Ninivê để rao giảng sự sám hối. Tất cả các phép lạ Chúa Giêsu đã làm đều nói lên sứ mệnh của Ngài và mời gọi tin và hoán cải. Như tiên tri Giona đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm, Giáo hội tiên khởi đã xem đây là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một phép lạ cụ thể để đáp lại những thách thức của những người biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài. Chết để nên Lời, và lời ấy là lời của yêu thương và cứu độ.

Ngày xưa Israen cũng như dân Chúa hôm nay. Lời mời gọi đổi đời vẫn được Giáo Hội thường xuyên gửi đến từng người. Nhưng âm hưởng thế nào? Như Ninivê hay Israen?

Sự cố chấp của Israen cũng như của chúng ta minh chứng: trong con người có một thế lực phủ nhận thật đáng sợ và khó hiểu. Nó ngăn chặn tính trung thực của lý trí, sự đón nhận của trí khôn. Nó tiên thiên phủ nhận điều tốt của người khác, nếu người đó là người họ không thích.

Lời Chúa hôm nay, Chúa cảnh cáo những ai cứng lòng tin và cố chấp không nghe lời Chúa để canh tân và thánh hóa bản thân. Chúa Giêsu không làm dấu lạ nào theo yêu cầu của người Pharisêu vì Ngài muốn tôn trọng tự do của con người: Ngài không muốn vì những phép lạ mà áp lực con người phải tin nhận Ngài, nhưng Ngài muốn phục vụ con người cách khiêm nhường. Chúng ta làm chứng cho Chúa không phải bằng sức mạnh, bằng uy quyền, nhưng bằng sự khiêm nhường phục vụ cách vị tha, vô vị lợi và vô điều kiện. Đó là những việc làm tuy âm thầm và nhỏ bé, nhưng lại là dấu lạ cả thể nhất của tình yêu, và đó cũng là những dấu lạ mà Thiên Chúa mãi mãi gởi đến cho con người thời đại.

Đối với những người quanh ta, chúng ta được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ: “một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ…” phải chăng đó không là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng ta đó sao?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm những dấu chỉ của Thiên Chúa không để thoả mãn tính hiếu kỳ, tò mò, mà để canh tân và sám hối.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM  TUẦN I MÙA CHAY

Et 14,1.3-5.12-14; Mt 7,7-12
 

HIỆU LỰC CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

 

Bài Tin Mừng hôm nay có hai ý:

- Chúa Giêsu dạy phải tin tưởng khi cầu xin, bởi vì “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho”

- “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng hãy làm cho người ta như thế”. Gương bà Ét- te trong bài đọc I là một minh họa cho đoạn Tin Mừng hôm nay về lời cầu xin. Chúng ta hãy nhớ lại lịch sử của dân tộc Do Thái lúc đó: Dân Do Thái đang sống kiếp lưu đày bên Babylon. Quan tể Tướng A-man không ưa thích người Do Thái nên xúi dục vua Babylon ra chiếu chỉ tàn sát người Do Thái khắp đế quốc. Khi đó, người ta nghĩ không ai ngoài bà Ét-te có thể cứu họ. Ét-te là người Do Thái nhưng được làm hoàng hậu trong cung điện. Phần bà Ét-te thì thấy công việc quá khó khăn và nguy hiểm nên bà chạy đến Chúa thành khẩn van xin Chúa và giãi bày trước nhan Chúa nỗi cô đơn và tình trạng nguy khốn của dân tộc bà và phó thác tất cả vào sự trợ giúp của Ngài. Bà tin mạnh mẽ Chúa sẽ nhận lời bà. Kết quả là nhà vua rút lại chiếu chỉ, dân Do Thái thoát khỏi bị tàn sát. Chúng ta hãy noi gương bà, cứ kiên trì gõ, Chúa sẽ mở cửa, thành khẩn xin Chúa sẽ nhận lời.

Điều kiện để lời cầu xin được hiệu nghiệm

Dạy các môn đệ cách cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha xong, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện để lời cầu xin được hiệu nghiệm, là kiên nhẫn và tin tưởng và để diễn tả sự kiên nhẫn và tin tưởng trong lời cầu xin thì Chúa nhắn nhủ “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.

 Để minh họa cho lời Chúa dạy có một tác giả kể lại câu chuyện sau đây: một hôm ông theo đoàn đánh cá ra khơi, trời thật đẹp, nhưng đến trưa, gió thổi mạnh và cơn bão rất lớn ập tới. Đoàn người chống chọi quyết liệt nhưng vô ích, nước đã tràn vào đầy tàu. Lúc ấy viên thuyền trưởng ra lệnh: “các bạn hãy cầu nguyện” người phụ tá bảo: “sao lại cầu nguyện? mây che kín bầu trời rồi, Chúa chẳng nghe thấy đâu”. Nhưng viên thuyền trưởng dứt khoát: “chúng ta cứ cầu nguyện”.

Tất cả đều sốt sáng cầu nguyện, bỗng dưng từ đám mây đen nghịt ấy lóe ra một tia sáng xanh trong vắt viên thuyền trưởng la lên: “cửa trời đã mở, Chúa đã nghe lời chúng ta, và tia sáng đó là ánh mắt nhân từ Ngài nhìn xuống chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện”. Và rồi sau đó, sóng gió im lặng và trời càng sáng rõ, các thủy thủ tạ ơn Chúa và tàu đã cập bến an toàn.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở cho”. Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm và tin tưởng trong lời cầu nguyện. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực.

Qua kiểu nói: “Hãy xin thì sẽ được”, Chúa mời gọi chúng ta: khi cầu xin thì phải biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người cha trần thế đối xử với con cái để làm nổi bật sự tốt lành của Thiên Chúa, là Cha trên trời: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó?, hoặc nó xin trứng lại cho nó con bọ cạp?. Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành phương chi Cha trên trời, Ngài sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”.

Sự kiên trì, bền đỗ và tin tưởng là điều kiện để lời Chúa được hiệu nghiệm, vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ.

Điều thứ hai lời dạy của Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay là để lời cầu xin được hiệu nghiệm, người môn đệ phải thực hành đạo lý Chúa dạy: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó”. Đạo lý này được trình bày trong một nguyên tắc tổng hợp gọi là “khuôn vàng thước ngọc”, bởi vì nó bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy về bổn phận con người đối với tha nhân. Trong cựu ước, sách Tobia đưa ra một đạo lý tương tự (Tb 4,16) với lời Chúa Giêsu dạy: “đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”.

Tuy nhiên, nét độc đáo lời dạy của Chúa Giêsu ở đây chính là đưa ra một nguyên tắc tích cực với một nội dung thật phong phú. Sau này trong bữa ăn tối sau cùng, chính Chúa Giêsu đã biến nguyên tắc này thành giới răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó là giới luật của Chúa Giêsu, một đặc điểm của đạo Chúa.

Nguyện xin Chúa củng cố chúng con trong đời sống và tâm tình cầu nguyện, cho chúng con biết xin những gì đẹp lòng Chúa và phó thác tất cả cho tình yêu thương quan phòng của Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY

Ez 18,21-28; Mt 5,20-26

 ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

SỰ THÁNH THIỆN ĐÍCH THỰC

 

Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ.

“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

- Sự công chính… phải hiểu trước hết là công chính do Tin vào Chúa Giêsu (ơn Thiên Chúa), sau đó mới đến ăn ở theo lòng tin ấy (nghĩa luân lý đạo đức).

+ Không phải chỉ tránh sống đạo hình thức kiểu các kinh sư và nhóm Pharisiêu, mà hơn nữa, cho dù trong các kinh sư, Pharisiêu cũng có những người sống đạo Môsê thật tình, thì từ đây sống như vậy không đủ nữa để được hạnh phúc bởi vì Đấng Mêsia đã đến.

+ Từ đây phải tin vào Ngài, sống theo như Ngài dạy mới được vào Nước Trời.

Sau đó, Chúa Giêsu đưa ra thí dụ về cách giữ một số khoản luật:

- Luật “không được giết người”: người môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà còn phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em: “Tứ hải giai huynh đệ” – Anh em bốn bể đều là một nhà. Vì thế không được phẫn nộ với anh em, không được chửi anh em.

- Luật “Dâng lễ vật”: người ta thường quan tâm đến bổn phận thờ phượng, nhưng lại bỏ bổn phận tha thứ và yêu thương. Lễ vật đẹp lòng Chúa nhất là cuộc sống đầy tình thương yêu. Do đó, trước khi dâng lễ vật phải lo hòa giải với anh em có chuyện bất hoà với mình. Chúa nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”

- Chúa Giêsu đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực.

Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của những người biệt phái và luật sĩ, tức là những nhà lãnh đạo Tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được qui định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện nhưng lại sẳn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

Đả phá quan niệm và cách thực hành của những người biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật, hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người biệt phái và luật sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người biệt phái và kinh sư thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Khi Chúa Giêsu giải thích khoản luật “chớ giết người”. Ngài cho chúng ta thấy thêm được rằng giận, mắng, và chửi một người anh chị em cũng là cách giết chết người đó, bởi vì chúng ta không còn coi người đó là người anh em nữa, và trong lòng ta hình ảnh người anh em đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù.

Còn các bạn trẻ, lời Chúa hôm nay muốn nhắn gởi các bạn điều gì? có lẽ hầu hết các bạn trẻ chưa bao giờ dám “giết người”, nhưng nhiều bạn trẻ lại đang “giết chính mình” khi đắm say với men rượu, men tình… trong những cuộc ăn chơi phóng túng. Kết cuộc là huỷ hoại thể xác và tâm hồn, trí não và tương lai của mình một cách thảm hại.

Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con biết quí trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng con để chúng con luôn biết tìm kiếm và cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY

Dl 26,16-19; Mt 5,43-48

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

VÀ ƠN GỌI NÊN THÁNH

 

- Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy môn đệ cách đối xử với những kẻ thù ghét mình.

- Khuynh hướng tự nhiên là thù ghét kẻ thù ghét mình.

- Cựu ước cũng không có khoản luật nào dạy phải ghét kẻ thù, cũng như phải yêu thương kẻ thù.

- Còn Chúa Giêsu khi Ngài nói: “anh em đã nghe luật dạy rằng, hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, có lẽ đây là kiểu nói Aram của Chúa Giêsu có nghĩa là không phải yêu kẻ thù như yêu bạn (so sánh Lc 14,26 với Mt 10,37), vượt xa hơn nữa Chúa Giêsu dạy:

“Hãy yêu thương kẻ thù

Hãy làm ơn cho kẻ ghét mình

Hãy cầu nguyện cho họ”

- Đây là dấu hiệu chắc chắn về sự tha thứ, lý do phải tha thứ và yêu thương là vì tất cả đều là con cái một cha trên trời, Đấng hằng thi ân cho tất cả; hơn nữa là môn đệ Chúa Kitô thì phải tha thứ và yêu thương hơn những người ngoại giáo và những người Do Thái.

- Nhờ tuân giữ các giới răn và những điều Chúa dạy mà người môn đệ trở nên hoàn thiện và thật sự xứng danh là con cái cha trên trời.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên khi Chúa nói: “còn Thầy, Thầy bảo các con hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu .

- Thứ nhất không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa, và sự phân chia con người làm hai loại: thân hữu và thù địch không còn nữa.

- Thứ hai tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của tha nhân.

- Chúa Giêsu  dạy chúng ta hãy yêu thương kẻ thù. Yêu thương người dễ thương, yêu thương người yêu thương ta thì dễ dàng, nhưng bảo yêu thương kẻ thù thì thật là gay go. Mà kẻ thù ở trên đời thì có nhiều loại khác nhau.

- Có kẻ thù chưa hẳn là do ta gây ra oán thù gì với họ, nhưng chỉ vì ganh tài, địa vị, uy tín, lợi lộc hay sắc đẹp, tiền của. Ta cần biết và ghi nhớ: “cái ghét nhất của kẻ có tài là thấy có người tài hơn mình; cái ghét nhất của kẻ có sắc là thấy có người đẹp hơn mình, hay có thể sánh với mình do đó sinh ra nghi kỵ ghen ghét”.

- Có loại kẻ thù do thọ ơn ta mà không muốn trả hay không trả được  nên sinh mặc cảm mà thành thù.

- Còn có những người thù ghét với ta, vì ta vô tình hay lỡ gây ra khiến họ hiềm khích với ta. Vì là người Kitô hữu, ta chỉ nên cư xử khoan dung độ lượng, và nếu gây thiệt hại cho ai thì ta phải sớm đền bù thiệt hại danh dự hay vật chất cho xứng đáng để xoá bỏ hận thù.

Phim ảnh thường kể những chuyện báo thù, coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng; con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em bạn bè báo thù cho nhau.

- Nhưng gần đây, ngay cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là báo thù không giải quyết được vấn đề. Càng báo thù thì oán thù càng gia tăng chồng chất. Nghĩa là, lương tri con người mách bảo báo thù không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng nhưng là một thảm họa.

- Do đó, người tín hữu Chúa Kitô  cần phải thực hiện trong đời sống của mình câu nói “dĩ hòa vi quí; lấy ân báo oán và oán không bao giờ diệt được oán”.

- Khi lưu giữ lòng yêu thương đối với tha nhân là chu toàn lề luật, mà mục đích của lề luật là giúp người ta nên hoàn thiện. Muốn nên hoàn thiện phải có khuôn mẫu. Khuôn mẫu này chỉ Thiên Chúa mới đầy đủ sung mãn. Bởi đó, Chúa Giêsu đã dạy: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”. Đặc điểm của sự hoàn thiện này là tình yêu không giới hạn, một tình yêu cho không, một tình yêu không biên giới. Nó giúp ta yêu thương mọi người. Đã yêu thương mọi người thì phải kể cả kẻ thù. Chính vì lý do đó, Tin Mừng hôm nay dạy ta yêu cả kẻ thù.

- Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.

Lm. Giuse Phạm Minh Thanh

Gp. Mỹ Tho