20/05/2022
913
Tâm tình Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C_Lm. Phêrô Khương
















 

TÂM TÌNH ĐỌC TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH C

Ga 14,23-29

BÌNH AN CHO ANH EM

 

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (Ga 14,27)

Khi Chúa Giêsu nói: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, thì ngầm hiểu rằng: Anh em đã, đang mất bình an. Và còn có một thứ “bình an” khác nữa, bình an không phải của Thầy Giêsu, tạm gọi là bình an của thế gian.

Vì thế, mà Chúa Giêsu mới để lại bình an của Chúa, nhằm nâng đỡ đời sống con người mỗi khi bất an, dao động, âu lo, nao núng, xao xuyến, sợ hãi… Thì ngay tức thời bình an của Chúa khỏa lấp, bù đắp, chữa lành vào tâm hồn chúng ta, nếu như biết tin các Tông đồ lúc bấy giờ, các ông mất bình an là bởi cái chết của Chúa Giêsu, đã làm cho các ông lo lắng sợ hãi người Do thái, cũng sẽ tìm giết các ông. Và liền kế đó là sự phục sinh của Chúa Giêsu, một sự kiện mà các Tông đồ chưa thể thấu hiểu, mặc dù đã được Chúa Giêsu tiên báo trước đó, nhưng các ông vẫn mù mờ, xao xuyến, phải chờ đợi Chúa Giêsu Phục sinh khai lòng mở trí cho các ông, mới có thể xác tín về mầu nhiệm sống lại của Thầy mình.

Cuộc sống thường ngày, đặt chúng ta phải đối diện và sống với những lo lắng, sợ hãi, xao xuyến. Lo cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Lo công danh sự nghiệp, tương lai phía trước. Lo xây dựng, gìn giữ, bảo vệ gia đình được mọi sự tốt đẹp… Và nhiều những nỗi lo khác nữa.

Sống giữa thế gian, giữa dòng đời mưu sinh, không tránh khỏi những biến cố, sự kiện, sự việc làm chúng ta sợ hãi, chẳng hạn như: Tai nạn, sự chết, bệnh tật, khổ đau, bị đe dọa, thiên tai, dịch bệnh, sự thù ghét của người khác, bị cô lập, bị loại trừ, bạo hành, chống đối… Và nhiều những nỗi sợ hãi khác.

Tâm trạng, hay trạng thái tâm lý mỗi người cũng thường phải đối diện với sự nao núng, xao xuyến. Đó là những lúc đức tin bị thử thách, hoặc phải đương đầu với hoàn cảnh sống không như mong muốn. Đó là những lúc bừng tỉnh, sau khi đời sống luân lý tuột dốc. Đó là khi đối diện với những giải thích của những tôn giáo khác, cho những vấn nạn của cuộc sống, mà bản thân cảm thấy những lý giải này rất hợp lý… Còn rất nhiều, rất nhiều những cảnh huống làm cho tâm trạng tâm hồn, bồn chồn, nao núng, xao xuyến.

Những lúc như vậy, con người thường tìm một thứ gì đó làm chỗ dựa, để đảm bảo cho sự an toàn, và bình an. Chẳng hạn như: Tiền của, quyền thế, niềm tin vào sự mê tín dị đoan, tri thức, khoái lạc, mạng xã hội, và có khi là rượu bia, chất kích thích…

Bình an này, được gọi là bình an thế gian, không phải là bình an của Chúa. Bình an theo kiểu thế gian, chỉ đảm bảo tạm về sự yên lành của phần xác, trong thời gian nào đó, còn sâu thẳm nơi tâm hồn con người, vẫn không ngừng dao động, dậy sóng, khắc khoải âu lo.

Còn bình an của Chúa ban tặng, là niềm vui tràn ngập trong tâm hồn. Đó là trạng thái tâm hồn được no đầy hạnh phúc.Vì thế, điểm khác biệt dễ nhận ra giữa bình an thế gian, và bình an của Chúa là: Bình an thế gian được vun đắp tạo dựng từ bên ngoài, còn bình an của Chúa lại bắt đầu từ bên trong tâm hồn chúng ta.

Cho nên, để có được bình an của Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc sống, cách cơ bản, dễ thực hiện nhất là: Quay về và lắng nghe tiếng lương tâm ngay thẳng của mình mách bảo, trong mọi xử lý của sinh hoạt đời sống hằng ngày. Đồng thời, được đức tin và giáo huấn của Hội thánh soi dẫn, sẽ dễ dàng hành động, ứng xử, phản ứng đúng đắn, chính xác trong mọi tình huống.

Và như vậy, bình an của Chúa luôn tuôn đổ trong lòng chúng ta.


Lm. Phêrô Trần Trọng Khương

Giáo phận Mỹ Tho