14/05/2022
777
Tâm tình Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C_Lm. Phêrô Khương















 

TÂM TÌNH ĐỌC TIN MỪNG CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C

Ga 13,31-33a.34-35

SỐNG YÊU THƯƠNG THƯỜNG HAY THUA THIỆT

 

Quan sát thực tế cuộc sống, có thể rút ra được nhận định: Sống yêu thương, thì thường hay thua thiệt. Chưa biết nhận định này đúng hay sai, nhưng hoàn toàn có thể đơn cử nhiều ví dụ, để chứng minh rằng: Yêu thương thì thua thiệt.

Hai gia đình tranh chấp ranh giới đất đai, nếu bên nào chịu thiệt một chút, tự dưng sẽ êm đẹp, sẽ vui vẻ, hòa bình.

Một va chạm xảy ra trên đường, nếu bên nào chấp nhận phần thiệt thòi về mình nhiều hơn, tự dưng sẽ tránh được cuộc xô xát, ẩu đả.

Hai người gây gổ, cãi nhau, nếu bên nào nhịn bớt, đón nhận phần sai sót về phía mình nhiều hơn, tự dưng cuộc cãi vả sẽ lắng dịu xuống.

Thấy một hoàn cảnh đáng thương cần sự giúp đỡ về vật chất, nếu như thực hiện hành động yêu thương, ta sẽ tổn hao về vật chất.

Một cuộc tranh chấp diễn ra, nếu chấp nhận làm trung gian hòa giải, thì phải chịu hy sinh thời giờ công sức, và búa rìu dư luận.

Nhiều… Nhiều… Nhiều những đơn cử khác nữa, cứ hễ sống yêu thương thì phải đón nhận sự thiệt thòi và hy sinh. Vì lẽ ấy, người ta thường chọn sống công bằng thì dễ hơn là sống yêu thương. Tuy nhiên, để sống công bằng cũng là một việc khó. Bởi vì lẽ thường, ai cũng muốn phần lợi về phía mình, còn phần bất lợi thì thường hay đùng đẩy sang cho người khác, từ đó mà tạo ra sự bất công, thiên vị và bất bình đẳng.

Cho nên, để sống công bằng, cần phải căn cứ, giải quyết và ứng xử dựa trên những quy định của luật: Luật lương tâm, luật luân lý, 10 điều răn của Chúa, 5 điều răn Hội thánh, luật của Hội thánh, luật pháp quốc gia và quốc tế.

Vậy có thể kết luận: Để sống yêu thương, trước hết phải sống được công bằng. Muốn sống công bằng, thì phải sống theo luật. Muốn sống theo luật, thì phải có sự hiểu biết luật. Muốn có hiểu biết luật, thì phải trau dồi học hỏi, rèn luyện, đón nhận, lắng nghe.

Nếu chưa sống được công bằng, thì đừng nói sống yêu thương. Chưa sống công bằng, mà nói sống yêu thương, thì đó chỉ là lời nói giả dối, đầu môi, chót lưỡi. Và càng khó hơn nữa, khi yêu thương như Thầy đã yêu thương. Nghĩa là: Sống yêu thương, như Chúa Giêsu đã sống yêu thương là rất khó.

Thường chúng ta sống yêu thương theo kiểu con người: Yêu thương những ai yêu thương mình, yêu thương những ai có lợi cho mình, yêu thương những ai ủng hộ mình. Nếu yêu thương theo kiểu con người, thì lúc nào cũng có lợi cho bản thân, không lợi về vật chất thì cũng có lợi về mặt tinh thần.

Còn sống yêu thương theo kiểu yêu thương của Chúa Giêsu: Yêu thương người ghét mình, hại mình, yêu thương kẻ thù của mình, yêu thương những ai chống đối mình. Sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương, đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều, và chắc chắn sẽ mang đến phần bất lợi cho bản thân hơn là có lợi.

Phân tích về mặt lý trí và con người là như vậy. Tuy nhiên, nếu xét về chiều sâu nội tâm và đời sống thiêng liêng, thì sống yêu thương theo kiểu của Chúa Giêsu có sức tác động và biến đổi con người. Biến đổi bản thân, và tác động biến đổi đến người được yêu thương.

Biến đổi bản thân trở nên thánh thiện nhiều hơn, và tác động biến đổi đến người được yêu thương, cũng trở nên người mỗi ngày một hơn. Và đây chính là mối lợi lớn nhất, tuyệt vời nhất mà đời sống yêu thương theo kiểu Chúa Giêsu mang lại.

Vậy sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương, sẽ thiệt thòi ở cuộc sống trần gian, nhưng chắc chắn sẽ được phần thưởng Nước Trời. Còn sống yêu thương theo kiểu con người, hoặc sống công bằng, thì phải chờ sự cứu xét của Chúa.

Vậy lời khuyên dành cho bạn là: Nếu chẳng may, xin lặp lại: Nếu chẳng may, bạn không thể sống yêu thương như Chúa Giêsu đã sống yêu thương. Bạn hãy sống công bằng trước đã, mà đừng sống yêu thương theo kiểu con người.

Lm. Phêrô Trần Trọng Khương

Giáo phận Mỹ Tho