24/02/2020
452
Suy niệm Thứ Tư Lễ Tro_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thứ Tư Lễ Tro

Lời Chúa: Mt 6,1-6.16-18

 

Mùa Chay đến rồi, đây là thời gian khắc khổ. Chúng ta không ai thích sống khắc khổ cả, nhưng đây là điều cần thiết, vì chúng ta không thể mặc một bộ đồ lâu ngày. Linh hồn chúng ta cần phải thanh tẩy để trở nên tươi mát hơn. Đây là lúc chúng ta sống trực diện với Cha trên trời. Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Đừng tỏ ra công chính trước mặt người đời” mà chỉ để cho Cha trên trời nhìn thấy và thưởng công chúng ta. Người đời có khen tặng chúng ta thì cũng chỉ là một hơi gió thoảng mà thôi. Được Cha trên trời ân thưởng mới quan trọng.

Chúa Giêsu cũng cho chúng ta một vài ví dụ cụ thể để giúp chúng ta sống đẹp lòng Chúa Cha.

Trong mùa chay thánh, Chúa Giêsu dạy chúng ta bố thí. Ngày nay người ta không thích nói đến việc bố thí, nhưng trong bối cảnh của thời Chúa Giêsu, việc bố thí được xem như một bổn phận đối với những người túng thiếu. Dâng cúng cho Đền thờ cũng được xem là một việc bố thí. Việc bố thí ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là từ bỏ, là hy sinh, là cho đi, là bác ái. Bố thí không phải chỉ là cho một người ăn xin một vài đồng bạc lẻ còn sót trong túi chúng ta mà là lấy tài sản của mình chia sẻ cho những người bất hạnh hơn chúng ta.

Mùa chay mời gọi chúng ta quan tâm đến những người anh em khốn khổ của chúng ta hơn, biết chú ý đến nỗi cơ cực, đến những áp lực đang đè nặng trên những người anh em không may mắn của chúng ta. Như thế, việc bố thí của chúng ta mang một ý nghĩa cao đẹp và đáng cho Chúa ân thưởng. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng thổi loa, đừng quảng cáo. Hãy làm việc thiện trong âm thầm, khiêm tốn, chỉ để cho Cha trên trời biết thôi. “Đừng để cho tay trái biết những việc tay phải làm”. Bà góa trong Tin Mừng được Chúa chú ý và khen ngợi, vì bà đã cho tất cả những gì bà có để sống, và bà đã cho âm thầm, khiêm tốn, không ai hay. Như thế mới gọi là bố thí đúng nghĩa. Biết bao nhiêu người giàu hôm nay vẫn làm như các ông kinh sư và Pharisêu, đòi công bố, đòi ghi bảng danh dự khi đóng góp cho nhà thờ!!!

Đi xa hơn, bố thí là một việc yêu thương đối với Chúa Giêsu. Thánh Giuse Cottolengo xem những người nghèo không chỉ là hình ảnh Chúa Kitô, mà là chính Chúa Kitô. Họ là ông chủ của chúng ta. Chúng ta phải yêu thương và phục vụ họ như phục vụ Chúa Kitô. Thánh Têrêxa Calcutta cũng thế. Mẹ coi người nghèo như Chúa Kitô và phục vụ họ đến tối đa. Bố thí là cho đi tất cả, cả sức lực, cả tài sản, cho Chúa Kitô nghèo khổ.

Ví dụ thứ hai: Cầu nguyện. Đừng cho ai biết. Cầu nguyện là một mối liên hệ mật thiết với Chúa, thì cho ai biết làm gì! Thế nhưng nhiều người cũng thích quảng cáo vì họ cho rằng đó là một việc cần cho người ta biết để được tung hô. Những người Pharisêu thích trưng bày việc cầu nguyện vì họ là những nhà chuyên môn, họ mang thẻ bài trước ngực và đi ngoài đường cầu nguyện. Chúa Giêsu thì khác: “Hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện”. Một người nông dân nói: “Nhà con xa nhà thờ. Con ở nhà, trải một chiếc đệm nhỏ và con quỳ sấp mình dưới đất để tỏ lòng yêu mến Chúa. Không ai biết cả”. Cha trên trời sẽ nhìn thấy, anh ạ.

Ví dụ thứ ba: ăn chay. Các tu sĩ ăn chay suốt mùa chay. Chúng ta chỉ ăn chay hai ngày: hôm nay lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Trong Cựu Ước, việc chay tịnh chiếm một chỗ khá quan trọng trong đời sống của người Do Thái. Anh Pharisêu trong dụ ngôn của Chúa ăn chay một tuần hai lần. Trước những cơn nguy khốn, người Do Thái ăn chay để cầu xin Chúa cho tai qua nạn khỏi. Vua Đavít ăn chay và nằm trên tro ba ngày để cầu cho đứa con ông được sống. Nhưng đối với chúng ta, việc ăn chay có nghĩa gì? Ăn chay không chỉ là bớt ăn trong ngày, mà là không chú trọng lắm đến những vấn đề vật chất. Tiên tri Isaia nói: “Ăn chay mà anh vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình… Ăn chay mà các người vẫn đôi co cãi vã, đánh đấm nhau tàn bạo…” Như thế đâu phải là ăn chay. Tiên tri cũng nói tiếp: “Ăn chay thực sự chính là mở xích xiềng bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc… Chia cơm cho người đói, cho người rách rưới áo mặc…” Đó là những hình thức chay tịnh có giá trị trước mặt Chúa. Hơn nữa, Giáo Hội bảo chúng ta giảm mọi chi phí vô ích hay xa xỉ để giúp đỡ những người khốn khổ. Như thế việc chay tịnh không chỉ nằm trong lãnh vực ăn uống mà trong cả cuộc sống chúng ta. Ăn chay là tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến chúng ta. Ăn chay là hi sinh một lợi ích nào đó để cứ giúp người anh em đang bị áp lực vì nợ nầng… Nhưng trên hết, ăn chay là lo buồn vì những gì lỗi phạm đến Chúa, làm tổn thương tình yêu của Chúa. Tiên tri Gioen đã chẳng kêu gọi chúng ta sao: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”.

Hình thức ăn chay quan trọng nhất chính là trở về với tình yêu Chúa thành thật hơn, bằng cách từ bỏ những gì còn xấu xa trong con người chúng ta, sống yêu thương hơn, tin vào lòng thương xót của Chúa hơn.

Trong mùa chay thánh này, nếu chúng ta trở về với tình yêu, chúng ta sẽ thấy bình an của Chúa ngự trị trong chúng ta, chúng ta sẽ phục sinh vẹn toàn hơn trong tình yêu. Lúc đó mỗi lần chúng ta ăn lấy Chúa, chúng ta sẽ trở nên Chúa hơn, sống Chúa hơn. Đó mới là đích điểm của cuộc sống chúng ta.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho