22/06/2017
1728
Suy niệm lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A _Lm Trầm Phúc

















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

Lời Chúa : Mt 11.25-30

 

Hôm nay, Giáo Hội nhắc lại lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu để chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là thế đó, là một quả tim rộng mở cho mọi người nặng nề vất vả trong cuộc sống: “ Tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Nghe những lời mời gọi đầy yêu thương như thế, chúng ta nghĩ gì? Chúng ta đến với Ngài không ? Đây không phải là lời của một con người mà lời mời gọi của một Thiên Chúa Tình Yêu. Loài người không thể giúp chúng ta, có chăng là một lúc nào đó, nhưng chính Ngài là Thiên Chúa, Ngài đủ quyền năng để nâng đỡ chúng ta trong mọi cơn gian nan khốn khó. Ai trong chúng ta, dù giàu có đến cỡ nào cũng phải rên siết trong kiếp sống con người, ai trong chúng ta không thể tự mình tìm hạnh phúc cho mình, vì chúng ta quá nhỏ hèn và yếu đuối, thân phận mong manh. Hãy đến với trái tim rộng mở của Chúa chúng ta, vì chỉ nơi đó, chúng ta mới được bình an, chỉ nơi đó, chúng ta mới được che chở và bổ dưỡng.

Để mang lại hạnh phúc cho chúng ta, Chúa đã chấp nhận thân phận làm người như chúng ta, chết cho chúng ta và sống lại cho chúng ta. Trái Tim Chí Thánh của Ngài đã bị đâm toạc ra vì chúng ta. Trong thế gian nầy, có ai có thể yêu thương chúng ta đến mức độ như thế không ? Chúa thương chúng ta, đề nghị chúng ta bước vào tình yêu của Ngài, cần có sự ưng thuận của chúng ta. Trái tim của chúng ta có sẵn sàng mở ra đón tiếp tình yêu của Ngài không ? Trái tim của Giuđa đã khép chặt trong từ chối, trái tim của các môn đệ, của Phêrô cũng đã chấp nhận sau những yếu đuối chối Thầy, nhưng đã chấp nhận. Tình yêu đòi hỏi sự ưng thuận. Chúng ta có ưng thuận cho Ngài đến với chúng ta và chúng ta đến với Ngài không? Một linh mục đã nói: “ Mọi người phải ra khỏi giấc ngủ của mình và thốt lên lời xin vâng,nếu không thì không có gì được hoàn thành”. Phải, chúng ta phải lắng nghe tiếng mời gọi tha thiết của Chúa chúng ta và đáp trả thành thật. Không thể từ chối một mối tình trọn vẹn như thế, nếu không chúng ta sẽ không là gì cả.

Muốn đáp trả tình yêu thần linh nhưng rất nhân loại nầy, chúng ta cần lột bỏ tất cả những gì đối nghịch với tình yêu. Phải tạo một khoản trống, hoàn toàn trống không để tình yêu Chúa có thể trào tràn vào chúng ta, những ươn ái, kiêu căng, mê tham vật chất, tiền bạc… Phải bỏ mình, vác thập giá như Chúa đã đòi hỏi.

Tình yêu Chúa bao la tuyệt đối đòi hỏi sự trọn tình. Chúa cũng đã cho chúng ta biết,  không ai có thể làm tôi hai chủ vì tình yêu chỉ có một đối tượng duy nhất, không thể lẫn lộn, không pha lẫn với những gì là chiếm hữu. Tình yêu là cho không và cho trọn vẹn. Chúa Giêsu đã đi trước. Ngài đã yêu chúng ta trước. Ngài đã yêu chúng ta đến tận cùng, Ngài đã trở thành nhỏ bé, khiêm hạ chỉ vì muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài là một tình yêu chân thật, không từ chối một điều gì với chúng ta. Mầu nhiệm nhập thể là bước đầu của tình yêu, sau đó mọi sự được tiếp tục trong sự khiêm hạ nhỏ hèn: Bêlem, Nadaret, đồi núi Canvê. Những dấu chứng tình yêu rõ ràng như thế chưa đủ để thuyết phục chúng ta sao? Nhưng hình như chúng ta vẫn hững hờ, dửng dưng. Chúng ta có thấy rằng sự dửng dưng của chúng ta là đắc tội không? Chúng ta có thấy rằng tình yêu Chúa thối thúc chúng ta không?

Một bằng chứng cụ thể và lớn lao hơn không thể chối cải là Thánh Thể. Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng một dấu hiệu lạ lùng nhất, không ai có thể nghĩ tưởng tới là ban cho chúng ta thịt máu Ngài làm lương thực. Chúng ta được quyền ăn lấy Ngài, tức là sở hữu Ngài. Ngài không chỉ yêu bên ngoài, Ngài đến tận bên trong chúng ta. Và không có sự hiệp nhất nào có thể so sánh được. Ngài đã từ bỏ mọi vinh quang thần linh của Ngài để mang lấy thân phận một tấm bánh, nhờ đó Ngài vào trong chúng ta, thâm nhập vào tận trong sự sâu thẳm nhất của chúng ta, trở thành một với chúng ta, một xương một thịt. Còn tình yêu nào có thể so sánh với tình yêu của Ngài không ? Làm sao chúng ta lại có thể dửng dưng trước một mối tình như thế? Chỉ vì chúng ta chỉ thích hưởng thụ, chúng ta không dám yêu, vì yêu không phải là một trò đùa. Chính Chúa Giêsu đã nói với thánh Magarita: “ Không phải để đùa mà Cha yêu con”. Chúng ta chỉ còn một lối thoát duy nhất là yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự.  Chúng ta đã yêu Chúa chưa? Hết lòng chưa, hết sức chưa? Lòng trí chúng ta để ở đâu? Chúa đã nói: “ Kho tàng các ngươi ở đâu thì lòng trí các ngươi cũng ở đó”.  Chúa có là kho tàng quí báu nhất của chúng ta không? Sức lực chúng ta dùng để làm gì? Có dùng để yêu Chúa không?

Nhưng chúng ta không dừng lại nơi Chúa mà thôi, yêu mến Chúa cũng có nghĩa là yêu thương mọi người, vì giới luật yêu thương không hạn chế. Yêu mến Chúa và yêu thương anh em là một. Yêu thương cả kẻ thù. Một người yêu mến Chúa không thể thù oán ai, không loại trừ ai. Tất cả đều phải được yêu thương như nhau. Chúa Giêsu đã yêu thương mọi người không trừ ai, thì chúng ta cũng phải cố hết sức để yêu thương mọi người như thế. Chắc chắn là khó, nhưng phải yêu thương như Chúa mới thực sự là yêu thương. Chúng ta không thể trọn lành như Chúa ngay đâu, nhưng phải cố gắng hết mình để đạt đến một tình yêu quảng đại như Chúa chúng ta. Thánh Gioan đã nói trong thư của ngài: “ Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”. Và hơn nữa, phải yêu thương như Thầy đã yêu thương. Chúng ta còn xa lắm, xa lắm, với tình yêu của Chúa, nhưng đừng chán nản, cứ yêu thương thôi. Tâm hồn chúng ta sẽ rực rỡ ánh quang của tình yêu Chúa. Chúng ta sẽ hạnh phúc tuyệt vời tùy theo mức độ yêu thương của chúng ta.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho