28/06/2017
739
Suy niệm Lễ Thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông Đồ_Lm Trầm Phúc



















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông Đồ

Lời Chúa: Mt 16,13-19

 

Nói đến hai đấng thánh Phêrô và Phaolô thì có rất nhiều điều phải nói, nhưng chúng ta chỉ nêu lên một vài nét của hai đấng để chúng ta cầu nguyện và tiến bước mạnh mẽ hơn trên con đường theo Chúa.

Khi nói đến thánh Phêrô, chúng ta nhớ ngay đến việc ngài chối Chúa, thánh Phaolô thì nhớ đến việc ngài té ngựa trước thành Đamát. Đó là những sự kiện dễ nhớ, nhưng đó cũng là những biến cố quyết định trong đời sống các Ngài.

Thánh Phêrô theo Chúa Giêsu ngay từ buổi đầu khi Ngài bước ra rao giảng. Chúa đã đổi tên Simon thành Phêrô ngay từ lúc ấy, tức là đã chọn ông làm môn đệ ruột của Ngài. Phaolô thì không biết Chúa lúc Chúa còn sinh thời và đã truy lùng bắt bớ những ai tin theo ông Giêsu, cho đến khi bị Chúa khuất phục trên con đường Đamát.

Phêrô học với Chúa ba năm, cùng ăn cùng ở cùng làm với Thầy Giêsu, còn Phaolô chỉ gặp Chúa một lần và đã được mạc khải mầu nhiệm Nước Trời trong một vùng ánh sáng làm ông mù mắt.

Phêrô là một tên chài lưới, mức độ văn hóa bình dân. Phaolô là một người trí thức uyên thâm, thuộc rành Kinh Thánh và là một người thuộc phái Pharisêu, con của Pharisêu.

Phêrô chối Thầy vì sợ liên lụy. Phaolô bắt bớ Thầy vì bảo vệ Lề Luật. Hai đấng thánh rường cột của Giáo Hội là những người đã mang tì vết. Hai đấng là những người đã trở về từ xa. Thánh Phêrô bị Chúa Giêsu gọi là satan. Thánh Phaolô tự nhận mình là kẻ đã bách hại Hội Thánh Chúa. Điều đó cho thấy rằng, Chúa không chê những ai sai lầm yếu đuối nếu biết trở về. Mọi người đều có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng, môn đệ của Chúa nếu tin vào Ngài. Cả hai đấng thánh đã trở thành những người có niềm tin mãnh liệt. Vì tin, các ngài đã vượt qua tất cả mọi gian nguy để loan báo Tin Mừng của Chúa và làm cho Giáo Hội càng ngày càng lớn mạnh và vững chắc. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Giáo Hội nhắc lại việc Phêrô bị bắt và được thiên thần Chúa giải thoát. Công việc xảy ra lạ lùng đến nỗi ngài tưởng là một giấc mơ, cho đến khi hoàn hồn, ngài mới biết thực sự Thiên Chúa đã sai thiên sứ của Người đến và đã cứu tôi… Phêrô bị bắt không phải một mà nhiều lần, nhưng không phải vì thế mà ngài sợ sệt hay tháo lui, mà ngược lại càng hoạt động can đảm hơn, mạnh mẽ làm chứng cho Thầy mình trước mặt những kẻ ngược đãi mình. Phêrô đã từng tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống… Bỏ Thầy, con đi với ai, vì Thầy có những lời ban sự sống đời đời. Dù đã tuyên xưng đức tin như thế, đức tin ấy vẫn còn yếu kém, và đến khi cần phải cương quyết, ngài đã chối Thầy. Nhưng Chúa biết con người ấy, yếu đuối nhưng thành thật, nhạy cảm và khiêm tốn, dám đi trên mặt biển đến với Thầy, và cũng biết mình là kẻ tội lỗi. Chúa có thể sử dụng con người yếu đuối đó để đứng đầu Giáo Hội của mình: “Con là Đá, trên tảng đá nầy Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

Phaolô cũng trải qua một cơn thử thách nặng nề khi ông lên đường bách hại các Kitô hữu. Ngài hoàn toàn thành thật khi bách hại các Kitô hữu, vì Ngài chỉ biết bảo vệ Lề Luật của cha ông, nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh. Nhưng ngài đã tự nhận: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và bạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin”. Sau khi được biết Chúa, Phaolô đã hoàn toàn tuân phục, Chúa Kitô trở thành trung tâm của tâm hồn và cuộc sống của ngài, ngài xem mọi sự là rác rến ngoại trừ việc biết Chúa Kitô. Chúa không chê những con người luôn sống theo những gì mình cho là đúng, dám đứng ra bảo vệ cho những giá trị thiêng liêng mình đã tin theo. Ngài chỉ cần một tia sáng để biến đổi một con người.

Phêrô và Phaolô, hai con người gần như khác nhau về mọi mặt, nhưng lại giống nhau về một phương diện duy nhất: Chúa Giêsu Kitô. Hai ngài, sau khi biết mình lầm lỡ đã quay trở lại, và gắn bó chặt chẽ với Chúa. Phêrô đã chối Thầy ba lần cũng đã đoan thệ lại ba lần, con yêu mến Thầy và đã trung thành cho đến chết. Phaolô cũng thế, sau khi đã biết Chúa đã gắn bó với Chúa đến nỗi ngài có thể nói: “Sống đối với tôi là Chúa Giêsu Kitô”, ngài gần như trở thành một với Chúa: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi”.

Nhìn khuôn mặt hai thánh tông đồ, chúng ta nghĩ gì? Đừng tự ti mặc cảm, hãy tin rằng, nếu chúng ta dám yêu mến Chúa, thì chúng ta cũng có thể trở thành dụng cụ cho tình yêu của Ngài. Chúa không đòi chúng ta phải liều mạng như các vị tông đồ, bôn ba khắp nơi để rao giảng Tin Mừng, Chúa chỉ muốn chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa trọn vẹn, lúc đó, Chúa sẽ cho chúng ta biết phải làm gì. Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”.

Hôm nay, mừng kính hai thánh Tông Đồ, rường cột của Giáo Hội, chúng ta nguyện xin các ngài che chở Giáo Hội luôn đang trong tình trạng bách hại triền miên, xin cho chúng ta vững tin giữa những cơn bách hại rõ rệt hay tiềm ẩn, một lòng gắn bó với Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta và đã chết cho chúng ta. Chúng ta cũng xin được lương thực hằng ngày là Bánh Hằng Sống, để con người mong manh của chúng ta được vững mạnh luôn, trung thành cho đến cùng.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho