13/11/2022
513
Suy niệm hằng ngày_Tuần XXXIII Thường Niên














 

Chúa Nhật Tuần XXXIII Thường Niên

Ml 3,19-20a; 2Tx 3,7-12; Lc 21,5-19


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Ml 3,19-20: Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho.

Tv 98,9: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực.

2 Tx 3,7-12: Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn.

Lc 21,5-19: Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con.

Câu kết của Tin Mừng hôm nay an ủi và khuyến khích chúng ta. “Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con.” Bền đỗ với điều gì và hoàn cảnh nào? Quả thật, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đau khổ. Khổ nạn đến từ chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai và cả do con người tạo nên những thảm họa. Tất cả những đau khổ đó đi liền với kiếp người như Lời Chúa đã diễn tả, nhưng chưa phải hết đời ngay đâu. Những người Kitô hữu còn tin tưởng vào sự sống đời sau. Cho nên mất phần rỗi linh hồn mới là điều đáng sợ hơn.

Sống trên đời đầy rẫy bất công nhưng ta không phải lo sợ, bởi những kẻ làm sai, ức hiếp dân chúng thì sớm muộn gì cũng phải trả giá. Tiên tri Malakhi đã nói “sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả.” Hiện nay, người ta đang bắt những người lợi dụng quyền hạn để vơ vét tiền của dân, tham nhũng…cho vào lò như củi. Ta tin rằng người công chính sẽ được Thiên Chúa cứu chữa khỏi những thương tích và bất công.

 

 




Thứ Hai Tuần 33 Thường Niên

Kh 1,1-4; 2,1-5a; Lc 18,35-43




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 1,1-4;2,1-5a: Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải.

Tv 1: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2,7b).

Lc 18, 35-43: Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy.

Chúa Giêsu hỏi người mù: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Lẽ dĩ nhiên là khi người ta thiếu cái gì thì sẽ muốn cái đó. Cho nên câu trả lời ta có thể đoán được. “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Ta đọc lại toàn bộ đoạn Tin mừng này thì sẽ thấy Chúa Giêsu đang thực hiện sứ vụ của mình. Ta chú ý các động từ được Chúa Giêsu thực hiện: đang đi, dừng lại, hỏi, bảo.

Ngài đang đi gần thành Giêricô, lúc đó có đám đông cũng đang đi. Giữa những tiếng bước chân trên đường thì có tiếng kêu danh thánh Chúa. Tiếng kêu đó phải đánh động được Chúa, nên Ngài dừng lại. Ngài ngưng bước để hỏi han người kêu Ngài cần gì. Khi biết được niềm ước ao của anh mù, Ngài bảo anh làm một việc mà không ai có thể làm được. Hãy nhìn thấy. Một người mù bấy nhiêu năm, nay làm theo lời Chúa thì nhìn thấy được. Đức tin của anh đã hướng dẫn anh thỉnh cầu Chúa. Để rồi như chính Chúa nói, đức tin của anh đã cứu chữa anh. Dẫu cho người ta có ép anh nín nhịn hay lặng im thì đức tin của anh vẫn mãnh liệt hơn. Ước gì ta cũng gây được sự chú ý cho Chúa, để Ngài dừng lại, hỏi han, bảo ban ta.





Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Tin Mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành cho người mù ở thành Giêricô. Nhưng lý do nào để anh ta được Chúa Giêsu chữa lành? Thưa vì anh ta đã tin vào Chúa, Chúa nói: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi.”

Vậy lòng tin của anh mù được thể hiện như thế nào mà được Chúa chữa lành? Khi Chúa Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, anh mù này nghe biết Chúa, nên anh đã lớn tiếng kêu xin Chúa: “Lạy ông Giêsu xin thương xót tôi!” Những người đi trước quát mắng anh, nhưng anh càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con Vua Đavit, xin thương xót tôi!”

Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao anh ta lại kêu lớn tiếng, tại sao anh lại tin vào Chúa như thế, bất chấp lời can ngăn, lời quát mắng của những người khác? Thưa vì anh đã chịu đựng đau khổ quá nhiều, nên đã kêu xin Chúa, anh tin rằng Chúa có thể cứu vớt cuộc đời của anh.

Chúng ta thường hay dùng câu nói của thánh Augustino: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” để nói, khi muốn làm một điều gì đó thì phải có tình yêu.

Hôm qua mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam cách trọng thể, chúng ta cũng tìm hiểu và biết được lý do vì sao mà các thánh có thể dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa, đó là vì các ngài có lòng yêu mến Chúa, và việc hy sinh mạng sống là để đáp lại tình yêu của Chúa dành cho mình.

Hôm nay, khi phân tích trang Tin Mừng này, chúng ta hiểu thêm được rằng không phải khi yêu mới tin vào Chúa, mà có thể khi người ta đau khổ, người ta không còn một chỗ dựa nào khác nữa, cũng có thể người ta sẽ đặt đức tin của mình vào Chúa, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo khi nói về đức tin của ông Apraham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4,18).

Nhưng chúng ta thấy điều này rất hiếm, vì khi đau khổ người ta thường hay chán nản thất vọng, để rồi kêu trách Chúa, thế nhưng qua trang Tin mừng hôm nay, chúng ta cần phải xác tín, dù hạnh phúc, dù đau khổ chúng ta phải tin vào Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho đức tin của chúng ta, vì “đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Amen.



 


 

Thứ Ba Tuần 33 Thường Niên

Kh 3,1-6.14-22; Lc 19,1-10


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 3,1-6.14-22: Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy.

Tv 15: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3,21).

Lc 19,1-10: Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất.

Tin Mừng hôm nay tiếp nối hành trình của Chúa Giêsu ở Giêricô. Vốn dĩ Ngài dự định đi qua thành nhưng Ngài có cuộc gặp cực kỳ ý nghĩa với Giakêu. Sứ mạng của Ngài là tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã mất. Điều mất cần phải tìm chính là người tội lỗi. Giakêu là người trưởng thu thuế, giàu có, và ông bị xem như là kẻ phản bội với dân tộc mình, vì ông hợp tác với đế chế đàn áp dân chúng. Giakêu là người mà không ai muốn đi cùng huống chi là ở lại cùng và ăn uống chung. Bởi liên hệ với ông là tự hủy đi thanh danh của mình.

Tuy nhiên có một điểm tốt nơi tâm hồn ông. Ông muốn thấy Chúa Giêsu. Vì ông thấp nên ông phải leo lên cây sung để dễ nhìn Chúa, nhưng cũng có thể là ông leo lên cây để không ai nhìn thấy mình. Ngạc nhiên chưa, ông có thể thấy nhưng không thể bị nhìn thấy. Nhưng cũng ngạc nhiên chưa, Chúa Giêsu đã thấy ông, gọi ông xuống và để ông đối mặt với đám đông, xua tan nỗi nhục nhã vì lỗi tội nơi ông, và cùng ông về nhà. Chúa Giêsu sẽ vào nhà Giakêu, ngự trị trong tâm hồn ông, chữa lành những vết thương tâm hồn cho ông, và cao điểm là xóa bỏ nỗi tự ti mặc cảm cho ông. 

 




Lm. Tôma Lê Duy Khang 

Trong bài viết Đôi Mắt Của Người Nghèo, Đôi Mắt Người Yêu, cha Giuse Nguyễn Công Đoan có nói đại ý như thế này: Đôi mắt người nghèo có thể nhìn thấy và nhặt nhạnh những thứ được xem là bỏ đi, cha đưa ra ví dụ: Người giàu cầm quả táo có vết sâu ăn liền vứt bỏ nguyên trái, người nghèo thì bình tĩnh cắt bỏ chỗ sâu, hoặc cắn quanh mà ăn, chừa chỗ bị sâu lại mà vứt đi.

Rồi ngài nói thêm: Ðôi mắt người nghèo có cái gì giống đôi mắt người yêu ở chỗ rất nhạy bén, rất tinh. Ðôi mắt người yêu rất tinh để nhận ra hình dáng, dấu vết của người yêu, và nhất là để nhận ra những nét đáng yêu của người yêu.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng nhận ra Chúa Giêsu cũng có đôi mắt của người nghèo, đôi mắt của người yêu, vì chính Chúa đã nói: “Vì chưng con người đến để tìm kiếm những gì hư mất.”

Và thật sự là như vậy, chính Chúa đã nhìn lên và thấy Dakêu, khi ông trèo lên cây vả để được xem thấy Ngài, trong khi đó tất cả những người khác, ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu không thấy được.

Nếu phân tích sâu hơn chúng ta thấy, Chúa Giêsu không chỉ thấy cái bên ngoài của Dakeu, đó là vì tò mò mà trèo lên cây để được thấy Chúa; mà Chúa còn thấy cái bên trong của ông, Chúa thấy được cái thiện lương bên trong con người ông vẫn còn. Chính vì thấy như vậy, nên Chúa đã nói với ông: “Hỡi Dakeu, hãy xuống mau đi, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi.”

Thấy vậy, những người khác lẩm bẩm: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi,” nghĩa là họ chỉ thấy được chỗ xấu, chỗ sâu của Dakeu, mà họ không thấy được nơi chỗ sâu đó còn có chỗ tốt, Chúa Giêsu đã thấy được chỗ tốt đó, nên Chúa muốn đánh thức lòng tốt, đánh thức cái thiện căn của ông.

Và thực sự Chúa đã đánh thức được, bằng chứng là sau đó Dakeu đã nói với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần tài sản của tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta hãy tập có được đôi mắt của người nghèo, có được đôi mắt của người yêu, để chúng ta nhạy bén hơn với những nhu cầu cần thiết của anh chị em chúng ta, để chúng ta giúp đỡ anh chị em của mình, không những trong đời sống thiêng liêng mà còn trong đời sống thực tế nữa.

Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cần có đôi mắt người nghèo, đôi mắt của người yêu để thấy được cái thiện căn bên trong của người anh em mình, để đánh thức nó dậy, như Chúa Giêsu đã thấy và đã đánh thức cái thiện căn của Dakeu, để ông được ơn cứu độ.

Trong đời sống thực tế, thì cần có đôi mắt người nghèo đôi mắt người yêu để nhạy bén với những nhu cầu của người anh em, để giúp đỡ người anh em khi cần.

Có một câu chuyện kể như thế này: Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Gandhi nhảy vội lên tàu. Một chiếc giày của ông rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để nhặt nó trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Trước sự sững sờ của mọi người, Gandhi đã tháo luôn chiếc giày còn lại và ném về phía chiếc giày kia. Hành khách trên tàu lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và giải thích: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ xài được đôi giày của tôi.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được đôi mắt người nghèo, đôi mắt người yêu như Chúa, để chúng ta có thể nhạy bén với những nhu cầu cần thiết của anh chị em chúng ta. Khi chúng ta làm như thế, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho công việc của chúng ta. Amen.


 



Thứ Tư Tuần 33 Thường Niên
Kh 4,1-11; Lc 19,11-28


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Kh 4,1-11: Thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và sẽ đến.

Tv 150: Thánh, thánh, thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng (Kh 4,8).

Lc 19:11-28: Sao ngươi không gửi bạc Ta ở ngân hàng.

Dụ ngôn trong Tin Mừng Luca gợi cho ta một tâm tình tích cực. Đó là trong mọi việc, hãy hướng đến điều tốt đẹp nhất, lợi ích nhất. Nếu ta có ý tích cực thì năng lượng tích cực sẽ phát tiết và hỗ trợ ta hoàn thành công việc cách tốt đẹp, và ngược lại. Dụ ngôn cho biết người chủ trao mười nén bạc cho đầy tớ rồi trảy đi phương xa. Có nghĩa là có một khoảng thời gian chủ vắng bóng, người đầy tớ phải tự quyết định bản thân mình nên làm gì, làm như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất.

Với mỗi người, Chúa cho ta một khoảng thời gian để sống và làm việc. Và Chúa cũng cho ta những điều quý giá là ơn Chúa Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, quảng đại, hiền hòa, trung tín, khiêm tốn, tiết độ và khiết tịnh. Nếu ta cứ sợ mất hay thui chột tài năng mà không dám sử dụng để giúp mình và giúp đời thì cũng khác gì là vô dụng. Như ca dao có câu: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.” Lời Chúa và ca dao trên là một bài học sâu sắc nhắc nhở chúng ta cần phải biết phát huy những ơn Chúa để nó được đẹp hơn, tốt hơn nữa thông qua cách chúng ta sống và tương tác với những người khác.





Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn về ông chủ trẩy đi phương xa, đã gọi và trao phó cho 10 đầy tớ mười nén bạc và dặn họ hãy làm lợi cho đến khi ông trở về.

Tin mừng theo thánh Mattheu chương 25, câu 14-30 thì ghi nhận ông chủ giao cho người này năm nén, người kia 2 nén và người khác một nén, và không căn dặn gì thêm. Có lẽ thánh Mattheu muốn nói cho biết là người đầy tớ đương nhiên phải biết ý chủ nên không cần phải dặn dò là phải sinh lợi cho chủ, nhưng phải tự biết để sinh lợi.

Thế nhưng, chúng ta thấy có điểm giống nhau giữa hai Tin mừng, đó là người thứ nhất, người thứ 2 đã làm sinh lợi, còn người thứ 3 thì không làm sinh lợi.

Như vậy vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là tại sao người thứ nhất và người thứ hai làm sinh lợi nén bạc chủ cho, còn người thứ 3 lại không làm sinh lợi cho chủ? Có phải là do công sức của họ và do họ khôn khéo, còn người thứ 3 thì không được thông minh, biếng nhác nên không thể sinh lời? Trong tin mừng Mattheu, chúng ta có thể giải thích là do có sự không công bằng, người thì 5 nén, người thì 2 nén, người thì một nén, nhưng trong Tin mừng Luca này thì sao?

Để có câu trả lời, chúng ta cần đọc kỹ lại Tin mừng, và chúng ta cần để ý câu nói của người thứ 3 khi đến trước mặt ông chủ để trao trả nén bạc, anh ta nói: “Thưa ông chủ, đây nén bạc của ông đây, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.”

Với lời lẽ của người thứ 3, chúng ta thấy mối tương quan của anh với ông chủ không phải là mối tương quan đậm tình nghĩa thiết với chủ, trung thành với chủ, yêu mến chủ, mà là mối tương quan của sự sợ hãi, và đó mới là mấu chốt của vấn đề.

Như vậy, mặc dù người thứ nhất và người thứ hai không nói ra, nhưng qua cách nói, qua thái độ của người thứ ba, chúng ta biết được sở dĩ người thứ nhất, người thứ hai làm lợi cho ông chủ, vì họ có thân tình nghĩa thiết với ông chủ, gắn bó trung thành trong tình yêu của ông chủ, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì cũng làm lợi cho ông chủ, nghĩa là cuộc đời của họ có ông chủ.

Và hình ảnh đó cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta trong mối tương quan với Chúa, nếu cuộc đời của chúng ta có Chúa, thì chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái, sẽ làm sinh lợi những nén bạc mà Chúa trao cho chúng ta.

Nói theo thánh Phaolo tông đồ thì: “Vì mọi sự xảy ra đều mang lại lợi ích cho những người yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28), hay nói theo Tin mừng thánh Mattheu thì: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong đời sống thường ngày, cũng như trong đời sống đức tin của mình, khi làm bất cứ việc gì phải đặt tình yêu của mình vào công việc đó, phải biết đặt tình yêu của mình vào Chúa, thì chắc chắn công việc của chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa, và sẽ được Chúa ban ơn và chúc lành. Amen.



 

Thứ Năm Tuần 33 Thường Niên

Kh 5,1-10; Lc 19,41-44


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Kh 5,1-10: Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước.

Tv 149: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5,10).

Lc 19,41-44: Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi.

Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi!” Lời than khóc cho Giêrusalem chỉ được tìm thấy trong Luca. Khi không đón nhận Chúa Giêsu (Đấng trung gian hoà bình), Giêrusalem sẽ không tìm được bình an mà trở thành nạn nhân của sự tàn phá. Luca có thể đang mô tả thảm họa thực sự xảy ra với Giêrusalem vào năm 70 sau Công nguyên khi người La Mã phá hủy thành phố trong cuộc nổi dậy thứ nhất.

Không đón nhận Chúa Giêsu thì kết quả là chẳng còn gì nguyên vẹn. Thành trì của Thiên Chúa đã bị tàn phá thì tìm nơi đâu để có sự bình an? Thánh vịnh 62 cho ta ý nghĩa của việc kết hợp mật thiết với Chúa. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thì hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ do Người mà đến, duy Người là núi đá độ trì tôi” (câu 6-7). Lời Chúa hôm nay cho ta một bài học cụ thể trong lối sống, đó là ta hãy có thái độ xứng hợp với Thiên Chúa. Bài trích từ sách Khải huyền cho biết, Thiên Chúa đã lấy máu mình để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại, hầu cho mọi người sống trong ân sủng và bình an.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu lên Giêrusalem, trong thấy thành, thì Người khóc thương thành và than rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu sứ điệp mang lại hòa bình cho ngươi. Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi.”

Vậy tại sao sứ điệp lại bị che khuất, ai là người che khuất sứ điệp hòa bình mà Chúa nói, có phải là Chúa không?

Để trả lời, chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

Khi nghe những lời của Chúa Giêsu, chúng ta có cảm tưởng như có sự thiên vị, tại sao đó là ý Chúa, tại sao Chúa Cha lại giấu không mạc khải cho người khôn ngoan hiền triết mà cho người bé mọn?

Lời Chúa trong ngày thứ 7 tuần 5 mùa Phục Sinh, có nhắc đến việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước” và chúng ta đã từng đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu không dạy ngược lại: “Nếu thế gian thương các con vì thế gian thương Thầy.”

Chúng ta đã giải quyết vấn đề, thế gian mà Chúa Giêsu nhắc đến là thế gian thù ghét Ngài, chứ không phải là thế gian chưa tin Ngài, hay thế gian là nhân loại này. Mà thế gian thù ghét Chúa thì làm gì mà thương Chúa được, để mà thương những người thuộc về Chúa, nếu họ có thương những người được coi là thuộc về Chúa là vì những người này thuộc về họ.

Hiểu được như thế chúng ta mới có thể hiểu được rằng những người hiền triết và khôn ngoan mà Chúa Giêsu nhắc đến, họ chỉ là một nhóm người thôi, chứ không phải là tất cả, và nhóm người này là nhóm người thuộc dạng kiêu căng, tự mãn, chứ không phải là hiền triết và khôn ngoan đơn sơ muốn đi tìm chân lý, nó khác nhau.

Trong ý hướng đó, chúng ta thấy, sứ điệp hòa bình mà Chúa mang đến không bị che khuất bởi Thiên Chúa, mà nó bị che khuất bởi con người, vì con người kiêu ngạo, vì con người tự mãn, nên đã không nhận ra được sứ điệp hòa bình mà Chúa mang đến, và hậu quả là khoảng năm 70 thành thánh Giêrusalem bị đánh phá tan tành, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Nhìn lại đời sống thường ngày của chúng ta cũng thế, nhiều khi chúng ta đang sống trong phước mà không biết đón nhận, Chúa ban cho chúng ta cha mẹ, ban cho chúng ta đủ thứ, thế mà chúng ta không nhận ra điều đó, để rồi khi mất đi chúng ta mới hối hận, chính vì thế có người mới nói: “Mất rồi mới biết là đau, khi còn lại chẳng coi nhau ra gì, tuột tay mới biết hồ đồ, lúc còn nắm được coi đồ bỏ đi, trần gian nghịch lý vân vi, cò thì không giữ, mất thì xót xa.”

Có một bài viết rất hay mang tên TẬP NHÌN SÂU xin được chia sẻ, để chúng ta biết quý trọng những gì mình có, những gì mình đang hưởng dùng.

Khi ăn cơm, nhìn món ăn trên bàn, hãy thấy cả quá trình đi chợ, gửi xe, lựa rau, chọn củ, về nhà, gọt rửa, nấu nướng, chiên xào, dầu nóng, mồ hôi rịn trên trán, nêm nếm tới lui... Để thấy thương người nấu. Để thấy món ăn này không chỉ là một món ăn, mà là một món quà đáng trân quý. Để không chê này, không bình phẩm nọ. Thay vào đó, ta Thấy Biết Ơn.

Khi nhận được một tin nhắn hỏi thăm, hãy thấy cả quá trình họ nhớ đến bạn, họ nghĩ về bạn, họ suy nghĩ nên nhắn gì đến bạn, và Thấy cả bàn tay bấm từng chữ, từng từ... để thấy Trân quý tin nhắn họ dành cho bạn.

Nhìn Sâu – sẽ Thấy Biết Ơn lắm lắm.

Hãy Tập nhìn Sâu vào bữa cơm của Mẹ bạn, cái áo của Cha bạn, quá trình đi làm của Chồng bạn, mái tóc bù xù của Vợ bạn, tin nhắn của Bạn bạn, món quà mà bạn từng nhận được... và nhìn Sâu đằng sau con người mà bạn tiếp xúc, để nhận ra rằng, có nhiều thứ sâu sắc xung quanh mà trước giờ, ta chỉ Biết nhìn hời hợt mà thôi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa, khiêm nhường đón nhận những dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho chúng ta, khiêm nhường để tập nhìn sâu để thấy được những điều tốt đẹp xung quanh chúng ta để chúng ta trân quý những điều đó, mà cố gắng sống tốt lành thánh thiện, như là lời cám ơn Chúa, cám ơn cuộc đời đã dành những ân huệ tốt lành cho chúng ta. Amen.





Thứ Sáu Tuần 33 Thường Niên

Kh 10,8-11; Lc 19,45-48


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 10,8-11: Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt.

Tv 119,103a: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con.

Lc 19, 45-48: Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp.

Chăm chú nghe Lời Chúa là một cách bảo vệ Chúa khỏi những nguy nan, đồng thời chính ta cũng được dưỡng nuôi tâm hồn. Tin Mừng Luca cho biết Chúa giảng dạy trong Đền thờ, và “các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.” Theo Chúa, lắng nghe và rao giảng lời Người là một hành trình đầy cam go và thử thách. Chính Chúa Giêsu còn bị người đời tìm cách hãm hại thì những người theo Chúa cũng không thể tránh khỏi những khó khăn.

Sách Khải huyền cho biết sẽ có những đắng cay và ngọt bùi khi đón nhận và rao giảng Lời Chúa. Mới đón nhận cuốn sách của Chúa thì có thể cảm nếm hương vị ngọt ngào như mật ong trong miệng, nhưng Lời Chúa sẽ thiêu đốt ruột gan và tâm can. Vì đó là lời của Sự Thật, Công Lý và Tình Thương. Nếu nói sự thật thì sẽ gây mất lòng. Rao truyền công lý thì lời này có khi bị dội lại vì ít ai chịu đón nhận. Còn gieo rắc tình thương với những người vô cảm, câu nệ lề luật thì cũng chẳng có hy vọng hạt mầm tin yêu sẽ được lớn lên. Tuy nhiên, ta được an ủi và khích lệ với lời của Thánh vịnh. “Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời”.





Lm. Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm qua ghi nhận Chúa khóc than thành Giêrusalem vì dân chúng không nhận ra được sứ điệp hòa bình mà Chúa mang đến, Chúa luôn luôn muốn điều tốt lành cho con người, mà con người không muốn đón nhận những điều tốt lành từ Chúa.

Tiếp theo hôm qua, hôm nay Chúa đi vào trong đền thờ để thanh tẩy đền thờ, lý do mà Chúa phải thanh tẩy đền thờ: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp.”

Qua sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, chúng ta thấy được hai điều:

Thứ nhất, khi Chúa Giêsu làm bất cứ một điều gì đó, thì Chúa không bao giờ làm theo cảm tính, nhưng việc Ngài làm đều có lý do của nó, hay qua đó Chúa muốn dạy một bài học nào đó.

Thứ 2, việc thanh tẩy đền thờ không phải là chỉ thanh tẩy đền thờ theo nghĩa vật chất, mà Chúa muốn con người thanh tẩy đền thờ thiêng liêng, để xây dựng một ngôi đền thờ thiêng liêng như ý Chúa muốn, chính vì thế, Chúa đã chỉ cho biết lý do tại sao Ngài phải thanh tẩy đền thờ, không phải vì tự đền thờ trở nên ô uế, mà là do con người làm cho đền thờ trở nên ô uế, vì đền thờ thiêng liêng của con người đã bị ô uế.

Như vậy, vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là đền thờ vật chất và đền thờ thiêng liêng điều nào cần thiết hơn?

Trong bài giảng lễ cung hiến nhà thờ Trì Chính ở Phát Diệm, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng có suy tư như thế này: Ngài nói trong Kinh thánh có một tư tưởng gọi là tư tưởng biện chứng, đó là Thiên Chúa cần đến nhà thờ đồng thời Ngài cũng không cần đến nhà thờ. Nhà thờ cần thiết bởi đó là nhà cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Chúa, để tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Nhà thờ không cần thiết vì con người không đến nhà thờ để cầu nguyện mà biến thành hang trộm cướp, nên Chúa không cần có nhà thờ.

Như vậy, yếu tố quyết định vẫn ở con người, con người đến cầu nguyện, đến gặp gỡ Chúa, đến tham dự bàn tiệc thánh thể thì nhà thờ là cần thiết, còn ngược lại, nhà thờ không cần thiết.

Hiểu được như thế, chúng ta thấy điều quan trọng cần thiết hơn chính là đền thờ thiêng liêng, có nhà thờ cũng là để muốn xây dựng đời sống thiêng liêng cho con người, chính vì thế mà thánh Phêrô đã nói: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để siêng năng đến nhà thờ cầu nguyện với Chúa, để gặp gỡ Chúa, tham dự các cử hành phụng vụ, để qua đó không chỉ là chúng ta xây dựng giáo xứ hiểu theo nghĩa vật chất ngày càng phát triển, mà qua đó, chúng ta cũng sẽ xây dựng được ngôi đền thờ thiêng liêng, ngay trong chính cõi lòng của mỗi người chúng ta, ngôi đền thờ mà Chúa muốn mỗi người chúng ta xây dựng. Amen.

 



Lm. Antôn Trần Quốc Huy 

Lời Chúa: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi  đã biến  thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 46).

Suy niệm: Chúa Giê-su vô cùng tức giận khi nhìn thấy cảnh buôn bán náo loạn tại đền thờ. Đền thờ là nơi tôn nghiêm, là nơi cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Giờ đây, nó bị trưng dụng thành nơi buôn bán, thành sào huyệt của bọn cướp. Hành động của Chúa Giê-su thật mạnh mẽ và quyết liệt, khi Ngài đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Và Ngài muốn họ trả lại cho đền thờ sự trang nghiêm của nó.

Nhìn vào đời sống đạo của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Mỗi khi chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, tham dự các bí tích, chúng ta có tham dự cách sốt sắng, trang nghiêm hay là chúng ta tham dự cách hời hợt, qua loa. Thân xác chúng ta thì ở nhà thờ nhưng tâm trí thì bị chi phối bởi cuộc sống mưu sinh, bởi công việc làm ăn, bởi chuyện gia đình, hay nhiều chuyện khác trong cuộc sống. Chính những lúc ấy, chúng ta đang biến nhà thờ thành nơi “buôn bán” trong tâm trí của mình. Vì tâm trí chúng ta không tập trung vào các cử hành phụng vụ đang diễn ra trong nhà thờ.

Chúng ta bị chi phối, lo ra chia trí khi tham dự các cử hành phụng vụ là vì chúng ta chưa hiểu được ý nghĩa cao quý của các cử hành mà mình đang tham dự, chúng ta chưa ý thức được sự hiện diện thật sự của Chúa qua các cử hành phụng vụ trong nhà thờ. Và một khi hiểu được ý nghĩa và sự hiện diện của Chúa qua các cử hành phụng vụ, chúng ta sẽ tham sự với một cách thế khác, với một tâm tình khác. Khi đó, chúng ta sẽ cảm thấy sốt sắng hơn, trang nghiêm hơn và chú tâm hơn vào các cử hành thánh thiêng mà mình đang tham dự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức được sự hiện diện của Chúa trong ngôi nhà thờ, đặc biệt là nơi nhà tạm. Qua đó, xin cho mỗi người chúng con có được tâm tình xứng hợp khi bước vào nhà thờ, và sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ tại nơi đây. Amen.





Thứ Bảy Tuần 33 Thường Niên

Kh 11,4-12; Lc 20,27-40


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 11,4-12: Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực.

Tv 144,1: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!

Lc 20,27-40: Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.

Tin Mừng hôm nay nhắc ta một chân lý để sống trong tâm tình hy vọng và tín thác. Đó là “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” Sống thật sự ở đời này và cả đời sau chứ không phải sống vật vờ, sống nửa vời theo kiểu đem chuyện đời này để thử thách Chúa về cuộc sống đời sau. Chúng ta vẫn còn đang sống trong những ngày của tháng Mười Một là tháng Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Cầu nguyện cho các linh hồn này để họ sớm được sống lại thực sự trong tình thương của Chúa trong Vương quốc của Người.

Sự sống đời sau không ai tỏ tường bằng Chúa, và cũng chỉ có Chúa mới cho ta biết rõ đời sống đó như thế nào. Do đó tâm tình cần có của những người theo Chúa là tận tâm, tận trung, tận lực để sống tốt ngay ở đời này. Chúa cho ta khoảng thời gian trên trần gian để hưởng nếm trước hạnh phúc của đời sống. Vì vậy, ta tập trung vào những gì thiết yếu nhất như Chúa và Giáo hội mong muốn. Ta có thể sống tốt, sống vui, sống có ích bằng những tâm tình chúc tụng ngợi khen Chúa, yêu mến Người, yêu thương đồng loại và những tạo vật Chúa ban thì đó là cách sống với tin yêu và hy vọng.





Lm. Tôma Lê Duy Khang 

Trong Phật giáo có kể câu chuyện về một người đệ tử tên là Malunkyaputta, người này muốn tiến lại hỏi Đức Phật về vấn đề siêu hình, nhưng Đức Phật nói: “con nên biết rằng người nào muốn thấu hiểu mọi lẽ huyền vi của nhân sinh và vũ trụ thì trước khi nghe ta giảng dạy người đó đã chết mất rồi.” Và Đức Phật đưa ra ví dụ điều đó chẳng khác nào một người kia bị bắn trúng một mũi tên độc, nhưng thay vì để cho người ta rút mũi tên ra và băng bó vết thương, lại đòi cho y biết tên tuổi, hình dáng, đẳng cấp, xuất xứ… của kẻ sát nhân rồi mời chịu để cho người ta cứu chưa. Ngày Malunkyaputta, người đó chắc chắn sẽ chết trước khi được nghe lời giải đáp (x. Đông phương triết học cương yếu, Lý Minh Tuấn, trang 496). Nghĩa là vấn đề của Đức Phật là làm thế nào để thoát khỏi đau khổ mới là điều quan trọng, và khẩn cấp nhất.

Tin mừng hôm nay, cũng cho chúng ta thấy ý tưởng đó, khi những người Xadoc đặt ra câu chuyện giả tưởng, nhằm bắt bẻ Chúa Giêsu về vấn đề kẻ chết sống lại thì sẽ như thế nào, có cưới vợ lấy chồng nữa hay không.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu không giải thích bên kia sự chết là như thế nào, vì điều đó không quan trọng, nhưng quan trọng và khẩn thiết nhất là làm thế nào để con người được ơn cứu độ, nên Chúa đã nói cuộc sống đời sau không phải là sự nối tiếp của đời sống thường ngày: cũng ăn cũng uống, cũng cưới vợ gả chồng, như họ thường nghĩ, mà là cuộc sống sẽ hoàn toàn được biến đổi. Nghĩa là sự sống đời đời không còn phụ thuộc vào không gian hay thời gian nữa mà tùy thuộc hoàn toàn vào ân sủng đầy tràn của Thiên Chúa. Con người sẽ không chết nữa và nên giống như các thiên thần.

Hiểu được như thế, chúng ta thấy vấn đề mà chúng ta cần quan tâm trong đời sống đức tin của chúng ta, đó là làm thế nào để chúng ta được ơn cứu độ, nói theo ngôn ngữ của Tin mừng theo thánh Luca chương 10 về người thân cận: “Hãy đi và làm như vậy”, đừng có ngồi đó nghĩ những chuyện thuộc về sự sống đời sau, bởi đó là chuyện của Chúa, chứ không phải là chuyện của chúng ta, phần chúng ta hãy đi và làm.

Vậy, chúng ta đi và làm điều gì? Thưa chúng ta được mời gọi ngay khi còn ở đời này biết sống theo giáo huấn và tinh thần của Chúa Giêsu, thực thi công bình bác ái và không theo những cám dỗ của thế gian. Nghĩa là biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình ta vậy.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết lo cho sự sống đời đời của chúng ta, bởi vì Chúa dựng nên chúng ta không cần đến chúng ta, nhưng cứu độ chúng ta Chúa cần chúng ta đáp lời. Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa để sống tốt lành thánh thiện, chắc chắn trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được chung hưởng hạnh phúc Thiên Đàng mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Amen.