22/09/2022
605
Suy niệm hằng ngày_Tuần XXV Thường Niên














 

Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên

Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13 hay Lc 16,10-13
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân


Am 8,4-7: Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo.

Tv 113,1a&7b: Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ túng thiếu.

1 Tm 2,1-8: Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ.

Lc 16,10-13: Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được.

Những đức tính cần có của một người sống trong xã hội là sự trung thực, liêm chính và lịch sự. Lời Chúa hôm nay chỉ dạy con người những vấn đề thiết yếu trong các mối tương quan để đối nhân xử thế cả về lĩnh vực đạo lẫn đời. Sự trung thực phải được coi là một tiêu chuẩn quan trọng.  Cụ thể là không được lừa gạt người nghèo, không được ăn cắp của những người yếu thế, và không được lợi dụng những người thiếu may mắn. Tất nhiên, chúng ta không nên lừa dối hoặc ăn cắp của bất kỳ ai.

Thánh vịnh dạy rằng hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo để họ biết việc phải làm, nhất là những người dễ bị tổn thương. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là bảo vệ dân và đảm bảo họ được an toàn và được đối xử tử tế. Tuy vậy, vẫn còn đó những người lãnh đạo hành hạ, bắt nạt, hống hách, tham nhũng, gài bẫy dân để kiếm tiền hơn là trợ giúp người ta sống đúng và sống tốt. Ai mà chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân thì không thể là một người phục vụ tốt được. Thực hành lời Chúa dạy, ta lịch sự và tử tế với mọi người và chăm sóc các tạo vật của Chúa với tất cả lòng yêu thương.





Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên
Cn 3,27-34; Lc 8,16-18


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cn 3,27-34: Chúa ghê tởm những kẻ lừa dối.

Tv 15,1: Lạy Chúa, người công chính sẽ cư ngụ trên núi thánh Chúa.

Lc 8,16-18: Đặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng.

 

Hôm nay chúng ta có cơ hội tạ ơn Thiên Chúa nhân lành bởi những lời dạy hữu ích và có giá trị vượt thời gian để ta sống đúng và sống tốt. Sách Châm ngôn dạy rằng: “Con chớ mưu toan gây ác cho bạn hữu của con. Con chớ cạnh tranh với người ta cách vô cớ.” Quy tắc vàng theo Tin mừng là “những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Chúa dạy rất cụ thể: khi tránh làm hại người khác, ta cũng tránh làm hại chính mình. Ngược lại, khi làm điều tốt cho người khác, ta làm điều tốt cho chính mình. Khi ta dối trá, chua cay gắt gỏng, lợi dụng, vi phạm lời thề, v.v. ta làm tổn thương người khác. Tuy nhiên, ta có nguy cơ sống với những hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà nạn nhân của ta có thể gây ra cho ta.

Nếu như ta có thể làm như Chúa dạy thì chắc chắn là cả đời ta sẽ không phải sống trong ray rứt, dày vò, phiền muộn. Hơn thế nữa, khi tự mình thương mình bằng những ý nghĩ, lời nói và hành động tốt thì thành quả của nó không chỉ dừng lại ở bản thân mình, mà còn lan tỏa mạnh mẽ như ánh sáng của đèn được đặt trên giá. Vì ai có thì còn được Chúa cho thêm.

 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Khi đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta thường chỉ chú ý đến chi tiết Chúa Giêsu nói đến hiệu quả của đèn, và thật sự là như vậy, vì đèn là để chiếu sáng, để soi đường chỉ lối cho người khác, để người khác thấy được những nơi gồ gề, lồi lõm mà tránh.

Thế nhưng, chúng ta lại quên một chi tiết “tuy nhỏ mà có võ,” đó là dầu để đốt đèn. Nếu có đèn mà thiếu nó thì đèn sẽ không thể nào cháy sáng được, nên chúng ta cần chú ý đến yếu tố này và nó được Chúa Giêsu nhắc đến: “Hãy ý tứ nghe Lời Chúa như thế nào.”

Nhiều khi trong cuộc đời của mình, chúng ta thường chỉ để ý đến kết quả mà hay quên việc để có kết quả như thế thì cần có điều gì. Chính vì thế thường mang tư tưởng đó nên con người dễ mất đi lòng biết ơn, và không biết trân trọng những gì mình đang có, những gì mình đang hưởng thụ.

Trong gia đình của chúng ta cũng thế, chúng ta đừng chỉ cho con em mình biết kết quả là hằng tháng cha mẹ lãnh được bao nhiều tiền, cha mẹ mua cho con cái này cái kia, nhưng chúng ta hãy cho nó biết làm thế nào mà cha mẹ có được đồng tiền này, làm thế nào cha mẹ mua được cho con món quà đó, lúc đó nó mới quý và trân trọng.

Trở lại vấn đề của chúng ta, để có thể là ngọn đèn chiếu sáng, chúng ta cần có dầu, và để có dầu, chúng ta cần phải chú ý lắng nghe Lời Chúa, và để có thể lắng nghe lời Chúa chúng ta phải làm gì?

Khi dạy giáo lý dự tòng, tôi thường nhắc nhở những anh chị em dự tòng khi đi lễ phải vào nhà thờ ngồi, để nghe lời Chúa dạy, để hiểu lời Chúa và sống lời Chúa trong cuộc đời của mình.

Và để có thể vào nhà thờ ngồi, để có thể chú ý lắng nghe lời Chúa, chúng ta phải xác định được mục đích tôi đi nhà thờ để làm gì? Tôi đi nhà thờ vì lòng yêu mến Chúa, vì để nghe lời Chúa, để tôi hiểu Lời Chúa, để tôi lãnh nhận ơn Chúa, và sống lời Chúa, sống ơn Chúa trong cuộc đời của mình, thì lúc đó chúng ta mới chú tâm đi lễ vào nhà thờ ngồi, để kín múc những điều đó.

Còn ngược lại, nếu chúng ta không có mục đích cụ thể tốt lành như vậy, nghĩa là không có lòng yêu mến Chúa, đi lễ chỉ vì bổn phận, chỉ vì sợ tội, sợ người ta nói, thì chúng ta chẳng cần phải nghe Lời Chúa làm gì, đi lễ ngồi đâu cũng được, miễn có mặt ở nhà thờ là được.

Như vậy, để có thể chú tâm lắng nghe Lời Chúa, chúng ta phải xác định được mục đích tôi giữ đạo để làm gì, tôi đến nhà thờ để làm gì, tôi nghe Lời Chúa để làm gì, nếu chúng ta xác định đúng mục đích của mình, thì việc lắng nghe lời Chúa của chúng ta sẽ có hiệu quả, và chắc chắn bình dầu trong ngọn đèn của chúng ta sẽ tràn trề, và dư khả năng thắp sáng để làm chứng cho Chúa trong cuộc đời này. Amen.





 

Lm. Antôn Trần Quốc Huy 
 

Lời Chúa: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.” (Cn 3,34)

Suy niệm: Lời Chúa trong bài đọc 1 trích sách Châm ngôn hôm nay là một bài học rất ý nghĩa cho mỗi người chúng ta. Chúa dạy mỗi người chúng ta hãy biết sống khiêm nhường đối với anh chị em mình. Khiêm nhường là bài học nghe tuy đơn giản nhưng không dễ thực hành chút nào. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta thường có xu hướng quy ngã, tức là quy về bản thân mình. Chúng ta luôn muốn mình được tôn vinh, được nổi tiếng, được ca tụng. Và đôi khi vì những hào quang đó, con người dùng mọi thủ đoạn để chà đạp và hãm hại nhau. Điều đó đi ngược với bài học khiêm nhường mà Chúa đã dạy mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy khiêm nhường trong lời nói, khiêm nhường trong việc làm, khiêm nhường cả ở hành động bên ngoài lẫn trong tâm hồn. Đừng lên án, chỉ trích hay nhạo báng người khác, nhưng hãy nhìn vào thân phận mong manh, yếu đuối, đầy tội lỗi của mình, để từ đó chúng ta biết sống khiêm nhường và cảm thông cho người khác nhiều hơn. Có như thế, chúng là là những người thật diễm phúc vì: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con từ bỏ lối sống tự tôn, tự cao ,tự đại mà thay vào đó, xin cho chúng con biết noi gương Chúa và thực thi lời dạy của Ngài là luôn biết sống hiền lành và khiêm nhường đối tha nhân. Amen.




 

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên

LỄ THÁNH ANRE KIM TÊGON, LINH MỤC, PHAOLÔ CHUNG HASANG VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

Cn 21,1-6.10-13; Lc 8,19-21



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cn 21,1-6.10-13: Những câu Cách Ngôn khác nhau.

Tv 119,35: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài.

Lc 8,19-21: Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

 Lời Chúa hôm nay cho biết Ý Chúa và ý người cần có sự hòa hợp thì mới dẫn đến bình an. Sách Châm ngôn cho biết là tâm ý con người ở trong tay Chúa, dầu là vua cũng phải đặt đường lối của mình trong sự chỉ bảo của Chúa. Vì người ta thì chú ý vào những thực hành bề ngoài, còn Chúa thì sửa trị cả tâm can. Thánh vịnh là lời soi tỏ cho sự tin tưởng và phó thác khi nài xin Thiên Chúa hướng dẫn theo đường lối chỉ thị của Ngài. Theo Tin mừng, những ai khiêm tốn để cho Lời Chúa sáng soi và đem ra thực hành thì được Chúa Giêsu gọi là những người ruột thịt của mình.

Bởi vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng dẫn đường ta đi nên chúng ta trung thành lắng nghe và đem ra thực hành những điều Chúa dạy. Ta tin chắc rằng, Thiên Chúa vẫn mãi hoạt động và hướng dẫn ta theo đường lối của Ngài. Chỉ cần ta không tự kiêu tự đại, cứng đầu cứng cổ, ích kỷ nhỏ nhen, và giả dối lọc lừa thì Chúa sẽ dẫn ta theo đường công chính, công lý, khiêm nhu, trung thành và bác ái. Đó chính là những lối dẫn ta đến sự hòa hợp với Chúa trong đời sống mỗi ngày. Vậy ta hãy trở nên người trong gia đình của Chúa bằng chính Lời của Ngài.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Có một linh mục mà tôi quen được, mỗi lần tới lễ bổn mạng hay lễ kỷ niệm phong chức linh mục, ngài thông báo cho người ta biết, và ngài nói không phải tôi thông báo cho ông bà anh chị em biết để tới chúc mừng quà cáp gì cho tôi, tôi không thích những hình thức bề ngoài như thế, bởi vì không ai tự vẽ bùa mà đeo cho mình bao giờ, nhưng tôi thông báo để quý ông bà anh chị em biết mà đi lễ cầu nguyện cho tôi mà thôi, vậy là được rồi.

Và tôi cứ nhớ hoài câu “không ai tự vẽ bùa mà đeo cho mình bao giờ.” Nhưng trong thực tế chúng ta thấy có những người thích tự mình vẽ bùa mà đeo cho mình, đó là những người trọng hình thức bề ngoài.

Hôm nay, trong trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta bắt gặp một hình ảnh không muốn tự vẽ bùa để mình đeo, đó là hành động của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy Tin Mừng ghi lại, khi có người báo với Chúa là có Mẹ và anh em Chúa đến thì Chúa nói: “Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Nghe những lời này, có thể chúng ta thấy Chúa vô tình, muốn chối bỏ tình mẫu tử, tình anh em máu mủ họ hàng, nhưng không, ở đây Chúa muốn làm nổi bật mối dây thiêng liêng là việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa, Chúa muốn mở ra cho tất cả mọi người là những người lắng nghe và thi hành ý muốn Thiên Chúa.

Và lời đó của Chúa Giêsu cũng muốn ám chỉ Mẹ Maria là người đi đầu trong việc lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, xứng đáng là Mẹ về phần thân xác và phần thiêng liêng nữa.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn ngợi khen Mẹ của mình, không phải ca ngợi điều không có, nhưng mà Chúa khen cái có của Đức Mẹ, Ngài muốn áp dụng nguyên tắc, không muốn tự mình vẽ bùa để mình đeo cho mình, nên Chúa đã dùng lối nói gián tiếp như thế.

Trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong đời sống đức tin của chúng ta, chúng ta được mời gọi đừng tự vẽ bùa để đeo cho mình, đừng tự vẽ bùa để đeo cho con cái của mình, cho gia đình của mình... Nhưng chúng ta cứ để tự nhiên, vì hữu xạ sẽ tự nhiên hương mà thôi không cần phải nói. Nếu chúng ta quá đề cao việc tự vẽ bùa sẽ dẫn đến thái độ dễ kiêu ngạo, xem thường người khác, khó chấp nhận những người xung quanh chúng ta. Hoặc là khi tự đề cao như thế, mà thực tế không đáp ứng được đòi hỏi của chúng ta thì chúng ta sẽ thất vọng.

Có nhiều người khen con mình quá đáng hoặc chê con mình quá thậm tệ, đó là một tai hại.

Chúa Giêsu không đề cao ai hết, nhưng lời nói của Ngài là áp dụng cho ai đã làm được, chứ không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi của Chúa, vì là Mẹ Chúa nên Chúa mới khen, không phải như vậy.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta trong việc lắng nghe và thực hành lời Chúa. Amen.


 




Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên

THÁNH MATTHÊÔ, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG (LK)

Ep 4,1-7.11-13; Mt 9,9-13
 
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ep 4,1-7.11-13: Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng.

Tv 19,5: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất.

Mt 9,9-13: Hãy theo Ta. Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Các bài đọc hôm nay đưa ra những phản ánh tuyệt đẹp về bản chất của sự thánh thiện của Kitô giáo. Lời kêu gọi nên thánh dành cho tất cả mọi người, ngay cả tội nhân vì tội nhân có thể được hoán cải. Matthêu mô tả sự hoán cải của ông trông giống như một sự tình cờ. Ông đang ngồi trong phòng thu thuế, và Chúa Giêsu mời ông đi theo Ngài. Matthêu “đứng dậy đi theo Ngài”. Một người thu thuế trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Một tội nhân đi theo Đấng Toàn Năng.

Chúa Giêsu đến để kêu gọi người tội lỗi. Lời kêu gọi nên thánh đưa những người tội lỗi đến gần sự thánh thiện của Chúa hơn. Theo nghĩa này, sự thánh thiện không phải là đạt được sự hoàn hảo nhưng thay vào đó là đón nhận cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô. Nếu ta để ý, Matthêu có nhiều bạn bè và đồng nghiệp bị coi là tội lỗi. Và Chúa Giêsu cũng đã gặp nhiều người trong số họ và nói cho họ biết sứ vụ của Ngài. Xin cho Chúa Kitô gặp gỡ và mời gọi ta đi sâu hơn vào cuộc gặp gỡ với những người khác. Matthêu vốn là một tội nhân trở thành một nhà rao giảng Phúc âm, và hy vọng rằng ta có thể làm theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu và biến đổi cuộc đời lỗi tội sang đời sống thánh thiện.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Chắc chúng ta có nghe câu nói: vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người, để nhấn mạnh đến việc trồng “người” khó hơn trồng bất cứ điều gì. Bởi vậy, việc nuôi dạy một con người, một thế hệ, một dân tộc không phải là chuyện đơn giản, phải cần rất nhiều thời gian và công sức mới phát triển được một cách toàn diện được.

Đó là cái khó đối với con người, thế nhưng đối với Chúa Giêsu thì không đợi trăm năm, mà chỉ trong phút chốc, Chúa có thể biến đổi một con người, vì có lần Chúa đã nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26), cụ thể trong trường hợp Matthêu, từ kẻ thu thuế tội lỗi trở thành Tông đồ, rồi sau này say mê viết Lời Chúa để “trồng người” cho muôn vàn thế hệ sau.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta, nếu Chúa có thể biến đổi con người một cách tức thì như thế, vậy tại sao Chúa không biến đổi tất cả con người trên thế gian này, để ai cũng biết Chúa, tin vào Chúa để được ơn cứu độ?

Thưa vì khi tạo dựng nên con người Chúa đã ban cho con người có tự do, Ngài đã đặt tự do trong con người, như khi xưa Ngài đã đặt cây biết lành biết dữ ở giữa vườn Eden vậy. Vì con người có tự do, nên Chúa không thể làm điều đó, nếu Chúa làm điều đó thì con người sẽ trở thành những robot.

Thế thì tại sao Matthêu lại được Chúa biến đổi cách tức thì? Thưa bởi vì ông thành tâm thiện chí, khi được kêu gọi ông đã lập tức rời khỏi bàn thu thuế để đi theo Chúa, nên Chúa đã biến đổi con người của ông theo như ý muốn của Chúa.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta đừng bao giờ thất vọng ngã lòng đối với Chúa, khi chính chúng ta chưa hoàn hảo, hay khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, chúng ta hãy tin tưởng Chúa làm được tất cả mọi sự, quan trọng là chúng ta cũng như những người xung quanh chúng ta có thành tâm thiện chí hay không mà thôi.

Chính vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Chúa uốn lòng chúng ta, uốn lòng những người mà chúng ta cầu xin, biết mở lòng ra để đón nhận Chúa, để Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta cũng như cuộc đời họ giống như đã biến đổi cuộc đời của thánh Matthêu mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Amen.





 

Lm. Antôn Trần Quốc Huy 

 

Lời Chúa: Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9)

Suy niệm: Trong tin mừng, Mát-thêu được giới thiệu là một người thu thuế. Tức là người làm việc cho quân xâm lăng La mã, để đi thu thuế người đồng hương của mình là người Do thái. Một công việc được người Do thái cho là phản bội, là một công việc tội lỗi, xấu xa. Thế nhưng Chúa Giê-su lại chọn con người đó, Chúa chọn chính Mát-thêu làm tông đồ cho Chúa. Đó là một sự lựa chọn quá táo bạo và cam đảm. Và chúng ta không khỏi thắc mắc rằng: Tại sao Chúa lại chọn Mát-thêu?  Một con người không được lòng người khác và mang tiếng xấu như vậy để làm chứng và rao giảng về Chúa.

Chính qua sự lựa chọn ấy, chúng ta thấy được phần nào quan điểm và cách chọn  người của Chúa Giê-su. Chúa lựa chọn hoàn toàn theo sự tự do của mình, không theo sự áp đặt và quan điểm của con người. Ở đây, Chúa chọn con người Mát-thêu, chứ không phải công việc ông đang làm. Chúa không chọn những con người quá xuất sắc, tài giỏi, thánh thiện, nhưng lại chọn những con người hết sức bình dị và không có gì là quá nổi bậc về tài năng. Nhìn vào các tông đồ của Chúa ta có thể thấy được điều đó.

Khi được Chúa gọi, thì Mát-thêu mau mắn đáp lời, và “Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9). Đó là một thái độ đáp trả dứt khoát, mạnh mẽ và không do dự của Mát-thêu trước lời mời gọi của Chúa Giê-su. Hành động “đứng dậy” của ông cho thấy sự quyết tâm và tình yêu của ông dành cho Chúa Giê-su. Ông “đứng dậy”, tức là không còn “ngồi” nữa. Có nghĩa là từ đây ông chính thức từ bỏ nghề thu thuế, từ bỏ con người cũ của mình. Ông “đứng dậy”, tức là từ nay ông sẽ bước đi theo Chúa, sẽ trở thành môn đệ của Người. Ông “đứng dậy”, tức là từ nay ông sẽ chọn Chúa là lẽ sống của cuộc đời mình. Khi đó, ông sẽ phải chấp nhận những khó khăn thử thách đang chờ đợi mình phía trước. Hành động “đứng dậy” thể hiện khí phách mạnh mẽ của con người Mát-thêu.

Hành động “ đứng dậy” của Mát-thêu là một bài học rất giá trị của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta lại ngồi lỳ trong vũng lầy tội lỗi, cố chấp với con người cũ đầy xấu xa của mình. Đứng trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta có dám cam đảm “đứng dậy”, chúng ta có sẵn sàng bước ra khỏi bóng đêm tội lỗi, để đi về cùng nguồn ánh sáng chân thật là Thiên Chúa. Hay là chúng ta cứ “ngồi” mãi trong sự êm ái giả tạo của tội lỗi, của những đam mê, của sự hưởng thụ vô độ.

“Đứng dậy” là một lời mời gọi khẩn thiết cho con người trong thế giới hôm nay. “Đứng dậy” để chúng ta bước đi theo Chúa trên nẻo đường Ngài đã đi. “Đứng dậy” để chúng ta có thể đi ra khỏi những xiềng xích tội lỗi đang kiềm hãm chúng ta. “Đứng dậy” để chúng ta có thể làm chứng và rao truyền về tình yêu thiên Chúa cho người khác, như chính Thánh Mát-thêu đã nêu gương sáng cho chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy thánh Mát-thêu, xin chuyển cầu cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con thêm mạnh sức, để chúng con biết “đứng dậy” từ bỏ con người cũ, và bước đi theo Chúa trên nẻo đường thánh thiện mỗi ngày. Amen.

 


 

Thứ Năm Tuần 25 Thường Niên C

Gv 1,2-11; Lc 9,7-9


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Gv 1,2-11: Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời.

Tv 90,1: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Lc 9,7-9: Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế.

Sách Giảng viên nói rằng: “Chẳng có chi mới lạ dưới mặt trời.” Không có cái mới nhưng có cách mới hay giải pháp mới. Trong đời sống đức tin, cần lắm những tâm hồn mới mẻ để khám phá những điều kỳ diệu Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm. Tin mừng Luca cho biết Chúa Giêsu đã làm những việc lạ lùng, và chính nhà vua phải nêu lên những người danh tiếng lẫy lừng để so sánh. Thế nhưng, những người được nêu tên không thể nào so được với Chúa Giêsu. Quả thật, không có gì mới dưới ánh mặt trời, nhưng Chúa Giêsu đã kéo người ta ra khỏi lối mòn của suy nghĩ.

Sự hiện diện của Chúa là một hồng phúc cho con người. Khi xưa Chúa Giêsu làm những việc trọng đại thì người ta nhớ đến Êlia, Gioan Tẩy Giả, v.v. Ngày nay, có những người và những việc cử hành thì giúp người ta nhớ ngay đến Chúa Giêsu, bởi chính Chúa đã dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Có nhiều cách để cho ta có thể nhớ ngay đến Chúa, gặp Chúa, trò chuyện với Chúa. Cụ thể là tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, và gặp Chúa Giêsu nơi những anh chị em bị đẩy ra bên lề của xã hội…Những điều này không mới nhưng cần lắm những tâm hồn khám phá và thực hành.






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy vua Hêrôđe thắc mắc về Chúa Giêsu và muốn gặp Người. Vậy tại sao vị vua này thắc mắc về Chúa Giêsu và muốn gặp Ngài? Thưa vì ông ta hiếu kỳ đối với Chúa. Tin Mừng thuật lại khi nghe biết những việc Chúa Giêsu đã làm, thì ông phân vân. Tại sao phân vân? Vì có người nói Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả sống lại, người khác lại nói là ông Êlia, kẻ khác lại bảo là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Nhưng Hêrôđê biết Gioan Tẩy Giả đã bị ông chém đầu rồi, nên ông muốn gặp Chúa để thỏa mãn tính tò mò của mình, để xác thực lý luận của mình là đúng.

Ngoài đoạn Tin Mừng hôm nay, còn một đoạn Tin Mừng nữa, nói thêm cho chúng ta biết lý do mà Hêrôđê muốn gặp Chúa Giêsu, đó là ông muốn gặp Chúa Giêsu để được xem Người làm một vài phép lạ.

Đoạn Tin Mừng Luca này nằm trong trình thuật Chúa Giêsu bị đưa ra trước mặt Vua Hêrôđê, nằm ở chương 23 câu 8 đến câu 12, và Chúa đã làm phép lạ, bằng chứng là sau đó vua Hêrôđê và Philatô bắt đầu thân thiện với nhau vì trước đó hai bên vẫn hiềm thù nhau, thế nhưng họ không nhận ra điều đó.

Hình ảnh Hêrôđê muốn gặp Chúa Giêsu nhiều khi cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta, đôi khi chúng ta cũng gặp Chúa vì tò mò như thế, đôi khi chúng ta chỉ muốn gặp Chúa để được Chúa ban ơn, đôi khi chúng ta đến gặp Chúa chỉ vì vụ lợi, chỉ vì sợ tội, chỉ vì giữ luật, còn nếu không chúng ta sẽ không đến với Chúa.

Chính vì thế, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta khi đến với Chúa phải đến với thái độ tốt lành, đến với Chúa vì Chúa là Chúa, đến với Chúa vì yêu mến chứ không phải vì vụ lợi. Điều này cũng muốn nói chúng ta không thể nào giữ đạo theo kiểu đạo tại tâm.

Ở một giáo xứ kia, cha xứ chợt lưu ý đến một ông già nọ vốn thường sốt sắng tham dự không những thánh lễ ngày Chúa nhật mà còn siêng năng đi lễ mỗi ngày nữa. Nhưng bẵng đi một thời gian lâu, ông cụ vắng bóng ở nhà thờ. Cha xứ lấy làm lạ, tưởng ông cụ bị đau ốm hay đã di chuyển đi nơi khác. Cha bèn đến nhà thăm ông xem sao. Đến nơi cha vẫn thấy ông ở nhà. Hỏi lý do vì sao ông vắng mặt ít lâu nay ở nhà thờ thì ông trả lời cha như sau: “Con thấy không cần phải đi lễ, đọc kinh chung nữa. Con ở nhà đọc Kinh Thánh, lần chuỗi và nhớ đến Chúa trong lòng là đủ rồi.”

Cha mỉm cười và hỏi ông: – Thế các con cháu cụ bây giờ ở đâu?

Ông cụ đáp: – Chúng ở xa con lắm, nhưng hàng năm cứ vào dịp Lễ Giáng Sinh và Tết thì đều trở về thăm con và cho quà tử tế. Nghe xong cha xứ nói: – Tốt lắm, nhưng cụ làm ơn cho tôi xin địa chỉ hay số phone của của các con cháu cụ đi.

– Để làm gì thưa cha? Ông cụ hỏi.

Cha trả lời ngay: – Để tôi viết thư hay điện cho các con cháu cụ bảo họ đừng tốn công và tiền bạc về thăm cụ nữa. Họ chỉ cần nhớ đến cụ trong lòng là đủ rồi; không cần thiết phải về thăm cho tốn thì giờ và tiền bạc nữa. Nói xong cha xứ cáo từ ra về trong khi ông cụ ngồi suy nghĩ những lời của cha vừa nói. Và mấy hôm sau, người ta lại thấy ông cụ xuất hiện ở nhà thờ như cũ.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để đến với Chúa không vì tò mò, không vì vụ lợi mà đến với Chúa vì Chúa là Chúa, đến với Chúa vì lòng yêu mến Chúa. Có như thế, chúng ta sẽ tránh được thái độ giữ đạo tại tâm, mà siêng năng đến nhà thờ để gặp Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.




 

 Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên

Thánh Piô Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ

 Gv 3,1-11; Lc 9,18-22


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gv 3,1-11: Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng.

Tv 144,1: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa!

Lc 9,18-22: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ.

Thiên Chúa là chủ của thời gian. “Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.” Mỗi thứ đều có thời gian của nó. Vấn đề là con người không sử dụng thời gian đúng cách ngay cả khi họ đang làm việc gì đó hiệu quả bởi vì họ không làm những gì Chúa đã kêu gọi họ phải làm. Thông thường, mọi người nghĩ rằng họ làm điều đúng đắn, nhưng điều đúng cũng nên đi cùng với thời điểm thích hợp. Bài đọc Tin Mừng cũng đề cập đến vấn đề thời gian. Đến lúc Phêrô tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, ngay sau đó là thời gian giữ im lặng vì Chúa Giêsu “ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai”. Rồi sẽ đến lúc Con Thiên Chúa chết trong giờ của Ngài, sau ba ngày sẽ sống lại…khi đó người ta sẽ thấy lời ứng nghiệm. Vì vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu các dấu hiệu của thời đại để sống tích cực và ý nghĩa. Nếu không, chúng ta sẽ không có thời gian để nói lời xin lỗi hay nuối tiếc về những gì đã qua. Thời giờ là của Chúa. Do đó ta hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại với Chúa, vì ta không biết giờ nào, ngày nào Chúa cất ta đi.




 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trắc nghiệm sự hiểu biết của các môn đệ về Người như thế nào? Chúa hỏi các ông: “Người ta bảo thầy là ai?” Các môn đệ trả lời: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ thì bảo là Giêrêmia hay là một tiên tri nào đấy.” Sau đó, Chúa Giêsu hỏi chính các ông: “Vậy còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Dạ thưa, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Câu trả lời của thánh Phêrô tông đồ hoàn toàn khác với câu trả lời của những người khác khi nhận định về Chúa Giêsu.

Qua câu trả lời của thánh Phêrô chúng ta thấy được một điều, đó là Đấng sáng lập đạo của chúng ta hoàn toàn khác với những Đấng sáng lập khác.

Nói theo Đức Phật, ngài nói giáo lý của ngài giống như ngón tay chỉ mặt trăng, khi đã nhìn thấy mặt trăng rồi, thì phải khéo rời khỏi ngón tay để hướng về mặt trăng. Chúa Giêsu được ví như là mặt trăng. Hiểu được như thế chúng ta mới thấy đạo của chúng ta cũng khác với các đạo khác.

Vì đạo của chúng ta khác với các đạo khác, nên giáo lý của chúng ta cũng không giống với giáo lý của các tôn giáo khác.

Chẳng hạn, chỉ có Giáo hội Công giáo mới cấm ly dị, còn các tôn giáo khác đâu có cấm. Cũng chỉ Giáo hội Công giáo mới có lập trường rất quyết liệt, cấm ngặt việc phá thai, không chấp nhận hôn nhân đồng tính, đó là trên bình diện luân lý, đạo đức.

Bên cạnh đó, còn có khác biệt về thần học, về đức tin. Người Công giáo không tin luân hồi, mà tin rằng: ta sống cuộc đời này chỉ một lần thôi, và sau đó là vĩnh cửu.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta, đó là Đấng sáng lập của chúng ta khác với các đấng sáng lập khác, đạo chúng ta khác với các đạo khác, giáo lý của chúng ta khác với giáo lý của các đạo khác, thế thì tại sao ngày nay, người ta có khuynh hướng cho rằng đạo nào cũng như đạo nào?

Lý do, bởi vì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, nhưng bên cạnh đó, có một lý do nữa mà người ta cho rằng đạo nào cũng như đạo nào là vì chúng ta không sống đúng với cái đạo mà chúng ta đang theo, chúng ta tin Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống mà không sống đúng với lời mà chúng ta tuyên xưng.

Mahatma Gandhi từng nói: “Phúc Âm của Chúa Giêsu thật tuyệt! Giá mà các Kitô hữu đều sống Tám Mối Phúc Thật, thì cả dân tộc chúng tôi, đã theo Đạo Chúa lâu rồi.” Khi nghe câu nói đó, chúng ta thấy được một sự thật rất là đau lòng.

Vậy chúng ta phải làm gì để người ta có cái nhìn khác về đạo của chúng ta, hay là cứ buông xuôi như thế?

Chúng ta biết trong những năm gần đây Giáo hội chúng ta có những vụ bê bối về lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ, có người chê bai, có người lên án, có người rời bỏ Giáo hội… nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy những tiêu cực trong khi đó có những điều tích cực mà chúng ta không nhìn thấy, nó được ví như “trong một khu rừng có một cây đổ xuống, tại sao chúng ta chỉ nhìn cái cây đổ trong khi có biết bao nhiêu cái cây con, biết bao nhiêu những cái cây tốt lành đang đứng ở phía sau?”

Cách đây vài năm, sau khi báo chí phổ biến danh sách thật dài các vụ lạm dụng tình dục tại Mỹ, một phóng viên đã hỏi các linh mục, chủng sinh tại Học viện Bắc Mỹ ở Roma nghĩ thế nào về khủng hoảng này, một linh mục trẻ đã trả lời: “Chúng tôi sẽ là giải pháp chứ không trở thành vấn đề,” nghĩa là chúng tôi sẽ sống tốt để lấy lại uy tín cho Giáo hội chứ không gây nên xì căng đan nữa.

Mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta hãy là giải pháp cho Giáo hội của chúng ta, nghĩa là chúng ta phải thay đổi đời sống của mình để người ta có cái nhìn khác về Chúa, có cái nhìn khác về Giáo hội, có cái nhìn khác về giáo lý của chúng ta, để một ngày nào đó, nhờ ơn Chúa giúp, họ cũng tin nhận Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Amen.






Lm. Antôn Trần Quốc Huy 

Lời Chúa: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20)

Suy niệm: đó là câu hỏi mà Chúa Giê-su đã đặt ra cho các môn đệ. Một câu hỏi không dễ để trả lời. Đứng trước câu hỏi khó đó, Phê-rô đã đại diện cho anh em mình trả lời rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô của THIÊN CHÚA.” Đó là một câu trả lời hay, nhưng chưa phải là câu trả lời hoàn hảo. Vì đối với Chúa, dường như không có định nghĩa nào, hay cách gọi nào của con người có thể cân xứng với Ngài.

Ngày hôm nay, Chúa Giê-su cũng hỏi mỗi người chúng ta như thế: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Có lẽ rằng, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau cho riêng mình. Nhưng đối với tôi, tôi thiết nghĩ rằng: Chúa Giê-su là chính những anh chị em xung quanh chúng ta. Đặc biệt là những trẻ em mồ côi, những người là neo đơn, những mảnh đời bất hạnh, những người bị gạt ra khỏi lề xã hội. Vì chính Đức Giê-su đã đồng hóa mình với họ. Mỗi khi chúng ta gặp họ như là chúng ta gặp Chúa đang hiện diện qua họ, mỗi khi chúng ta làm gì cho họ dù nhỏ bé thì cũng là lúc chúng ta làm cho chính Chúa.

Ước mong rằng mỗi người chúng ta nhận ra Chúa nơi những con người thấp cổ bé họng, nơi những con người nghèo đói, khổ đau. Để qua đó, chúng ta biết chia sẻ tình yêu thương và cảm thông với họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra Chúa nơi anh chị em xung quanh mình, để chúng con biết đối xử tử tế với anh chị em của mình nhiều hơn. Amen.




 



 

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên
Gv 11,9-12,8; Lc 9,18-22
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân 

Gv 11,9-12,8: Trong những ngày thanh xuân, ngươi hãy nhớ đến Đấng Tạo thành ngươi; trước khi tro bụi sẽ trở về đất và hồn sẽ trở về cùng Chúa.

Tv 90,1: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Lc 9,43b-45: Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy.

 

Sách Giảng viên đã nói hộ cho con người đường đi của kiếp nhân sinh. Mọi sự đều có khởi đầu và kết thúc trong thời gian của nó. Con người biết cuộc đời mình sẽ tận, nhưng không biết là khi nào, ở đâu, cách thức ra làm sao. Không biết vì không biết hỏi ai. Không ai ở trần gian này làm chủ cuộc đời ta, ngoại trừ Thiên Chúa. Trong Tin mừng, chính Chúa Giêsu cũng loan báo là Ngài sẽ phải bị người ta trao nộp cho quan tòa, bị kết án… các môn đệ nghe Thầy Giêsu nói thế nhưng cũng không dám hỏi.

Có sinh thì có tử. Chính Chúa Giêsu đã đồng hành với kiếp người và cũng đã nếm trải trọn quy trình sinh tử đó. Chỉ có điều là Ngài đã vượt qua sự chết và về với Chúa Cha. Đó là niềm hy vọng của ta. Ta là những người con của Ngài, bước đi theo Ngài, thì Ngài ở đâu ta cũng sẽ được ở đó. Muốn được như thế thì ngay từ “những ngày thanh xuân, hãy nhớ đến Đấng Tạo Thành”. Đừng sống như những kẻ không tin vào nguồn cội cao nhất vì họ không tin là có Chúa trên đời. Chỉ có Chúa mới là chỗ chúng ta nương thân, từ đời nọ trải qua đời kia.






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trong mùa Chay chúng ta thường nghe nói đến hạn từ tiết chế, hay tiết độ, để kêu gọi chúng ta làm chủ bản thân, biết sống tiết độ, để giải thoát mình khỏi tính quy ngã, ích kỷ, kiêu ngạo, để biết quy hướng về Chúa.

Hôm nay không phải mùa Chay, nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn các môn đệ của Người phải biết sống tiết chế. Đó là khi mọi người đang thán phục về tất cả những gì Chúa đã làm, thì Người phán bảo các môn đệ: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời.” Nghĩa là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, hãy nhớ đến sứ vụ của Thầy mình không có gì vinh quang đâu mà kiêu ngạo, vì đó cũng là sứ vụ của trò.

Chúng ta thấy, cách mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ tiết chế là hãy nhớ lại sứ vụ của Chúa. Chúa Giêsu đến trần gian này, không phải làm theo ý của mình, mà là thực thi ý của Thiên Chúa Cha, cũng không phải để làm vương làm tướng, nhưng là để chịu chết để cứu độ nhân loại, nghĩa là giúp các ông ý thức lại mình là ai, giúp các ông hãy trở về thực tại của mình, để nhìn lại xem mình theo Chúa để làm gì, không phải để làm vinh danh mình, mà là để vinh danh Chúa và mưu ích các linh hồn.

Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được lý do vì sao con người ngày nay thường hay kiêu ngạo, thường hay xem thường người khác, con cái ngày nay thường không biết thương cha mẹ của mình, vợ chồng thường dễ chia tay, lý do là vì họ không chịu nhìn lại những gì họ đã trải qua, cũng như cha mẹ không biết chỉ dẫn con cái mình biết làm thế nào để đạt được điều đang có ở hiện tại.

Có người đã nói một câu như thế này, để áp dụng trong đời sống vợ chồng, mà tôi thiết nghĩ câu nói này, có thể áp dụng trong mọi lãnh vực của đời sống chúng ta. Họ nói: “Khi muốn chia tay, chúng ta hãy nhớ lại lý do khi bắt đầu.” Cũng vậy, khi có mầm móng của sự kiêu ngạo hãy nhìn lại cuộc đời của mình xem vì sao mà mình đạt được kết quả như ngày hôm nay, khi mình muốn sử dụng của cải cha mẹ để lại, hãy tìm hiểu vì sao mà cha mẹ có được tài sản này để sử dụng cách hợp lý, không phung phí.

Một câu nói nữa, là câu nói của nữ nhà văn Mỹ Helen Keller, bà đã nói một câu đáng để chúng ta suy nghĩ để rồi biết trân trọng những gì mình đang có, và biết cảm thông cho những người xung quanh, bà nói: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày.”

Như vậy, Lời Chúa hôm nay một mặt cho chúng ta thấy không chỉ có mùa Chay chúng ta mới được kêu gọi sống tiết chế, mà chúng ta được mời gọi phải sống tiết chế trong suốt cuộc đời mình. Sống đạo đức là không theo mùa.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở và chỉ cho chúng ta thấy cách thức để sống tiết chế, đó là biết nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại sứ vụ của mình, biết nhìn đến những người xung quanh mình. Có như thế đời sống của chúng ta mới là đời sống tốt lành, đẹp lòng Chúa và mới có thể thực thi những điều Chúa dạy trong cuộc đời. Amen.