15/09/2022
697
Suy niệm hằng ngày_Tuần XXIV Thường Niên














 

Chúa Nhật Tuần XXIV Thường Niên

(Xh 32,7-11.13-14;1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32 hay Lc 15,1-10)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 32,7-11.13-14: Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

Tv 51: Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi (Lc 15,18).

1 Tm 1,12-17: Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi.

Lc 15,1-32: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải.

“Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8). Tội lỗi ngập tràn nhưng tình Chúa còn chứa chan gấp bội. Sách Xuất hành miêu tả sự giận dữ của Chúa lên đến đỉnh điểm, và Người sẵn sàng thiêu rụi đám người cứng đầu cứng cổ. Nhưng Môsê đã van xin Chúa dủ lòng thương, và Người đã nguôi cơn giận. Thư Timôthê cho biết Phaolô tự nhận mình lỗi tội nhưng đã được Chúa nhân từ thương xót. Và trong phúc âm Luca, những dụ ngôn về sự mất mát và niềm vui của người chủ khi tìm lại được món đồ hay người cha đã dang rộng vòng tay đón đứa con hoang đàng trở về đã nói lên nhiều điều về tình yêu và sự quan tâm tha thứ.

Thiên Chúa biết sự không hoàn hảo và yếu kém sẽ khiến nhân loại mắc lỗi, nên Người sẵn sàng tha thứ cho những ai biết sám hối và nài xin tha thứ. Xin cho ta biết nhân từ khi đối xử với người khác như Chúa Giêsu Kitô thể hiện qua sự kiên nhẫn đợi chờ. Mượn lời Thánh vịnh ta nguyện rằng: “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác”.






Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên
(1Cr 11,17-26.33; Lc 7,1-10)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

1 Cr 11,17-26: Anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.

Tv 40: Anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (1 Cr 11,26b).

Lc 7,1-10: Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy.

Các bài đọc ngày nay có ý nghĩa và quen thuộc với các Kitô hữu trên toàn thế giới. Mỗi khi cử hành Thánh Thể, các linh mục và mọi người lặp lại hoặc nghe những lời đó. Đó là cách mà Giáo hội đang sống với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Mỗi ngày, những lời, “này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta…Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta,” sẽ được lặp đi lặp lại hàng triệu lần trong các Thánh lễ. Có thể Phaolô không biết rằng có hàng ngàn hàng vạn người sẽ sử dụng lời của mình.

Trong Phúc Âm, Thánh Luca đã trích dẫn lời của viên sĩ quan, “…tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh.” Những lời này cũng là một phần của Thánh Lễ. Hai ví dụ về lời nói này có tác động lâu dài đến đời sống của Kitô hữu. Xin cho ta ghi nhớ những lời đó và thực hành hàng ngày với một đức tin mạnh mẽ. Nếu làm như vậy, ta tiếp tục loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Đọc Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy được điều gì? Thưa thấy được 2 cái nhìn, cái nhìn của con người và cái nhìn của Chúa Giêsu.

Đầu tiên là cái nhìn của con người. Tin Mừng kể về một viên sĩ quan có người đầy tớ mắc bệnh gần chết. Ông sai vài người kỳ lão Do thái đi xin Chúa Giêsu đến cứu chữa đầy tớ của ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban ơn đó, vì ông ta yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”

Chúng ta thấy cái nhìn của những người Do thái ngày xưa cũng giống với cái nhìn của chúng ta ngày nay. Thường khi đánh giá một ai đó, chúng ta thường xem người đó làm được gì, tổ chức được cái gì, tài sản được bao nhiêu…. Chứ chúng ta ít để ý xem người đó sống như thế nào, có đạo đức hay không, có thánh thiện hay không. Và cái nhìn này ngày nay người ta gọi là cái nhìn của văn hóa hiệu quả, nghĩa là nếu tôi muốn được coi là tồn tại, thì tôi phải làm điều này làm điều kia, tôi phải đi chỗ này đi chỗ khác. Đây là cái nhìn phiến diện. Bên cạnh đó, chúng ta dễ rơi vào mối tương quan sòng phẳng, chẳng hạn như những người kỳ lão đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ thân tín của ông sĩ quan vì ông đã làm điều này, làm điều kia, buộc Chúa phải trả ơn.

Còn Chúa Giêsu, Người không chỉ thấy được cái bên ngoài, nên mới đi theo những người kỳ lão đến nhà viên sĩ quan, mà Người còn thấy được cái bên trong con người của ông.

Khi Chúa Giêsu đến gần nhà, thì ông sai mấy người đồng bạn ra đón Người và nói: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh.” Nghe thấy vậy, Chúa Giêsu đã ngạc nhiên và nói: “Ta nó thật với các người, cả trong dân Israen, Ta chưa thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy.”

Như vậy, phép lạ xảy ra là do cái bên ngoài hay cái bên trong? Thưa là do cái bên trong, do ông thành tâm thiện chí đối với Chúa, thành tâm thiện chí trong việc đối xử với dân Chúa, thành tâm thiện chí đối với việc xây dựng nhà Chúa, và thành tâm thiện chí tin tưởng vào Chúa, chính cái bên trong đó mà Chúa đã làm phép lạ chữa lành cho người đầy tớ thân tín của ông.

Khi suy niệm lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi phải thay đổi cái nhìn của chúng ta, đừng nhìn và đánh giá sự việc ở bên ngoài, nhưng hãy xem động lực bên trong như thế nào, như Chúa Giêsu đã thực hiện.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi đừng bao giờ áp dụng luật sòng phẳng, để đòi Chúa ban ơn cho mình, hay để người khác trả ơn cho mình, nhưng chúng ta hãy áp dụng luật tình yêu với nhau, vì yêu thương Chúa đã ban ơn lành cho chúng ta, vì yêu thương chúng ta nâng đỡ anh chị em của mình, vì yêu thương chúng ta giúp đỡ giáo xứ, vì yêu thương chúng ta giúp đỡ các linh mục, tu sĩ, không đòi hỏi, bởi vì đòi hỏi thì đó không phải là tình yêu. Amen.

 


 

Lm. Antôn Trần Quốc Huy 


Lời chúa: “Ngay cả trong dân It-ra-el, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh mẽ như thế.” (Lc 7,9)

Suy niệm: lời Chúa ngày hôm nay làm tôi nhớ đến một câu chuyện vui, chuyện kể rằng: có một anh thanh niên rơi từ vách núi xuống vực, nhưng may thay anh ta nắm lấy được một cành cây bên sườn núi. Anh ta kêu la xin giúp đỡ, nhưng không có ai nghe. Trong lúc vô vọng, anh ta nhớ đến Chúa và cầu nguyện: lạy Chúa, con đặt trọn niềm tin của con vào Chúa, xin Chúa cứu con. Và lúc ấy, có tiếng phán lại rằng: nếu con tin ta thì con hãy buông tay ra, ta sẽ cứu con. Anh ta trả lời rằng: ngu sao buông.

Hình ảnh anh thanh niên cũng có thể là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Ngoài miệng chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống thực tế thì chúng ta làm ngược lại. Đức tin là sức mạnh của mỗi người chúng ta, là vũ khí để chúng ta chống chọi với thử thách, gian nan. Tuy nhiên, liệu rằng đức tin của chúng ta có đủ mạnh để đương đầu với sóng gió của cuộc đời. Trong những lúc cuộc sống bình an, hạnh phúc, dường như chúng ta rất dễ dàng tin Chúa. Nhưng trong những lúc ta gặp khó khăn thử thách, chúng ta còn tin vào Chúa nữa chăng. Khi ấy, chúng ta có vững lòng trông cậy và phó thác vào Chúa hay không? Hay là chúng ta nghi ngờ và trách móc Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn đặt trọn niềm tin vào Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

 

 


Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên
(1Cr 12,12-14.27-31a; Lc 7,11-17)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

1 Cr 12, 12-14. 27-31a: Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chi thể.

Tv 100,3: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Lc 7,11-17: Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy.

Chúa Giêsu và các môn đệ gặp một đám tang tại thành phố Nain. Chúa Giêsu “động lòng thương” khi nhìn thấy người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Bà đã khóc và đau buồn. Nhưng người mẹ không đến gần Ngài, cũng như không một ai khác. Họ có lẽ thậm chí không biết Ngài là ai. Họ tập trung vào sự mất mát của mình và không tìm kiếm giải pháp hay phép màu. Chúa Giêsu đi bước trước vì Ngài muốn giúp họ bởi tình yêu cao cả của mình.

Chúa Giêsu dang tay ra, và người thanh niên đang trên đường đi chôn cất sống lại! Thật là một món quà cho người mẹ, cho tất cả bạn bè và gia đình của anh ấy! Một lần nữa, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương”. Đó là bản chất tự nhiên của Chúa Giêsu. Ngài cảm động với lòng thương xót khi nhìn thấy những đau khổ của con người. Vâng, Ngài nghe thấy kêu cầu của ta, nhưng Ngài cũng thường xuyên đi bước trước. Điều này sẽ khiến ta yên tâm khi ta cảm thấy Chúa đang phớt lờ hoặc không quan tâm đến vấn đề của ta. Thực sự là Ngài nghe, nhìn thấy, và quan tâm đến chúng ta. Chúng ta không ngần ngại thú nhận rằng chúng ta là dân của Người: là đoàn chiên Người nuôi nấng. Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng chúng ta là một phần của Thân thể Đức Kitô.






Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Tin Mừng hôm nay cho sự bất lực của con người, hoàn cảnh đẩy đưa làm cho con người dường như rơi vào tuyệt lộ, cụ thể là bà góa thành Nain, một người phụ nữ hết sức đáng thương.

Chúng ta biết bà đáng thương, vì chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời của bà là người chồng đã chết, chỉ còn một đứa con duy nhất làm chỗ dựa tinh thần.

Thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa, nhà xập bìm bìm leo, con trai bà lại chết, tình cảnh đáng thương của bà lại trở nên bi đát hơn. Chúng ta thấy cuộc đời của bà là một ngõ cụt rồi, chẳng còn đường nào để đi cả, thế nhưng khi gặp Chúa, Chúa đã mở cho bà một đường đi tới, mở ra cho bà một tương lai tươi sáng, đó là cho con trai của bà sống lại.

Như thế, chúng ta thấy chỉ có Chúa mới có thể làm cho con người ta từ tuyệt vọng trở nên có hy vọng, từ bóng tối bước ra ánh sáng, từ tuyệt lộ bước vào hữu lộ.

Hình ảnh người đàn bà đáng thương đó có phải là hình ảnh của mỗi người chúng ta không? Thưa không chỉ là hình ảnh của mỗi người chúng ta, mà còn là hình ảnh của những người xung quanh chúng ta.

Nên, trong cuộc đời của mình, chúng ta phải ý thức được rằng không chỉ mình mới đáng thương, mà người khác họ cũng đáng thương như mình vậy, nhiều người chỉ nghĩ tôi thật là đáng thương, còn người khác thì không đáng thương.

Chẳng hạn như trong dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót, chỉ nghĩ mình đáng thương, còn người khác không đáng thương, để rồi chính mình lại không đáng thương trước mặt chủ.

Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi hãy suy tư thêm, đó là khi chúng ta đáng thương, thì chúng ta phải thấy được người khác cũng đáng thương, khi chúng ta cần đến Chúa, thì người khác cũng cần đến Chúa.

Chính vì thế, khi đã có Chúa, khi đã được Chúa thương xót, thì chúng ta cũng hãy biết đem Chúa đến cho những người khác, bởi họ cần tình thương của Ngài. Chúng ta phải giúp cho họ tin rằng Chúa vẫn hiện diện, qua những hành động tốt lành của mỗi người chúng ta. Amen.

 



 

Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

(Ds 21,4b-9 (hay Pl 2,6-11); Ga 3,13-17)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Ds 21,4-9: Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Tv 78,7: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa.

Pl 2,6-11: Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người.

Ga 3,13-17: Con Người phải bị treo lên.

Bài đọc từ Sách Dân Số cho thấy cộng đồng người Do Thái đã được cứu khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và họ cũng muốn được cứu khỏi cái chết vì đói và khát trong sa mạc. Tuy nhiên họ đã càm ràm, càu nhàu, phàn nàn và đòi hỏi Thiên Chúa. Chính vì tính tình bất ưng của họ mà Chúa đã sai rắn lửa ra để dạy họ bài học nhớ đời. Và cũng ngay sau đó, Chúa đã thương xót và cứu chữa họ. Thiên Chúa thay đổi con rắn của thảm họa thành một cử chỉ chữa lành và cứu rỗi. Hình ảnh con rắn giương cao có ý chữa lành. Hình ảnh Thiên Chúa giận dữ, giờ đây thay đổi thành một người chăm sóc nhân từ.

Thư Philipphê cho ta biết Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một của Ngài đến cứu nhân loại khỏi cái chết do tội lỗi. Thiên Chúa không bỏ thế gian này cũng như không lên án, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu độ. Tin mừng hôm nay là lời tiên báo cho sứ vụ của Đấng Cứu Thế. Hành trình cứu độ của Ngài biểu lộ cao điểm nơi thập giá. Chúa phán: “Khi tôi được cất lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12,32). Ước gì chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa.




 

 Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay là lễ Suy Tôn Thánh Giá, nghe nói đến thánh giá, chúng ta nghĩ ngay đến đau khổ, đến cái chết, đến vất vả khó khăn, đến việc chịu đựng, từ bỏ, vì có lần Chúa đã nói: “Ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình vác thập giá hằng ngày mà theo.” Vậy khi suy tôn thánh giá có phải chúng ta suy tôn những đau khổ hay không? Bởi vì khi nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy một hình ảnh hết sức đau khổ của Chúa Giêsu!

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta được mời gọi hãy nhớ lại hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Tại sao Chúa Giêsu Phục Sinh không hiện ra với một thân thể toàn bích? Người có quyền năng tuyệt đối, thế sao Người vẫn để những vết thương nơi tay chân và cạnh sườn? Nếu là chúng ta, thì chúng ta sẽ hiện ra với một thân thể hoàn chỉnh, sáng láng chứ làm sao lại có những dấu đinh trên đôi bàn tay, đôi bàn chân và nơi cạnh sườn? Điều này có ý nghĩa gì?

Thưa khi để những vết thương nơi chân tay và cạnh sườn, chắc chắn Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng tất cả những ai muốn chia sẻ vinh quang Phục Sinh, thì cũng phải xỏ ngón tay vào cạnh sườn, vào lỗ đinh nơi tay và nơi chân của Người, xỏ vào không phải vì tò mò, mà là để khám phá ra đau đớn của Chúa trong cuộc thương khó và chỉ khi nào chia sẻ được nỗi đau đó người ta mới tiếp được sức mạnh của Chúa Phục Sinh.

Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi hiểu thêm nữa, nếu thương tích của Chúa Giêsu không còn sau khi Người sống lại, có thể ta sẽ quên Người, sẽ không nhớ đến Người.

Người ta kể rằng: Tại New York, trong khoảng thời gian sáu năm, một người phụ nữ đã phải đối mặt với cảnh ba đứa con của mình bị bắn chết. Đứa nhỏ nhất bị bắn ngay trước cửa nhà bà. Sự kiện này đã để lại một vết thương sâu đậm trong tâm hồn bà. Vết thương ấy luôn làm bà nhức nhối trong từng khoảnh khắc. Tuy nhiên, bà không để mình bị trói buộc trong nỗi sợ hãi. Trái lại bà tìm cách đến với người khác. Bà đi diễn thuyết khắp nơi về cái chết của Chúa Giêsu. Bà thường chất vấn bằng câu: Chúa bị đóng đinh vào thập giá vì ai? Người chết cho ai? Và Người sống lại để làm gì? v.v.

Nhờ ơn Chúa, bà trở thành một nhà hùng biện tranh đấu cho việc kiểm soát vũ khí, nhất là trở nên một nhân chứng sống động cho niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh vì chúng ta.

Bà cho biết ban đầu bà ước sao cho những đứa trẻ vô tội ấy đừng sinh ra còn hơn. Nhưng bây giờ thì bà nói: “Hẳn nhiên trong cái chết của chúng có một nỗi buồn phiền, thế nhưng cũng có một niềm vui không thể tin được. Nếu tôi đã không có ba đứa con bị giết thì tôi đã không là một con người như hôm nay. Chúng giúp tôi mạnh mẽ, chúng giúp tôi sống không ích kỷ.” Khung cửa nhà bà vẫn còn lại những vết đạn đã bắn chết đứa con út của bà. Tuy nhiên bà không cho sửa lại khung cửa ấy. Bà nói: “Tôi muốn những lỗ đạn ấy còn mãi ở đấy để nhắc cho mọi người nhớ là có người đã bị giết chết ngay chỗ ấy. Nếu sửa lại thì người ta sẽ quên.”

Như vậy, khi suy tôn thánh giá không phải chúng ta suy tôn đau khổ, nhưng qua đó, một mặt chúng ta tiếp được sức mạnh từ Chúa, Chúa đã đau khổ như thế, đã chịu chết vì tôi như thế, thì những đau khổ tôi chịu ở đời này có thấm vào đâu với nỗi đau khổ của Chúa, đó là động lực cho chúng ta.

Mặt khác, khi suy tôn thánh giá chúng ta nhớ đến tình yêu của Chúa dành cho mình, để chúng ta nhớ đến Chúa, mà cám ơn Người qua lời nói, cũng như qua hành động của mỗi người chúng ta, nếu không chúng ta sẽ quên Chúa, quên đi tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

Hiểu được như thế, khi nhìn vào đời sống thực tế ngày hôm nay, chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi tại sao mà giới trẻ không biết được nỗi lòng của cha mẹ, để rồi dường như vô cảm với thế giới này, không quan tâm gì cả, tại sao vậy? Thưa vì họ chỉ thấy toàn là màu hồng, mà quên rằng phía sau màu hồng đó là những hy sinh vất vả của ông bà cha mẹ, cũng như của biết bao nhiêu người, chính vì thế mà họ không biết quý trọng những gì họ đang có và thụ hưởng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, và xin Chúa ban ơn chúc lành cho chúng ta, để mỗi khi chiêm ngắm thập giá Chúa, chúng ta nhớ lại tình yêu của Chúa dành cho mình, mà cố gắng sống tốt lành thánh thiện như ý Chúa muốn. Amen.




 

Lm. Antôn Trần Quốc Huy 


Lời Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muộn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật khôn ví và cũng không thể nào hiểu được. Tình yêu ấy vượt qua mọi ranh giới và trí hiểu của con người. Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta nên đã trao ban Con Một của mình để cứu độ chúng ta. Người con ấy chính là Chúa Giê-su, Ngài đã vâng phục Chúa Cha và chấp nhận cái chết đau đớn, tủi nhục trên thập giá vì chúng ta. Đứng trước tình yêu cao vời ấy, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Chúng ta đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng tình yêu hay bằng sự phản bội, bằng lòng biết ơn hay sự vô ơn? Liệu rằng, chúng ta có sống xứng đáng với tình yêu và ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta, có xứng đáng với giá máu mà Chúa đã đổ ra vì chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa,

Thánh giá - tình yêu cao vời

Cho con mang lấy, một đời tín trung.

 



Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

(Dt 5,7-9; Ga 19,25-27 hay Lc 2,33-35)

 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

 

1 Cr 15,1-11: Chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy..

Tv 118,1: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm.

Ga 19,25-27: Làm thế nào người mẹ yêu thương đó đã bị đâm thâu bởi sự buồn rầu và đau khổ khi bà nhìn thấy những đau khổ của Con mình.

Hội Thánh tôn kính Lễ Tưởng Niệm Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Mẹ Maria bị cuốn vào cuộc xung đột nội tâm dữ dội khi con của Mẹ đang ở giữa lằn ranh sống chết. Và những suy nghĩ của nhiều tâm hồn sắp được bày tỏ khi Đức Maria chia sẻ về cuộc tử đạo của Chúa Kitô với nỗi buồn của mình.

Cũng như cái chết của Đức Kitô không phải là vô ích, cũng không phải là nỗi buồn của mẹ Ngài, miễn là có những người có đức tin sống theo sự khởi đầu mới của nó. Như Phaolô nhắc nhở chúng ta, chúng ta phải giữ vững niềm tin rằng Đức Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta. Hôm nay, chúng ta có cơ hội nhìn lại sự kiện đau khổ. Vì vậy chúng ta phải liên đới với những người cùng đau khổ và đau khổ với họ, nhưng không phải là không có hy vọng. Cuộc đời của Mẹ Maria cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể thoát khỏi nỗi đau khi là môn đệ của Đức Kitô. Thay vào đó, chúng ta nên chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô với Mẹ Maria và với nhau. Học theo Thánh vịnh, ta cùng động viên nhau để vượt qua khổ đau: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm.”




 

Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Hôm qua chúng ta mừng lễ suy tôn thánh giá, và ý nghĩa của lễ này không phải là tôn vinh sự đau khổ, nhưng là để chúng ta nhìn vào thập giá Chúa mà nhớ đến tình yêu của Người dành cho mỗi người chúng ta, để chúng ta sống tốt lành thánh thiện hơn, và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Hôm nay lễ Đức Mẹ Sầu Bi cũng cùng một ý nghĩa đó, chúng ta không suy tôn, không dừng lại ở những đau khổ của Mẹ, nhưng chúng ta nhìn vào những đau khổ đó để yêu mến Mẹ nhiều hơn, mà năng chạy đến với Mẹ.

Ở đây xin được kể một câu chuyện thực tế trong đời sống để ta thấy tại sao có người lại hiếu thảo với cha mẹ, có người lại không. Câu chuyện mang tên Mẹ Làm Phiền Anh Vậy Đó:

Có một gia đình kia mới cưới nhau, anh chị yêu thương nhau nhiều lắm, nhưng mà khổ nỗi là ở chung với bà mẹ chồng. Một ngày nọ anh chàng chuẩn bị đi làm, anh vừa mở cửa thì bà vợ chạy ra với vẻ mặt rất là bực bội: “Tôi chịu không nổi nữa rồi, mẹ của anh phiền quá, tôi chịu không nổi. Bây giờ phải quyết định, một là bả đi, hai là tôi đi.” Và chị ta đi vào phòng đóng cửa cái rầm lại. Anh chồng thản nhiên mở cửa đi vào gặp vợ: “Thôi thì bây giờ mình soạn đồ đi, cho mẹ đi viện dưỡng lão. Nhưng mà trước khi đưa mẹ đi tới viện dưỡng lão, anh sẽ kể cho em nghe một câu chuyện, để em biết mẹ của anh phiền như thế nào.” Và anh ta lục ở dưới gầm giường lấy ra một cái hộp gỗ, bọc kỹ lắm, mở ra thì có ba tấm hình. Tấm thứ nhất anh đưa cho vợ coi và nói: “Em biết không đây là tấm hình ngày anh mới sinh ra đời, mẹ anh phiền lắm, ba anh kể lúc ấy bác sĩ nói rằng hãy mổ đưa con ra hoặc là hãy chích thuốc tê để không thôi sẽ đau đớn lắm, nhưng mẹ nói: “Không, tôi không muốn chích thuốc tê, tôi muốn đứa bé nó được ra đời bình an, tôi không muốn nó bị thuốc gì làm hại cả, tôi thà chịu đau, để cho con tôi nó ra nó được lành mạnh.” Em thấy không, mẹ anh phiền như vậy đấy.

Anh ta lấy tấm hình thứ hai là lúc anh ta ra trường, và nói rằng: “Em biết không, khi anh lên 10 tuổi thì bố đã bỏ 2 mẹ con anh, để đi theo người đàn bà khác và lúc ấy mẹ anh khóc hết nước mắt, bà buồn lắm, nhưng mà nghĩ tới con, bà buộc phải làm phận sự của người mẹ và người cha nữa, bà phải làm ba buổi trong ngày, sáng sớm thì đi bán xôi, chiều đến thì phải đi giúp cho những bà nhà giàu làm ôsin, tối lại đi phụ quét đường, mẹ anh phiền vậy đấy, nhưng để làm gì? Để cho anh có tiền đi học thêm tiếng anh, mẹ anh phiền như vậy đấy” Và anh thấy bà vợ bây giờ thinh lặng, mặt tái mét.

Rồi anh lấy tấm hình cuối cùng khi anh đám cưới: “Em biết không, trước ngày đám cưới, mẹ anh đã vào gặp anh, mẹ nói bây giờ mẹ không còn ước muốn gì nữa rồi, bởi vì con đã thành đạt, con đã lập gia đình, mẹ chỉ mong ước một điều là xin cho mẹ được ở với con, để mẹ lo lắng cho con, lo cho vợ con, rồi lo cho những đứa con của con, đó là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời của mẹ.” Và anh nhìn qua thì thấy người vợ chợt khóc, chị ta nhận ra được một điều là ở nơi người mẹ này, hằng ngày bà ta bị bệnh lãng trí, cứ dẹp cái này rồi thì lại bày ra, nhưng mà ở sau những sự phiền toái ấy lại là một người đàn bà vĩ đại, và chị ta khóc, nhìn chồng và nói: “Cám ơn mẹ đã sinh ra một người con vĩ đại như vậy và cho em một người chồng quá là tuyệt vời. Bây giờ em chỉ muốn một điều là em làm phiền mẹ thay vì để mẹ làm phiền em.”

Xin cho mỗi người chúng ta biết nhìn vào những đau khổ của Mẹ Maria để yêu mến Mẹ hơn và chạy đến với Mẹ. Chắc chắn Mẹ sẽ cầu bàu cùng Chúa ban ơn cho chúng ta, vì không có người mẹ nào mà không thương đứa con mình mang nặng đẻ đau, chúng ta cũng được Đức Mẹ sinh ra trong đau khổ, khi Chúa Giêsu chết trên thập giá đã trối chúng ta lại cho Mẹ.

Và xin cho chúng ta hãy biết nhìn đến công lao vất vả của cha mẹ mình để yêu thương, hiếu thảo với các ngài. Là những bậc phụ huynh, chúng ta hãy cho con của mình thấy được điều đó, thấy được những nỗi vất vả lo toan của chúng ta, không phải để kể công, nhưng để con em cảm nghiệm được tình yêu của mình dành cho nó như thế nào, mà sống tốt lành thánh thiện hơn trong cuộc đời này, thế là đủ cho chúng ta. Amen.

 

 




Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên

 (1Cr 15,12-20; Lc 8,1-3)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

1 Cr 15,12-20: Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị.

Tv 17,15: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.

Lc 8,1-3: Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Trong thư Côrintô, ta nghe Phaolô dạy cho tín hữu một niềm tin cơ bản về đức tin. Kitô hữu tin vào Chúa Kitô phục sinh và sự phục sinh của loài người. Phaolô đang đối đầu với những người nghi ngờ sự sống lại của người chết. Phaolô nói: “Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi.” Lời của Phaolô thật sâu sắc và rõ ràng. Chúng ta có quà tặng đức tin đặt trên nền tảng phục sinh của Đức Kitô.

Phúc âm Luca tường thuật việc Chúa Giêsu rao giảng và công bố Tin mừng về Nước Trời. Cùng đi với Chúa có các môn đệ và các phụ nữ. Mọi người đều có phần đóng góp cho sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ta nhận thấy mối liên hệ giữa niềm tin và hành động. Tin và hành động là hai động từ yêu cầu mọi người phải thực hiện. Tạ ơn Chúa vì Hội Thánh có nhiều gương sáng khích lệ về việc chăm sóc mục vụ và liên tục làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong đau khổ để minh chứng cho sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chẳng hạn như thánh Cornelius và Cyprian tử đạo, mà ta tưởng nhớ hôm nay.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã vào hội đường ở Nazareth và chính thức công bố sứ vụ của mình qua đoạn sách Ngôn sứ Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, tả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc4,18-19).

Tin Mừng hôm nay nói đến sứ vụ giải thoát của Chúa Giêsu. Người giải thoát những người phụ nữ khỏi bị giam cầm, không phải theo nghĩa thể lý là bị giam giữ hay tù đày, nhưng là bị giam cầm trong chính tư tưởng của những con người lúc bấy giờ. Họ bị xem thường, bị đàn ông cho là vô dụng, là dịp tội, là cớ cho người khác vấp phạm. Chính vì lý do đó, mà nhiều khi họ mặc cảm để rồi tự giam cầm chính mình, vì tưởng rằng mình không thể làm được điều gì cả.

Chắc chúng ta cũng nghe chuyện con voi và cái cọc nhỏ: Sau khi thưởng thức tiết mục xiếc thú vô cùng đặc sắc, một thanh niên đi vòng ra sau rạp để ngắm tận mắt những con thú dễ thương. Bất ngờ, anh nhìn thấy con voi to khỏe bị buộc chặt vào một cọc gỗ nhỏ. Rõ ràng là con voi đủ khỏe để nhổ bật cái cọc và trốn thoát bất cứ lúc nào một cách dễ dàng.

Anh bèn hỏi người dạy thú: “Sao ông buộc con voi to khỏe với một chiếc cọc nhỏ thế kia, không sợ nó lồng lên và chạy mất sao?”

“Nó sẽ không chạy đâu.” Người dạy thú đáp.

“Ông có chắc không, sao lại có thể như thế được.” Người thanh niên tiếp tục thắc mắc.

Lúc này thì người dạy thú mới giải thích: “Cách đây nhiều năm, lúc mới vào rạp xiếc, nó chỉ là một chú voi con. Lúc ấy, nó bị buộc bằng một sợi xích lớn vào một cọc sắt để giữ cho nó không thể bật ra. Sau một thời gian cố gắng chạy thoát nhưng không được, nó bỏ cuộc. Dấu ấn lúc bé cùng tư tưởng “Mình không thể” đã làm yếu đi sức mạnh tinh thần và chính cái tư tưởng cố hữu mới là thứ xiềng xích nó chứ không phải cái cọc bé nhỏ kia.”

Chúa Giêsu đặc biệt lưu tâm tới các phụ nữ: Chúa cho con trai bà góa thành Nain sống lại, Chúa phục hồi phẩm giá người phụ nữ tội lỗi tại nhà ông Biệt Phái Simon, và  trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho các phụ nữ đi theo Người trên hành trên hành trình truyền giáo.

Nghĩa là Chúa muốn thay đổi tư duy của con người lúc bấy giờ, Chúa muốn họ phải tự mình giải thoát khỏi tư tưởng xem người phụ nữ vô dụng, và cũng qua đó Chúa muốn cho người phụ nữ thấy được phẩm giá của họ, để họ có thể phục vụ Chúa và Giáo hội. Nghĩa là muốn họ cũng hãy giải thoát khỏi tư tưởng tự cho rằng mình vô dụng, mình không thể làm gì được.

Suy rộng ra, Lời Chúa hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta phải giải phóng tư tưởng của chúng ta về cái nhìn đối với người phụ nữ, nhưng còn là những cái nhìn khác nữa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi tư tưởng của mình, nhất là những tư tưởng xấu, tư tưởng kiềm hãm con người, tư tưởng đưa con người đến sự chết. Chúng ta hãy thay đổi tư tưởng của mình, để cho người khác có thể phát huy được khả năng của họ, để họ phục vụ Chúa và Giáo hội của Ngài. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng tư tưởng thay đổi phải phù hợp với Kinh thánh, với giáo huấn của Giáo hội, nếu không thì sẽ không mang lại hiệu quả mà là hậu quả. Amen.

 


 


Lm. Antôn Trần Quốc Huy 

Lời Chúa: “Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” (Lc 8,3)

Suy niệm: tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy tấm lòng quảng đại của các người phụ nữ, đó là bà Maria Mác-đa-la, bà Gio-an-na, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà đã chia sẻ của cải của mình để giúp đỡ Chúa Giê-su và các môn đệ. Các bà đã quảng đại cộng tác vào công việc chung. Việc làm của các bà thật ý nghĩa và là tấm gương cho mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một thế giới chạy theo của cải vật chất. Nhiều người chỉ tập trung thu góp cho bản thân mình. Họ lao đầu vào công việc để kiếm thật nhiều tiền để phục vụ cho cuộc sống cá nhân mà đôi khi quên đi những người xung quanh, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh cần sự giúp đỡ, sẻ chia. Đồng thời chủ nghĩa cá nhân đang chiếm thế thượng phong và con người ít quan tâm đến lợi ích của tập thể, của cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp của các phụ nữ trong tin mừng hôm nay là bài học quý báo cho mỗi người chúng ta. Qua đó, chúng ta hãy học nơi các bà tấm lòng quảng đại, sẻ chia với những người xung quanh và hãy sống có trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình và với giáo xứ, đặc biệt là với những mảnh đời bần cùng, đói khổ xung quanh chúng ta.

Cầu nguyện: xin  cho mỗi người chúng con luôn biết sống quảng đại và sẻ chia với những người cần đến sự giúp đỡ của chúng con.





Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên

 (1Cr 15,35-37.42-49; Lc 8,4-15)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

1 Cr 15,35-37.42-49: Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ.

Tv 56,14: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh.

Lc 8,4-15: Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái.
 

Phaolô khơi dậy trí tưởng tượng về cuộc sống thể xác trong Nước Chúa. Ngài nhấn mạnh vào một cơ thể tâm linh, nhưng ngài sử dụng các phép loại suy trần thế. Hình ảnh và cuộc sống của hạt giống được Phaolô dùng để diễn đạt ý tưởng cao sâu. Một hạt giống tiêu hao hoàn toàn những gì tinh túy nhất của bản thân vì sự sống của thế hệ tương lai. Điều này thần học thường đề cập đến mầu nhiệm tự hủy. Tự hủy là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Mầu nhiệm tự hủy trọn vẹn của cuộc sống con người và thiêng thánh nuôi dưỡng mọi tạo vật trong mọi thời.

Tuy nhiên, điều kiện để hạt giống phát huy hết tiềm năng thì phải có nơi chốn thích hợp. Trong Tin Mừng, dụ ngôn của Chúa Giêsu cho biết rằng hạt giống phải mục nát ở nơi thích hợp. Đất tốt là nơi đồng hành với hạt giống trong suốt quá trình tận hiến bằng tấm lòng tốt lành và thiện hảo, giữ lời Chúa và kiên nhẫn. Điều kiện kèm theo là tránh xa cỏ dại của thờ ngẫu tượng, những thứ gây nghẹt thở và giết chết như là hời hợt, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui. Với Phaolô, ta tin “gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ.”



 

Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Lời Chúa hôm nay gợi lên suy nghĩ: làm sao để mảnh đất tâm hồn của chúng ta là mảnh đất tốt hầu có thể đón nhận lời Chúa và sinh hoa kết quả trong cuộc đời chúng ta?

Theo cái nhìn tự nhiên, chúng ta biết đối với đất xấu, chúng ta có thể cải tạo được, nhưng theo cái nhìn Kinh thánh, nói theo thánh Phaolo thì: tôi trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa giúp cho lớn lên.

Thế thì đối với mảnh đất tâm hồn thì sao? Cũng tương tự như vậy, để có mảnh đất tâm hồn tốt, theo cái nhìn tự nhiên, thì chúng ta có thể cải tạo được. Chẳng hạn như câu chuyện về mẹ Mạnh tử 3 lần dời chỗ ở để cho con mình phát triển toàn diện về đời sống, nghĩa là con người phải chủ động.

Nhưng theo cái nhìn Kinh thánh, thì yếu tố con người chỉ là điều kiện cần, chỉ là Phaolo, chỉ là Apolo, còn ơn Chúa mới là điều kiện đủ, ơn Chúa mới có thể giúp biến đổi, nếu gạt bỏ Chúa qua một bên mà dựa vào sức mình thì Chúa không cần phải xuống thế làm người, không cần phải chịu chết vì con người để làm gì. Nên chúng ta phải hiểu, tự sức chúng ta không thể làm gì được, nếu không có ơn Chúa.

Mẫu gương của thánh nữ Mônica là một bằng chứng. Bà sống tốt lành, thánh thiện, kiên trì cầu nguyện, và nhờ ơn Chúa cho bà lòng kiên nhẫn. Cụ thể, Chúa dùng dụng cụ của Chúa là thánh Ambrôsiô để khuyên bà, vì có lúc bà thất vọng muốn buông xuôi: “Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao giọt nước mắt sẽ không thể nào hư mất.” Cuối cùng với ơn Chúa giúp, đứa con của bà là thánh Augustino đã được biến đổi trở thành vị đại thánh của Giáo hội.

Như vậy, tự sức con người khó mà có thể cải tạo mảnh đất tâm hồn của mình, hay tâm hồn của người khác, nhưng chỉ có ơn Chúa, chỉ có lời của Chúa mới là yếu tố quan trọng, còn con người chỉ cộng tác vào để làm cho ơn Chúa, cho lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc đời của mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta đừng nghĩ mình là nhân vật quan trọng có thể thay đổi được chính mình, có thể thay đổi được người khác, có thể thay đổi được thế giới, đừng nghĩ mình là người chủ động. Thật ra Chúa mới là Đấng chủ động, còn chúng ta chỉ là người đáp lại lời mời gọi của Chúa mà thôi, nghĩa là tất cả đều là do ơn Chúa ban.

Thánh vịnh có nói: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thờ nề vất vả cũng là uổng công, thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công bạn trấn thủ canh đêm, ban có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công, còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa, xác tín rằng chỉ có Chúa mới có thể làm được những điều kỳ diệu nơi cuộc đời của chúng ta, cụ thể là biến đổi cuộc đời chúng ta thành những mảnh đất tốt, nếu chúng ta muốn điều đó. Amen.