30/04/2021
683
Suy niệm Chúa Nhật V Phục Sinh-Năm B_Lm Trầm Phúc

















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 5 Phục Sinh năm B

Lời Chúa: Ga 15,1-8

 

Đây là một đoạn trong diễn từ cuối cùng trong bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Đây cũng là một đoạn của “lời trăn trối thiêng liêng cuối cùng” của Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là nhánh nho”.

Chúa dùng hình ảnh của cây nho và cành nho để nói lên mối liên hệ giữa Ngài và các môn đệ là chúng ta. Đó là một mối liên hệ sống còn. Cành nho không thể sống mà không dính liền vào gốc nho, vì sự sống của cành nho được lưu chuyển từ gốc nho.

Chúa dùng hình ảnh cây nho là rất thích hợp vì trồng nho phải biết tỉa nho, cây nho mới có nhiều trái. Cần phải có kỷ thuật cắt tỉa những cành nhỏ không thể có trái. Nếu không biết tỉa, cây nho sẽ không có nhiều trái và trái cũng không tốt như mong ước. Chúa Cha là người trồng nho. Cành nào không sinh trái thì Ngài cắt đi, còn cành nào sinh trái, Ngài sẽ tỉa sạch”. Những cành nào không sinh trái? Là những người giữ đạo mà không sống theo ý Chúa, dân nầy thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng nó xa Ta muôn trùng. Những cành có thể sinh trái, là những người thành tâm thờ phượng Chúa, sẽ được tỉa sạch tức là sẽ được thanh luyện bằng những thử thách khác nhau. Những thất bại trong cuộc sống, những cơn bệnh bất thần hay lâu dài, những mất mát trong gia đình, những cám dỗ v.v. là những phương tiện Chúa dùng để tinh luyện chúng ta. Chấp nhận một cách vui lòng những thử thách đó, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ thêm được nhiều hoa trái thiêng liêng, những hoa trái mà chúng ta không thể ngờ.

“Thầy là cây nho, anh em là cành”. Cành nào không dính liền với thân nho sẽ bị khô héo”. Chúng ta chỉ có thể sinh hoa trái khi hợp nhất với Chúa mà thôi. Chúa mời gọi chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Câu nói nầy được lặp đi lặp lại 40 lần trong Tin Mừng Gioan. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta mang nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em không thể làm được việc gì. Vì thế, Ngài đã dùng một phương tiện lạ lùng là tự biến mình thành một tấm bánh, thành một miếng rượu nho để đến với chúng ta, làm một với chúng ta. Thật là kỳ diệu! Đó chính là phép lạ của tình yêu. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến tận cùng, vì thế Ngài không từ chối một điều gì với chúng ta. Nhưng chúng ta có thực sự đáp lại tình yêu của Ngài không? Chúng ta được quyền ăn lấy Ngài mỗi ngày, chúng ta có là một với Ngài như Ngài ước mong không? Chúng ta vô tình hờ hững một cách đắc tội! Chúng ta ăn lấy Ngài như một tấm bánh thông thường. Không! Ngài không là một của ăn thông thường, Ngài là Bánh Hằng Sống, Bánh ban sự sống. Ăn lấy Ngài, chúng ta là một với Ngài: “Không ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trong Chúa Kitô”. Nơi khác thánh Phaolô cũng nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Đó không chỉ là cảm nghiệm của thánh Phaolô mà thôi mà phải là cảm nghiệm của mỗi người chúng ta. Ăn lấy Chúa, chúng ta trở thành một cộng đoàn yêu thương như trong tình yêu phu phụ, một lòng một ý với Ngài. Hạnh phúc của chúng ta là được cùng sống với Ngài, yêu thương với Ngài, cực khổ với Ngài. Tóm lại là liên kết với Ngài liên lỉ. Chúng ta có biết hạnh phúc cao quí của chúng ta không?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho