21/10/2016
650
Suy niệm Chúa Nhật Truyền Giáo_Lm Trầm Phúc




















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 30 thường niên

Chúa Nhật Truyền Giáo

Lời Chúa: Mt 28,16-20

 

Chúng ta không giải thích về truyền giáo mà đi ngay vào vấn đề. Truyền giáo phát xuất từ con tim. “Thiên Chúa là Tình Yêu… Thiên Chúa muốn cứu thoát tất cả mọi người”. Vì yêu thương con người sa đọa trong tội lỗi, Người đã ban chính Con Một mình cho trần gian để cứu thoát mọi người. Và Người Con đó đã liều mạng để cứu vớt mọi người. Ngài đã yêu thương họ đến tận cùng. Nguồn gốc của việc truyền giáo phát xuất từ ý định yêu thương đó của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô Cả đã nói: “Ai không yêu mến tha nhân thì không thể lãnh nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng”.

Chúng ta hiểu truyền giáo là gì? Đơn giản nhất, truyền giáo chính là giúp người khác biết Chúa và yêu mến Chúa. Như thế ai cũng có thể truyền giáo và có thể dùng rất nhiều hình thức để làm việc đó. Nhiều người cứ tưởng rằng truyền giáo là một việc dành cho những người có nhiệm vụ trong Giáo Hội, những người được học hành các khoa đạo đức, những người có trình độ v.v. Làm cho mọi người biết và yêu mến Chúa thì ai cũng làm được. Vậy thì mọi người có thể truyền giáo, không trừ ai, chỉ trừ những người không muốn truyền giáo. Nhưng tất cả phải bắt nguồn từ tình yêu: Mến Chúa và yêu người. Không yêu mến Chúa thì ai muốn cho người ta biết Chúa? Người nào yêu mến Chúa chân tình mới cảm thấy muốn cho mọi người cùng yêu mến Chúa với mình. Người nào yêu mến Chúa mới yêu thương anh em mình và muốn cho họ được biết và yêu mến Chúa như mình để họ được hạnh phúc với Chúa. Người nào yêu mến Chúa tận tình mới dám dùng tất cả đời mình làm cho người khác yêu mến Chúa, dù phải hi sinh mọi thứ. Người nào yêu mến Chúa mới cảm thấy đau xót vì quá nhiều người không yêu mến Chúa, mới đủ can đảm chịu đựng mọi gian khổ để giúp người khác yêu mến Chúa.

Làm cho mọi người yêu mến Chúa trở thành nhiệm vụ của mọi người tín hữu không trừ ai. Đó là đòi buộc tự nhiên của Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Chúng ta là con Chúa, chúng ta không thể làm thinh im lặng, nhưng phải làm cho danh Cha cả sáng, làm cho mọi người quanh ta trở thành con Chúa. Chúa Thánh Thần đến trong chúng ta qua phép Thêm Sức, biến chúng ta thành những chứng nhân cho Chúa.

Chúa Giêsu, trước khi lên trời, đã truyền cho các tông đồ phải rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian…”  Lệnh truyền này được ban cho mọi người chứ không chỉ cho các tông đồ. Và Chúa cũng đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít. Hãy xin chủ ruộng cho thêm nhiều thợ gặt”. Chúng ta có muốn gặt lúa cho Chúa không? Chúa cần nhiều thợ gặt, chúng ta có muốn cộng tác vào công việc mà Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ không? Giáo Hội không thôi kêu gọi con cái mình trở thành những thợ gặt để mọi người được hưởng nhờ hồng ân của Chúa. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, vì Giáo Hội phát xuất từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu, Giáo Hội cố đem nguồn ơn phát xuất từ trái tim của Chúa tuôn tràn cho mọi người, nhờ con cái của mình. Chúng ta không thể thờ ơ trước tình trạng của thế giới vô đạo.

Mọi người tín hữu đều được mời gọi vào đạo binh truyền giáo của Giáo Hội. Mỗi người trong hoàn cảnh sống của mình đều có thể truyền giáo. Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc mọi thành phần đều có thể là một chiến sĩ truyền giáo. Mỗi người, không trừ ai. Các Giám mục, linh mục, theo nhiệm vụ của mình. Giáo dân trong mọi thành phần cũng truyền giáo. Các tu sĩ, như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, dù sống trong những bức tường tu viện, vẫn là những nhà truyền giáo tích cực. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được Giáo Hội chọn làm bổn mạng của các xứ truyền giáo, vì trong bốn bức tường tu viện, chị đã tiếp tay với mọi người, cầu nguyện liên lỉ cho việc truyền giáo. Cha Charles de Foucauld, ẩn tu trong sa mạc vẫn là một nhà truyền giáo lỗi lạc. Chúng ta không thể là một Phaolô hay một Phanxicô Saviê, nhưng chúng ta phải là một chiến sĩ truyền giáo trong phạm vi nhỏ bé của mình.

Giáo dân là một đạo binh truyền giáo rất lớn, nhưng đa số không ý thức nhiệm vụ truyền giáo của mình. Đó là một điều đáng tiếc. Đa số nghĩ rằng họ không thể truyền giáo, vì họ không biết gì về việc truyền giáo cả, họ cố sống đạo để rỗi linh hồn thôi. Đó là một mặc cảm tai hại, và như thế Giáo Hội bị thiệt hại và không chinh phục được thế giới.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, thì mọi thành phần đều phải truyền giáo, vì mọi người là chi thể của một thân thể duy nhất. Trong một đạo quân, tất cả không thể là sĩ quan, mà ngược lại, thành phần quan trọng lại là quân nhân. Giáo dân chính là lực lượng chính yếu của Giáo Hội. Nếu tất cả mọi người giáo dân đều cố gắng truyền giáo, thì Giáo Hội sẽ nhanh chóng lớn lên và Tin Mừng mới được lan rộng ra trong mọi nơi. Những bà mẹ gia đình sẽ truyền giáo với những công việc hằng ngày của mình, những công nhân truyền giáo với những lao nhọc trong xưởng, trên công trường, những bệnh nhân cũng truyền giáo nhờ những đau khổ của mình. Mọi lao nhọc đau khổ của chúng ta là những vũ khí cần thiết để giúp cho các chiến sĩ truyền giáo. Các Kitô hữu đầu tiên đều là những chiến sĩ truyền giáo đắc lực. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca đã nói đến như sau: “Những Kitô hữu phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vì vụ ông Têphanô, đi đến tận miền Phênixi, đảo Sip và thành Antiokhia. Họ không rao giảng cho ai ngoài người Do Thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sip và Kyrênê, những người này, khi đến Antiôkhia, đã giảng cho những người  Hy Lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho họ”.

Giáo Hội là một thân thể, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, trong đó mỗi người có một chỗ đứng khác nhau, mỗi nhiệm vụ khác nhau, như thánh Phaolô đã nói, nhưng tất cả đều hoạt động cho thân thể. Thân thể đó sống bằng đức ái, lớn lên trong đức ái. Truyền giáo tức là sống yêu thương như đã nói ở trên. Các Kitô hữu đầu tiên đã chinh phục những người chung quanh chỉ vì họ thương yêu nhau. Đó là một chứng tá rất linh nghiệm. Sở dĩ các giáo xứ của chúng ta không tiến triển là vì chúng ta không thương nhau. Chúa Giêsu đòi buộc bằng chứng đó: “Người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em thương yêu nhau.

Người truyền giáo làm việc mà không trông vào kết quả thấy được vì kết quả là của Chúa. Đôi khi Chúa cũng cho thấy một vài kết quả nhưng đó chỉ là một vài an ủi mà thôi. Nhưng một điều chắc chắn là sẽ gặp khó khăn trở ngại. Chúng ta là những con chiên ở giữa bầy sói, Chúa đã báo trước như thế, nhưng đừng nản lòng. Chúa cũng đã nói: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Đúng, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Chúa sẽ ở cùng chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Ngài sẽ nuôi chúng ta, nâng đỡ chúng ta bằng chính của ăn là Mình Thánh Ngài. Ngài sẽ là sức mạnh tiềm tàng trong chúng ta, giúp chúng ta bền vững bước theo Ngài trên con đường truyền giáo. Còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta với Ngài là một trong khó nguy cũng như khi vui mừng. Ngài sẽ là niềm vui cho những ai dám làm việc trong vườn nho của Ngài. Ngài chính là niềm vui mà thế gian không thể biết. Hãy vui mừng vì chúng ta được gọi vào làm vườn nho của Chúa chúng ta và không có gì có thể cướp mất niềm vui của chúng ta.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho