27/05/2016
1182
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô_Lm Giuse Minh




















LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU KITÔ

Bánh Trường Sinh - Lương Thực Của Lòng Thương Xót

“Chính Anh Em Hãy Cho Họ Ăn

(St 14,18-20; 1cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)

Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô ra sắc dụ lập lễ kính Thánh Thể trong toàn Giáo hội mà chúng ta mừng kính hôm nay, đó là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô. Mục đích của việc thiết lập lễ này là để long trọng tạ ơn Chúa Giêsu Kitô đã dùng quyền năng siêu việt mà lập Bí tích Thánh Thể để ban bánh trường sinh cho nhân loại.

Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, Thánh Luca tường thuật phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để làm nên lời loan báo và hình dung trước về Bí tích Thánh Thể: Thánh Thể, tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; Thánh Thể diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh để mời gọi Kitô hữu sống tình bác ái huynh đệ.

I. Tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều – Loan báo trước về Bí tích Thánh Thể:

Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống dân chúng đi theo Ngài, Chúa Giêsu đã giảng dạy dân chúng nhiều điều và chữa lành nhiều bệnh nhân. Tất cả những việc Người làm cho thấy Người luôn chăm sóc cho con người. Ai cũng là đối tượng của tình thương của Chúa, nhất là những người đau khổ bệnh tật. Người chạnh lòng thương nói với các môn đệ: “Ta thương đoàn lũ dân này. Họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Đó là thái độ và hành động của người mục tử lý tưởng mà ngôn sứ Ezechiel đã nói trước; đồng thời cũng mô tả Chúa Giêsu là Môsê mới nuôi dân bằng thứ lương thực trổi vượt hơn Manna ngày xưa trong sa mạc Xinai. Đằng khác, phép lạ hóa bánh ra nhiều, cũng là lời loan báo và hình dung trước về Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập sau này.

Khi Giáo hội chọn đọc bài Tin Mừng Luca hôm nay, theo cha Eugène la Verdière, một học giả Kinh Thánh, vì Phúc âm Luca có một nét rất độc đáo. Đó là đã nhìn toàn bộ cuộc đời mục vụ của Chúa Giêsu dưới hai khía cạnh: “các bữa tiệc và các cuộc hành trình”. Có tất cả 10 bữa tiệc chính trong Phúc âm Luca. Tất cả các biến cố quan trọng đều xoay quanh khung cảnh trước hoặc sau 10 bữa tiệc quan trọng này. Do đó, khi bàn về đoạn Tin mừng hôm nay, một học giả Kinh Thánh đã viết: “mỗi giai đoạn trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng bữa ăn khoãn đãi dân Ngài”.

Trước hết là phép lạ hóa năm cái bánh và hai con cá ra nhiều. Khi các Tông đồ nói với Chúa Giêsu: “Xin Thầy cho đám đông về để họ vào các làng mạc, nông trại quanh đây tìm chỗ ở và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở, đây là nơi hoang địa” (Lc 9,12). Cách giải quyết vấn đề của các Tông đồ xem ra rất tự nhiên và bình thường. Tự dân chúng tìm đến đây thì tự họ phải lo thức ăn cho họ thôi. Các Tông đồ đâu có trách nhiệm gì về chuyện đó. Đây là cách suy nghĩ tự nhiên; nhưng Chúa Giêsu bảo họ: “Chính các con hãy cho họ ăn”. Đây là suy nghĩ của tình thương.

Lúc đó, Anrê giới thiệu với Chúa Giêsu ở đây có đứa trẻ có năm chiếc bánh và hai con cá. Nhưng ngần đấy thì có thấm thía vào đâu. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy đem lại đây cho Thầy”. Và Ngài bảo các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”, rồi Ngài cầm lấy bánh và cá dâng lời chuc tụng, bẻ ra trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Số người được ăn no nê khoảng 5000 người, đa phần là dân thành Caphacnaum, mà còn dư mười hai thúng đầy.

Với cái nhìn phân tích, phép lạ này xuất phát từ động lực chính, đó là lòng thương xót của Chúa đối với dân Ngài. Tuy nhiên, qua phép lạ này chúng ta có thể coi đây như là một sự loan báo trước về phép Thánh Thể sau này.

II. Thánh Thể, Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô:

Khởi từ nguồn mạch tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu đến để công bố và trao ban tình yêu ấy cho nhân loại. Cho nên mọi hành vi và lời nói của Người đều thể hiện một mục đích duy nhất ấy. Chúa giảng dạy vì thương con người đi trong u mê lầm lạc của tội lỗi cần được khai sáng; Chúa chữa lành vì thương muốn giải thoát bệnh nhân khỏi gánh nặng của đau khổ; Chúa hóa bánh ra nhiều vì thương, Chúa muốn cho người đói khát được no nê. Và trên hết Người đã dâng hiến chính bản thân mình, chính máu mình như lời Người dạy: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54). Lương thực này tặng hiến cho nhân loại để họ được sống và sống dồi dào như lời hứa của chính Người. Để thể hiện lời hứa, Người đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại để nuôi sống thể xác lẫn tâm hồn, cùng với đời sống tâm linh của dân Người. Sự dâng hiến xác thân của Con Thiên Chúa được gọi là Bí tích Thánh Thể, đó là sự dâng hiến tình yêu cho đến tận cùng của Thiên Chúa qua Người Con Một yêu dấu là Đức Giêsu Kitô.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn trao ban tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng ta trong hiến tế Thánh Thể. Đón nhận Thánh Thể là đón nhận tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, là sống mối tình của Thiên Chúa, để rồi sẽ trải lòng ra yêu thương mọi người.

III. Thánh Thể mời gọi Kitô hữu sống hiệp thông và bác ái huynh đệ:

Khi các môn đệ đề nghị Chúa Giêsu giải tán dân chúng để họ đi tìm kiếm thức ăn thì chính Người đã nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Điều này cho thấy Chúa Giêsu muốn mời gọi sự cộng tác của con người vào trong công việc của Người. Trong Bí tích Thánh Thể cũng thế, Mình Thánh Chúa được biến đổi từ chính của lễ do con người dâng hiến là bánh và rượu, là hoa màu ruộng đất, là sản phẩm của cây nho và lao công của con người. Xin dâng lên để bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.

Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium). Vì thế, Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Tiệc Thánh Thể là cuộc họp mặt của các tín hữu. Cộng đoàn phụng vụ hiện diện, mặc dù, bao gồm nhiều thành phần đa dạng, nhưng với tiệc Thánh Thể chúng ta trở nên duy nhất trong Chúa Kitô. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô đã viết: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Do đó còn gì gần gũi hơn, thân thiết hơn khi trong chúng ta đều luân lưu một của ăn và một thức uống, đều có chung một nguồn sống là Chúa Kitô. Nhưng từ đó, nguồn suối mang sự sống của Chúa Kitô cũng phải được chuyển thông cho anh chị em đồng loại của mình. Thế giới chung quanh ta ngày nay có rất nhiều tiến bộ, với những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến; nhưng thống kê của cơ quan lương thực thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi ngày có khoảng 400.000.000 người phải đi ngủ với bụng đói, không có gì để ăn và 15.000 người phải chết đói hàng ngày. Những người này cần được thương xót tinh thần lẫn vật chất, cần có cơm ăn, áo mặc, cần có nơi cư trú, cần tình thương, cần nâng đỡ ủi an. Vậy “hãy thương xót như Cha trên trời”.

Để thể hiện tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại, người tín hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến đốt cháy lửa mến yêu trong lòng chúng ta, để chúng ta nhận ra chúng ta đói khát Mình Chúa và Lời Chúa, là quà tặng vô giá Chúa ban cho nhân loại. Và xin Chúa Thánh Thần đào luyện con tim chúng ta trở nên con tim biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, để chúng ta cũng trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người.

Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn nhờ việc tham dự vào tiệc Thánh Thể, cũng như qua việc được chia sẻ sự sống của Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con được lớn lên, được trưởng thành trong đức ái, sẵn sàng đóng góp phần của mình để phục vụ anh chị em, để rồi trong cuộc đời lữ hành trần gian chúng con sẽ được no đủ và vững bước tiến về quê trời mà không lo sợ phải mệt lả dọc đường.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho