26/03/2021
408
Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá-Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật Lễ Lá

Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa

Lời Chúa: Mc 14,1-15,47

 

Bắt đầu tuần thánh năm nay, Giáo Hội khuyến khích chúng ta suy ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu qua cái nhìn của thánh Maccô. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được cả bốn thánh sử tường thuật lại, mỗi người có cách nhìn của mình, tùy theo hoàn cảnh và các đọc giả.

Thánh Maccô luôn nhấn mạnh đến thần tính của Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa đến trong trần gian để cứu chúng ta, mang lại cho chúng ta nguồn sống thần linh đã bị đánh mất.

Suy ngắm cuộc thương khó của Chúa không phải để chúng ta cảm động sụt sùi, nhưng để chúng ta thấy rõ hơn, kinh nghiệm thực tế hơn về tình yêu của Thiên Chúa qua người Con.

Cuộc khổ nạn nói gì với chúng ta? Không bằng lời mà thôi, mà bằng đau khổ, bằng nhẫn nhục, cuộc khổ nạn là tình yêu được thể hiện bằng nhục hình, bằng máu và bằng cái chết, một cái chết không tên, cái chết của người công chính chết thay cho người tội lỗi. Chúng ta đều liên lụy trong cái chết này.

Ai có thể lượng giá những đau đớn đắng cay của cuộc khổ nạn này? Ai có thể đương đầu nổi với triều cường đau khổ này “Linh hồn Thầy buồn có thể chết được”. Chúng ta có nghe lời than thở của Chúa không? Tại sao Ngài buồn đến như thế? Không phải vì Ngài đã thất bại trong cuộc sống, nhưng chỉ vì Ngài gánh lấy tất cả khối tội của chúng ta.

Ngài căn dặn những gì khi bước vào cuộc khổ nạn? “Hãy cầu nguyện”. Chúng ta có cầu nguyện không? Chúng ta cầu xin những gì? Còn Ngài, Ngài sấp mình xuống đất và cầu xin: “Xin theo ý Cha”.

Ngài trở thành nạn nhân của mọi người. Nạn nhân của Giudà, kẻ nộp Ngài, và nộp Ngài bằng một cái hôn. Nạn nhân của bọn lính đến bắt Ngài. Nạn nhân của các thượng tế, của đám dân ngu muội và quá khích. Nạn nhân của Philatô, của những tên lính đóng đinh Ngài, và nạn nhân của chúng ta, những kẻ nói là tin Ngài, nhưng chính là những kẻ đóng đinh Ngài.

Hãy nhìn Ngài trên thập giá. Không chỉ bằng mắt mà bằng tất cả tâm hồn, bằng tất cả con tim. Chúng ta thấy gì? Nơi đây, mọi sự vượt hẳn những gì con người có thể tưởng tượng. Nhưng nơi đây, một người đã dám tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con
Thiên Chúa!”
Người đó là một viên đại đội trưởng, là một người ngoại đạo. Lời tuyên xưng đó nói lên tất cả. Con Thiên Chúa đã chết cho chúng ta. Tử tội đáng thương đó là Con Thiên Chúa.

Ai đã giết Ngài? Ai đã đóng đinh Ngài vào thập giá? Chắc không phải là các thượng tế Do thái, cũng không phải là Philatô, mà là chính chúng ta, vì chúng ta đã phạm tội. Phải, tội lỗi của chúng ta đã giết Con Thiên Chúa. Nhưng cái chết này là hồng ân trên mọi hồng ân. Ngài chết cho chúng ta được sống. Ngài đã chấp nhận mọi khổ đau để chúng ta thấy được tình yêu của Chúa Cha hiển hiện nơi Ngài. Chúng ta nhớ Ngài đã nói: “Khi các ngươi treo Con Người lên, các ngươi sẽ biết rằng Ta hiện hữu”. Thánh Phaolô cũng nói: “Chớ gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô”! Đó là biểu tượng của tình yêu vô biên mà Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta.

Hãy nhìn thật lâu hình ảnh của tử tội thần linh của chúng ta để cho tình yêu của Ngài thấm sâu vào con người chúng ta, để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã sống và đã chết cho chúng ta. Ngài đã yêu tôi và đã chết cho tôi, không lẽ tôi vẫn dửng dưng với Ngài mãi sao?

Hôm nay và mỗi ngày tôi được quyền ăn lấy Ngài. Ngài muốn vào trong tận xương tủy của chúng ta để chia sẻ cuộc sống khổ nhọc của chúng ta, Ngài muốn giúp chúng ta đi vào con đường của Ngài, hy sinh, bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và cùng với Ngài, cứu vớt anh em chúng ta. Ngài mãi mãi là Thiên Chúa Tình Yêu.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho