13/03/2020
655
Suy niệm Chúa Nhật III Mùa Chay- năm A_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A

Lời Chúa: Ga 4,5-42

 

Chúng ta hãy đến bờ giếng Giacob. Chúa Giêsu đang đợi chúng ta ở đó. Ngài mệt mỏi vì đường xa nắng cháy, nhưng Ngài đang chờ một người để ban cho họ nguồn sống mới. Xem ra như một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, nhưng trong chương trình của Chúa, Ngài không làm gì ngẫu nhiên cả. Ngài đến bờ giếng Giacob là để tìm những con chiên lạc là dân làng Samari.

Một phụ nữ trong làng đến múc nước. Chúng ta cũng hãy đến với Ngài để Ngài cho chúng ta biết tất cả sự xấu xa của chúng ta, nhờ đó chúng ta nhìn thấy rõ hơn khuôn mặt nhân từ của Ngài. Ngài luôn đi tìm những con chiên lạc. Chúng ta hãy đến với Ngài để Ngài ban cho chúng ta mạch nước hằng sống, để Ngài dạy chúng ta biết thờ phượng Chúa trong thần khí và trong sự thật. Lắm lúc chúng ta tưởng mình tốt, không lỗi phạm gì nhiều, nhưng đối diện với Chúa, chúng ta mới thấy được thực trạng của tâm hồn chúng ta, chúng ta mới thấy mình còn chìm trong bóng tối, còn quá nhiều thiếu sót lỡ lầm.

Chúng ta hãy làm như người phụ nữ kia, hãy cầu xin Ngài cho chúng ta nước hằng sống. Trong sa mạc, dân Do Thái đã kêu trách Chúa vì để cho họ khát nước và Chúa đã cho họ nước vọt ra từ tảng đá. Nhưng nước đó uống mà vẫn còn khát, nước Chúa Giêsu ban cho sẽ làm cho chúng ta không còn khát nữa và sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời. Chính Ngài là suối nước trường sinh. Một ngày kia, trong Đền Thờ, Chúa đã tuyên bố với dân Do Thái: “Ai khát hãy đến với Ta, ai tin vào Ta hãy đến mà uống!”

Người phụ nữ kia xin Chúa thứ nước tự nhiên để chị không cần phải đến múc nước ở giếng nữa, nhưng Chúa đã mạc khải cho chị một thứ nước khác mà chính Ngài ban cho: “Nếu ai uống nước này thì sẽ cón khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”. Chính tôi ban cho người ta nước hằng sống. Chúa Giêsu nói rõ như thế. Ngài chính là nguồn suối trường sinh. Chúng ta phải đến với Ngài, xin Ngài nước trường sinh đó. Nước trường sinh, theo các tiên tri, như tiên tri Giêrêmia tượng trưng cho Lề Luật, tiên tri Isaia thì chỉ sự giải thoát Chúa thực hiện, tiên tri Amốt thì tượng trưng cho Lời Chúa. Đối với thánh Gioan thì nước hằng sống này chính là Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ ban cho các tông đồ và Giáo Hội. Nhờ Thánh Thần, chúng ta mới có thể thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật.

Sau cùng chính Chúa Giêsu mạc khải cho người phụ nữ Samari rằng, Ngài là Đấng Mêsia, tức là Đấng Cứu Thế mọi người đang trông đợi. Trung tâm của cuộc gặp gỡ ở bờ giếng Giacob là đây.

Chúng ta cũng tin rằng Chúa Giêsu là Con Chúa Cha, được sai đến cứu vớt chúng ta. Nhưng muốn tin thật phải loại bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới được tái tạo trong Ngài.

Mùa Chay là lúc thuận tiện để chúng ta khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính Ngài đã cho người phụ nữ kia biết Ngài là Đấng Cứu Độ: Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Không thể nào rõ hơn! Chúng ta có vui mừng như người phụ nữ Samari kia không? Từ trời cao Ngài đã đến tìm chúng ta, cứu vớt chúng ta. Chúng ta có để cho Ngài cứu vớt không hay chúng ta cứ dè dặt đứng xa nhìn mà không làm gì cả? Chúng ta vẫn thờ ơ, xem thường mọi sự. Chúng ta quá quen với những cử chỉ đạo đức, quá quen với những lời kinh đến nỗi chúng ta không còn để ý. Hãy nhìn về Chúa, Ngài đang mời gọi chúng ta trở về với tình yêu Ngài. Đạo công giáo không chỉ là những lễ nghi, những cử chỉ tôn thờ bên ngoài mà là một mối tình. Một mối tình không gì sánh được. Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho trần gian.

           Mùa chay là lúc chúng ta nhìn lại tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta có yêu mến Chúa như Chúa đã yêu chúng ta không? Tình yêu không là một trò đùa mà là một dấn thân quyết liệt để mưu tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Chúa Giêsu đã dấn thân trước, chúng ta dám đáp lại tình yêu của Ngài không? Ngài đã cho đi tất cả, đến giọt máu cuối cùng, chúng ta cho Ngài được gì? Ngài cho chúng ta thịt máu Ngài làm của ăn để được sống đời đời, chúng ta có nhận ra tình yêu của Ngài không? Ăn lấy Chúa đối với chúng ta là gì? Là một cử chỉ yêu thương trọn vẹn hay chỉ là một thói quen? Tình yêu là cho đi tất cả và không đòi hỏi lại. Chúng ta đã cho Chúa những gì? Đó là đích điểm của cuộc sống của chúng ta. Thánh Âu-tinh đã nói: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho