14/05/2021
662
Suy niệm Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên-Năm B_Lm Trầm Phúc

















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa thăng thiên

Lời Chúa: Mc 16,15-20

 

Đoạn Tin Mừng kết thúc sách Tin Mừng của thánh Maccô đặt thành nhiều vấn đề về sự hình thành của đoạn này, nhưng chúng ta không tìm hiểu những vấn đề chuyên môn đó mà chỉ tìm hiểu những bài học có thể được thấy trong biến cố Chúa thăng thiên để suy niệm mà thôi.

Để nói đến thiên đàng hỏa ngục, chúng ta thường dùng một cách nói cụ thể “lên thiên đàng”, “xuống hỏa ngục”, làm như thiên đàng là ở trên mây xanh còn hỏa ngục ở sâu trong lòng đất. Chúa thăng thiên, tức là Chúa lên trời xanh như tường thuật của Luca trong sách Công Vụ Tông Đồ. Để dễ hiểu, chúng ta phải dùng cách nói dân gian đó thôi: lên và xuống. Ngôi Lời xuống thai trong lòng trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thiên đàng, hỏa ngục không phải là một nơi, một không gian mà là một thực tại thiêng liêng. Chúa thăng thiên tức là Chúa trở lại trong vinh quang của Ngài.

Về việc Chúa thăng thiên, chúng ta sử dụng hai bảng tường thuật, một của thánh Maccô, chương cuối của sách Tin Mừng và đoạn mở đầu của sách Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca.

Thánh Luca tường thuật sự hiện diện cuối cùng của Chúa với các môn đệ. Một số các ông vẫn hiểu lầm rằng Chúa sẽ thiết lập vương quốc của Ngài ngay bây giờ. Nhưng Chúa muốn cho các ông nghĩ đến sứ mệnh tương lai của các ông là phải làm chứng nhân cho Thầy từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất. Đó là nhiệm vụ Ngài giao trước khi lìa các ông, nhưng trước đó, các ông phải chịu phép rửa trong Thánh Thần.

Chúa thăng thiên, thánh Luca nói: “Người được cất lên”, như thể Ngài được đưa lên và có một áng mây che phủ Ngài. Áng mây nhắc đến Cựu Ước chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng, việc thăng thiên của Chúa không phải là lên cõi mây xanh, mà là một cách nói để chỉ rằng Chúa trở về trong vinh quang của Ngài, Ngài không còn hiện diện hữu hình giữa các môn đệ nữa. Chúa Thánh Thần sẽ đến để khai mở một kỷ nguyên mới của Giáo Hội. Đó cũng chính là sự hiện diện liên lỉ của Chúa Giêsu như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Thánh Luca nhấn mạnh đến sự trở lại của Chúa đang lúc thánh Maccô thì nhấn mạnh đến sự phát triển tương lai của Giáo Hội: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…” Chúa Giêsu lìa xa các môn đệ để khai mở một đà tiến mới, một hoạt động mới của Giáo Hội. Ngài trao một trọng trách mới cho Giáo Hội và ban cho Giáo Hội những hồng ân đặc biệt để chu toàn sứ mệnh mới của Giáo Hội: “Họ sẽ cầm được rắn độc, và dù có uống nhằm thuốc độc thì cũng không sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”. Những lời hứa này đã được thực hiện khi các tông đồ bước ra rao giảng. Sách Tông Vụ đã cho thấy điều đó. Những đặc ân này không còn có thể hiểu theo nghĩa cụ thể nữa mà phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng.

Giáo Hội, sau khi lãnh nhận Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần đã thi hành như Chúa đã truyền và hôm nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục rao giảng. Mọi người chúng ta là thành phần của Giáo Hội, chúng ta cũng lãnh nhận lệnh truyền đó. Những kẻ tin phải là những nhà truyền giáo dù họ là ai, sống dưới bầu trời nào. Chúng ta là dân thánh, được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô…

Chúng ta đã làm gì, và chúng ta sẽ làm gì? Sau hai mươi thế kỷ, Giáo Hội chỉ vẫn là một thiểu số. Ba phần tư nhân loại vẫn chưa biết Chúa. Tại sao? Vì rất nhiều tín hữu vẫn chưa là những nhà truyền giáo, vẫn chưa biết nhiệm vụ của mình. Mấy người giáo dân biết rằng nhiệm vụ của họ là phải làm sao cho người ta biết Chúa và yêu mến Chúa? Tại sao các phong trào hoàn toàn trần thế lại có thể chinh phục nhiều người trong một khoản thời gian rất ngắn, tại sao người ta không chấp nhận Chúa Giêsu?

Chúng ta hãy trở lại với thời các tông đồ. Tại sao các Kitô hữu đầu tiên có thể chinh phục người khác? Vì họ một lòng một ý yêu thương nhau. Họ chia sẻ mọi của cải với nhau ở giữa họ không có người nào túng thiếu. Đức tin phải được thể hiện qua những hành động yêu thương chân thật mới có thể chinh phục người khác. Chúng ta có làm được không? Chúng ta đến nhà thờ dự lễ, cùng ăn một tấm bánh, nhưng chúng ta vẫn là những người xa lạ với nhau và lắm khi chúng ta lại không yêu thương nhau. Chúng ta sống như những người không có đức tin, làm sao người khác có thể tin, làm sao làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu? Chúng ta mơ mộng nhiều mà không làm được bao nhiêu. Chúng ta chưa sống Tin Mừng thì làm sao giúp cho người khác biết Chúa?

Các thông điệp, các Tông huấn, Công Đồng Vatican II… vẫn mời gọi thúc bách, nhưng mấy người đã hưởng ứng?

Chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Chúa, nhưng chúng ta không sống với Ngài, chúng ta chưa trở nên hiện thân của Ngài thì thật là hoang phí! Hãy làm sống lại những lời Chúa đã nói: “Hãy đi rao giảng cho muôn dân”.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho