20/05/2016
787
Suy Niệm Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi_Lm Giuse Minh


























LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

NGUYÊN MẪU TÌNH YÊU

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ tôn vinh Thầy.
Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

 

Hôm nay, Giáo hội mừng kính lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của đức tin Kitô giáo. Đây chính là nguồn mạch các mầu nhiệm khác của đức tin và là giáo huấn căn bản nhất và chủ yếu nhất trong phẩm trật các chân lý của đức tin (GLCG, 234). Vì thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là mầu nhiệm đức tin, vừa là mầu nhiệm tình yêu, và là nguyên mẫu tình yêu của Kitô hữu.

I. Thiên Chúa Ba Ngôi - Mầu nhiệm đức tin:

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu, vô cùng sâu thẳm, vượt xa tầm hiểu biết của trí khôn con người. Bao nhiêu cắt nghĩa, bao nhiêu bài giảng, bao nhiêu cuốn sách viết về mầu nhiệm này, tất cả đều mang tính giới hạn.

Tuy rằng, Thiên Chúa Ba Ngôi không ai thấy, nhưng Ngài thật sự hiện hữu và có mặt hoạt động trong đời sống kiếp nhân sinh.

Trong hành trình sáng tạo, Ba Ngôi luôn hiện diện: Thánh Thần bay là là trên mặt nước, Chúa Cha phán một Lời (Ngôi Lời) thì vạn vật và con người được hoàn thành (x.St 1,2). Ba Ngôi còn đồng hành và hiện diện với dân của Người: Hình ảnh Ba vị viếng thăm tổ phụ Abraham và Sara (x.St 18,1-14) cuộc viếng thăm đã sinh hoa kết trái và tràn đầy ân sủng xuống trên nhân loại, như là sự ân cần của Thiên Chúa với con người.

Trong phần phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ, bài đọc 1 trích sách Châm ngôn 8,22-31 đề cập đến sự khôn ngoan vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa: Vũ trụ vạn vật, với sự hùng vĩ nguy nga và sự hòa hợp của nó, biểu lộ sự khôn ngoan của Người làm chủ nó: Đấng Tạo Hóa chí công. Ở đây, Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa là tác giả sách Châm ngôn. Bài ca tụng Đức Khôn Ngoan này được áp dụng vào chính Đức Giêsu Kitô - sự khôn ngoan của Thiên Chúa- Người nhập thể để chia sẻ kiếp người với nhân loại và trở nên sự sống và ánh sáng cho mọi người. Ngài hiện diện bên Thiên Chúa ngay từ thuở đời đời. Đức Khôn Ngoan cố vấn và phụ tá cho Thiên Chúa trong mọi công cuộc sáng tạo của Ngài. Chính Đức Khôn Ngoan mang tình yêu của Thiên Chúa khắc ghi trong lịch sử nhân loại và tìm thấy niềm vui sướng hạnh phúc trong sự chia sẻ với đời sống con người.

Nhưng chúng ta chỉ có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu mạc khải.

Sự hợp nhất của Ba Ngôi đã được các Tin Mừng ghi lại khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ mạng, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình ảnh chim bồ câu: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (x.Mt 3,16-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22). Đó là dấu chỉ mà Gioan Tẩy Giả phán quyết về Đấng Messia. Đấng đó được xác định nơi đầu Tin Mừng thứ tư: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói với các môn đệ là Ngài sẽ về với Chúa Cha, và có đi như vậy, thì Chúa Cha mới nhân danh Thầy sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đến dạy dỗ anh em mọi điều để anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã truyền cho anh em, và hướng dẫn anh em đến chân lý vẹn toàn. Từ đó, các môn đệ khám phá và nhận ra chân lý sẽ là con đường sáng, là quy tắc nội tâm của cuộc đời. Chính Chúa Thánh Thần không mang lại một mạc khải mới, nhưng chỉ liên tục giải thích mạc khải của Đức Kitô, để không ngừng soi chiếu các biến cố của thời đại. Ngài đón nhận tất cả từ Đức Kitô, cũng như Đức Kitô cũng đã đón nhận mọi sự từ Chúa Cha. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Tất cả những gì Chúa Cha có đều là của Thầy. Chúa Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan báo cho các con.”

Lời khẳng định này của Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta hiểu phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là duy nhất và hiệp nhất. Chúa Giêsu đón nhận từ Chúa Cha, không làm gì khác với ý định của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng không tự mình mà nói, nhưng nghe những gì thì nói vậy. Ngài chỉ soi sáng để con người hiểu biết những gì Chúa Giêsu đã mạc khải. Ba Ngôi hiệp nhất và là một, từ trong ý định đến hành động.

Như thế, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cản bản của niềm tin Kitô giáo. Chính vì thế, đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu trong Giáo hội phải quy chiếu về sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết là mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa, để chúng ta tin trọn vẹn vào mối tương quan thẳm sâu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.

II. Thiên Chúa Ba Ngôi - Mầu nhiệm tình yêu:

Qua những lời mạc khải của Chúa Giêsu về Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy mối dây liên kết mật thiết giữa Ba Ngôi là một mối tương quan tình yêu. Nên khi tông đô Philipphê tha thiết được xem thấy Chúa Cha, Chúa Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em không phải tự Thầy nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng ở trong Thầy chính Người làm những việc của mình”.

Chúa Giêsu cũng báo trước về mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Thánh Thần: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn. Người sẽ  tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Từ mạc khải ấy, chúng ta biết rằng Ba Ngôi hiệp nhất trong tình yêu và thông chuyển tình yêu tuyệt vời đó cho nhân loại. Vì thế, cộng đoàn chúng ta phải biết đón nhận tình yêu trao hiến giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta được chính Thiên Chúa đưa vào sống tình yêu ấy và biết mở lòng sống tình yêu ấy với Ba Ngôi Thiên Chúa.

III. Thiên Chúa Ba Ngôi – Nguyên mẫu tình yêu của Kitô hữu

Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Tất cả mạc khải được trình bày trong Kinh Thánh đều là các hình thức thể hiện khác nhau về duy nhất một tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Do đó, suy niệm mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống tham dự vào sự hiệp nhất của nguyên mẫu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đời sống của người Kitô hữu phải quy chiếu vào nguyên mẫu tình yêu của Thiên Chúa để sống niềm tin yêu của mình đối với Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Đối với Thiên Chúa, người Kitô hữu phải quyết tâm sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể để Thánh Thần tình yêu Ngôi Ba đưa chúng ta vào sống mối hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta cũng để cho Thánh Thần tình yêu Ngôi Ba mở lòng chúng ta thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tâm tình tạ ơn thờ phượng, mến yêu và tín thác vào Chúa. Vì Thiên Chúa Ba Ngôi là phần thưởng cánh chung cho người Kitô hữu, đồng thời chúng ta đi vào mối tương quan với anh chị em để yêu thương phục vụ và hòa giải với nhau để được hiệp thông nên một trong tình yêu Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần. Cụ thể như trong đời sống người tín hữu, sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh hôn nhân gia đình đó chính là tạo nên những mối tương quan thuận thảo, yêu thương, hiếu nghĩa giữa các thành viên. Một cộng đoàn giáo xứ sống mầu nhiện Thiên Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông bác ái huynh đệ. Mặc dù, cộng đoàn bao gồm nhiều thành phần đa dạng nhưng đều là chi thể của thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được đi vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, được bình an trong Chúa, được Chúa Thánh Thần ban tặng tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nhờ đó, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp nước Trời mà Chúa hứa ban cho những tín hữu luôn tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho