15/06/2019
880
Suy niệm Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi năm C_Lm Trầm Phúc




















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Ba Ngôi năm C

Lời Chúa: Ga 16,12-15

 

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm và là một mầu nhiệm chính yếu trong đạo công giáo, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Là một mầu nhiệm thì trí khôn loài người chúng ta không thể hiểu thấu. Chúng ta chỉ tin thôi. Nhưng chúng ta có thể tin vì do mạc khải của chính Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu không đến trần gian để mạc khải thì chúng ta cũng không bao giờ biết được.

Dân Do Thái đã tin vào một Thiên Chúa duy nhất, toàn năng, đã làm những điều kỳ diệu cho dân Ngài và Ngài đã tự mạc khải qua Môsê và các tiên tri, nhưng giờ đây, Ngài đã mạc khải qua người Con Một là Chúa Giêsu như Thư gửi Do Thái đã nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” Chúa Giêsu chính là tiếng nói của Chúa Cha, là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã đến trong trần gian để nói lên cho chúng ta biết về Chúa Cha và Chúa Ba Ngôi. Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu nhiều lần nói về Chúa Cha và mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Ngài cũng nói đến Chúa Thánh Thần nhiều lần nhất là trong bữa tiệc ly. Ngài cho chúng ta thấy rằng Thánh Thần là của Ngài, là hơi thở của Ngài: Ngài thổi hơi trên các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội ai người ấy được tha…”

Chúng ta không là những nhà thần học, chúng ta chỉ tin những điều Giáo Hội dạy mà không  tìm hiểu xa hơn. Nhiều người trong chúng ta biết câu chuyện của thánh Âu-Tinh khi ngài làm giám mục Giáo phận Hippôn. Ngài đi trên bãi biển và suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để viết một tác phẩm về mầu nhiệm nầy. Ngài nhìn thấy một em bé độ sáu bảy tuổi đang lấy một vỏ sò và múc nước biển đổ vào một cái lỗ trên bãi cát. Ngài nhìn em và nói: “Con làm gì thế?” Em bé trả lời: “Dạ, con múc nước biển đổ vào cái lỗ nầy cho cạn nước biển.” Ngài nói: “Làm sao cạn được cái biển mênh mông như thế?” Em bé trả lời: “Dạ thưa ngài, con có thể múc cạn nước biển, nhưng ngài không bao giờ có thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.” Nói xong em bé biến mất. Thánh nhân mới biết rằng đó là một thiên thần đã cho ngài biết, không thể nào hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được.

Chúng ta tin vì Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha hằng hữu bất biến, Ngài là Chúa Con được Chúa Cha sai đến chuộc tội loài người và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong kinh tiền tụng của lễ hôm nay, Giáo Hội tuyên xưng Thiên Chúa không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Và vì thế Ngài là Tình Yêu. Chúng ta chỉ có thể hiểu được một phần nào, khi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta và dẫn chúng ta đến sự thật vẹn toàn. Sự thật vẹn toàn nầy chính là Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu. Không có ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ như người đi trong đêm tối. Chính Chúa Thánh Thần sẽ lấy những gì của Chúa Giêsu mà loan báo cho chúng ta, vì mọi sự của Chúa Cha đều là của Thầy. Lãnh nhận Chúa Giêsu là lãnh nhận Ba Ngôi. Sách Giáo Lý của Hội Thánh công giáo dạy: “Ai tôn vinh Chúa Cha, là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Ai bước theo Chúa Kitô, là làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy”. Chúng ta luôn tuyên xưng Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh sáng danh, khi là dấu thánh giá. Chúng ta ăn lấy Chúa Giêsu khi hiệp lễ là chúng ta đón tiếp cả Ba Ngôi vào trong chúng ta: “Ai yếu mến Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúa Cha và Thầy sẽ đến và ở trong người ấy”.

Hãy vui mừng vì Chúa đã thương chúng ta, cho chúng ta được làm con của Ngài và được lãnh nhận chính Ngài làm gia nghiệp. Hãy yêu mến Chúa với tất cả sức sống của chúng ta mặc dù chúng ta chỉ là tro bụi, nhưng là tro bụi được yêu thương. Hãy cho Chúa tất cả vì chính Chúa đã cho chúng ta tất cả.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho