17/02/2017
826
Suy niệm Chúa Nhật 7 Thường Niên năm A_Lm Trầm Phúc



















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 7 Thường Niên năm A

Lời Chúa: Mt 5,38-48

 

Đây là đoạn cuối của chương 5 theo Tin Mừng Matthêu. Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng… Còn Thầy bảo anh em…”

Thầy bảo gì? “Đừng chống cự kẻ ác. Nếu ai vả mà bên phải thì hãy giơ má trái cho họ đánh… Ai muốn đoạt áo trong của anh em, hãy cho họ cả áo ngoài… Ai xin thì cứ cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt…” Chúng ta hãy đọc đi đọc lại những lời trên, chúng ta sẽ thấy gì? Nếu thực thi đúng như thế thì chúng ta không còn gì cả, chúng ta sẽ là những kẻ nghèo nhất, bị khai thác đến tận xương tủy. Làm sao có thể sống nổi? Đúng thế, nhưng hãy nhìn kỹ xem Chúa Giêsu đã làm thế nào? Ngài đã dám làm như Ngài đã nói. Ngài đã cho đi tất cả. Ngài dám để cho người ta đánh đập và giết chết, dù Ngài đủ quyền năng để chống lại những người bách hại Ngài. Ngài đã yêu thương đến tận cùng. Ngài bảo chúng ta đi theo Ngài trên con đường yêu thương của Ngài. Chúng ta dám không?

Có người đã dám. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã xả thân suốt đời lo cho những người khốn khổ nhất. Thánh Đamiên đã sống cho người cùi và chết vì bệnh cùi ở giữa người cùi. Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã sống cho trẻ mồ côi… Và còn biết bao nhiêu người khác vô danh vẫn tận tụy lo cho những kẻ khốn cùng trong các trại cùi hay trại HIV, cho những trẻ em mồ côi. Họ đã dám cho đi như Chúa đã cho đi. Họ đã dám yêu thương như Chúa đã yêu. Còn chúng ta? Nhiều người đã buồn rầu và bỏ đi như chàng trai giàu có. Chúng ta nói như các môn đệ xưa kia khi Chúa nói về Bánh trường sinh: “Thầy nói khó nghe quá! Chỉ vì chúng ta kém tin, chỉ vì chúng ta không dám theo Ngài. Vì thế chúng ta không thể là muối cho đời, là ánh sáng trần gian. Chúng ta có hơn gì người vô thần đâu! Vì thế chúng ta chẳng ích lợi gì cho thế gian, muối đã lạt rồi. Chúng ta đã trở thành một đám người vô dụng. Thực tế hiển nhiên trước mắt chúng ta.

Chúa cũng dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những ai ngược đãi anh em…” Yêu thương nhau trong gia đình vẫn là một vấn đề khó khăn gai góc, huống hồ yêu thương kẻ thù! Đây không chỉ là một lời nói mà là một đòi buộc mà chúng ta không thể né tránh. Khi chúng ta chỉ yêu thương một số người thân, thì chúng ta có làm gì đáng chú ý đâu! Những người thu thuế, những người không biết Chúa không làm như thế sao?

Chúng ta tưởng rằng mình là người Công giáo tức là đã được rửa tội, đã giữ ngày Chúa Nhật, đã biết cầu nguyện… là xong bổn phận. Người Công giáo là người dám yêu mến Chúa hết lòng, hết sức… và yêu mến Chúa là gì? “Ai yêu mến Thầy là giữ lời Thầy”. Chúng ta có giữ đâu! Có chăng là những gì hợp với chúng ta chứ không hợp với Chúa. Và số người như thế chiếm gần như 90 phần trăm. Chúa nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người Pharisêu và những kinh sư thì sẽ không vào được Nước Trời”. Nếu chúng ta giữ một thứ đạo hình thức, mơ hồ, theo thói quen thì chúng ta có thực sự là người Công giáo không?

Phải yêu kẻ thù. Chúa đòi buộc như thế. Chúng ta có yêu họ không? Chữ yêu phải hiểu như thế nào? Thế nào mới gọi là yêu? Chúng ta không hận thù, không trả đũa, nhẫn nhục chịu đựng đã là quá lắm rồi, chúng ta không thể yêu. Chúa không bảo chúng ta phải ôm họ vào lòng, đem tất cả tài sản dâng cho họ, nhưng là yêu. Yêu là giúp cho họ hạnh phúc và điều Chúa muốn là cầu nguyện cho họ biết ăn năn để được hạnh phúc. Có lẽ Giáo Hội nên lập một lễ mới là cầu nguyện cho những kẻ thù của Giáo Hội như đã có những lễ cầu cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Chúa Giêsu trên thập giá đã làm gì? Ngài cầu xin cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Thánh Têphanô khi bị ném đá cũng đã cầu xin như thế. Thánh Pôlycarpô cũng làm như thế và biết bao nhiêu đấng thánh khác cũng đã thi hành Lời Chúa như thế. Gần nhất và rõ ràng nhất, chúng ta thấy bà Assunta, mẹ của thánh nữ Maria Goretti, đã thăm nuôi Alessandro trong tù suốt hơn 10 năm, kẻ đã giết hại Maria con bà và sau khi mãn tù bà đã nhận tên sát nhân đó làm con nuôi. Như thế mới là người Công giáo.

Người Công giáo phải là những anh hùng, không phải anh hùng ngoài tiền tuyến hay trong lửa đạn mà trong bác ái. Yêu thương không là một sự lỡ tay mà là một sự liều lĩnh có nền tảng và sáng suốt, là noi gương của Cha trên trời, noi gương Chúa Giêsu là vị anh hùng tuyệt đối của chúng ta, là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, là tiếng nói hữu hình của Chúa Cha. Chúng ta được gọi nên thánh, vì ngay trong thời Môsê, Chúa đã đòi buộc: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”.  Chúa Giêsu dạy chúng ta : “  Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời là Đấng trọn lành”. Chúng ta là con của Chúa, phải nên giống như Cha chúng ta. Đó là một đòi buộc mãnh liệt, không có lý do khước từ. Nhưng chúng ta vẫn không dám nên thánh. Chúng ta sợ mất thế gian, chúng ta không dám ngã vào vòng tay của Chúa, vì chúng ta có tin Chúa đâu! “Ai không dám liều mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy thì sẽ cứu được nó”.

Chúa biết chúng ta yếu đuối, Chúa biết chúng ta hèn nhát, vì thế Ngài đã phải liều mạng cho chúng ta, và hơn thế nữa Ngài vẫn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, ở lại bằng cách trở thành một tấm bánh nhỏ cho chúng ta ăn để nhờ đó, sống trong chúng ta, hỗ trợ sự yếu hèn của chúng ta, giúp chúng ta yêu thương như Ngài, liều mạng với Ngài cho anh em chúng ta. Còn gì mà Chúa không làm cho chúng ta. Vậy chúng ta sẽ làm gì? Nhảy xuống biển như Phêrô ngày nào.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho