09/02/2017
748
Suy niệm Chúa Nhật 6 Thường Niên A_ Lm Giuse Minh



















CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM A

Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

Đức Giêsu Kiện Toàn Lề Luật

“Nếu các con không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”

 

Dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa

Khi đến lúc thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đi khắp miền Galilê rao giảng và chữa bệnh; từ khắp nơi thiên hạ đến với Người (Mt 4,25).

Người dạy những gì? Trong Tin Mừng Mátthêu có năm bài giảng, và bài giảng thứ nhất mà cũng là danh tiếng nhất, là “bài giảng trên núi”. Theo bài giảng này thì sau khi giới thiệu mình, Đức Giêsu nói đến đức công chính. Trong giao ước cũ, Thiên Chúa cũng dạy phải công chính. Nhưng, trong giao ước mới, Đức Giêsu dạy phải công chính hơn, nghĩa là phải kiện toàn. Nhưng, cụ thể, kiện toàn là làm những gì và đừng làm những gì? Trước hết, là đừng lầm lỗi như những Kinh sư, những người Pharisêu và cả những người dân nữa.

I. Đức Giêsu kiện toàn luật Môsê và lời các Ngôn sứ

Trong khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môsê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của những người Pharisêu, nên có một số người thắc mắc: Phải chăng ông này đến để phá hủy luật Môsê và lời các tiên tri. Vì thế, Đức Giêsu phải giải tỏa sự hiểu lầm này, Ngài nói: “Thầy đến không phải để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn”. Qua đó, chúng ta thấy được mối tương quan và lập trường của Chúa Giêsu với Cựu Ước. Những câu này rất quan trọng cho thấy Người chính là Đấng Mêsia phải đến và It-ra-en mong chờ. Người là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là ý nghĩa của tất cả sách thánh Cựu Ước, nơi Người mọi lời Thiên Chúa hứa và tiên báo qua các ngôn sứ đều được thực hiện. Người có quyền chính thức giải thích ý của Thiên Chúa về tất cả những gì Thiên Chúa đã phán và đã thực hiện trong quá trình mạc khải cho đến bây giờ.

Lề luật hay các ngôn sứ là một kiểu nói chỉ tất cả Cựu Ước, không chỉ hiểu như bộ sách mà như chế độ ông Môsê đã thiết lập.

Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ ở đây phải hiểu theo hai bình diện: “Chúa Giêsu đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa thật, ý nghĩa cánh chung của lề luật. Đồng thời, Chúa Giêsu thực hiện những lời tiên báo của các ngôn sứ về cánh chung, để làm cho tinh thần của luật Cựu Ước được hoàn hảo hơn, vì chữ viết thì giết chết, tinh thần mới giải thoát”.

Và Chúa Giêsu khẳng định: trước khi trời đất, vũ trụ qua đi, thì một chấm, một phết trong bộ luật cũng không bỏ qua. Ở đây, Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thật của luật, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đã là ý muốn của Thiên Chúa thì không có gì là nhỏ bé tầm thường. Do đó, đòi hỏi con người phải tôn trọng những luật lệ đó thì mới được vào Nước Trời.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Ở đây, phải hiểu trước hết là công chính do tin vào Chúa Giêsu. Sau đó, mới đến ăn ở theo lòng tin ấy (nghĩa luân lý - đạo đức). Không phải chỉ tránh sống đạo hình thức kiểu các Kinh sư và nhóm Pharisêu, mà hơn nữa, cho dù trong các Kinh sư, và người Pharisêu cũng có những người sống đạo Môsê một cách thật tình, thì từ đây, sống như vậy không đủ nữa để được hạnh phúc, bởi vì Đấng Mêsia đã đến. Từ đây phải tin vào Người, sống như lời Người dạy mới được vào Nước Trời.

II. Đức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn mới để đánh giá và để trở nên công chính

Trước mặt người Do Thái cũng như các vị lãnh đạo tinh thần của họ.  Đức Giêsu xuất hiện như một vị Rabbi (x. Ga 11,28). Ngài thường lập luận theo cung cách các vị Rabbi giải thích luật Do Thái. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại đụng chạm đến các Luật sĩ và nhóm Pharisêu, vì Ngài không chỉ giải thích như họ, mà như “Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,25-29). Nơi Đức Giêsu, lời Thiên Chúa ngày xưa đã vang dội trên núi Sinai để ban hành lề luật cho Môsê, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc. Đức Giêsu không bãi bỏ nhưng kiện toàn lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu của Thiên Chúa và với thẩm quyền của Chính Thiên Chúa. Cho nên Ngài tuyên bố: “Anh em nghe luật dạy người xưa rằng…. còn thầy, Thầy bảo anh em” (Mt 5,33-34). Với những kiểu nói phản đề (cc 21-48) Đức Giêsu đưa ra những trường hợp điển hình về sự công chính mới, sự công chính được kiện toàn như thế nào. Điều luật cũ vẫn còn, nhưng Chúa Giêsu đòi nó phải đi sâu vào nội tâm, và kiểm soát cả đến những ước vọng và những động lực thầm kín nhất của con người. Cũng với thẩm quyền đó, Ngài phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”, nghĩa là của những người Pharisêu tạo ra những tập tục mà lại “hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mc 7, 13).

Như vậy, Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Tinh thần của luật không chỉ ghi trên sách vở, trên bia đá, nhưng nơi đáy lòng (Gr 31,33), vì từ đáy lòng, nội tâm con người mà phát xuất những hành động cao thượng  hay xấu xa. (Mt 15,19).

Chính vì thế, Chúa nói: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, đều không thể làm cho con người ra ô uế, nhưng chính cái từ trong con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-27).

Đức Giêsu nhấn mạnh đến nguồn cội tội lỗi là chính lòng người. Vì thế, lề luật của Thiên Chúa cũng phải được ghi không phải trên bia đá mà “trong đáy lòng” (Gr 31,33). Phải gieo âm hưởng và thanh tẩy con người từ phía bên trong. Cho nên vấn đề không chỉ là “Chớ giết người”, nhưng còn là không được giữ lòng giận ghét anh em, vì đó mới là nguồn cội xấu xa khiến cho người ta giết hại tha nhân dưới nhiều hình thức: thân xác, tâm lý, xã hội, tâm linh. Vấn đề cũng không chỉ là “chớ ngoại tình” mà còn là “nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,25) vì sự thanh khiết đích thực phải bắt nguồn từ trong tâm hồn.

Chúa còn dạy thêm trong cuộc sống cần phải: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không”, có nghĩa là nói đúng sự thật khách quan, bụng nghĩ sao, miệng nói vậy: “Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5,37). Lòng ngay chính chân thành giúp chúng ta biết chu toàn luật yêu thương, tôn trọng người khác. Và là nền tảng vững chắc ngăn chặn mọi âm mưu của chia rẽ hận thù.

Tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu về việc kiện toàn lề luật có thể nói: “Tình yêu làm nền cho tất cả”. Cho nên phải vượt lên trên bình diện luật pháp để đặt mình vào viễn tượng của tình yêu, mới có thể hóa giải được nghịch lý và hiểu được động lực sâu xa trong giáo huấn của Đức Giêsu. Bởi vì một đàng Đức Giêsu xuất hiện như nhà làm luật đòi hỏi một cách nghiêm túc nhất trong lịch sử, Ngài nói: “Nếu mắt phải của anh em làm cớ cho anh em sa ngã thì hãy móc mắt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5,29). Nhưng đàng khác, Đức Giêsu xuất hiện như người thầy nhân hậu, gần gũi đám người tội lỗi bị loại ra bên lề xã hội, để nói lên tình yêu là “khoan dung, tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả, luôn luôn hi vọng, luôn luôn tin tưởng” (x 1Cr 13,1). Chính vì thế, chỉ có những tâm hồn Kitô hữu sâu sắc nhất mới có thể khám phá ra chân lý căn bản này: “Yêu thương chính là chu toàn lề luật” (Rm 13, 8).

III. Đáp trả tiếng gọi của Đức Giêsu

Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm, cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị pháp luật đe dọa, và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và qui luật chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình yêu, sự thuận hoà trong gia đình thì cũng giống như địa ngục. Như Jean Paul Sartre đã nói: “Tha nhân là địa ngục”; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc.

  “Ta không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn” lời Chúa nói với các môn đệ hôm xưa cũng là lời Ngài đang nói với cộng đoàn chúng ta hôm nay. Cần tuân giữ luật, tuy nhiên sự tuân giữ ấy phải tránh thái độ giữ luật theo mặt chữ bên ngoài mà thiếu tâm tình xứng hợp bên trong. Do đó, đối với người môn đệ đích thực, việc tuân giữ luật phải lấy tình yêu làm động lực thúc đẩy và đối tượng để qui chiếu. Luật tối thượng là Tình Yêu (x.GL 5,14, Mt 22,37) vì xét cho cùng, lề luật là gì nếu không phải là cách diễn tả những đòi hỏi nội tại của tình yêu. Nếu tôi mến Chúa, yêu mến anh em thật sự, thì chẳng những tôi không giết người, không ngoại tình, không thề gian thề dối… mà hơn nữa, tôi còn cố gắng hòa thuận với anh em, chung thủy trong hôn nhân và chân thật trong khi giao tiếp. Nói cách khác, tình thương ví như thân cây, còn mọi điều khoản trong lề luật là hoa, là lá; nếu tách rời khỏi cây tình thương thì mọi lề luật chẳng còn ý nghĩa có chăng chỉ còn là cái xác không hồn.

Hơn nữa lề luật vốn là lời loan báo của các tiên tri về Đấng cứu thế, do đó lề luật có tính Tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Đức Giêsu chính là Đấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật họ cũng loan báo về chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Do đó, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.

Đức tin trưởng thành đòi hỏi người môn đệ tuân giữ những thực hành lề luật, nhưng việc tuân giữ phải được soi dẫn bởi tình thương chứ không phải theo thói quen máy móc, hoặc vì sức ép của người khác. Có như vậy, lề luật mới không phải là rào cản, nhốt kín ta trong âu lo, bối rối sợ sệt, nhưng là cột mốc chỉ đường hướng dẫn ta đến chỗ sống chan hòa với Chúa và với anh em.

Xin Chúa cho chúng con bước đi theo Thánh Thần thúc đẩy để chúng con biết quí trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng con, để chúng con luôn biết tìm kiếm và cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho