22/04/2016
583
Suy niệm Chúa Nhật 5 Phục sinh_Lm Giuse Minh

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

ĐIỀU RĂN YÊU THƯƠNG

 

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới,

Là anh em hãy yêu thương nhau”.

Đức Giêsu ra đi để bước vào con đường thương khó. Trong hoàn cảnh này, Người trối lại cho các môn đệ như một tâm sự gởi gấm được coi như bí mật cuối cùng và quý giá nhất của tâm hồn Ngài: Đó là lời ân tình trao gửi, một lệnh truyền trao ban: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.

Trong Tin Mừng thánh lễ hôm nay, chúng ta ôn lại tâm sự yêu thương này như một lệnh truyền, như một quy chiếu và như một sự chuyển tải niềm tin.

I. Hãy yêu thương nhau: Đây là một lệnh truyền

Trước giờ phút biệt ly, lòng bồi hồi và miệng nghẹn ngào, Đức Giêsu đã trối lại cho các môn đệ điều răn về lòng yêu mến đối với nhau, để họ sống đối xử với nhau theo như ý Người muốn trong lúc Ngưới vắng mặt. Đó là một điều răn mới. Ở đây, Người đã nói đến tình yêu, lại không phải là tình yêu dành cho Ngài, mà tình yêu của các Tông đồ đối với nhau. Bởi vì, chính tình yêu chứ không phải cái gì khác sẽ làm cho đôi mắt sáng, và bước chân của người môn đệ thêm vững để gieo rắc tin yêu đến cho mọi người. Do đó, mối bận tâm hàng đầu và trăn trở lớn nhất nơi Đức Giêsu, là muốn thấy các môn đệ của mình yêu thương nhau. Vì đối với Chúa Giêsu, yêu thương là điều kiện cần thiết để ở lại trong tình yêu của Ngài, là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau”. Mặt khác, Chúa Giêsu gián tiếp cảnh giác: mối rình rập nhóm môn đệ và những kẻ được Ngài quy tụ trong niềm tin, thiếu vắng lòng yêu thương hiệp nhất với nhau. Vì thế, Ngài mong sao các môn đệ giữ vững niềm tin, giữ lấy cuộc sống giữa những thử thách sắp tới. Có nghĩa là dù không có Ngài, các môn đệ Ngài vẫn gắn bó với nhau, và với sứ vụ như thể vẫn có Thầy hiện diện. Thầy hiện diện với họ qua di ngôn: sống tình yêu, và chính Đấng Bảo Trợ sẽ đến để đồng hành với các ông trong mọi biến cố của cuộc đời.

Hãy giữ các lệnh truyền của Thầy, lệnh truyền là hãy yêu thương nhau và thực hành yêu thương. Tin vào Thầy mà không làm theo Thầy thì Đức tin đó không có sự sống, vì đức tin không có việc làm là đức tin chết (x.Gc 2,17). Hơn nữa, không có nội lực là đức Ái mà Thầy truyền dạy, tất cả việc làm trở thành vô ích, trống rỗng, hiện hữu bên ngoài và mọi sự bằng không (x.1Cr 13,1-4). Vì thế, Thánh Phaolô đã kết luận: “Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1Cr 16,14) đó chính là diễn giải di ngôn của Thầy: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy”.

Chính vì lẽ đó, lời từ biệt của Thầy không còn làm cho các môn đệ cảm thấy cô đơn, trống vắng như ban đầu nữa, nhưng tràn đầy niềm hy vọng.

Đây là di chúc thiêng liêng tuyệt đối, không bao giờ được đặt lại vấn đề, một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống.

Thánh Gioan nói: Thiên Chúa là tình yêu, những ai muốn hiểu muốn thấy Thiên Chúa thì phải học cho biết yêu thương. Thánh Gioan còn nói mạnh hơn: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”.

II. Yêu như Thầy yêu – Như một quy chiếu

Tình yêu là một danh từ rất trừu tượng. Tuy nhiên, người ta có thể nhận diện được tình yêu bằng cử chỉ thân thương, nghĩa là qua những việc làm cụ thể, như trao cho nhau một ánh mắt ân tình, thích gần gũi nhau, nói với nhau những lời âu yếm, ngọt ngào, tử tế lịch thiệp. Nhất là người ta không ngại tỏ ra những cử chỉ ân cần, chăm sóc và trao tặng nhau bất cứ món quà gì có thể…

Cũng thế, lệnh truyền “yêu thương nhau” không phải là một ngẫu hứng tự do muốn thực hiện thế nào cũng được, mà phải là một quy chiếu khít khao vào chính tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu vốn quy chiếu vào tình yêu Chúa Cha, giờ trở nên kiểu mẫu và cội nguồn tình yêu cho những kẻ thuộc về Ngài: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Đó là thứ tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn, không biên giới; san bằng mọi hố sâu ngăn cách, rào cản để mọi người gần gũi nhau hơn; Tình yêu chủ động đi bước trước, cho tôi tớ trở thành bạn hữu, cho xa lạ thành thân quen, cho nỗi niềm riêng tư thành tâm sự muốn chia sẻ… Để nếu cần, tình yêu ấy sẵn sàng mạo hiểm đến hy sinh mạng sống vì người mình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.

Đức Giêsu đã vì yêu, đã đích thân xuống thế hầu có thể chia sẻ kiếp người với con người cách trọn vẹn qua sự gần gũi thương yêu dạy dỗ và ban phát ơn lành. Sau cùng tình yêu dâng trào đã thôi thúc Ngài dâng hiến cả mạng sống để cứu chuộc nhân loại, chưa thỏa lòng nên trước khi về trời, với những lời tâm huyết Ngài nói: “Thầy ra đi trước để dọn chỗ cho các con” (Ga 19,2); cũng chưa yên tâm, nên Người lại ban phép Thánh Thể, hằng ngày hiện hữu trong nhà tạm để được sống gần gũi với những người Ngài thương yêu cho đến cuối cuộc đời, hầu con cái Ngài không bị lạc lõng, bơ vơ… Và khi các môn đệ yêu thương nhau, họ có đó tình yêu của Chúa Giêsu như chuẩn mực để đo lường chất lượng, như một kiểu mẫu để so nắn lộ trình, như một quy chiếu để điều hòa nhịp sống, và như một cội nguồn để tìm tới nối dài hành vi yêu thương…

III. Tình yêu là căn tính Kitô hữu

Được tạo dựng và được cứu độ trong tình yêu của Thiên Chúa, lại được mời gọi sống điều răn yêu thương, cho nên có thể nói được rằng yêu thương là căn tính, là bản chất của Kitô hữu. Nhận ra mình là kẻ đã được yêu, tín hữu được kêu gọi để đón nhận bằng cách “ở lại trong tình yêu của Chúa” và biết đáp trả bằng tình yêu trung tín, chu toàn các giới răn đúng với bổn phận trong bậc sống của mình. Tình yêu ấy luôn là một mạo hiểm của mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh, nhưng bên trong lại là niềm vui bất tận.

Tuy nhiên, nói yêu bao giờ cũng dễ, chính khi thực hành yêu thương ta mới thấy hết những nét quyết liệt của lệnh truyền này. Chẳng hạn:

- Ở qui mô nhỏ hẹp như một gia đình đã có những va chạm nhiều khi đưa đến chỗ sứt mẻ, đổ vỡ!

- Ở qui mô rộng lớn hơn như một giáo xứ lại cho thấy xuất hiện những đụng chạm, những bất đồng quan điểm, có nguy cơ phá vỡ sự hiệp thông, do tính ích kỷ, đầu óc hẹp hòi, nếp nghĩ giới hạn, tầm nhìn phe cánh... hoặc vì quyền lợi hay quyền lực để rồi nhắm mắt trước giới luật yêu thương.

- Và rộng lớn hơn nữa là qui mô của một xã hội, ở đó, hiện nay nhân loại đang phập phồng lo sợ vì nạn bạo lực, khủng bố bao trùm khắp nơi. Đáng lẽ ra con người phải lấy tình thương báo đáp hận thù, thì họ lại cư xử với nhau theo kiểu “công lý và báo thù”: “mắt đền mắt răng đền răng”. Trước bối cảnh đó, lời căn dặn yêu thương của Đức Kitô cần phải được khắc sâu và thực hiện triệt để hơn nơi đời sống các môn đệ Chúa Kitô.

Tình yêu ấy luôn mang lại một khả năng biết mở rộng con tim và vòng tay để đến với mọi con người không phân biệt, không biên giới.

Xin Chúa luôn thanh luyện tình yêu của chúng ta để từng ngày chúng ta biết chân thành yêu thương như Chúa yêu, yêu người như Chúa yêu, vì Chúa là tình yêu.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho