16/04/2016
1512
Suy niệm Chúa Nhật 4 Phục sinh_Lm Giuse Minh





CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

CHÚA CHIÊN LÀNH

Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17; Ga 10,27-30

“Tôi ban sự sống dồi dào cho chiên của Tôi”

I.    Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành:

Chúa Nhật IV Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Phụng vụ lời Chúa năm A, B, hay C lấy từ Tin Mừng Gioan. Trong đó, Chúa Giêsu tự nhận mình là cửa chuồng chiên (Ga 1,1-10), là người mục tử hiến thân cho đoàn chiên, để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên (Ga 10,11-18; Ga 10, 27-30)

Thánh sử Gioan mời gọi chúng ta đi một vòng qua các ngọn đồi Galilêa để chứng kiến một cảnh thanh bình: Các mục tử dẫn bầy chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát.

Hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên là một hình ảnh đẹp và rất quen thuộc đối với nền văn hóa du mục. Người Do Thái sống bằng nghề du mục chăn nuôi, nên hình ảnh người mục tử là hình ảnh rất thân thương. Người mục tử đi trước đàn chiên, tay cầm gậy, miệng thổi tù và và đàn chiên đi sau người đó. Người chăn chiên tốt phải là người biết chăm sóc đến từng con chiên, hiểu biết tính tình từng con chiên, dẫn đàn chiên đến những đồng cỏ xanh tươi, nguồn suối nước trong lành để con chiên được nuôi dưỡng bồi bổ. Người mục tử cũng còn phải băng bó những con chiên bị thương, bảo vệ chúng khỏi bị thú rừng cắn xé.

Trong lịch sử trước kỷ nguyên, các vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử. Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng ấy, dân du mục Israel thường dành cho Thiên Chúa. Ngài dẫn đưa họ qua biển đỏ, qua sa mạc đến đất hứa, như người mục tử gắn liền số mạng với đàn chiên, vui buồn gian khổ một nắng hai sương. Đó là viễn ảnh một vị mục tử mà Thiên Chúa sẽ gởi đến là Đức Giêsu Kitô. Hôm nay, khi nhìn thấy cảnh bầy chiên trên đồi Galilê, Chúa đã tự mô tả mình như một mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Nhiều lần Chúa đã tự ví mình như người mục tử nhưng lần này Ngài đã nói với tất cả ý nghĩ của mình. Khác với những người chăn thuê giữ mướn, những người lợi dụng và trộm cướp, người chăn chiên lành chỉ biết phục vụ đàn chiên và cứu đàn chiên khỏi mọi sự dữ.

Đối lại, con chiên thì nghe tiếng người chăn, hăm hở đi theo và tỏ tình yêu mến.

Người mục tử đi trước để bảo vệ đàn chiên, đoàn chiên theo sau ngoan ngoãn và tín nhiệm, Chúa phán: “Ta đến để mọi người được sống và sống dồi dào”, cho dù phải trả bằng giá rất cao, bằng chính mạng sống mình.

Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu không chỉ nhận là người Mục tử mà còn tự ví mình là “cửa”: “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân” (Ga 10,9). Đức Kitô là cửa để bao bọc bảo vệ đoàn chiên khỏi mọi gian nguy. Cha Mark Link SJ có mô tả một cái chuồng chiên trong câu chuyện “vùng đất Thánh-The Holy Land” của John Kellman: Chuồng chiên ở Do Thái có một bức tường bằng đá bao chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Kellman kể rằng: Ngày nọ một du khách Thánh địa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngoài đồng gần Hebron. Anh du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: “Cửa chuồng của anh đâu?”. Người mục tử liền đáp: “Tôi chính là cửa chuồng”. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không có chú chiên nào có thể bỏ chuồng chiên đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta”

Như thế, hình ảnh mục tử và cửa chuồng chiên đều chỉ vào Đức Kitô, và là hình ảnh mô phạm cho các bậc chủ chiên.

II.  Mối tương quan giữa Chúa Giêsu Mục tử và Kitô hữu

Chính nơi Chúa Giêsu, loài người gặp gỡ Thiên Chúa, và loài người cũng gặp gỡ anh em mình. Nhưng con người có kẻ tốt, và người xấu, kẻ thánh thiện và kẻ gian ác. Đối với đoàn chiên, có kẻ không qua cửa mà đột nhập vào, họ là kẻ trộm cướp, đến để ăn cướp, để sát hại và phá đổ. Là con chiên ta phải đi theo Chúa, và như thế ta không lo mắc nạn, vì có Chúa ở cùng ta, như Thánh vịnh 22,4 đã cảm nghiệm sự yêu thương đùm bọc này:

“Trong thung lũng tối,

Con không lo mắc nạn,

Vì Chúa ở cùng con”

Theo vết chân của vị mục tử chúng ta sẽ được thấy đời sống ấm áp lại với bao băng giá, bao đổ vỡ, bao bóng tối, bao nghịch cảnh bao trùm chúng ta. Chúng ta hãy vững tin vào lời hứa của Chúa Giêsu mục tử: “Ta đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10)

Chúa Nhật IV Phục sinh được Thánh hiến đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục, tu sĩ với lời ước nguyện cầu cho Giáo hội có được những mục tử, những người hiến dâng cuộc đời cho Chúa trở nên giống Chúa Kitô, Đấng chăn chiên lành sẵn sàng hy sinh phục vụ đoàn chiên như lòng Chúa mong ước, để có thể đối thoại với nhân loại hôm nay, khơi dậy hình ảnh người mục tử nhân lành là Đức Kitô cho các bạn trẻ về lý tưởng hiến dâng; lý tưởng trở nên mục tử, trở nên cửa tình yêu, cửa sự sống trong ơn gọi của đời Thánh hiến.

Mong ước cho mọi Kitô hữu lắng nghe tiếng gọi của các mục tử và cùng với các Ngài kết hiệp với người chủ chăn nhân lành là Đức Kitô, Đấng muốn ban ơn cứu độ cho nhân loại, nhờ đó chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho