24/03/2017
1989
Suy niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay A_ Lm Trầm Phúc



















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A

Lời Chúa: Ga 9,1-41

 

Thánh Gioan tường thuật hết sức tỉ mỉ phép lạ Chúa Giêsu chữa một người mù từ khi mới sinh, trong đó chúng ta có thể nhận thấy được một cách rõ ràng khuôn mặt rực sáng và nhân hậu của Chúa và khuôn mặt xấu xa, câu nệ của nhóm Pharisêu.

Nhìn thấy anh mù ngồi ăn xin ở cửa Đền thờ, các môn đệ thắc mắc hỏi Chúa tại sao anh bị mù, có phải tại vì tội của cha mẹ anh hay do tội của ai mà anh bị mù. Người Do Thái thường quan niệm rằng tai nạn là do tội mà ra. Chúa trả lời: “Không phải do tội của ai cả mà để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Như thế, chúng ta có thể thấy rằng, không có gì là vô ích cả, mọi sự đều có thể tôn vinh Thiên Chúa, nếu mọi sự đi đúng chương trình của Chúa. Chúa sẽ dùng sự mù lòa của anh này để chứng minh Ngài là ánh sáng thế gian. Chúa tuyên bố rõ ràng, ngay trước khi làm phép lạ.

Chúa Giêsu không trực tiếp chữa lành anh mù mà làm những cử chỉ gây ngạc nhiên. Ngài nhổ nước miếng trộn thành chút bùn rồi xức lên mắt anh mù và bảo anh đến hồ Siloác rửa mắt. Từ Siloác có nghĩa là người được sai đến. Tại sao Ngài không chữa anh mù này như đã chữa những anh mù khác mà lại sai anh đến rửa mắt tại hồ Silôác? Đó là một cách gián tiếp Ngài cho mọi người thấy Ngài là Đấng Thiên Sai.

Chúng ta không thể hình dung được niềm vui của anh mù khi được sáng mắt và cũng không thể hiểu được sự ngỡ ngàng của những người chung quanh khi thấy anh được sáng mắt. Phép lạ này vượt quá sức tưởng tượng của mọi người. Đó là một bằng chứng rõ ràng về quyền năng siêu vời của Chúa Giêsu. Nhưng đâu phải tất cả mọi người đều công nhận quyền năng đó đâu! Có một hạng người không tin và cương quyết không tin, đó là những ông Pharisêu. Đó chính là những người mù thực sự, vì kiêu căng và ganh tị. Đứng trước một sự thật hiển nhiên như thế, họ vẫn không thể tin. Hơn nữa, họ dựa vào Lề Luật để không tin vì Chúa Giêsu đã làm phép lạ này vào ngày sabbat. Óc nệ luật đã làm cho họ bị mù.

Mấy ông Pharisêu tìm cách bôi xóa ảnh hưởng của Chúa Giêsu và từ chối không công nhận phép lạ. Tuy nhiên trong nhóm họ cũng có một số người chấp nhận rằng một người tội lỗi làm sao có thể làm được một dấu lạ như thế. Chỉ có những người cố chấp và lòng dạ xấu xa mới trở nên mù lòa. Mấy ông Pharisêu đã cật vấn anh mù một cách sít sao, nhưng không thể làm cho anh thay đổi lập trường và anh đã tuyên xưng người đã mở mắt cho tôi là một ngôn sứ. Càng điều tra, họ càng lún sâu vào sự vô lý của họ và chính anh mù đã cho họ một bài học chua cay: Anh nói: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi… Xưa nay chưa thấy ai đã mở mắt cho một người mù từ khi mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. Đứng trước những lời lẽ vững chắc như thế, các ông chỉ còn một cách là dùng quyền và trục xuất anh mù khỏi hội đường.

Anh mù đã được sáng cả đôi mắt phàm trần và cả đôi mắt tâm hồn. Chúa đã cho anh nhìn biết Ngài là Con Người, tức là Đấng Cứu Độ và anh đã tin.

Hãy cầu xin cho chúng ta một đức tin sáng suốt, một tâm hồn khiêm tốn để nhìn biết những kỳ công Chúa thực hiện quanh chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã tin Chúa, nhưng không sống đức tin đó. Họ cho mình đủ sáng suốt, đủ khôn ngoan, không cần ai chỉ dẫn, không nhìn nhận giá trị của ai khác. Họ là những người Pharisêu mới của thời đại. Họ chỉ biết tới cái tôi của họ, và như thế, đã gây nhiều khó khăn cho các cộng đoàn giáo xứ.

Chúng ta cũng nên tự hỏi rằng: tôi có tin chưa? Đức tin của tôi đã ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi chưa? Tôi có đủ sáng suốt để nhìn nhận giá trị của những người anh em đang cùng đi với tôi trên con đường tìm kiếm Chúa không? Đức tin chân chính luôn quì gối và tuyên xưng: “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa hãy ban thêm đức tin cho con”. Tự mãn là mù lòa và nhiều người đã mù lòa vì họ tưởng họ đã vững tin rồi và khinh thường người khác. Đức tin chân chính là luôn cảm thấy mình cần đến anh em, là cùng nhau tìm kiếm Chúa trong cuộc sống chứ không đơn độc trong lập trường cứng nhắc của mình. Đức tin chân chính là cảm thấy mình liên đới với mọi người và nếu tôi vững mạnh, hãy nâng đỡ những anh em yếu đuối như thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu Rôma. Trong Giáo Hội luôn có những  người cho mình là cấp tiến hay bảo thủ. Họ không thể chấp nhận người khác không giống mình. Họ độc quyền trên Thiên Chúa, làm như Thiên Chúa là của riêng họ. Những người tự cho mình là sáng mắt, nhưng kỳ thực họ là những người mù.

Xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn cởi mở để đón nhận và nhìn thấy bàn tay Chúa luôn hoạt động trong chúng ta qua những dấu hiệu của Ngài. Thánh Thể là một dấu hiệu hữu hình, nhưng là một thử thách cho đức tin của chúng ta. Và hằng ngày, Chúa vẫn đến với chúng ta qua dấu hiệu nhỏ bé đó. Chúng ta có tin thật không? Thánh Gioan Maria Vianey đã nói: “Nếu chúng ta biết phép Thánh Thể là gì, chúng ta sẽ chết mất”. Vì sao thế? Chúng ta sẽ chết mất vì quá hạnh phúc. Thiên Chúa đã trở nên của ăn để cho chúng ta được sống và được sống sung mãn. Còn gì hạnh phúc hơn không? Chúng ta có tin thật không? Sau khi truyền phép, linh mục chủ tế tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, nhắc cho chúng ta nhớ, đây là mầu nhiệm chứ không là một điều thông thường, nhưng là mầu nhiệm đã trở nên một cái gì thông thường gần gũi với chúng ta. Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta. Hãy nếm thử xem Chúa ngọt ngào êm dịu như thế nào! Hạnh phúc biết bao khi chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu!

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho