24/03/2017
1392
Suy niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay A_ Lm Giuse Minh






















CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A

1 Sm 16,1b.6-7,10-13a; Ep 5, 8-14; Ga 9, 1-41

Chúa Giêsu Là Ánh Sáng

Và Nguồn Sống Cho Muôn Dân

 

 

I. Dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa

Nếu trong phần lời tựa của Phúc Âm thứ tư, chủ đề “Ngôi Lời là sự sống và là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4-5) đã được giới thiệu một cách trang trọng, thì phải đến trung tâm cuốn sách, bằng trình thuật Đức Giêsu chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh, chủ đề ấy mới được khai triển, để làm thành một dấu chỉ qua đó Đức Giêsu được trình bày là ánh sáng cho trần gian, và sứ mạng của Ngài là dẫn đưa loài người vào nguồn sống. Trong bối cảnh Chúa nhật thứ tư Mùa Chay, dấu chỉ ấy được đọc lại như muốn nhắc nhở: “Chúa Kitô là nguồn ánh sáng và là nguồn sống cho nhân loại”. Đồng thời cũng như một xác định: chỉ có những cuộc đời biết vượt qua bóng tối để đến với ánh sáng mới có khả năng đón nhận sự sống.

II. Chúa Giêsu là ánh sáng muôn dân

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chữa lành người mù từ thuở mới sinh. Bài Tin Mừng có ba phần: Đức Giêsu chữa người mù (cc. 1-12), phản ứng của hàng lãnh đạo Do Thái (cc. 13-14) và sự kiện Đức Giêsu gặp lại người mù vừa được chữa lành (cc. 35-38).

1. Đức Giêsu chữa người mù (cc. 1-12)

Đứng trước thân phận đáng thương như trường hợp một người mù lòa từ thuở mới sinh, hay trước một số kiếp hẩm hiu nào khác, người ta dễ đặt câu hỏi: “Tại sao?”, để tìm ra định luật “Nhân - Quả”, như trường hợp sau khi Đức Giêsu rút lui khỏi đền thờ vì người Do Thái lượm đá để ném Ngài, thì Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Lúc ấy các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Đó quả là một lối nhìn, một suy nghĩ khác lạ, vượt lên trên mọi quy luật luân lý, một điều mà lý trí tự nhiên khó chấp nhận. Bởi vì câu trả lời của Chúa Giêsu khác với suy nghĩ theo lối thông thường: bệnh tật là do tội lỗi mà ra, cho nên đã gây ra cho mọi người sự kinh ngạc đến sửng sốt.

Theo nhận định của Đức Giêsu thì “nhận ra công trình của Thiên Chúa” mới chính là nguyên nhân hay mục đích của biết bao sự kiện tang thương, tiêu cực xảy ra trên trần gian như động đất, sóng thần, bão lụt, chiến tranh, bệnh tật, chết chóc, tội lỗi. Câu khẳng định trên, mới nghe ta tưởng như hoàn toàn phi lý, không thể chấp nhận được. Bởi vì ta vẫn quen chia sẻ lối suy nghĩ phổ biến: “Công trình của Thiên Chúa” phải là điều gì hùng vĩ hoàn hảo và tốt lành lắm, còn những bất toàn tang thương không thể là công trình của Ngài. Vậy cách duy nhất để giải thích câu nói của Đức Giêsu là “công trình của Thiên Chúa” chính là lòng nhân ái xót thương mà Thiên Chúa đang thực hiện.

Trường hợp cụ thể, trước khi Chúa Giêsu chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh, Ngài đã loan báo: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng cho trần gian”. Lời tuyên bố đó cho thấy vai trò của Đức Giêsu trong trình thuật về phép lạ chữa người mù: “Anh hãy đi đến hồ Silôác mà rửa”. Silôác có nghĩa là: “Người được sai phái”. Vậy anh ra đi rửa mắt, và khi về thì thấy được. Đức Giêsu dùng một hành động tượng trưng và ngữ nguyên Silôác để cho thấy một khía cạnh của sứ mạng Ngài: như nước hồ của người được sai phái cho người mù từ thuở mới sinh nhìn thấy, Đấng được sai phái cũng mang ánh sáng mặc khải cho con người chìm đắm trong bóng tối.

Nhờ chính việc anh mù được chữa lành mà anh nhận ra Đức Giêsu là một con người siêu phàm, mang nơi mình quyền uy vượt quá khả năng bình thường của loài người (x. Lc 24,19). Đức Giêsu được coi như một người của Thiên Chúa, nhận uy quyền từ Thiên Chúa.

Anh mù đã nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mình qua con người được sai đến là Đức Giêsu và một khi nhận biết “chính Đấng đang nói với anh đây” là Vị đó, anh đã tin vào Ngài: “Thưa Ngài, tôi tin”.

2. Phản ứng của hàng lãnh đạo Do Thái

Trong khi những người Kinh Sư cùng Biệt Phái còn mải mê với một vị Thiên Chúa xa vời, phù hợp với sự nhào nặn của họ, đến nỗi sa đà trong bóng tối không nhìn thấy “công trình của lòng Chúa xót thương”, để rồi đành đoạn sống thù địch với ánh sáng. Đức Giêsu bảo họ: “Giả như các ngươi đui mù, các ngươi đã chẳng có tội; nhưng giờ đây các ngươi nói: “chúng tôi sáng mắt thì tội các ông còn lưu lại” (Ga 9,41).

III. Để sống như con cái ánh sáng

Niềm tin Kitô hữu giúp chúng ta nhận ra công trình yêu thương của Thiên Chúa từ nhân đang thực hiện qua mọi biến cố buồn vui xảy đến trong cuộc sống. Nhìn lên Đức Giêsu chết treo trên thập giá, với con mắt đức tin phải nhận ra ngay “công trình yêu thương” Thiên Chúa đang liên tục thực hiện. Đồng thời với niềm tin này, tôi nhìn vào mọi biến cố, nhất là biến cố tiêu cực và vô lý không thể giải thích nổi hàng ngày đang xảy ra cho chính tôi và quanh tôi, để nhận ra bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện đầy nhân ái xót thương của Thiên Chúa.

Đối với người tín hữu trong Mùa Chay những điều thiết thân hơn cả không phải chỉ là ghi nhận, mà còn là quyết tâm trở về sám hối, nên cách sống đức tin của anh mù sau khi được sáng mắt đã trở thành một bài học sống động cho người tín hữu về một đức tin đã được thắp lên và sẵn sàng chiếu tỏa trên mọi hành vi cuộc sống. Đó là một đức tin can đảm, dám làm chứng cho ánh sáng giữa bóng tối của một thứ đạo đức vụ luật và vị lợi.

Một đức tin như thế chính là kiểu mẫu cho niềm tin hôm nay. Qua Bí tích Rửa Tội, tín hữu đã thực sự được ánh sáng Chúa Kitô chiếu tỏa để thoát cảnh mù lòa bẩm sinh, nhưng vấn đề được đặt ra là liệu với chiều dài cuộc sống, người tín hữu có còn để cho ánh sáng tiếp tục rọi chiếu trên mình nữa không, hay có sẵn sàng cộng tác để cho ánh sáng Chúa Kitô được chiếu soi đến những môi trường lân cận? Thánh Phaolô đã để lại lời nhắn gởi cho đến hôm nay vẫn còn nóng bỏng: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (bài đọc 2)

Nếu tên gọi Silôác có nghĩa đặc biệt là nước của Đấng Thiên Chúa sai đem ánh sáng cho nhân loại trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thì tín hữu cũng chỉ thật sự an tâm khi đã tích cực sống cho ánh sáng, và bằng cuộc đời của mình làm cho ánh sáng Chúa Kitô được lan tỏa vào những môi trường xung quanh.

Chúa nhật IV Mùa Chay hôm nay là một lời tuyên xưng Chúa Kitô là ánh sáng dẫn đưa vào nguồn sống, nhưng để nếm thưởng được sự sống ấy, người tín hữu phải đoạn tuyệt với bóng tối của sự mù lòa tinh thần để đến với ánh sáng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Amen

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho