28/04/2017
911
Suy niệm Chúa Nhật 3 Phục Sinh_Lm. Giuse Minh




















CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – A

TỪ EMMAU VỀ GIÊRUSALEM

Cv 2,14.22b-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

“Xin Ngài Ở Lại Với Chúng Tôi, Vì Trời Đã Xế Chiều Và Ngày Sắp Tàn” (Lc 24,29)

 

I. Dẫn vào Tin Mừng

Câu chuyện hai môn đệ đi Emmau trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ được một mình Luca thuật lại. Luca viết bài này dựa theo một nguồn tư liệu riêng, tức là “Truyền thống các môn đệ”. Do đó, Tin Mừng của Luca còn được gọi là Tin Mừng của các môn đệ. Qua trình thuật, Luca cho thấy rằng Chúa Giêsu muốn hướng dẫn các môn đệ đã vì cớ vấp phạm của thập giá mà mất niềm tin thì nhờ Kinh Thánh và việc bẻ bánh mà củng cố lại niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

II. Tin Mừng Chúa Phục Sinh và hai môn đệ trên đường Emmau

1/ Hai môn đệ đi về Emmau

Các môn đệ theo chân Chúa Giêsu lên Giêrusalem với hy vọng lập quốc mới. Thế nhưng hy vọng tràn trề bao nhiêu, thì nay lại thất vọng bấy nhiêu khi chính thầy Giêsu, người mà các ông đã hy vọng sẽ khai sinh cho một vương quốc mới lại bị xử tử đóng đinh và chết treo trên thập giá. Cuối cùng tảng đá lăn lại lấp mồ chôn vùi thầy vĩnh viễn và cũng chôn luôn niềm hy vọng các môn đệ Chúa Giêsu. Còn đâu nữa bao hoài bão về một tương lai đầy xán lạn. Tất cả mọi sự trở nên như một màu đen tối, nỗi thất vọng trào dâng khiến các môn đệ tính đến chuyện giải tán và về quê như hai môn đệ trong Tin Mừng Luca 24,13-35 trở về Emmau.

Bài trình thuật mở ra về thời gian xảy ra là “cùng ngày hôm đó”, tức là ngày thứ nhất trong tuần (24,1), hai môn đệ, một người có tên là Clêôpát đang trầm ngâm dấn bước tiến về làng Emmau cách Giêrusalem khoảng mười một cây số. Họ vừa đi vừa trò chuyện bàn tán với nhau về “tất cả những sự việc mới xảy ra”, như tin đồn rộ lên giữa xã hội, các môn đệ đến lấy trộm xác ông Giêsu làm cho dân chúng căm phẫn muốn truy bức các môn đệ; rồi tin được các phụ nữ loan báo: “Thầy sống lại”(x. Lc 24,22-24) làm cho các ông càng rối trí hơn.

2. Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (cc. 15-27)

Giữa lúc ấy, một khách bộ hành nhập cuộc đi với họ suốt con đường dài, mà họ không thể mường tượng đó là thầy của mình, nay đã phục sinh. Người khách lạ ấy, với bao tế nhị, đã khai mào câu chuyện để họ thổ lộ tâm can, cởi mở tâm hồn. Sau một thoáng im lặng, Ngài hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”. Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu, và thưa: “Chuyện ông Giêsu Nazaret, người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Nhưng đã bị xử tử và đóng đinh vào thập giá cách đây ba ngày rồi.

Bấy giờ, Đức Giêsu bắt đầu “giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh chỉ về Người, về vụ ông Giêsu”. Ngài đã cho môn đệ nhìn thấy ý nghĩa sâu xa của sự việc mà “họ khờ khạo chậm tin”: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).

Chính lúc Ngài nói chuyện và giải thích cho các ông hiểu sách thánh, lời của Ngài đã khai sáng tâm hồn và đã mở mắt cho các ông. Giữa cảnh u ám chập choạng của ngày sắp tàn và sự tối tăm đang xâm chiếm lòng trí các ông, vị khách kia đã dọi một tia sáng dấy lên niềm hy vọng và sưởi ấm cho lòng sốt sáng dần lên! Lúc đó các ông đã khẩn khoản mời: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”, và vị khách được mời đã nhận lời.

Ngài bước vào nhà và chia sẻ bữa ăn chiều với họ. Chính trong lúc đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Ngài. Nhưng Ngài lại biến mất. Ngay lúc ấy, họ trở lại Giêrusalem, gặp nhóm mười một thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường, và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi người bẻ bánh.

III. Chúng ta sống Tin Mừng Phục Sinh như thế nào?

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay theo lời kể của 2 môn đệ làng Emmau thì Chúa Kitô đã sống lại thật, hôm nay và mãi mãi Ngài vẫn đang sống: Ngài vẫn sống như xưa Ngài từng sống. Sống cho, sống với, sống vì. Vì tôi và vì mọi người; với tôi và với mọi người; cho tôi và cho mọi người. Ngài vẫn tiếp tục đồng hành với tôi, với mọi người trên mọi nẻo đường đời của vui mừng và hy vọng, của u sầu và lo lắng, như xưa đã từng sánh bước với hai môn đệ làng Emmau.

Từ đây, mọi tiếp xúc với Ngài sẽ được thực hiện bằng đức tin như Ngài đã nói với Tôma và Madalena, Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm đức tin. Vì thế chúng ta chỉ có thể nhận diện và cảm nhận được khuôn mặt thực sự của Ngài trong cuộc sống đời thường, qua việc chiêm ngắm và sống ân tình với Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, như hai môn đệ làng Emmau chỉ nhận ra Ngài đang sống khi thấy Ngài bẻ bánh. Mắt họ đã thực sự mở ra.

Mẹ Têrêsa Calculta không bao giờ cảm thấy cô độc. Bà luôn đồng hành với Chúa, và bà đã dễ dàng nhận ra Chúa trong mọi nơi và qua mọi người, vì bà luôn sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Bà thố lộ với các nữ tu của mình: “Nếu chị em cung kính trước mình thánh nơi đôi tay của linh mục truyền phép, thì hãy cung kính Ngài như thế nơi mỗi con người mà các chị em phục vụ”.

Chúng ta hãy bắt chước hai môn đệ làng Emmau thưa với Chúa rằng: “Xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” để mỗi người chúng ta có thể nói như thánh Phaolô rằng: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” và đó chính là hạnh phúc của chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho