09/12/2016
1012
Suy niệm Chúa Nhật 3 Mùa vọng-Năm A_Lm. Giuse Minh
















 



CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - NĂM A

Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

“Hãy vui lên! Vì Chúa Đã Đến Gần”

 

I. Bối cảnh Phụng vụ Lời Chúa

Lễ Giáng Sinh đã gần đến, với những đổi thay ngoài xã hội và trong thiên nhiên. Các siêu thị nhộn nhịp khách hàng, những cây thông Noel rực rỡ ánh đèn, nhạc thánh ca từ các giáo đường vang lên làm xôn xao, nao nức lòng người. Những quà tặng, những tấm thiệp Giáng Sinh với những lời chúc tốt đẹp thánh thiện. Ngoài trời như chuyển mình lập đông, khí hậu lành lạnh như khơi dậy lòng người một niềm hy vọng đợi chờ cho một tương lai tươi sáng. Tất cả những đổi thay đó làm cho con người có một niềm vui hy vọng nhen nhúm trong cõi lòng. Hoà nhịp với niềm vui và hy vọng ấy, Giáo Hội là mẹ rất nhạy cảm, để chia sẻ niềm hân hoan đang dâng lên trong lòng con cái mình, Giáo Hội đặt Chúa Nhật này là Chúa Nhật màu hồng. Lễ phục màu hồng có thể thay thế màu tím. Và các lời kinh tiếng hát hôm nay như đã đi trước niềm vui Giáng Sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là niềm hân hoan trong bầu khí chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

Mở đầu thánh lễ Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội nhắc lại lời dạy của thánh Phaolô: “Hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại anh em hãy vui lên, vì Chúa đã gần đến”.

Trước viễn tượng chờ đợi Chúa đến, bài đọc thứ nhất trích từ sách Isaia (35,1-6a.10) cho chúng ta đọc được một lời an ủi đầy sức thuyết phục của vị đại Ngôn Sứ, sống ở thế kỷ thứ VIII trước công nguyên. Trong lời an ủi ấy, Ngôn Sứ loan báo về một thời đại cứu độ khi Thiên Chúa ra tay cứu giúp những người đau khổ tàn tật đem lại sự lành lặn và niềm hạnh phúc cho họ… Đây là lời rao báo mạnh mẽ về niềm hy vọng. Thời hạnh phúc toàn vẹn sắp đến khi Thiên Chúa đến cứu dân Người. Vị Ngôn Sứ cũng là thi sĩ viết bằng thơ ngập đầy những hình ảnh:

“Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng

Đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa

Hãy nở hoa như cây thuỷ tiên

Hãy đầy hân hoan và niềm vui”

và bằng những từ ngữ vui tươi chồng chất, hoan lạc hân hoan, trổ hoa, nhiệt liệt, reo hò…

Niềm vui trong lòng của vị ngôn sứ thật to lớn, nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày, tác giả chưa được hưởng nếm. Ở đây, vị ngôn sứ nói về niềm vui sau lưu đày khi dân Chúa được hồi hương. Quả thật, ai sung sướng cho bằng dân được độc lập, giải phóng! Ngày đó mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, người què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa.

Giáo Hội mượn lại lời của ngôn sứ Isaia để nói lên niềm vui khi Chúa đến: “Niềm vui của thời Thiên sai và của ngày Chúa trở lại”. Chỉ khi ấy niềm vui mới được trọn vẹn, và tất cả mọi khổ sở, đau phiền, bệnh tật, chết chóc sẽ chấm dứt. Và người ta có thể nói như Isaia: “Vĩnh biệt phiền sầu than vãn”.

II. Gioan tẩy giả giới thiệu và làm chứng sứ vụ Thiên sai của Đức Kitô

Ngày xưa tiếng kêu của ngôn sứ Isaia đã vọng lên cho toàn dân lưu đày đang miên man trong thất vọng, buông xuôi tất cả. Ông lay tỉnh họ, dạy họ đón nhận một sứ điệp đầy hy vọng, đặt niềm tin nơi Chúa, và chuẩn bị cụ thể để đón nhận Người.

Ngày nay, tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả giữa nơi hoang vắng cũng đánh thức, gây chú ý và qui tụ dân chúng, và rồi người Do Thái đương thời đã phải ngỡ ngàng băn khoăn vì sứ điệp của Gioan Tiền Hô như bắt họ phải đối diện với những vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội. (Lc 3,7-14) và người Do Thái đã lãnh nhận phép rửa, sám hối xin ơn tha tội.

Gioan Tẩy Giả là người dọn đường cho Đấng Mêsia, nhưng đang bị vua Hêrôđê giam trong tù ở Macheronte, các môn đệ đến thăm và báo cho Ngài biết về một vị Ngôn Sứ mới xuất hiện tên là Giêsu đang hoạt động ở Galilê. Ngài rao giảng và làm nhiều phép lạ khiến cho dư luận quần chúng sôi nổi. Nghe các môn đệ báo, Gioan đã sai hai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.

Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi đặt ra, mà bảo các môn đệ Gioan về kể lại cho thầy họ những điều họ đã nghe về giáo huấn cũng như đã thấy những phép lạ Người làm: Những phép lạ trên thiên nhiên, trên bệnh nhân, trên ma quỉ và trên kẻ chết… Đó là việc Ngài làm, còn về giáo lý Chúa tóm tắt rằng: “Kẻ nghèo khó được loan báo Tin Mừng”.

Đây chính là hình ảnh Đấng Mêsia mà Ngôn Sứ Isaia đã loan báo và mô tả trước đó (Is 26,19; 29,18-19; 35,5-6;6,1) để nhân loại nhận ra kỷ nguyên cứu độ.

Thế nhưng, Gioan Tẩy Giả và những người đương thời vẫn trông đợi thì Đấng Mêsia phải là một thẩm phán xét xử và trừng trị kẻ ác. Chính Gioan Tẩy Giả đã dùng những lời đầy nóng bỏng để loan báo về Chúa Cứu Thế: “Chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt! (Lc 3,16-17).

Và như thế chúng ta dễ hiểu tại sao Gioan đã đặt vấn nạn về Chúa Cứu Thế? Những Giáo Phụ nổi tiếng như thánh Gioan Kim Ngôn, thánh Âu Tinh và nhiều nhà chú giải Kinh Thánh đã trả lời rằng: về phần thánh Gioan chắc chắn ngài đã biết Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia mà ông loan báo là sắp đến, nhưng có thể ngài còn tưởng rằng Chúa là Đấng cứu tinh đến để giải phóng It-ra-en cả trong phạm vị trần thế nữa, giống như một vị vua Do Thái, bách chiến bách thắng để đem vinh quang nước It-ra-en lên tột đỉnh.

Sau khi các môn đệ của Gioan đi rồi, Chúa nói cho dân chúng biết về Gioan. Chúa ca ngợi Gioan, một đàng ông làm chứng cho sứ vụ tiền hô của mình, đàng khác, qua chính sứ vụ này, Gioan đã giới thiệu về sứ vụ cứu thế của Người. Chúa đặt ra ba câu hỏi:

 Thứ nhất, “Anh em ra xem gì trong hoang địa, một cây sậy phất phơ trước gió ư?” Cây lau, cây sậy thường mọc ở ven sông, bên suối hay bờ biển để giữ đất cát. Vậy làm sao tìm được cây lau, cây sậy ở hoang địa hay sa mạc? Chúa Giêsu có ý nói đến Gioan Tiền Hô. Chúa ca tụng đức tin can đảm và nhẫn nại của Gioan, đã không chịu khuất phục trước tội vô luân của Hêrôđê.

Thứ hai, “Có phải xem người ăn mặc gấm vóc lụa là chăng?” Những thứ đó phải tìm trong cung điện nhà vua hay những nơi đô hội, còn nơi sa mạc là nơi cô tịch và hoang vắng chỉ có người ăn mặc bằng da thú và lá cây thôi. Ở đây Chúa muốn ca tụng sự khổ hạnh của Gioan và là gương mẫu cho mọi người.

Thứ ba, “Có phải xem một Ngôn Sứ ư?” Chúa bảo đây còn hơn là một Ngôn Sứ nữa. Vì Gioan là sứ giả đi trước Chúa, dọn đường cho Chúa. Ông cao trọng hơn tất cả các Ngôn Sứ, vì các Ngôn Sứ trước ông cùng lắm chỉ sửa soạn, chuẩn bị cách gián tiếp. Còn Gioan sửa soạn, chuẩn bị trực tiếp cho ơn cứu độ đến với nhân loại. Vì thế, nói về việc Chúa Giêsu đến không thể không nói tới Gioan. Vì thế, Gioan cũng là người chuẩn bị cho chúng ta có tâm hồn sẵn sàng và tốt đẹp để mừng lễ Giáng Sinh.

III. Noi gương Gioan Tẩy Giả, người tín hữu cũng phải giới thiệu và làm chứng về Chúa Giêsu

Tin Mừng hôm nay phải đi vào cuộc sống của người tín hữu bằng cách mỗi người hãy có cái nhìn đúng về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai. Ngài đến trong khiêm hạ, trong âm thầm của một hạt giống, của một nấm men, một hạt cải. Nước Trời không thuộc trần gian này. Qua lời giáo huấn và các phép lạ, Chúa Giêsu đã trình bày cho nhân loại một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ; bản thân Ngài là Đấng Mêsia cứu nhân độ thế. Đó là hình ảnh có sự cảm hoá và thuyết phục hơn hình ảnh Đấng Mêsia thẩm phán trừng phạt.

Vì thế, sau người chứng là Gioan Tẩy Giả là cả một loạt những người chứng khác xuất hiện nhờ tiếp cận với Đức Giêsu, cũng như Gioan Tẩy Giả, người tín hữu cũng là chứng nhân cho Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày. Họ cũng phải theo con đường từ bỏ là con đường mà Gioan Tẩy giả đã đi, để điều họ làm chứng trở nên đáng tin. Về điểm này, cha Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động: “Khi nhìn thấy ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó, nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.

Để chuẩn bị chờ đón Chúa đến đòi hỏi chúng ta luôn kiên vững trong niềm tin và trong tình bác ái huynh đệ, nỗ lực thực hiện giới luật yêu thương bằng những việc làm cụ thể, để làm vơi nhẹ đi những khổ đau, đem lại niềm vui hạnh phúc cho người khác, là dấu chứng thực sự tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, Đấng đã đến, đang đến và sẽ trở lại trong vinh quang.

Sống Mùa Vọng là sống như Gioan Tẩy Giả luôn biết sống khiêm nhường, không hiếu danh, cũng chẳng ganh tị, không kiêu ngạo, cũng chẳng cậy uy. Sống Mùa Vọng như Gioan Tẩy Giả là trong tâm ta phải rực sáng lửa yêu thương, trong trí ta phải vang lên tiếng gọi lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ; niềm vui giải thoát cho mọi người để hết mọi phàm nhân sẽ thấy trời mới đất mới và đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho