18/03/2017
426
Suy niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay A_ Lm Trầm Phúc



















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A

Lời Chúa: Ga 4,5-42

 

Chúa Giêsu có những hành động gây thắc mắc cho nhiều người. Câu chuyện Chúa Giêsu với người phụ nữ bên bờ giếng Giacob gây ngạc nhiên cho các môn đệ và cả người phụ nữ.

Chúa đi đường xa, trời trưa nắng, cái nắng thiêu người ở xứ Samari, Ngài ngồi nghỉ mệt bên bờ giếng Giacob – hữu ý hay vô tình? Một người phụ nữ Samari đến múc nước. Ngài gợi chuyện bằng cách xin nàng chút nước uống. Nàng ngạc nhiên: “Ông là người Do Thái mà xin tôi nước uống!” Chúng ta biết rằng, người Do Thái khinh thường người Samari, xem họ như những người lạc đạo, và người Samari cũng không ưa thích gì người Do Thái. Vì thế, khi Chúa ngỏ lời xin nước uống, người phụ nữ tỏ ra ngạc nhiên, vì người Do Thái không bao giờ có thể hạ mình như thế. Thế là câu chuyện bắt đầu.

Chúa gây ngạc nhiên cho nàng khi bảo rằng nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người xin chị cho chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống. Người phụ nữ càng ngạc nhiên hơn: “Ông không có gàu và giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” Chúa bắt đầu mạc khải cho nàng chính bản thân Ngài là Đấng ban cho nước hằng sống, nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.

Đối với người Do Thái, nước tượng trưng cho Lề Luật. Lề Luật thanh tẩy con người và làm cho con người được sống nhưng không là sự sống đời đời. Thánh Gioan nói: “Lề Luật do Môsê ban ra, nhưng ân sủng và chân lý là do Chúa Giêsu Kitô”. Chỉ có Chúa Kitô mới có những lời ban sự sống đời đời. Nghe nói đến nước mang lại sự sống đời đời, người phụ nữ mau mắn nài xin: “Xin cho tôi thứ nước đó để tôi khỏi khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Chúa Giêsu đòi hỏi một điều kiện: “Hãy gọi chồng chị đến đây”. Chúa biết người phụ nữ đó đang sống như thế nào, vì thế, Ngài buộc chị gọi chồng chị đến. Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa nói: “Chị nói tôi không có chồng là phải vì chị đã có năm đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị cũng không phải là chồng của chị”. Câu Chúa nói cho thấy, ai muốn nhận nước sự sống đời đời phải có một tâm hồn trong sạch, một đời sống chính trực. Chúa muốn cho người phụ nữ thấy cuộc sống của nàng chưa phù hợp với ơn Chúa. Cần phải tẩy sạch những gì ngăn trở ơn Chúa. Chúng ta cũng phải sòng phẳng trước mặt Chúa để ơn Chúa không bị cản trở. Lắm lúc, nhiều người đòi hỏi Chúa phải ban ơn này ơn khác cho mình mà không chấp nhận dọn đường cho Chúa, không đủ điều kiện để đón nhận ơn Chúa. Tâm hồn chúng ta chứa đầy những mơ mộng trần gian, không còn chỗ cho Chúa.

Người phụ nữ, sau khi đã thấy được tình trạng thê thảm của tâm hồn mình, đã bắt đầu mở ra cho một ánh sáng mới, nàng nhìn nhận Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ, nghĩ đến việc thờ phượng mà nàng luôn thắc mắc. Phải thờ phượng Chúa trên núi này hay ở Giêrusalem? Chúa Giêsu chỉ cho nàng thấy, thờ phượng Chúa không phải ở một nơi nào mà trong thần khí và sự thật. Thánh Phaolô đã nói: “Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần”, và sách Khải Huyền cũng cho thấy, Con Chiên là Đền thờ của Thành Thánh trên trời. Việc tôn thờ không còn lệ thuộc vào một nơi nào, mà trong mỗi tâm hồn. Đền thờ vật chất chỉ là nơi tập hợp dân Chúa mà thôi. Nếu chúng ta đến nhà thờ mà tâm hồn chúng ta vắng mặt, thì việc thờ phượng sẽ không có giá trị gì.

Sau cùng, Chúa Giêsu đã mạc khải cho người phụ nữ kia biết Ngài không chỉ là một ngôn sứ mà là Đấng Cứu Thế mà muôn dân đang trông đợi. Ngài đến để dạy chúng ta thờ phượng Cha trên trời trong tinh thần và chân lý, Ngài đến để ban nước hằng sống cho chúng ta.

Chúa Giêsu làm cho các môn đệ ngạc nhiên: ngạc nhiên thứ nhất, Ngài công khai nói chuyện với một phụ nữ và là một phụ nữ Samari. Luật Do Thái không cho phép người nam và người nữ nói chuyện với nhau nơi công cộng. Chúa Giêsu vượt hết mọi rào cản giữa người với người. Đối với Ngài, không còn phân biệt nam hay nữ, mỗi người là một linh hồn cần được cứu vớt. Thánh Phaolô cũng vậy, Ngài nói: trong Chúa Giêsu Kitô, không còn phân biệt, người Do Thái hay dân ngoại, người tự do hay nô lệ, người nam hay người nữ mà chúng ta là một”. Người phụ nữ kia phải được cứu vớt như mọi người. Ngài đã biến đổi nàng thành một người loan báo Đấng Cứu Thế cho người khác.

Ngạc nhiên thứ hai: khi các môn đệ mua đồ ăn về, mời Ngài dùng, Ngài bảo rằng Ngài có một thứ của ăn khác, đó là thánh ý của Cha Ngài. Một mạc khải cho các môn đệ Thánh ý của Cha Ngài quan trọng hơn của ăn. Nhiều lần, Ngài đã nói đến điều đó và sau này, trong cuộc tử nạn, khi mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, Ngài vẫn một mực khẳng định: không theo ý Con mà theo ý Cha. Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Của ăn của Ngài là thánh ý Cha. Có câu nói nào mạnh mẽ hơn không?

Chúng ta dám theo ý Chúa như Ngài không? Trong những lúc bị thử thách cam go, chúng ta dám khẳng định như Ngài không: không theo ý con mà theo ý Cha?

Trong Mùa Chay này, chúng ta cần định hướng lại cuộc sống chúng ta. Chúng ta không thể nào là một dân tộc cứng đầu như dân Do Thái, không thể nào làm nô lệ cho tội lỗi như thánh Phaolô đã nói. Phải trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ, là Thiên Chúa Tình Yêu. Qua lời các tiên tri, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta trở về với Ngài để được hạnh phúc vì chỉ có Ngài mới thực sự là hạnh phúc của chúng ta. Đừng tưởng mình đã thánh thiện đủ rồi, đừng tưởng mình không có tội. Hãy nhìn lại tâm hồn của mình một cách khiêm tốn và nhìn nhận sự thật của chính mình. Chúng ta chưa tốt đẹp lắm đâu!

Hãy thật lòng lắng nghe lời Chúa, như người nữ Samari kia, và thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý. Đừng ảo tưởng rằng tôi không cần phải hồi tâm ăn năn.

Chúa Giêsu đến ban cho chúng ta nguồn nước sự sống, chính Ngài là sự thật và là sự sống. Phải đến với Ngài thôi, vì chỉ có Ngài mới có những lời ban sự sống đời đời. Ngài còn ban cho chúng ta một hồng ân quí báu hơn đó là Mình Thánh Ngài làm của ăn. Phải ăn lấy Ngài để sống trong Ngài, chúng ta mới có can đảm vâng theo ý Cha như Ngài và đó là con đường hạnh phúc duy nhất.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho