23/09/2016
542
Suy Niệm Chúa Nhật 26 TN năm C_Lm Trầm Phúc















GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 26 thường niên năm C

Lời Chúa: Lc 16,19-31

 

Dụ ngôn người giàu và anh nghèo Ladarô là một minh họa những gì Chúa nói về việc sử dụng tiền của: “Không ai làm tôi hai chủ… không ai có thể cùng một lúc làm tôi Thiên Chúa và tiền của được”.

Dụ ngôn trình bày cho chúng ta hai khuôn mặt, hai hạng người, là những khuôn mặt chúng ta thấy hằng ngày trước mắt chúng ta, và cũng có thể là khuôn mặt của mỗi người chúng ta.

Dụ ngôn này quá quen thuộc đối với chúng ta, vì thế chúng ta không mấy chú ý. Những gì quen thuộc dễ bị lãng quên. Nhưng hôm nay, chúng ta hãy dừng lại một vài giây phút để xem Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay qua dụ ngôn này.

Chúng ta làm tôi tiền của hay làm tôi Thiên Chúa? Chúng ta có phải là đại gia chỉ lo hưởng thụ hay là người nghèo chỉ biết sống với cái cặn cái thừa của người giàu mà tâm hồn lại cao cả?

Dụ ngôn này chính là bức tranh của xã hội chúng ta đang sống. Người giàu chỉ biết vun vít tiền bạc, hưởng thụ ích kỷ, không nghĩ đến những người anh em bất hạnh, nghèo khổ trước mắt mình. Thế giới hôm nay với những khám phá khoa học, đã khám phá ra tất cả những gì có thể phục vụ con người trong mọi lãnh vực, nhưng đồng thời cũng tìm ra đủ mọi thứ để hưởng lạc tối đa. Người giàu phung phí không tiếc tiền còn người nghèo lại đói rách lang thang, bươi những đống rác để kiếm sống.

Chúa Giêsu không nói người giàu có tội gì, chỉ nói ngắn gọn là khi chết, anh xuống hỏa ngục. Chúa cũng không nói anh Ladarô kia đã làm được gì để được ngồi vào lòng ông Abraham và được hạnh phúc. Chúa để mở ngỏ cho chúng ta suy nghĩ.

Người giàu chỉ biết lo cho bản thân mà không chú ý đến người anh em nghèo khổ. Anh không biết rằng những gì anh có đều là hồng ân của Chúa. Anh không biết chia sẻ với người anh em bần cùng của mình. Không phải giết người cướp của mới đáng tội. Chỉ cần chúng ta vô tâm trước sự khốn khổ của người anh em, thì cũng bị lên án rồi. Dụ ngôn này đã nói quá rõ về vấn đề đó.

Anh Ladarô nghèo kia đã làm gì để được hạnh phúc? Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu nói đến một cái tên là Ladarô, có nghĩa là Thiên Chúa giúp. Và Chúa cũng không nói anh đã làm nên công trạng gì, chỉ nói rằng anh sống nhờ những gì cặn thừa của những người giàu. Thời bấy giờ người ta không xài khăn ăn mà dùng một miếng bánh mì để lau tay và lau miệng, xong rồi thì vất xuống đất. Anh nghèo lượm những miếng bánh vụn đó để ăn cho đỡ đói. Không ai để ý đến cảnh khổ của anh. Người ta vui cười, uống rượu, đùa cợt với nhau. Chỉ có mấy con chó trong nhà đến liếm giùm ghẻ chốc của anh nghèo thôi. Chúa Giêsu chú ý đến mấy con chó. Tại sao? Có lẽ Chúa cũng hữu ý đưa ra một so sánh: lòng dạ của người giàu còn thua con chó.

Rồi mọi sự phải đến thời kết thúc. Anh Ladarô chết và được các thiên thần đem vào lòng ông Abraham và được hạnh phúc. Người giàu cũng chết và người ta đem chôn.

Bức tranh đổi hẳn màu sắc. Phần đầu mọi sự được diễn biến ở trần gian, phần cuối mọi sự đều thuộc về một thế giới khác. Anh Ladarô là người nghèo theo nghĩa Kinh Thánh là người nghèo của Thiên Chúa, là người đạo đức chỉ trông chờ vào lòng thương của Chúa thôi. Đức Mẹ và thánh Giuse cũng được xem là những người nghèo của Thiên Chúa theo nghĩa này. Anh nghèo chấp nhận thân phận của mình một cách thanh thản. Anh không lo tiền của, không hưởng thụ. Điều này cho chúng ta thấy, những khổ cực đời này có một giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô cũng công nhận như thế: “Những khổ cực đời này sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta!”

Người giàu chịu cực hình trong âm  phủ, ngước mắt lên thấy Ladarô hạnh phúc trong lòng Abraham đã van xin: “Lạy cha Abraham, xin sai Ladarô nhỏ cho con một giọt nước thôi…” Nhưng Abraham đã cho thấy, bây giờ không có liên lạc nào giữa đó với đây vì đã có một vực sâu không thể qua được và ở trần gian con đã hưởng mọi sự sung sướng rồi, còn Ladarô gặp toàn bất hạnh, hôm nay anh được hạnh phúc, đó là công bằng”.

Vực sâu mà Abraham nói đến là do chính chúng ta tạo ra bằng sự vô tâm ích kỷ, bằng nếp sống hưởng thụ xa hoa mà không biết yêu thương. Anh nhà giàu lại van xin Abraham cho Ladarô hiện về cảnh báo mấy anh em mình cũng giàu có xa hoa như mình. Nhưng Abraham khẳng định: “Họ có Abraham và các tiên tri dạy rồi. Nếu họ không nghe lời Abraham và các tiên tri thì dù kẻ chết hiện về họ cũng không nghe đâu”. Một lời cảnh báo thật nghiêm ngặt cho mọi người chúng ta. Nếu chúng ta sống hưởng thụ, để cho đồng tiền làm mờ mắt và con tim chúng ta chai lì, thì không có gì có thể hoán cải chúng ta được.

Chúng ta có lời Chúa, có giáo huấn của Giáo Hội soi đường. Nếu chúng ta không nghe lời Chúa và Giáo Hội thì cái gì có thể lay chuyển được chúng ta? Thánh Phaolô đã căn dặn đệ tử của ngài là ông Timôthê: “Hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, nhẫn nại và hiền hòa”. Chúng ta được dựng nên để sống thánh thiện chứ không để làm nô lệ cho xác thịt. Hãy mặc lấy khí giới của sự sáng… Hãy sống tinh tuyền không chi đáng trách cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta xuất hiện”. Cuộc chiến của chúng ta chỉ chấm dứt khi chúng ta trở về với Chúa. Nhưng chúng ta không đơn độc. Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến gay go này. Lời Ngài ở trong tầm tay chúng ta, Thịt Máu Ngài vẫn là lương thực giúp chúng ta vững vàng bước tới. Còn gì an ủi cho bằng khi chúng ta được quyền ăn lấy Chúa, chiếm hữu lấy Ngài ngay từ đời này! Nhờ đó, chúng ta cứ tin cậy dù con người xác thịt của chúng ta yếu đuối và dễ mệt mỏi, dù thế gian vẫn là cám dỗ và xác thịt chúng ta nặng nề.

Lời Chúa và Mình Thánh Chúa vẫn là hai thứ lương thực không bao giờ thiếu, Hãy vững tin vì tình yêu của Chúa bền vững muôn năm.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho